Huyền minh thần chưởng
Huyền minh nhị lão luôn đi theo bảo vệ Triệu Mẫn. (Ỷ thiên đồ long ký bản 2003).
Xuất hiện trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký, Huyền minh thần chưởng là công phu được Bách Tổn đạo nhân sử dụng, được cho là đã thất truyền, nhưng lại xuất hiện hai người có khả năng sử dụng là Hạc Bút Ông và Lộc Trượng Khách, đây là cặp huynh đệ nổi tiếng trong giới giang hồ với biệt hiệu Huyền Minh nhị lão, 1 hắc 1 bạch nổi tiếng với võ công Huyền minh thần chưởng.
Huyền minh thần chưởng được xem là môn võ công âm hàn độc địa nhất trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung. Người trúng chưởng bị dấu vết của chưởng lực màu đen sẫm in trên người, lạnh buốt toàn thân, độc tính dần lan vào ngũ tạng, không thuốc gì chữa được.
Muốn chữa Huyền minh thần chưởng chỉ có một cách duy nhất là luyện toàn bộ nội công trong Cửu dương chân kinh.
Huyền minh nhị lão từng đánh bại mọi cao thủ của Trung Nguyên, tuy nhiên đối mặt với Trương Vô Kỵ thì hai người này chỉ bị thất bại khi trúng kế ly gián khích bác của Triệu Mẫn khiến hai người nghi kỵ lẫn nhau giúp Trương Vô Kỵ có thể vận dụng Càn khôn đại na di khiến Hạc Bút Ông đánh trúng vai Lộc Trượng Khách và Lộc Trượng Khách giận không để đâu cho hết đánh ngược lại một chưởng gãy răng Hạc Bút Ông và giành phần thắng.
Hóa cốt miên chưởng
Xuất hiện trong tác phẩm Lộc đỉnh ký, Hóa cốt miên chưởng được cố nhà văn Kim Dung mô tả, là một loại võ công âm độc khó luyện. Điểm đặc biệt là ngoài nhu trong cương, chú trọng vào việc bộc phát kình lực, thủ pháp dựa vào chưởng là trọng tâm, vận chuyển tinh giản nhưng liên miên bất tuyệt. Bên trong kình lực ẩn chứa cương kình, bên ngoài lại biểu hiện là nhu kình.
Một khi bị Hóa cốt miên chưởng đánh trúng thì sẽ chết ngay, tuy nhiên sau đó xương cốt toàn thân sẽ bị gãy vụn từng đoạn, mục nát, tạng phủ tan nát, thê thảm vô cùng, không cách nào cứu chữa được. Nạn nhân trúng chưởng có chết ngay hay không tùy thuộc vào nội công, kình lực và ngoại lực phát ra của người xuất chưởng.
Hải Đại Phú là người có võ công thâm hậu.
Với Hóa cốt miên chưởng, Tô Thuyên đã đánh ngang ngửa với Thất bộ truy hồn cương thi chưởng của thái giám Hải Đại Phú, một người có võ công thâm hậu, trong triều ngoài Ngao Bái ra khó có ai có thể địch nổi.
Trong truyện Lộc đỉnh ký, Hóa cốt miên chưởng đã lấy mạng Hiếu Khang Trương hoàng hậu, Vinh Thân vương, Hiếu Hiến Đoan Kính hoàng hậu, Đổng Ngạc phi, Tĩnh phi.
Hóa công đại pháp
Đinh Xuân Thu sáng tạo ra Hóa công đại pháp.
Hóa công đại pháp là một môn nội công trong truyện Thiên long bát bộ, khởi nguồn từ Bắc minh thần công. Hóa công đại pháp được sáng tạo bởi Đinh Xuân Thu, bộ võ công này có mục đích là làm suy yếu nội lực của đối phương nhưng không thể đem nội lực của đối phương để cho bản thân sử dụng.
Nguyên lý của môn võ công này là hút chất độc từ các loài độc vật vào cơ thể sau đó đánh vào cơ thể của đối thủ để hóa giải đi nội công của đối thủ. Bộ võ công này khuyết điểm là phải hút chất độc hằng ngày để luyện công và cần dùng Thần Mộc Vương Đỉnh để luyện công. Đây cũng là nguyên nhân khi A Tử đánh cắp Thần Mộc Vương Đỉnh khiến cho Đinh Xuân Thu từ Tinh Túc phải trở về Trung nguyên.
Ngoài ra, Hóa công đại pháp khi phát công, đánh vào cơ thể của đối thủ mà không được thì sẽ bị chất độc từ chưởng pháp của mình đả thượng lại, chính vì vậy khi Đinh Xuân Thu đấu chưởng với Trang Tụ Hiền không được đã phải đánh vào người đệ tử để truyền chất độc đó sang người vị đồ đệ này.
