Có thể nói, Ngạn chính là điển hình của hình tượng trai tốt. Ngay từ khi còn nhỏ, Ngạn đã hình thành 1 mối liên kết khó mà giải thích với cô bạn Hà Lan của mình. Lần đầu tiên, cậu biết bản thân mình yếu đuối, dễ mềm lòng trước phụ nữ - là dấu hiệu cho những đau khổ sau này cậu mới có thể nhận ra. Cậu sẵn sàng đổ máu, bị thương mà chẳng hề lui bước chỉ để lấy cho Hà Lan 1 cái dùi trống. Cậu sẵn sàng nhún nhường, làm lành ngay cả khi Hà Lan ngang ngạnh tới mức vô lý. Cậu sẵn sàng liều mình làm những điều đáng ra mình không nên làm, để đổi lấy nụ cười của cô gái ấy.
Tình bạn của họ trôi đi êm đềm như vậy đó, trong trẻo mà ấm áp. Rồi cuối cùng, chuyện gì đến cũng phải đến, Ngạn đã đem lòng yêu cô bạn của mình từ khi nào không hay, giống như hồi xưa khi bà nội cậu còn sống, cậu đã từng dõng dạc tuyên bố rằng mình sẽ lấy Hà Lan làm vợ. Cậu chẳng thể từ chối cô bé đó điều gì, cũng như chẳng thể nhìn cô khóc. Nhưng sau cùng, tình cảm đó cũng chỉ có vậy. Nó có thể lớn, nhưng nó sẽ không bao giờ chuyển mình để rẽ sang 1 trang khác.
Ngạn luôn yêu 1 cách si mê, chân thành và không toan tính. Nếu Hà Lan buồn, cậu sẽ thấy áy náy. Nếu Hà Lan u sầu, cậu sẽ cảm thấy bản thân có lỗi dù bản thân chẳng hề liên quan gì đến chuyện đó. Ngạn đã luôn nhận mọi thứ về phần mình như vậy đó, nhưng dù có thế, cũng chẳng bao giờ là đủ.
Ngạn thật sự quá rụt rè. Đối với chuyện tình cảm, đây là 1 trong những điều tối kỵ nhất. Chẳng biết làm thế nào để nói lời thương với Mắt Biếc, Ngạn chỉ còn cách bày tỏ qua những lời ca. Nhưng khi lần đầu cậu hát ca khúc Có Một Ngày Đã Đến do cậu tự viết cho cô gái cậu thích, cậu đã không có dũng khí để thừa nhận nó là của mình.
Cậu đổ cho "Cung Tiến" - một nhạc sĩ trong tưởng tượng mà cậu hay Hà Lan chẳng biết đó là ai. Rồi ngày qua ngày, cậu sáng tác rồi đổ hết cho người khác. Từ Cung Tiến đến Phạm Đình Chương, hết Phạm Duy đến Từ Cung Phụng, những nhân vật tưởng tượng đó đều xúm lại mà tỏ tình với Hà Lan, còn Ngạn thì vẫn chẳng thể nói ra lời yêu 1 cách đường đường chính chính. Cho đến khi cô đi, Ngạn vẫn giấu kín tình cảm của mình. Cho đến khi Dũng hỏi cậu, cậu vẫn chẳng thể đối mặt mà chấp nhận 1 cách hèn nhát như thế.
Ngạn ước mong mình có thể nói yêu dù chỉ 1 lần, một lần là mãi mãi. Nhưng cậu không làm được, vì cậu sợ. Cậu sợ việc Hà Lan không biết mình yêu cô ấy thế nào, cậu sợ vì không biết Hà Lan có đáp lại không. Nhưng sự thật là Hà Lan đã luôn biết. Dù vậy, 1 lời thừa nhận đường đường chính chính lại vô cùng quan trọng với phụ nữ. Cái đó, Ngạn không hề biết. Ngạn dù nghĩ rằng nếu mình nói ra thì có thể cuộc đời của cả 2 đã rẽ sang hướng khác, nhưng cậu lại thấy không cần thiết. Đối với cậu, những bản tình ca đã vốn là những lời tỏ tình rồi.
