Minh giáo trong kiếm hiệp Kim Dung lợi hại thế nào mà gặp ai cũng đòi giết?

Sự lợi hại của Minh giáo nằm trong từng bộ võ công tuyệt học nhưng ít ai biết rằng môn phái này còn có thật trong lịch sử.

Trong các tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung, Minh giáo được miêu tả là môn phái lớn mạnh, đủ sức đối địch với toàn bộ võ lâm và hoạt động một cách rất bí ẩn. Các đời giáo chủ Minh giáo sở hữu võ công cao cường, thậm chí là vô địch thiên hạ, có thể kể đến là Trương Vô Kỵ và Đông Phương Bất Bại. Trong lịch sử Trung Quốc, Minh giáo còn có sức ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở giang hồ mà còn liên quan đến sự tồn vong của cả một triều đại.

Minh giáo trong tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung

Minh giáo xuất hiện nhiều và được miêu tả cụ thể nhất trong tác phẩm "Ỷ Thiên Đồ Long ký" của nhà văn Kim Dung. Theo đó, Minh giáo (còn gọi là Ma giáo) có nguồn gốc từ Ba Tư, được truyền vào Trung Hoa vào thời Đường và có hàng vạn tín đồ. Các bộ phim được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết này đều đề cập đến Minh giáo.

Minh giáo tập hợp nhiều cao thủ võ lâm có tính cách cổ quái, không hành động theo lễ giáo thông thường mà có vẻ mờ ám, bí mật nên bị giới võ lâm chính phái kỳ thị. Thù oán giữa Minh giáo với võ lâm chính phái rất sâu đậm, kéo dài hàng trăm năm, mỗi lần gặp nhau đều xảy ra chém giết. Tuy nhiên, trong các tiểu thuyết của Kim Dung, các nhân vật danh môn chính phái không hẳn toàn người tốt và người trong Minh giáo cũng không hẳn là xấu.

Trong phiên bản "Ỷ Thiên Đồ Long ký" 2009, Trương Vô Kỵ (Đặng Siêu) là giáo chủ nổi tiếng nhất của Minh giáo. Tại trận chiến trên đỉnh núi Quang Minh, Trương Vô Kỵ sử dụng bộ võ công Càn khôn đại na di, một mình đánh bại 6 đại môn phái. Sau khi giải cứu thành công các thủ lĩnh của Minh giáo, Trương Vô Kỵ được tôn làm giáo chủ đời thứ 34. Giáo chủ họ Trương đã giúp Minh giáo từ một giáo phái bị vu là “ma quỷ” khôi phục danh tiếng, trở thành thủ lĩnh của các cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyên.

Video: Cảnh Trương Vô Kỵ (Đặng Siêu) giải cứu Minh giáo trong "Ỷ Thiên Đồ Long ký" năm 2009.

Đặc biệt, phiên bản này có nhắc đến Chu Nguyên Chương – hoàng đế sáng lập nhà Minh – cũng có xuất thân từ Minh giáo. Ở cuối phim, Chu Nguyên Chương (Vu Vũ) lập mưu khiến Trương Vô Kỵ tưởng lầm là các tướng muốn làm phản cùng với việc Trương Vô Kỵ phải thực hiện lời hứa đưa Triệu Mẫn về Mông Cổ. Với tính cách không màng danh lợi, chàng đã từ bỏ tất cả truyền lại chức giáo chủ cho Dương Tiêu, còn mình bỏ ra thảo nguyên Mông Cổ sống tiếp phần đời còn lại cùng Triệu Mẫn. Trong một số phiên bản, Chu Nguyên Chương bị Trương Vô Kỵ ép phải thề không được hãm hại giáo chúng Minh giáo. Cái tên “nhà Minh” cũng là từ chữ “Minh giáo”.

Trong "Tiếu ngạo giang hồ", Minh giáo cũng được biết đến với tên gọi Nhật Nguyệt thần giáo với giáo chủ Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại, Nhậm Doanh Doanh. Trong đó, Nhậm Ngã Hành đã tu luyện thành công Hấp Tinh Đại Pháp, Đông Phương Bất Bại cũng trở thành lưỡng tính với Quỳ Hoa Bảo Điển.

