Thời gian vừa qua là khoảng thời gian đầy phấn khởi với người hâm mộ Ghibli Studio. Xưởng phim không chỉ xác nhận đạo diễn lão làng Hayao Miyazaki quay trở lại thực hiện một dự án phim mới, mà còn thông báo bộ phim ngắn sử dụng hiệu ứng CG Boro The Caterpillar (Sâu Bướm Boro) đã hoàn thành và sẵn sàng xuất xưởng.
Tuy nhiên, bạn có bao giờ thắc mắc vì sao câu chuyện nghỉ hưu của Miyazaki lại khiến báo giới tốn nhiều giấy mực đến thế? Tại sao những dòng tin cập nhật về vị đạo diễn này lại khiến thế giới trông chờ đến vậy? Câu hỏi sau cùng nhưng cũng là quan trọng nhất: Hayao Miyazaki là ai?
Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về tượng đài anime nước Nhật Hayao Miyazaki và người thật sự đứng sau thành công của ông, một tượng đài thầm lặng khác mang tên Toshio Suzuki.
Hayao Miyazaki và Toshio Suzuki trong lần xuất hiện mới nhất tại sự kiện Nico Nico 2017
Sự kiện chấn động: Hayao Miyazaki quay lại với thế giới điện ảnh
Không phải chờ đến thông báo mới nhất của xưởng Ghibli, tin đồn Hayao Miyazaki quay trở lại với ngành công nghiệp anime đã từng được hé mở từ tháng 11 năm ngoái, khi một chương trình phát sóng trên đài NHK nhấn mạnh về những dấu hiệu cho thấy ông vẫn còn vương vấn với nghề, từ đó thổi bùng lên những chủ đề bàn luận trên các diễn đàn điện ảnh có lượng người sử dụng đông đảo như Reddit.
Mãi cho đến sự kiện Nico Nico 2017, nhà sản xuất Toshio Suzuki trong bài phỏng vấn của mình đã gián tiếp thả một quả bom thông tin vào làn sóng truyền thông khi ông đề cập đến một kịch bản phim mới đã hoàn thiện được 20 phút đầu tiên.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên đạo diễn Miyazaki phá vỡ lời tuyên bố về hưu của mình. Lần lượt vào các năm 1986, 1992, 1997, 2001, 2004, 2008 và 2013, tổng cộng có đến tận bảy lần fan hâm mộ phải ủ rũ rồi lại bất ngờ khi ông thông báo về ý định nghỉ ngơi của mình. Ở một số diễn đàn, người ta còn đùa rằng cứ mỗi lần Ghibli xuất xưởng một phim mới, Hayao Miyazaki sẽ tuyên bố nghỉ hưu. Thậm chí vòng lặp này quen thuộc đến mức từng có một bài viết cáo buộc đây là một chiêu trò PR độc nhất vô nhị.
Thế nhưng hóa ra, nhờ vào động thái nghỉ rồi lại thôi, người ta mới kiểm chứng được sức ảnh hưởng của đạo diễn Miyazaki và nhà sản xuất Suzuki trong nhận thức của công chúng. Cái tên Miyazaki chưa bao giờ bị lãng quên, cũng như tài năng chiến lược của Toshio Suzuki lúc nào cũng được tán thưởng vì chính ông đã một tay đưa người đồng nghiệp già của mình lên đến đỉnh cao danh vọng.
Bộ đôi lão làng của xưởng Ghibli luôn được đặt cạnh nhau, nếu không có Suzuki thì sẽ không có một đạo diễn thành công như Miyazaki và ngược lại.
Thành tựu không chỉ gọi tên Hayao Miyazaki
Ở những ngày tháng đầu tiên của sự nghiệp, Miyazaki ở Toei Doga (hiện tại là Toei Animation) đã chứng minh được tài năng thiên bẩm của người làm hoạt hình. Người nhân viên này sớm bộc lộ được những suy ngẫm thông minh và phong phú về xã hội con người cũng như toàn cảnh thế giới.
Những năm 1960 này cũng trùng với khủng hoảng baby boomer. Ở thời kỳ này, Nhật cũng như Mỹ, Đức và Anh đối mặt với tỷ lệ sinh bùng nổ mạnh mẽ sau khi thế chiến thứ hai kết thúc. Ở Nhật Bản, cảnh tượng những đoàn sinh viên ở lứa tuổi đại học thay phiên xuống biểu tình với các hình thức bán bạo lực dâng cao.
