Jang Ji-sung là người mẹ đau khổ vì mất đứa con gái bé bỏng vào 3 năm trước. Đứa con gái tội nghiệp của cô, Nayeon đã mất vì cơn bạo bệnh khi chỉ mới 7 tuổi. Ji-sung đã rất đau buồn trong suốt thời gian vừa qua. Chưa bao giờ cô ngừng nhớ đến đứa con gái đoản mệnh của mình.
Rồi công nghệ phát triển và đem lại những phép màu. Ji-sung đã được gặp lại con gái mình thông qua công nghệ thực tế ảo (VR), được sờ vào con, trò chuyện và thậm chí còn chuẩn bị một bữa tiệc sinh nhật cùng Nayeon.
Ji-sung được đeo một mắt kính và găng tay để có thể nhìn thấy và tương tác với hình ảnh ảo hiển thị. Chỉ ngay khi thấy hình ảnh của con, Ji-sung đã bật khóc nức nở. Cô dùng tay huơ vào thinh không để có thể sờ được thân hình nhỏ bé của con mình trong kính, trò chuyện, ngắm nhìn gương mặt đã mà cô tưởng chừng sẽ không còn có thể nhìn thấy.
Không chỉ Ji-sung, cả gia đình cô gồm chồng, anh và chị và ngay cả ekip thực hiện cũng không thể cầm được nước mắt. Tất cả đều vỡ oà trong khung cảnh đoàn tụ dù ai cũng biết chỉ là giả tưởng.
Ekip chương trình và nhóm phát triển đã dành 8 tháng ròng rã để mang đến giây phút hội ngộ đầy xúc động của hai mẹ con. Họ đã dựng nên công viên mà hai mẹ con từng tới để dựng nên một phiên bản thực tế ảo, trong khi một diễn viên nhí sẽ đóng vai trò cung cấp chuyển động chuẩn để dựa vào đó dựng nên những chuyển động chân thực của Nayeon.
Công nghệ đã đem lại những phép màu trong đời thực, mang lại những giây phút đoàn tụ đầy xúc cảm, và rất nhiều trung tâm nghiên cứu công nghệ nhằm giúp đỡ mọi người kết nối với người quá cố đang được mở rộng nghiên cứu. Đây được xem là một bước tiến đầy nhân đạo, bởi: “”Do bạn biết rõ người thân của mình đã qua đời, bạn dễ dàng chấp nhận phiên bản số của họ, một cách tự an ủi bản thân. Không có gì sai trái hay thiếu đạo đức trong việc này”, nhà thần kinh học Michael Graziano thuộc đại học Princeton chia sẻ.