Du Thản Chi là con trai của Du Ký, một trong hai thành viên của Du Thị Song Hùng – chủ nhân của Tụ Hiền Trang. Lúc còn nhỏ thân thể yếu đuối nên Du Thản Chi học võ công chẳng được bao nhiêu.
Khi lớn lên Du Thản Chi đã trải qua nhiều biến cố bi thương, bắt đầu từ khi Tiêu Phong, lúc đó còn gọi là Kiều Phong, đại náo Tụ Hiền trang, gián tiếp dẫn đến cái chết của gia đình Du Thản Chi.
Du Thản Chi tình cờ có được Dịch Cân Kinh
Sau khi gia đình tan nát, Du Thản Chi lưu lạc khắp nơi, mang trong mình ý chí báo thù mãnh liệt. Trong hành trình đó, anh vô tình rơi vào tay người Khiết Đan và có cơ hội ám sát Tiêu Phong, người lúc này trở thành Nam Viện Đại Vương nước Liêu. Tuy nhiên, ý định của anh thất bại, và tại đây, anh nhặt được một quyển bí kíp mà Tiêu Phong đánh rơi – tưởng rằng là võ công bí truyền của Tiêu Phong, nhưng thực chất đó chỉ là một phần của Dịch Cân Kinh, một bí kíp võ công nổi tiếng của Thiếu Lâm tự.
A Châu đã đột nhập Thiếu Lâm tự trộm bí kíp võ công để giúp Mộ Dung Phục, nàng đã lấy trộm được bản sao tiếng Phạn của Dịch Cân Kinh, sau vì yêu Tiêu Phong nên đã giao cho chàng.
Những điểm bất hợp lý
Theo phiên bản ban đầu của tiểu thuyết, Du Thản Chi luyện được Dịch Cân Kinh từ quyển bí kíp nhặt được ở chỗ Tiêu Phong và trở thành một cao thủ. Tuy nhiên, Du Thản Chi vẫn không đủ sức để đánh bại Tiêu Phong trong lần gặp lại tại Thiếu Lâm tự. Điều này khiến độc giả thắc mắc, bởi Dịch Cân Kinh là một tuyệt kỹ của Phật môn của Thiếu Lâm tự, và người luyện thành công đều đạt đến cảnh giới võ học cao nhất. Do đó, việc Du Thản Chi dù luyện được Dịch Cân Kinh nhưng vẫn thất bại trước Tiêu Phong đã gây ra sự mâu thuẫn trong cốt truyện.
Mộ Dung Bác – một cao thủ, am hiểu nhiều loại võ học trong võ lầm từng nói rằng, Dịch Cân Kinh là môn võ công mạnh nhất trong thiên hạ.
Nhận thấy sự bất hợp lý này, trong lần sửa đổi gần nhất của tiểu thuyết, nhà văn Kim Dung đã thay đổi chi tiết này. Thay vì luyện Dịch Cân Kinh, Du Thản Chi thực chất đã luyện Du Già Công (hau Du Gìa Thuật), còn gọi là Yoga, một môn võ công có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Con đường võ học đầy bi kịch
Du Thản Chi không phải là một thiên tài võ học, cũng không có điều kiện để được truyền thụ một cách bài bản. Y học được võ đỉnh cao trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thậm chí còn bị tra tấn và thử nghiệm độc dược từ A Tử. Tuy nhiên, chính điều này đã vô tình giúp Du Thản Chi luyện được Du Già Công.
Khiến Du Thản Chi vừa mang nội công thâm hậu vừa có khả năng vạn độc bất xâm nhờ hấp thụ chất độc của Băng Tằm ngàn năm. Nhờ những yếu tố này, Du Thản Chi đã vươn lên trở thành Bang chủ đời thứ 9 của Cái Bang, dù vậy cuối cùng số phận chàng vẫn chìm trong bi kịch khi thù nhà không trả được và chức vị bang chủ bị tước đoạt, ngay cả người con gái Du Thản Chi theo đuổi cả đời và tặng nàng cả đôi mắt cuối cùng cũng vẫn không có được.
Việc thay đổi làm cho câu chuyện trở nên hợp lý
Việc Kim Dung thay đổi chi tiết thay vì luyện Dịch Cân Kinh, Du Thản Chi chỉ luyện được Du Già Công, một môn võ công có nguồn gốc từ Ấn Độ không chỉ giúp câu chuyện trở nên logic hơn mà còn phản ánh rõ hơn tính cách u tối và con đường đầy khổ đau của Du Thản Chi.
Du Già Công, mặc dù cũng là một loại võ công lợi hại, nhưng không thể sánh ngang với Dịch Cân Kinh. Điều này hợp lý hóa việc Du Thản Chi không thể đánh bại Tiêu Phong, đồng thời cũng làm nổi bật sự bi kịch trong cuộc đời anh – luôn ở trong bóng tối, luôn theo đuổi một mục tiêu không bao giờ đạt được, và cuối cùng chìm đắm trong sự tuyệt vọng và bi thương.
Thay đổi này đã giúp câu chuyện của Du Thản Chi trở nên chân thực và sâu sắc hơn, khiến nhân vật này trở thành một trong những hình tượng bi kịch đặc sắc trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung.
* Bài viết theo quan điểm của tác giả!