Miyazaki thể hiện sự đồng cảm của mình với thời cuộc bằng chính những dấu ấn đặc biệt trong tác phẩm lúc bấy giờ The Great Adventure Of Horus, Prince Of The Sun (Horus Hoàng Tử Mặt Trời). Đây là câu chuyện về một thanh niên trẻ cùng cuộc hành trình chiến đấu với các loài sinh vật trong thần thoại Na Uy rồi trở thành người lãnh đạo một làng chài chống lại thế lực tàn bạo.
Dự án hợp tác giữa Hayao Miyazaki và đạo diễn Grave Of The Fireflies (Mộ Đom Đóm) Isao Takahata và nhà thiết kế đồ họa của Lupin III (Lupin Đệ Tam) Yasuo Otsuka được đánh giá là một bước chuyển mình quan trọng của thể loại anime trình chiếu.
Từ việc lấy đề tài về lằn ranh mơ hồ giữa cái thiện và cái ác, cho đến hình tượng nhân vật nữ thuần khiết và kỹ thuật làm phim nổi trội, The Great Adventure Of Horus, Prince Of The Sun mang dáng vóc sơ khai của phong cách Ghibli sau này. Tuy nhiên, sau ba năm dựng phim, hãng Toei khá lạnh nhạt với việc quảng bá và rút ngắn thời gian công chiếu. Hiện tại, Toei đã công nhận The Great Adventure Of Horus, Prince Of The Sun là một thành tựu lịch sử của mình.
Sau khi rời Toei, Hayao Miyazaki tiếp tục công tác và làm việc tại hai hãng phim Tokyo Movie Shinsha (hiện nay đã đổi tên thành TMS entertainment) và Telecom Animation. Ông tham gia vào đội ngũ sản xuất của các series anime chiếu trên truyền hình như Lupin III, Future Boy Conan (Conan Cậu Bé Tương Lai), Sherlock Hound... Trong nửa cuối thập kỷ 70 và đầu những năm 1980, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp anime, Hayao Miyazaki cũng sớm nhận được sự chú ý và trở thành một người làm anime có tiếng.
Miyazaki chính thức nổi tiếng với vai trò đạo diễn khi ông tham gia sản xuất Castle Of Cagliostro (Lâu Đài Cagliostro), bộ phim điện ảnh cuối cùng của ông với thế giới nhân vật Lupin. Cùng lúc đó, Toshio Suzuki vừa được bổ nhiệm làm chủ biên của ấn phẩm thử nghiệm Animage, một tạp chí tổng hợp tin tức và đăng tải một số tác phẩm manga.
Lúc bấy giờ, văn hóa anime của người Nhật đang phát triển như vũ bão. Suzuki quyết định thực hiện những chuyên mục hợp tác giới thiệu Hayao Miyazaki, thể theo yêu cầu của nhóm người đọc mới tinh của ấn phẩm.
Sau khi cộng tác, cả Suzuki và Miyazaki bắt đầu tìm thấy những hướng đi chung và cùng thực hiện những dự án riêng của họ về hoạt họa. Toshio Suzuki lúc này mới nảy sinh sáng kiến sản xuất một bộ phim điện ảnh hoặc một series anime truyền hình và tận dụng tạp chí Animage để tăng sức quảng bá. Kết quả của đề xuất chính là tiền đề để sản xuất ra tác phẩm Nausicaa Of The Valley Of The Wind (Công Chúa Thung Lũng Gió).
Nausicaa trước khi phát hành dưới dạng anime đã ra mắt với hình thức manga đăng trên tạp chí Animage. Có thể nhiều người sẽ thắc mắc vì sao Suzuki không gửi bộ truyện đến các tuần san truyện tranh nổi tiếng và thông dụng như Shounen Jump hay Shounen Sunday. Thật ra Nausicaa không chỉ xuất hiện trên chuyên mục truyện tranh chọn lọc của Snimage mà nhà phát hành còn chuẩn bị sẵn một loạt bài viết giới thiệu cũng như cập nhật thông tin mới nhất về anime này cho độc giả. Toshio Suzuki thật sự đã tạo ra một chiến lược cực kỳ khôn ngoan cho đứa con cưng của mình.
