Đối phó nạn vi phạm bản quyền anime/manga là một vấn đề đau đầu với các công ty sản xuất và xuất bản ở Nhật Bản bấy lâu nay. Thế nhưng cuộc chiến này dường như vẫn chưa có được một giải pháp hiệu quả khi nhìn vào những con số gây choáng váng dưới đây.
Dựa theo một nghiên cứu mới được công bố bởi Content Overseas Distribution Association (CODA) có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản, ngành công nghiệp giải trí nước này bao gồm manga, anime, âm nhạc, và video game đã bị thất thoát 1,9 tới 2,2 nghìn tỷ yên (tương đương 327 – 378 nghìn tỷ đồng) trong năm 2021 vì vi phạm bản quyền. Con số này cho thấy mức tăng gấp 5 lần so với nghiên cứu hồi năm 2019 của CODA, và chúng là kết quả có được từ các khảo sát thị trường và câu hỏi đối với người tiêu dùng.
CODA tính toán rằng anime và các nội dung video khác từ Nhật Bản đã mất 906,5 tỷ tới 1,4 nghìn tỷ yên (tương đương 156 – 240 nghìn tỷ đồng) vì vi phạm bản quyền, trong khi manga và các dạng truyền thông xuất bản khác mất 395,2 tỷ tới 831,1 tỷ yên (tương đương 68 – 143 nghìn tỷ đồng). CODA cho rằng nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng của vi phạm bản quyền là do mọi người dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn vì đại dịch COVID-19 và sự bùng nổ của những dịch vụ xem phim trực tuyến.
CODA là một tập đoàn thương mại chống vi phạm bản quyền bao gồm 32 công ty Nhật Bản như Kodansha, Shueisha, Shogakukan, Aniplex, Kadokawa, Sunrise, Studio Ghibli, Bandai Namco Arts, Pony Canyon, Toei Animation. Kể từ tháng 1 năm 2022, nhiều công ty và tổ chức từ hơn 13 quốc gia trên thế giới đang hợp tác để thành lập International Anti-Piracy Organization (IAPO), một tổ chức đã ra mắt vào tháng 4 cùng năm với CODA làm trung tâm. Hiệp hội này hiện đang làm việc với các chuyên gia an ninh mạng để xác định danh tính những người điều hành đằng sau các trang web cung cấp nội dung vi phạm bản quyền.
Hồi giữa tháng 4 năm 2023, CODA hé lộ rằng Brazil đã gỡ bỏ 36 trang web cung cấp anime vi phạm bản quyền. Các thành viên của hiệp hội gồm Toei Animation, TOHO và Bandai Namco Filmworks, đã đệ đơn khiếu nại đối với 4 trang web. Sau khi chính quyền địa phương tiến hành điều tra những người điều hành của 4 trang web này và đàm phán với những người điều hành của các trang tương tự, họ đã đóng cửa 31 trang, trong khi 5 trang còn lại tự nguyện ngừng hoạt động. CODA tuyên bố rằng 36 trang web vi phạm này đạt trung bình 83 triệu lượt xem mỗi tháng trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 2 năm nay.
Một vụ lớn khác là khi Trung Quốc làm việc với Nhật Bản để đóng cửa một trang web vi phạm bản quyền lớn tại địa phương. Trong trường hợp của trang web đó, nội dung lại chuyên nhắm đến người xem Nhật Bản, chứ không phải người Trung Quốc. Nó đã được người xem truy cập hơn 300 triệu lần trong vòng chưa đầy hai năm.