Nhưng dù sau này Hà Lan có khổ, Ngạn cũng chẳng thể chen chân vào được. Ngạn biết Dũng xấu tính, bay bướm, làm Hà Lan đau buồn. Nhưng cậu lại tự nhủ rằng có thể trận đòn bên bờ sông đã khiến Dũng nghĩ lại, rồi nếu nó quay lại và hứa hẹn cho Hà Lan hạnh phúc, vậy cũng ổn. Rồi sau cùng thì cậu đã sai. Ấy vậy, thực sự thì Ngạn chẳng hề có lỗi gì, và cũng chẳng hề làm gì để Hà Lan khổ.
Hà Lan yêu Dũng tha thiết, bởi khi yêu Dũng, cô mới được sống với đúng bản chất của mình. Khác với 1 người "lạc hậu" như Ngạn, Dũng rất hiện đại. Dũng biết rất nhiều về những bản nhạc thời thượng, điệu nhảy đang thịnh hành hay thời trang, đây đều là những đề tài Ngạn mù mờ. Nhất là đối với 1 người có tư tưởng muốn thoát khỏi thôn quê nghèo khó, có ngã vào vòng tay Dũng cũng không có gì là lạ.
Hà Lan đã thực sự rất hạnh phúc. Nghĩ đi nghĩ lại, Dũng mới luôn là mẫu người có thể thu hút phụ nữ, chứ không phải 1 thanh niên "thôn quê tẻ nhạt" như Ngạn. Mãi đến sau này, dù nói rằng do Ngạn quá tốt nên bản thân thấy không xứng đáng, nhưng cuối cùng Hà Lan lại muốn đến với Linh - 1 người có nét giống Dũng, chứ không phải giống Ngạn.
Vốn dĩ Hà Lan đã không yêu Ngạn, gượng ép cũng đâu có ích gì? Sau cùng, trai tốt hay trai đểu cũng chẳng còn liên quan nữa. Ngạn không có lỗi với Hà Lan, Hà Lan cũng thực sự chẳng có lỗi với Ngạn. Tình yêu dù đẹp nhưng tàn nhẫn như thế đó, nếu không yêu mà gượng ép đến với nhau thì cũng chẳng thể có hạnh phúc về sau. Cái Hà Lan cần chỉ đơn giản là hạnh phúc, chứ điều kiện sống thì ở trên thành phố cô cũng đâu có thiếu gì.
"Tôi đã nói rồi, tôi không té. Tôi đã lớn rồi, tôi không té ở đây. Cái thang này bắc lên đầu hồi chứ đâu phải bắc lên trái tim của Hà Lan. Trà Long còn nhỏ, nó chỉ sợ tôi u đầu, nó đâu sợ trái tim tôi xây xát. Cháu đâu có biết, tìm trứng chim cho cháu đối với chú nào có khó khăn gì, chỉ có tìm hạnh phúc cho mình chú mới chẳng biết tìm đâu. Mẹ cháu đã lấy đi tất cả."
Nếu Ngạn có khổ, cũng chỉ là do Ngạn không thể bỏ lại quá khứ phía sau mà thôi. Ngạn có thể không có lỗi với Hà Lan, nhưng Ngạn lại có lỗi với chính bản thân mình. Không có dũng khí để nói lời yêu thương, cũng không có dũng khí để dứt bỏ để bắt đầu 1 cuộc sống mới.
Suy cho cùng, người hoài cổ như Ngạn sẽ luôn bị day dứt bởi quá khứ, về những kỷ niệm cũng như hình ảnh của cô bé thôn quê tên Hà Lan. Khi nhìn vào Trà Long, cậu cũng chỉ nhìn thấy hình ảnh hồi bé của người bạn thanh mai trúc mã đó. Đấy chính là lý do mà cậu quyết định ra đi, vì cậu nhận ra rằng Trà Long chỉ là cái bóng của Hà Lan trong lòng cậu mà thôi.
Từ đầu đến cuối, Hà Lan với Ngạn cũng chỉ như 1 giấc mơ đẹp. Cũng như vào chính buổi tối định mệnh hồi bé khi họ tắm cùng nhau tại giếng làng, Ngạn đã thấy Hà Lan đã bay lơ lửng trong ánh trăng, hư ảo và kỳ diệu biết mấy. Ai mà ngờ đâu, cuối cùng mọi thứ cũng chỉ tan vào kỷ niệm, chứ chẳng thể tạo nên 1 hạnh phúc cho cả 2 con người ấy.
Nếu được trở về quá khứ để làm lại, liệu em có chọn Ngạn không, Mắt Biếc?