Minh giáo trong kiếm hiệp Kim Dung lợi hại thế nào mà gặp ai cũng đòi giết? - 2

Nhậm Ngã Hành và Nhậm Doanh Doanh trong "Tiếu ngạo giang hồ" 2001.

Sau khi giành lại chức giáo chủ từ tay Đông Phương Bất Bại, Nhậm Ngã Hành do say sưa với quyền lực, quyết định mở một cuộc tấn công để đánh bại các giáo phái chính thống kể cả Thiếu Lâm và Võ Đang. Đồng thời, ông cố gắng ép buộc Lệnh Hồ Xung tham gia giáo phái của mình nhưng vì hấp thụ nội công của nhiều môn phái dẫn đến mất mạng.

Nhậm Doanh Doanh được đề cử là lãnh đạo mới của Nhật Nguyệt thần giáo và cô tìm kiếm một thỏa thuận hoà bình giữa hai phía chính và tà. Ba năm sau đó, cô truyền lại quyền lãnh đạo cho Hướng Vấn Thiên và kết hôn với Lệnh Hồ Xung. Do chán nản bởi tất cả các xung đột do tranh giành quyền lực, Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh từ bỏ giang hồ, sống hạnh phúc.

Minh giáo có thật trong lịch sử

Minh giáo trong kiếm hiệp Kim Dung lợi hại thế nào mà gặp ai cũng đòi giết? - 3

Tượng “Quang Minh Mani Phật” của Mani giáo.

Minh giáo là tôn giáo có thật trong lịch sử Trung Quốc và xuất phát từ Mani giáo, do giáo chủ đầu tiên là Mani sáng lập vào thế kỷ thứ 3 SCN. Mani (216 – 277), sinh ra trong một gia đình quý tộc ở đế quốc Ba Tư (Iran ngày nay). Năm 14 tuổi, Mani tuyên bố mình được Chúa trời giác ngộ và thành lập Mani. Mani giáo chia làm 5 cấp bậc bao gồm tông đồ, tín đồ, giám mục, trưởng lão và giáo chủ. Họ thường ăn chay, mặc đồ trắng và phải cầu nguyện 7 lần mỗi ngày.

Mani giáo truyền sang Trung Quốc, chính thức được Võ Tắc Thiên công nhận vào năm 694 và phát triển mạnh vào năm 806 khi triều Đường cho giáo phái này lập chùa ở kinh đô Trường An, sắc tự là “Đại Vân Quang Minh tự”. Từ đó, Mani giáo truyền đi khắp các châu thuộc miền Nam Trung Hoa như Kinh Châu, Dương Châu, Hồng Châu... Mani giáo có ảnh hưởng từ dân chúng đến đại sĩ phu.

Minh giáo trong kiếm hiệp Kim Dung lợi hại thế nào mà gặp ai cũng đòi giết? - 4

Hoàng đế Chu Nguyên Chương bị nghi ngờ từng là tín đồ của Minh giáo.

Để có thể thu nhận được nhiều tín đồ, thủ lĩnh của Mani giáo cố ý diễn giải các bộ kinh của Phật giáo, Đạo giáo – 2 tôn giáo lớn ở Trung Hoa – theo hướng có lợi cho mình. Những tín đồ Mani giáo cho rằng Đức Phật, Lão tử và giáo chủ Mani của họ là 3 thể của một đấng sáng tạo duy nhất. Giáo chủ Mani được xưng tụng là “Quang Minh Mani Phật” và điều này khiến nhiều vị vua nhà Đường vốn rất coi trọng Phật giáo, Đạo giáo không hài lòng. Cuối thời Nguyên, Minh giáo trở thành một trong những lực lượng chính chống đối triều đình. Theo Sohu, Chu Nguyên Chương – hoàng đế đầu tiên của nhà Minh – rất có thể từng là tín đồ của Mani giáo.