Hòa theo phong trào#byebyebully, hãy cùng xem lạiNerve(Tạm dịch: Trò Chơi Liều Lĩnh, 2016). Đây là một tác phẩm điện ảnh lên án nạn Cyber bully dưới hình thức một trò chơi mạng xã hội. Trong đó, cộng đồng mạng chính là những "đao phủ online", kẻ nắm trong tay quyền bầu chọn, quyết định số mệnh của người khác. Kết quả của trò chơi này, y như rằng, sự tàn ác của cộng đồng vượt qua ngưỡng "mạng người".
“Bye Bye Bully - Ngừng buông lời ác” là một campaign được thực hiện nhằm nâng cao ý thức của người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ về vấn nạn bắt nạt online (cyber bully). Cho dù bạn có là nạn nhân hay một kẻ bắt nạt ẩn sau màn hình máy tính đang chật vật tìm cách quay đầu đi chăng nữa thì tại đây, bạn đều sẽ được lắng nghe và nhận được sự giúp đỡ.
Nerve được ra mắt khán giả vào năm 2016, do hai ngôi sao Emma Roberts và Dave Franco đóng vai chính. Trong đó, Emma Roberts hóa thân thành Vee – một cô gái luôn sống trong vùng an toàn, không dám vượt qua giới hạn của bản thân. Dave Franco vào vai Ian, một chàng trai bí ẩn đồng hành với Vee trong mọi nguy hiểm.
Nerve là một trò thử thách online, nền tảng của trò chơi này dựa trên một đường link ngắn gọn. Trong đó, khách hàng được phân loại thành hai nhóm: Người Chơi và Người Xem. Trong đó, nhóm Người Xem sẽ đóng mỗi người 50$ làm phần thưởng. Nhóm Người Chơi sẽ tham gia các thử thách để giành lấy những phần thưởng do Người Xem quyên góp được.
Trailer phim "Nerve"
Trò chơi Nerve này có mô hình giống với cách mạng xã hội của chúng ta hoạt động ngày nay, có điều được nâng cấp lên một tầm cao mới, chủ động hơn. Nói rõ ra là cho những Người Xem, hoặc người bình luận, cộng đồng mạng một quyền hành chủ động hơn là chỉ đơn thuần để lại những bình luận. Người Xem được bầu chọn ra những thử thách cho Người Chơi. Nói cách khác, những người tham gia thử thách nếu muốn nhận được tiền của đám đông phải hoàn thành mọi yêu cầu những người chơi đưa ra.
Với quyền "bầu chọn" trong tay, người ta không xem mạng sống ra gì
Trong Nerve, những người đóng vai trò Người Xem giống như một cộng đồng. Đường dẫn và bản thân trò chơi này giống như một mạng xã hội. Trong đó, những người chỉ "xem" mà thôi đóng vai trò là nhà đầu tư và cũng là những kẻ nắm quyền sinh sát trong tay. Một chương trình sẽ sáng tạo ra nội dung thử thách, và Người Xem bình chọn thử thách thích hợp cho từng Người Chơi.
Trò chơi bắt người dùng phải chọn chế độ: "Watcher" (Người Xem) hay "Player" (Người Chơi).
Thứ hạng Người Chơi càng cao, những thử thách càng kinh khủng. Nằm bẹp xuống ngay dưới gầm tàu hỏa đang chạy, treo mình lơ lửng trên cần cẩu cao gần 100m v.v… Tất cả những thử thách kinh khủng này đều do những thành viên của xã hội Nerve bình chọn. Trong vòng chung kết của Nerve, từng có người phải chết.
Tính nguy hiểm trong trò chơi này rất cao.
Những trò chơi kinh khủng mà "khán giả" bày ra cho người tham gia Nerve.
Có người đã chết khi tham gia trò chơi này.
Có thể thấy, quyền hành của những người sử dụng mạng xã hội đã được "nâng cấp" trong Nerve. Thay vì chỉ để lại bình luận trên nội dung của người khác, nay những Người Xem đã có quyền yêu cầu một người xa lạ hành động theo ý mình.
Nerve cho thấy khi được an toàn sau tài khoản ẩn danh, thiên hạ sẵn sàng tàn bạo tới mức nào
Khác với những Người Chơi – phải phơi mình ra làm trò tiêu khiển cho cộng đồng, lực lượng Người Xem trong Nerve cực kỳ an toàn sau tài khoản ẩn danh. Mỗi Người Xem chỉ là một dãy số IP vô nghĩa và một biệt danh họ tự đặt cho chính mình. Không ai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và hòa lẫn vào đám đông. Khi được trao cho quyền "bầu chọn", tức là khả năng sinh sát trong tay, thật đáng bất ngờ là "cộng đồng mạng" trong Nerve dám đi tới đâu. Khi trò chơi yêu cầu khán giả bình chọn, đối thủ của Vee có nên bắn chết cô ta hay không? Tuy rằng bạn bè của Vee đã kêu gọi người quen, thậm chí hack ra một đống tài khoản ảo để bầu chọn "Không" bảo vệ cho cô gái, số đông áp đảo Người Xem đã bình chọn là "Có". Cô gái xinh đẹp dù đã từ bỏ trò chơi, nhưng vẫn bị ăn một viên đạn vào lưng vì sự bạo tàn của khán giả.
