Không phải một tác phẩm thương mại được quảng bá rầm rộ, bộ phim Đào, phở và piano đang bất ngờ gây sốt khắp mạng xã hội dù có suất chiếu hạn chế (chỉ khoảng 20 suất mỗi ngày). Dự án được đạo diễn và viết kịch bản bởi NSƯT Phi Tiến Sơn, do nhà nước đầu tư với mức kinh phí 20 tỷ đồng, quy tụ các diễn viên như Doãn Quốc Đam, Trần Lực, Tuấn Hưng... Nhân dịp này, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã có những chia sẻ với chúng tôi về thành công bất ngờ của bộ phim.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Ý tưởng kịch bản Đào, phở và piano đến với ông như thế nào? Đạo diễn đã mất bao nhiêu thời gian ấp ủ và hoàn thiện kịch bản này?
Mọi chuyện bắt đầu tình cờ như thế này, nhà tôi ở Hà Nội có bức tường cổ nâu đỏ sẫm màu thời gian, chắc cũng đã tồn tại từ hàng trăm năm nay. Ngày nào cũng đi ngang qua, rồi một lần tôi chợt tự hỏi: Tại sao mình không làm một phim về phố cổ Hà Nội - mảnh đất tôi được sinh ra và lớn lên.
Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu tôi từ hơn chục năm nay. Hiếm có nơi nào lúc nào có một trang sử đặc biệt, bi hùng như Hà Nội năm 1946, khi người dân dựng chiến lũy dàn trận nghênh chiến quân xâm lược Pháp. Ý tưởng này cứ hình thành dần, thần thái các nhân vật rõ lên…
Đạo diễn Phi Tiến Sơn và nữ chính Cao Thùy Linh.
Cảm xúc đầu tiên của ông sau khi biết tin nhiều khán giả phải xếp hàng để chờ mua vé Đào, phở và piano?
Cảm xúc đầu tiên tất nhiên là vui mừng. Không chỉ riêng tôi, cả ekip, các diễn viên, hãng sản xuất ai cũng mừng vì tác phẩm được khán giả đón nhận nhiệt tình như vậy.
Theo ông, điều gì đã giúp Đào, phở và piano trở thành hiện tượng, được khán giả cả nước săn đón?
Theo tôi, sức hấp dẫn đến từ câu chuyện phim về sự kiện lịch sử đã gần 80 năm, nói về những con người dung dị gần gũi, tử tế, cao thượng và đẹp nữa. Cái đẹp luôn là đích đến của con người. Một yếu tố khác có thể là sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ hiện nay với lịch sử, truyền thống dân tộc.
Bên cạnh những lời khen, một số ý kiến nhận định chất lượng phim Đào, phở và piano chưa thuyết phục, còn “sạn” trong cả khâu hình ảnh và nội dung. Ông đón nhận những ý kiến này thế nào?
Tôi đón nhận và tán đồng với ý kiến trái chiều đó. Bộ phim ra rạp là cơ hội để chúng tôi tiếp cận với khán giả, hiểu khả năng của mình và nhu cầu của người xem. Tôi và ekip cảm ơn đóng góp bổ ích của khán giả.
Ca sĩ Tuấn Hưng chia sẻ bất ngờ khi được ông gọi trực tiếp mời đóng phim. Ông có thể chia sẻ lý do chọn nam ca sĩ cho vai diễn này?
Theo tôi, Tuấn Hưng là một trong những người có cá tính Hà Nội điển hình. Thêm nữa, anh ấy rất thiện chí, sẵn sàng cống hiến cho dự án về Hà Nội này.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn trong một phân cảnh cùng ca sĩ Tuấn Hưng.
Đào, phở và piano dành nhiều chi phí cho khâu bối cảnh, kỹ xảo. Vậy để mời những ngôi sao như Tuấn Hưng, Doãn Quốc Đam có tốn kém không?
Khi xem phim, chắc các bạn cũng thấy một phần rất lớn kinh phí sản xuất Đào, phở và piano được dành cho việc xây dựng bối cảnh, đạo cụ, phục trang… Và các diễn viên cũng hiểu điều đó nên khi nhận lời tham gia trên tinh thần rất hỗ trợ. Đặc biệt, tôi được biết trong dàn diễn viên còn có Tuấn Hưng đã từ chối nhận cát-xê của dự án này.
Nhiều người cho rằng thành công của Đào, phở và piano đập tan suy nghĩ phim Nhà nước làm ra chỉ để “cất kho”. Những tác phẩm với đề tài lịch sử, chiến tranh vẫn có thể thu hút công chúng nếu có chất lượng tốt, có kế hoạch phát hành và quảng bá hợp lý. Ông nghĩ sao về những quan điểm này?
Bên cạnh Đào, phở và piano, tôi được biết còn có bộ phim Hồng Hà nữ sĩ và một số phim tài liệu, hoạt hình khác cũng được thí điểm phát hành tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia dịp tết Nguyên đán vừa qua. Hy vọng sau lần thí điểm này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ rút kinh nghiệm trong việc tổ chức sản xuất và quảng bá phim.
Phim đề tài lịch sử luôn có sức hút đặc biệt, nhưng sản xuất dòng phim này tốn kém, phức tạp và dễ đụng chạm. Tôi nghĩ quan trọng nhất là cái tâm của người làm phim, và điều cốt lõi là “tôn vinh tổ tiên”.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn trực tiếp sắp đặt bối cảnh trên trường quay.
Nhiều khán giả cũng so sánh cơn sốt của Đào, phở và piano với Mai của đạo diễn Trấn Thành. Theo ông, nếu được phát hành rộng rãi thì bộ phim có khả năng cạnh tranh với Mai tại phòng vé hay không?
Tôi không rành về khâu phát hành phim nhưng biết đó cũng là một nghệ thuật. Tôi ủng hộ việc có thêm nhiều bộ phim Việt được phát hành trên hệ thống chiếu bóng, ngày càng lấn tới và áp đảo được phim nhập ngoại thì càng tuyệt. Tết này, tôi không ở nhà nên chưa xem được phim của Trấn Thành. Nhưng tôi biết anh ấy thông minh, giàu cảm xúc, có vốn sống phong phú và tin Mai là bộ phim tốt.