Sau này trong một buổi phỏng vấn vào năm 2009, Suzuki đã chia sẻ về bí quyết thành công trong những ngày đầu lập nghiệp. Ông quan niệm tạp chí và ấn phẩm in luôn phải chạy theo và bắt kịp xu hướng. Trong khi đó, nếu bạn muốn làm một bộ phim, bạn bắt buộc phải là nhà tiên phong. Nói cách khác, nhà làm phim chính là những người đặt ra những chuẩn mực mới cho cộng đồng.
Ba nhà sáng lập Ghibli Studio trong phim tài liệu "The Kingdom Of Dreams and Madness"
Sau đó, Suzuki, Miyazaki bắt tay với Isao Takahata để tạo nên Ghibli, studio sản xuất những bộ phim anime trình chiếu chất lượng cao, đồng thời đảm bảo cho ấn phẩm Animage cũng như những sản phẩm xuất bản khác của Tokuma Group tiếp tục phát triển.
Tính cách của Hayao Miyazaki
Hayao Miyazaki vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi thời đại baby boomer cũng như những làn sóng biểu tình của học sinh Nhật Bản. Cho đến nay, hầu như người hâm mộ nào cũng biết về nhận thức chính trị rất nhất quán của ông và những người đồng hành. Chẳng hạn như năm 2015, Miyazaki công khai lập trường của mình trong việc phản đối chính phủ bổ sung vào hiến pháp nước này "quyền tự vệ tập thể" do thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng.
Năm 2011, Hayao Miyazaki tham gia làn sóng phản đối năng lượng điện hạt nhân với thông điệp "Ghibli mong muốn làm phim từ năng lượng điện không xuất phát từ lò hạt nhân"
Bạn cũng đừng quên, Miyazaki từng vắng mặt ở lễ trao giải Oscar năm 2003 dù cho kiệt tác của ông Spirited Away (Vùng Đất Linh Hồn) đã chiến thắng ở hạng mục Phim Hoạt Hình Xuất Sắc Nhất (Best Animated Feature Film). Nguyên nhân của sự vắng mặt này đã được chính ông xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với The Times vào năm 2009. Ông cho biết đó là động thái để phản đối cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iraq.
Nếu không có cuộc phỏng vấn này, cả thế giới sẽ vẫn tin vào lời lý giải vô cùng hợp lý của Toshio Suzuki hồi năm 2003 rằng người bạn già của ông muốn dành thời gian cho gia đình thay vì đến nhận giải.
Mãi đến năm 2014 người ta mới nhìn thấy Hayao Miyazaki xuất hiện ở lễ trao giải Oscar. Lần này ông nhận giải thưởng Danh Dự của Viện Hàn Lâm.
Sự ăn ý giữa Suzuki và Miyazaki còn được hé lộ thông qua tình huống Suzuki thuyết phục đạo diễn nhận dự án The Wind Rises (Gió Nổi) dù lúc ấy Miyazaki muốn sản xuất một bộ phim tương tự như Ponyo. Lý do mà Suzuki đưa ra đã làm xoay chuyển được một Miyazaki nổi tiếng bảo thủ. Ông đã nói rằng đạo diễn là người duy nhất có thể làm ra một bộ phim tinh tế đến như vậy.
Rõ ràng, Suzuki không chỉ khai phá được tài năng của Miyazaki mà ông còn là người lập ra nhiều chiến lược đúng đắn trong suốt quá trình tiến hành dự án. Nói cách khác, nhân tố sống còn trong sự thịnh vượng của studio Ghibli cũng như sự bảo chứng tài năng của Hayao Miyazaki không ai khác chính là nhà sản xuất, cũng là đồng nghiệp của ông, Toshio Suzuki.
Như bất kỳ phân mảnh nào khác trong nền công nghiệp giải trí, vai trò của quản trị và những nhà chiến lược quyết định hơn một nửa sự thành công của ngành công nghiệp anime. Hãy thử tưởng tượng xem có bao nhiêu nghệ sĩ tài năng vẫn chưa tìm được đúng cơ hội để vươn đến công chúng, cũng như việc những tác phẩm của họ chưa từng được ra mắt và nhìn nhận đúng đắn.
Tầm ảnh hưởng của cái tên Hayao Miyazaki và "thương hiệu" của một đạo diễn lão làng không chỉ được dựng nên nhờ những giá trị cá nhân, mà còn có công đóng góp của một người đồng nghiệp và cũng là tri kỷ cùng chí hướng. Toshio Suzuki xứng đáng được gọi là một nhà quản trị thiên tài, người có thể khai phá ra những thiên tài khác để đem đến cho thế giới điện ảnh những kiệt tác để đời.