Ngay cả bạn bè của Vee cũng bình chọn "Có".
Thật bất ngờ, những Người Xem tàn bạo ở đây toàn là những người bình thường mà chúng ta gặp trong đời sống hàng ngày. Anh nhân viên văn phòng nhút nhát, đám trẻ con chơi bời ngoài phố v.v… Vậy đó, mà khi được trao quyền sinh tử, lại được bảo vệ an toàn sau những tài khoản ảo, các nhân vật đó lại tàn nhẫn đến lạ thường. Sẵn sàng nhấn nút kết liễu một cô gái hoàn toàn xa lạ.
Những người hoàn toàn xa lạ với Vee đều chọn "Có".
Nerve miêu tả lại mô hình phóng đại của mạng xã hội, tức là trò chơi thử thách được lan truyền trên những góc khuất của internet. Giống như trò chơi R.R của giới mạng ngầm ở Mỹ, hay trò Blue Whale của giới trẻ Nga nổ ra vào năm 2016. Chúng nâng tầm "sức mạnh" của cộng đồng lên từ những lời nhận xét "thụ động" thành vai trò chủ động hơn, để số đông quyết định hành động của nạn nhân. Y như rằng, luôn có những ý kiến muốn người tham gia phải chơi trò "sinh tử".
Đám đông an toàn sau lớp mặt nạ luôn cực kỳ dũng cảm và hung hãn.
Qua ví dụ này, chúng ta thấy được rằng đôi khi mình vô tâm và vô lo trước sinh mạng của người khác như thế nào. Lấy ví dụ của Vee, phần lớn người chơi có lẽ đều cho rằng "Chắc ai cũng sẽ bình chọn là Không, mình chọn Có chắc không sao đâu. Dù sao cũng không ai truy cứu mình!". Nhưng ngạc nhiên chưa, số người chọn "Có" lại đánh bại hàng trăm ngàn tài khoản ảo do bạn của Vee tạo ra để chiếm số đông. Mỗi người một bình chọn, kết cục là cái chết của nhân vật chính.
Vee trước khi chết đã có một lời trăn trối sâu sắc và đau đớn, cô thách thức "Cộng đồng mạng": "Các người có dám tháo mặt nạ ra không? Dũng cảm trong đám đông thì dễ dàng lắm. Trốn đằng sau cái tên ảo trên màn hình điện tử, các người không thấy là bản thân mình vẫn phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra cho dù các người chỉ đứng xem sao?".
"Dũng cảm trong đám đông thì dễ dàng lắm!".
Kết phim, Vee lãnh một viên đạn lạnh lùng vào lưng. Trò chơi tự động gửi một tin nhắn đến tất cả những Người Xem đã bình chọn "Có" khi được hỏi có nên bắt chết Vee hay không. Nội dung tin nhắn: " Mi là đồng phạm giết người!". Khi danh tính và trách nhiệm được dí sát mặt "Cộng đồng mạng", chúng ta mới xấu hổ, cảm thấy sợ hãi cho hành vi của mình và… thoát khỏi mạng xã hội và trốn mất.
Những kẻ đã bình chọn cho Vee bị bắn chết đều nhận được tin nhắn kèm theo lời chỉ đích danh: "Mi là đồng phạm giết người!".
Đó là phim, nhưng còn ngoài đời thì như thế nào? Những mất mát, sinh mạng ra đi là có thật. Sulli chết vì những lời bình luận ác ý, nhưng đó là chỉ đối với những tâm hồn yếu ớt. Nhưng bằng việc thoát khỏi mạng xã hội, quên đi những bình luận ác ý chúng ta bỏ lại phía sau không làm tội lỗi nhẹ đi phần nào.
Đồng ý rằng ai cũng một hoặc vài lần "cà khịa", hay khẩu nghiệp gì đó "cho vui". Nhưng đến ngày hôm nay, khi Cyber bully (Bắt nạt online) trở nên quá tàn nhẫn thì thiết nghĩ nên dừng lại. Từ bài học Sulli và Nerve để lại, hãy học cách dịu dàng và bao dung với nhau hơn. Hãy cố gắng nói những lời nồng ấm nhiều hơn, để cho cuộc đời này trở thành nơi đáng sống hơn mỗi ngày. Hôm nay khi ra đường, hãy thử mỉm cười với người lạ, hay khen ngợi bạn mình một điều gì đó thật lòng, xem thử trong lòng bạn có chút gì ấm áp len lỏi vào hay không?