Tiếu ngạo giang hồ được coi là một trong những tiểu thuyết kiếm hiệp đặc sắc nhất của cố nhà văn Kim Dung, với nhiều thành công về nội dung, cốt truyện, thủ pháp văn học. Tiếu ngạo giang hồ đã có một hệ thống các môn phái phong phú với nhiều nhân vật điển hình để lại nhiều ấn tượng cho người đọc.
Cảnh trong phim Tiếu ngạo giang hồ 2001.
Trong Tiếu ngạo giang hồ khi quần hùng tụ tập tại Thiếu Lâm tự để đối phó 3 cao thủ của Nhật Nguyệt thần giáo (tà phái) gồm có Nhậm Ngã Hành, Nhậm Doanh Doanh và Hướng Vấn Thiên, cán cân lực lượng nghiêng hẳn về bên phe chính phái, thế nhưng Phương Chứng đại sư (có bản dịch là Phương Chấn đại sư) chỉ đưa ra yêu cầu hai bên tỷ thí võ công 3 hiệp, nếu chính phái thắng thì tạm giam 3 vị đó 10 năm trên thiếu lâm để tạo phúc cho võ lâm đồng đạo, còn thua thì sẽ để 3 vị đó an toàn xuống núi.
Tại cuộc đấu ở chùa Thiếu Lâm này khi Tả Lãnh Thiền đối đầu với Nhậm Ngã Hành, y đã dùng Hàn băng chưởng (hay Hàn băng chân khí) và hóa giải thành công Hấp tinh đại pháp của Nhậm Ngã Hành, khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc, bởi trước đó Tả Lãnh Thiền từng bại dưới Hấp tinh đại pháp của Nhậm Ngã Hành.
Hàn băng chưởng là một môn võ công do Tả Lãnh Thiền chưởng môn phái Tung Sơn sáng tạo. Môn võ công này dựa vào phối hợp với hàn băng chân khí mà sử dụng có tác dụng dùng hàn băng kình đánh vào thân thể và kinh mạch đối thủ làm đóng băng kinh mạch đối thủ.
Tả Lãnh Thiền trong phim Tiếu ngạo giang hồ 2001.
Tả Lãnh Thiền sáng tạo môn võ công này là vì muốn khắc chế Hấp tinh đại pháp của Nhậm Ngã Hành. Năm xưa, Tả Lãnh Thiền bại trong tay Giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo Nhậm Ngã Hành, trong lòng không phục, vì lẽ đó Tả Lãnh Thiền dành nhiều năm nghiên cứu và khổ luyện, rốt cục sáng chế Hàn băng chân khí khắc chế Hấp tinh đại pháp.
Còn về Hấp tinh đại pháp, đây là một môn công phu tu luyện nội lực do Nhậm Ngã Hành là giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo sáng tạo ra. Sau khi luyện xong có thể "hút nội lực của đối phương vào chính bản thân mình". Yếu quyết để luyện môn công phu này là trước tiên phải tự hóa tán công lực của bản thân: "Huyệt Ðan điền như cái rương trống rỗng, lại giống như hang sâu. Rương rỗng có thể đựng đồ, hang sâu có thể chứa nước.
Nếu có nội tức thì phải tán ra những huyệt ở Nhâm mạch". Yếu quyết này đi ngược lại với phép tu luyện nội công thông thường: "Nguyên tắc căn bản của luyện nội công là phải ngưng tụ chân khí đầy rẫy trong huyệt Ðan điền. Nội tức ở huyệt Ðan điền đầy rẫy chừng nào thì nội lực thâm hậu chừng ấy".
Nhậm Ngã Hành trong phim Tiếu ngạo giang hồ 2001.
Nhược điểm của Hấp tinh đại pháp là tuy thu hút nội lực của đối phương vào bản thân, nhưng những luồng chân khí đó không cùng nguồn gốc, không thể dung hòa với nhau, ngược lại còn xung đột lẫn nhau trong kỳ kinh bát mạch. Mỗi lần phát tác đều khiến cho người luyện đau đớn khổ sở như bị tẩu hỏa nhập ma. Lần sau càng nghiêm trọng hơn lần trước.
Cũng chính vì điểm này mà Nhậm Ngã Hành sau này đã đột tử do chính những luồng chân khí mà y đã thu thập trong đời. Lệnh Hồ Xung suýt đi theo vết xe đổ của Nhậm Ngã Hành, nhưng may mắn hơn vì được Phương Chứng đại sư truyền thụ bộ nội công Phật môn thượng thừa là Dịch cân kinh, có thể hóa giải được những luồng chân khí dị chủng trong người.
Hấp tinh đại pháp đấu Hàn băng chưởng