Cửu âm bạch cốt trảo
Xuất hiện trong tác phẩm Anh hùng xạ điêu, Cửu âm bạch cốt trảo nguyên có tên là Cửu âm thần trảo, khi Chu Bá Thông truyền thụ cho Quách Tĩnh Cửu âm thần trảo đã giải thích, khi luyện Cửu âm thần trảo thì chỉ dùng tay đánh vào vách đá để luyện tập, nhưng do Mai Siêu Phong cùng sư huynh Trần Huyền Phong ăn cắp được nửa quyển hạ Cửu âm chân kinh, sau đó tập luyện theo mà không hiểu yếu chỉ đạo gia trong khẩu quyết võ công nên khi luyện dùng tay đánh vào sọ người sống, khi luyện tập thường chất rất nhiều sọ người xung quanh nơi mình tập, từ đó được giới giang hồ gọi là Cửu âm bạch cốt trảo.
Tạo hình Mai Siêu Phong trong phim Anh hùng xạ điêu 2017.
Quyển hạ Cửu âm chân kinh viết: "Năm ngón phát kình, không gì cứng không phá được, chụp vào đầu óc như xuyên vào đậu hũ".
Câu "Chụp vào đầu óc" ý là tấn công vào chỗ yếu hại của địch nhân, Mai Siêu Phong lại tưởng là phải chụp vào đầu người thật nên lúc luyện công cũng theo đó mà làm.
Như vậy, ban đầu tôn chỉ của bộ Cửu âm chân kinh vốn là đường lối học theo tự nhiên của Ðạo gia, xua quỷ trừ tà để trường sinh dưỡng mệnh, tuy nhiên chỉ một ý hiểu lầm đã biến thành Cửu âm bạch cốt trảo rất hung ác, tàn nhẫn.
Cũng chính sự nhầm lẫn này khiến Cửu âm bạch cốt trảo trở thành một trong những món công phu được xếp vào loại "dị" bậc nhất trong các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung.
Hấp tinh đại pháp
Hấp tinh đại pháp là một môn võ công được nhắc đến trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu ngạo giang hồ. Cùng với Bắc minh thần công trong tác phẩm Thiên long bát bộ, Hấp tinh đại pháp được xem là một trong những môn võ bị người trong võ lâm ghét nhất bởi bản chất thâm độc của loại võ công này là ăn cắp nội lực của người khác. Người sáng chế và sử dụng môn võ công Hấp tinh đại pháp là Giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo Nhậm Ngã Hành. Sau này chỉ có duy nhất Lệnh Hồ Xung có cơ duyên học được.
Nhậm Ngã Hành là Giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo.
Hấp tinh đại pháp là một môn công phu tu luyện nội lực, sau khi luyện xong có thể "hút nội lực của đối phương vào chính bản thân mình". Yếu quyết để luyện môn công phu này là trước tiên phải tự hóa tán công lực của bản thân: "Huyệt Ðan điền như cái rương trống rỗng, lại giống như hang sâu. Rương rỗng có thể đựng đồ, hang sâu có thể chứa nước.
Nếu có nội tức thì phải tán ra những huyệt ở Nhâm mạch". Yếu quyết này đi ngược lại với phép tu luyện nội công thông thường: "Nguyên tắc căn bản của luyện nội công là phải ngưng tụ chân khí đầy rẫy trong huyệt Ðan điền. Nội tức ở huyệt Ðan điền đầy rẫy chừng nào thì nội lực thâm hậu chừng ấy".
Hấp tinh đại pháp có một nhược điểm là tuy thu hút nội lực của đối phương vào bản thân, nhưng những luồng chân khí đó không cùng nguồn gốc, không thể dung hòa với nhau, ngược lại còn xung đột lẫn nhau trong kỳ kinh bát mạch. Mỗi lần phát tác đều khiến cho người luyện đau đớn khổ sở như bị tẩu hỏa nhập ma. Lần sau càng nghiêm trọng hơn lần trước.
Cũng chính vì điểm này mà Nhậm Ngã Hành sau này đã đột tử do chính những luồng chân khí mà y đã thu thập trong đời. Lệnh Hồ Xung suýt đi theo vết xe đổ của Nhậm Ngã Hành, nhưng may mắn hơn vì được Phương Chứng đại sư truyền thụ bộ nội công Phật môn thượng thừa là Dịch cân kinh, có thể hóa giải được những luồng chân khí dị chủng trong người.