Nhãn hàng đồng hành cùng nghệ sĩ Việt - một định nghĩa đã không còn quá xa lạ với khán giả Việt qua rất nhiều sản phẩm âm nhạc, webdrama đình đám trong thời gian gần đây. Trong đó, Trấn Thành cùng webdrama Bố Già trở thành minh chứng nổi bật nhất, khi quảng cáo dạng PPL xuất hiện tràn ngập trong các tập phim, thậm chí còn vấp phải lời phàn nàn của khán giả vì "cứ 15 phút là quảng cáo 5 lần" - khá giống với trường hợp hội mọt phim Hàn kêu ca khi theo dõi The King: The Eternal Monarch (Quân Vương Bất Diệt). Trao đổi về vấn đề này, Trấn Thành đã có những chia sẻ về vấn đề quảng cáo trong phim, cũng như lí do tại sao webdrama dường như là miền đất hứa cho quảng cáo.
Webdrama Bố Già cùng sức hút khủng dịp đầu năm mới 2020.
PPL - Product Placement: Nhãn hàng chi trả một số tiền cho nhà sản xuất phim để quảng bá, bằng cách lồng ghép các sản phẩm vào nội dung phim
Trong thời gian phát sóng, Bố Già đã liên tiếp đạt được những kỉ lục siêu khủng: trong đó ngay từ tập 1 đã đạt kỉ lục leo top trending nhanh nhất lịch sử Youtube Việt. Tập 2 trở thành tập phim có tốc độ tăng view kỉ lục trong lịch sử webdrama Việt, tập 3 góp mặt trong 5 video có mặt Trấn Thành lọt top trending trên Youtube. Hai tập còn lại cũng chẳng kém cạnh liên tục leo top 3 thịnh hành ngay sau khi lên sóng. Cho dù vấp phải lời phàn nàn như vậy, chất lượng nội dung của dự án đã làm lu mờ phần nào định kiến về phim như quảng cáo như trường hợp của Bố Già.
Bố Già liên tiếp thiết lập kỉ lục trên nền tảng trực tuyến.
Các nhãn hàng anh đại diện từng xuất hiện trong webdrama Bố Già, nhưng lại không hề xuất hiện trong phim điện ảnh, lí do cụ thể là gì?
Rõ ràng là ngay cái tên chúng ta đã thấy khác. Điện ảnh thì không được quảng cáo quá nhiều. Và ngược lại, quảng cáo quá nhiều thì sẽ không còn được gọi là điện ảnh.
Không hề giống nhau đâu nha!
Anh có thấy rằng điện ảnh Việt Nam vẫn là một phạm trù khá tách biệt với quảng cáo sản phẩm?
Theo quan điểm của tôi, nhãn hàng có được đặt ra yêu cầu quá nhiều hay không còn phụ thuộc vào người làm phim đó là ai và "nguyên tắc làm nghề" của người đó là gì.
Kinh phí để sản xuất bất cứ dự án nghệ thuật nào cũng đến từ 2 đường: vốn liếng cá nhân và các nguồn đầu tư khác. Để có được quan hệ cộng sinh tương hỗ, phim và nhà tài trợ bắt tay nhau đồng hành. Và khi bỏ tiền ra, nhà tài trợ phải được trả quyền lợi và được yêu cầu, đó là điều hiển nhiên. Nhưng những giới hạn về yêu cầu còn phải tuỳ thuộc vào hai điều kiện: người làm phim có tư duy "vị nghệ thuật" bao nhiêu và họ chấp nhận trả con số bao nhiêu.
Theo Trấn Thành, giới hạn về yêu cầu còn phải tuỳ thuộc vào 2 điều kiện: người làm phim có tư duy "vị nghệ thuật" bao nhiêu và họ chấp nhận trả con số bao nhiêu.
Nếu giá trị và năng lượng bên nào lớn hơn thì bên còn lại phải nghe theo. Nhưng với tôi, đã là điện ảnh thì phải có thẩm mỹ. Vì vậy, nên hạn chế tối đa việc để khán giả có cảm giác nhà làm phim đang tranh thủ quảng cáo. Nó sẽ tiêu diệt toàn bộ cảm xúc cũng như giá trị của tác phẩm.
