Tam quốc cuối thời Đông Hán Trung Quốc là thời đại anh hùng, để lại kho tàng tài liệu và sự kiện lịch sử đồ sộ cho hậu thế. Ở thời kỳ này, tướng lĩnh võ công cao siêu đếm không xuể, thần xạ thủ sở hữu kỹ thuật bắn cung siêu phàm cũng có không ít. Trong đó, Hoàng Trung là vị hổ tướng dũng mãnh, khí chất dẫn đầu tam quân, đặc biệt ông có tài bắn cung thiện nghệ và được Lưu Bị hết sức coi trọng.
Quan Vân Trường tha chết, đầu quân cho Lưu Bị
Những người theo dõi “Tam quốc diễn nghĩa” chắc chắn quen thuộc với sự kiện Hoàng Trung sử dụng cung tên “tha” Quan Vũ một mạng. Đây chính là bước ngoặt lớn khiến cho ông về “đầu quân”’ cho Lưu Bị. Trong “Tam quốc diễn nghĩa 1994”, sự kiện này được khắc hoạ rõ nét. Lưu Bị mến mộ tài năng của lão tướng Hoàng Trung, nhiều lần ngỏ ý muốn mời nhưng vị tướng này nhất định không theo. Trận chiến giữa Quan Công và Hoàng Trung đã mở ra cơ hội cho Lưu Bị có được lão tướng dũng mãnh sức địch muôn người.
Khi đó, Lưu Bị chiếm cứ Hình Châu, lệnh cho Quan Vũ tiến công đánh địa điểm khác. Hoàng Trung được lệnh cưỡi ngựa dẫn đầu bộ binh nghênh chiến với Quan Vũ. Không may Hoàng Trung thất bại, cứ nghĩ rằng Quan Vũ sẽ giết mình nhưng lại được tha một mạng. Lần giao chiến hôm sau, Hoàng Trung đã cẩn thận hơn. Vốn có thể giết chết Quan Vũ bằng cung trên tay nhưng nghĩ lại ơn tha mạng hôm qua, Hoàng Trung đã trả lại ơn nghĩa của Quan Vũ bằng cách cố tình bắn vào mũ giáp, chứ không phải chỗ chí mạng khác.
Khoảng cách giữa Hoàng Trung và Quan Vũ trên cầu phỏng chừng nhiều nhất là mấy chục mét. Đỉnh mũ giáp còn nhỏ hơn cả kích tiểu chi trên thanh kích, độ khó lớn hơn trong trường hợp Lữ Bố “Viên môn xạ kích”. Hoàng Trung đã bắn trúng đỉnh mũ giáp khi Quan Vũ đang di chuyển trên ngựa. Mục tiêu di chuyển khó khăn hơn nhiều so với thanh kích cố định. Do đó, kỹ năng bắn cung của Hoàng Trung trong "Tam quốc diễn nghĩa" thậm chí còn được đánh giá là tốt hơn cả Lữ Bố.
Cảnh Hoàng Trung (Vương Hồng Đào) bắn vào mũ giáp, tha mạng cho Quan Vũ trong "Tam quốc diễn nghĩa 1994"
Cũng bởi lý do trên, Hoàng Trung bị nghi có thông đồng với Quan Vũ nên bị ra lệnh chém đầu, nhưng ông được Ngụy Diên cướp pháp trường cứu sống. Trước biến cố đó, Lưu Bị, Quan Vũ nhiều lần gặp thuyết phục Hoàng Trung, cuối cùng vị tướng già đã đồng ý theo nhà Thục.
Người đóng vai tướng quân Hoàng Trung trong "Tam quốc diễn nghĩa 1996" là diễn viên Vương Hồng Đào. Sự nghiệp diễn xuất của ông chỉ bắt đầu khi đã có tuổi. Lúc đóng phim này, nam diễn viên họ Vương đã ngoài 50 tuổi. Nhân vật Hoàng Trung là nhân vật đầu tiên mà ông đóng trong sự nghiệp phim ảnh. Hiện tại, Vương Hồng Đao sống an nhàn hưởng thụ tuổi già ở nhà.
Tài bắn cung “bách phát bách trúng”
Bên cạnh tài năng bắn cung, Hoàng Trung còn được biết đến với khả năng sử dụng giáo một cách thành thạo. Với tài năng xuất chúng cùng sự chiến đấu dũng cảm và thông minh, ông đã góp phần quan trọng trong chiến thắng đánh quân Tào ở núi Định Quân trong lần đầu ra mắt nhà Thục vào năm 219. Sau chiến công xuất sắc này, Hoàng Trung được Lưu Bị phong làm Hậu tướng quân và ban tước Quan Nội Hầu.
Hoàng Trung góp phần quan trọng trong các trận chiến thắng của nhà Thục.
Hoàng Trung là một trong Ngũ hổ tướng của nhà Thục, gồm có Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu. Trong trận chiến đánh Đông Ngô năm 220, ông dẫn quân đến Di Lăng để nghênh chiến quân Ngô. Trong cuộc gặp gỡ với Phan Chương, Hoàng Trung đã chiến đấu quyết liệt và chém chết bộ tướng của Phan Chương là Sư Tịch. Phan Chương không thể chống cự và phải bỏ trốn. Thế nhưng, sau một thời gian truy đuổi, Hoàng Trung bị trúng tên và sau đó qua đời. Cuộc đời của Hoàng Trung gắn liền với cây cung, mũi tên và khi chết ông cũng ra đi vì mũi tên, ứng với câu nói "sinh nghề tử nghiệp".
Vị tướng lão luyện qua đời do bị trúng tên.
Tuy nhiên, trong sử sách cũng có viết Hoàng Trung mất do lâm bệnh. Sau khi mất, ông được đặt tên thụy là Cương hầu. Khi ấy không rõ ông thọ bao nhiêu tuổi nhưng đời sau khi nhắc đến người già mà sức còn dẻo dai thường ví với Hoàng Trung. Tài nghệ của ông khiến hậu thế nhớ tới Hoa Vinh - vị tướng có tài bắn cung chính xác trong tác phẩm "Thủy Hử" về sau.