Ant-Man and the Wasp lấy bối cảnh sau các sự kiện ở Captain America: Civil War (2016). Lúc này, Scott Lang (Paul Rudd) bị giam giữ tại gia do vi phạm Hiệp định Sokovia khi đứng về phe Captain America (Chris Evans).
Một ngày nọ, anh trải qua giấc mơ kỳ lạ về Chiến binh Ong năm xưa Janet Van Dyne (Michelle Pfeiffer). Điều đó khiến Hank Pym (Michael Douglas) thêm nuôi hy vọng tìm thấy người vợ đã mất tích từ nhiều năm trước.
Cả hai cùng Hope Van Dyne (Evangeline Lilly) quyết định chế tạo một cỗ máy để tiến vào Lượng tử Giới. Song, họ gặp phải sự cản trở quyết liệt đến từ nhân vật bí ẩn có biệt danh Ghost (Hannah John-Kamen).
Đồng thời, tay buôn vũ khí Sonny Burch (Walton Goggins) cũng bắt đầu lên kế hoạch đánh cắp công nghệ lượng tử của Hank Pym.
Nội dung, hành động ở tầm trung
Với nội dung chính tương đối tách biệt khỏi các phim MCU gần đây, Ant-Man and the Wasp chỉ xoay quanh chuyến hành trình giải cứu Janet Van Dyne từ Lượng tử Giới của cha con nhà Pym. Từ ý tưởng đó, đạo diễn Peyton Reed biến câu chuyện tưởng chừng đơn giản trở nên phức tạp bởi sự góp mặt của hàng loạt tuyến phản diện khác nhau.
Tuy nhiên, không ai trong số đó để lại ấn tượng sâu sắc. Ghost có màn mở đầu khá hoành tráng khi dễ dàng hạ gục cả Người Kiến lẫn Chiến binh Ong với siêu năng lực đi xuyên vật thể độc đáo.
Nhưng càng về sau, nhân vật càng trở nên nhạt nhòa và dễ đoán. Câu chuyện trả thù do mâu thuẫn giữa các bậc phụ huynh không khác Iron Man 2 (2010) là bao. Mọi rắc rối của Ghost và Hank Pym thực tế hoàn toàn có thể giải quyết một cách dễ dàng nếu hai bên chịu đối thoại với nhau.
Còn Sonny Burch gần như chỉ là một tên giang hồ “hạng hai” so với cái mác “tay buôn vũ khí hàng đầu thế giới” được giới thiệu ở đầu phim. Hắn thường đem theo vài ba tên đàn em cùng công nghệ vũ khí đơn giản tới mức khó tin. Và Sonny cùng đồng bọn gần như chỉ đóng vai trò tấu hài là chính.
Những tưởng phe phản diện trong MCU đã trở nên khá khẩm hơn sau hai cái tên xuất sắc là Erik Killmonger (Micheal B. Jordan) ở Black Panther và Thanos (Josh Brolin) ở Avengers: Infinity War, Marvel Studios thêm một lần nữa mắc phải điểm yếu cố hữu với Ghost cùng Sonny Burch.
Với dàn nhân vật tương đối đông đảo, Ant-Man and The Wasp mang tới hàng loạt pha truy đuổi mãn nhãn. Công nghệ phóng to - thu nhỏ gây ra sự thích thú ngay từ ban đầu với những màn đua xe cực kỳ “ảo diệu”. Tuy nhiên, chúng cứ thế lặp đi lặp lại từ đầu tới cuối.
Các nhân vật trong phim liên tục rượt đuổi nhau để tranh giành qua lại công nghệ của Hank Pym, trong khi cốt truyện chính gần như không được bồi đắp thêm. Trường đoạn cao trào cũng không quá kịch tính bởi cách xử lý còn đơn giản và cái kết dễ đoán.
Về mảng hành động, yếu tố cận chiến của các nhân vật chính khá ít. Bộ phim không có nhiều phân cảnh thể hiện góc nhìn tí hon của Người Kiến so với phần đầu tiên như dùng đồ chơi để chiến đấu hoặc chui vào bên trong các vật thể nhỏ bé.
Màn đối đầu giữa Ant-Man - The Wasp với Ghost không để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Có lẽ bởi những trường đoạn hành động ấn tượng nhất của tác phẩm gần như đều đã xuất hiện trong các trailer, khiến tác phẩm đánh mất đi tính bất ngờ.
Điểm sáng đến từ yếu tố gia đình và diễn xuất
So với phần trước, Ant-Man and The Wasp vẫn trung thành với yếu tố hài hước - gia đình. Các tình huống gây cười trong phim chủ yếu đến từ loạt đấu khẩu dài dòng giữa các nhân vật. Chúng có thể gây cười ngay tức khắc, nhưng khó lòng đọng lại lâu trong khán giả sau khi phim kết thức.
Điểm sáng của bộ phim là diễn xuất duyên dáng của những cái tên như Michael Peña, David Dastmalchian hay T.I.. Nhóm có một số màn tung hứng khá ăn ý và gây được thiện cảm, dù đất điễn dành cho họ thực tế là không nhiều.
Nét đáng yêu và tinh nghịch của Cassie Lang do Abby Ryder Fortson thủ vai cũng là một điểm nhấn sáng giá khác của tác phẩm.
Yếu tố tình cảm gia đình tiếp tục được đề cao. Tuy là một siêu anh hùng kiêm... tội phạm ngoài vòng pháp luật, nhưng Scott Lang luôn cố gắng dành thời gian và tình cảm cho Cassie. Người Kiến tỏ ra là một người cha mẫu mực và không ngại bày tỏ rằng chính cô con gái bé nhỏ là động lực để anh “cải tà quy chính”.
Trong khi đó, bộ ba Hank Pym, Hope và Janet Van Dyne mang tới một câu chuyện khác, có phần cảm động hơn. Dẫu Janet đã mất tích suốt 30 năm, hai cha con nhà Pym chưa một ngày ngừng thương nhớ và mong muốn tìm lại bà. Đặc biệt, chính sự mất mát to lớn đã khiến “cựu Người Kiến” trở thành con người khó tính suốt nhiều năm trời.
Những nỗ lực giải cứu không ngừng nghỉ của nhà Pym cùng màn tái ngộ ấn tượng sau nhiều năm xa cách qua phần diễn xuất của hai ngôi sao gạo cội Michael Douglas và Michelle Pfeiffer hoàn toàn có thể khiến người xem cảm thấy xúc động.
Song, do thời lượng phim có hạn, Ant-Man and The Wasp chưa thể khai thác triệt để mối quan hệ thú vị giữa Scott Lang và gia đình mới của người vợ cũ Maggie (Judy Greer), cũng như mâu thuẫn năm xưa giữ Bill Foster (Laurence Fishburne) và Hank Pym.
Nhìn chung, Ant-Man and The Wasp chỉ là một tác phẩm tầm trung của Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Dẫu vậy, bộ phim vẫn làm khá tốt nhiệm vụ giải trí đối với khán giả, cũng như hé mở thêm một chút về Avengers 4 (2019) thông qua đoạn phim mid-credits
Ant-Man and The Wasp - Người Kiến & Chiến binh Ong chính thức khởi chiếu từ 6/7.
(Theo Tuấn Lương - zing.vn)