Còn phim được đặt hàng để quảng cáo tôi không có ý kiến. Nhưng dĩ nhiên, để có một sản phẩm không gây phản cảm, thì dù là điện ảnh hay phim quảng cáo thì sự khéo léo và hợp lí trong việc lồng sản phẩm vào phim là cực kì cần thiết.
Ranh giới giữa khéo léo và phản cảm trong quảng cáo ở phim ảnh là điều hết sức mong manh.
Cách thức hoạt động của việc tài trợ trong phim diễn ra như thế nào?
Có hai dạng thức của việc xin tài trợ. Một là sau khi đã hoàn tất kịch bản, chúng ta sẽ xem xét nội dung của nó có liên quan đến thương hiệu nào để chào hàng quảng cáo. Hai là sau khi đã tìm được một nhà tài trợ, ta phải làm kịch bản có nội dung xoay quanh thương hiệu đó để quảng bá sản phẩm cho nhà tài trợ của mình. Tôi sử dụng dạng thức số một.
Trong thực tế, có rất nhiều dạng thức quảng cáo qua phim, không chỉ ở cách chào hàng sau khi xong kịch bản hay tìm đối tượng tài trợ để làm kịch bản.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể phê phán được dạng thức số hai. Bởi lẽ, có rất nhiều bạn trẻ mới vào nghề nên cần kiếm thêm thu nhập, nhà tài trợ là một yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên những thành công bước đầu. Họ làm một bộ phim để quảng bá sản phẩm cũng là điều hoàn toàn hợp lí và bình thường.
Nếu trước đây quảng cáo thường chỉ xuất hiện trên truyền hình thì hiện nay, thị trường quảng cáo trên nền tảng phim chiếu mạng lại vô cùng rộng mở. Tôi thấy cách thức này có vẻ hiệu quả hơn. Khi các nhà đầu tư đổ tiền vào các webdrama trên Youtube, sản phẩm của họ sẽ tiếp cận dễ dàng hơn với công chúng. Bởi vì nền tảng này vừa đảm bảo chất lượng quảng bá, vừa không quá khắt khe trong khâu kiểm duyệt, nhất là khi khán giả xem quảng cáo hoàn toàn có thể tua nếu không muốn.
Nền tảng trực tuyến đang là miền đất hứa của quảng cáo.
Tuy nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi, nếu không cẩn thận, thị trường này cũng sẽ trở nên bão hoà và lạm phát. Nếu như các nhà làm phim chiếu mạng không nhanh nhận ra được điều này thì trong vài năm nữa thôi, khán giả Việt Nam sẽ bị "bội thực".
Người xem sẽ cho rằng chúng ta làm webdrama chỉ để quảng cáo. Theo tôi, cho dù là có quảng cáo hay không, làm phim vẫn phải coi trọng trên hết ở tính nghệ thuật. Một bộ phim quảng cáo nhiều vẫn sẽ thành công nếu nó thu hút được khán giả. Ngược lại, cho dù bạn tự làm phim độc lập nhưng không khiến khán giả yêu thích thì cũng bằng thừa. Hãy nhớ rằng, tài trợ chỉ là yếu tố hỗ trợ chứ không phải yếu tố cốt lõi tạo nên một bộ phim hay.
Như lời của Trấn Thành, vậy PPL ở Quân Vương Bất Diệt có đang tiêu diệt toàn bộ cảm xúc cũng như giá trị của tác phẩm?
Quân Vương Bất Diệt dù hay tới đâu vẫn dính phải điểm trừ không thể cứu vãn nổi mang tên quảng cáo.
Quay lại trường hợp của Quân Vương Bất Diệt, hội mọt phim từng ngỡ ngàng khi tổng kinh phí thực hiện lên tới 32 tỉ won (khoảng 611 tỉ VNĐ), tức rơi vào khoảng 2 tỉ won (38 tỉ VNĐ) cho một tập phim. Trong đó, mức cát-xê của Lee Min Ho rơi vào khoảng 90 - 100 triệu won/tập, đã chiếm khoảng 1/20 tổng số tiền và chưa kể mức cát xê cho dàn diễn viên đông đảo, ekip sản xuất đặc biệt là biên kịch Kim Eun Sook cùng đạo diễn Baek Sang Hoon. Để có thể có tới 2 tỉ won cho một tập, việc áp dụng phương thức PPL là điều tất yếu để bù đắp cho kinh phí đã bỏ ra - cũng là lí do cho sự tràn ngập "15 phút quảng cáo 5 lần" đến bức bối qua 12 tập đã phát sóng.
Quân Vương Bất Diệt từng được truyền thông Hàn nhắc tới như một trường hợp kinh phí cao đến khó hiểu.
Mức đầu tư khủng và buộc phải dựa vào sức của PPL đã trở thành một trong những yếu tố khiến Quân Vương Bất Diệt bị khán giả "bật chế độ xanh lá", cộng thêm cách xử lí tình huống quảng cáo quá dở lại càng khiến bộ phim vốn được coi là dự án "mở đầu kỉ nguyên nội dung mới" trở thành hố đen trong sự nghiệp của biên kịch vàng Kim Eun Sook.
Nhìn lại chia sẻ của Trấn Thành: "nhà tài trợ phải được trả quyền lợi và được yêu cầu, đó là điều hiển nhiên. Nhưng những giới hạn về yêu cầu còn phải tuỳ thuộc vào hai điều kiện: người làm phim có tư duy "vị nghệ thuật" bao nhiêu và họ chấp nhận trả con số bao nhiêu".
Quyền lợi của nhà tài trợ có rất nhiều, nhưng quan trọng nhất vẫn là tần suất được nhắc tới và xuất hiện trong phim.
Từ lời nhận định của người trong nghề, khán giả có thể ngầm hiểu rằng: các nhãn hàng đã thực sự phải trả một món tiền rất lớn để xuất hiện trong một dự án mang mác siêu bom tấn như Quân Vương Bất Diệt, nhưng người phụ trách đã chưa có "tư duy nghệ thuật" đủ tầm để biến quảng cáo thành một phần làm nên thành công của bộ phim.
Cũng theo Trấn Thành: "nên hạn chế tối đa việc để khán giả có cảm giác nhà làm phim đang tranh thủ quảng cáo, nó sẽ tiêu diệt toàn bộ cảm xúc cũng như giá trị của tác phẩm". Và quả đúng là như vậy, Quân Vương Bất Diệt đã không may trở thành một dự án mà cảm xúc đã nhiều lần bị "tiêu diệt" chỉ vì những màn PPL đến vô duyên của NSX, dù nội dung trong nửa sau đã thú vị và hấp dẫn hơn rất nhiều.
Quân Vương Bất Diệt đã gặp vận rủi khi cách lồng ghép PPL trong phim hoàn toàn "lệch tông" và khiến khán giả khó chịu khi đem so với nhiều dự án đình đám cũng tràn ngập quảng cáo khác.
Như vậy, chỉ với những chia sẻ ngắn ngủi trên của Trấn Thành, khán giả đã phần nào thấu hiểu được điểm mạnh, điểm yếu và tầm quan trọng của PPL để có thể mang tới một dự án hoàn chỉnh lên sóng cho khán giả. Thế nhưng, ranh giới giữa khéo léo và lộ liễu, giữa có hiệu quả và phản cảm đã thực sự hiện rõ qua các tác phẩm như Bố Già và Quân Vương Bất Diệt. Và để có thể khiến hài lòng khán giả mà vẫn có thể đảm bảo được một nguồn đầu tư để thực hiện dự án, việc xem xét quảng cáo là một điều chẳng hề dễ dàng và cần "cái tâm" trong nghề của người làm phim.
Quân Vương Bất Diệt tiếp tục được phát sóng vào 20h00 (giờ Việt Nam) thứ 6, thứ 7 hàng tuần trên kênh truyền hình SBS và 21h30 trên Netflix với phụ đề tiếng Việt.