Jeff Bezos đã thực hiện chuyến đi kéo dài 10 phút tới không gian dưới quỹ đạo vào sáng thứ Ba, không ít người nhận định đây sẽ là tin tốt cho nhân loại. Tuy nhiên, chuyến bay của Jeff Bezos cũng khiến ta liên tưởng đến một bộ phim nổi tiếng. Trong đó, một tập đoàn lớn đã phá hủy Trái Đất, biến hành tinh này thành một vùng đất hoang đầy rác thải, nơi không thứ gì có thể phát triển được.
Tất cả sự sống trên hành tinh — ngoại trừ một con gián — đã chết hoặc trốn thoát trên một con tàu vũ trụ có tên là Axiom, nơi con người được máy móc phục vụ, dành cả ngày để xem màn hình và mỉm cười thẫn thờ khi cơ bắp của họ bị teo đi. Một tấm biển “Welcome to Economy” treo trên đầu của những hành khách không biết gì đang diễn ra ngoài màn hình trước mặt.
Wall-E, mặc dù đã được phát hành cách đây hơn một thập kỷ, nhưng bộ phim như một lời cảnh báo cho tương lai khi những người khổng lồ giàu sụ như Bezos đang tập trung vào việc biến không gian thành một khu vui chơi, hoặc một cơn ác mộng công nghiệp.
Khi Wall-E ra mắt vào năm 2008, công ty Buy-n-Large trong phim phục vụ mọi người trong tàu không gian Axiom đã bị so sánh với Walmart, nhưng đạo diễn Andrew Stanton cho biết bộ phim thực sự được lấy cảm hứng từ sự trỗi dậy của các công ty như Amazon.
Giống như Buy-n-Large, khởi đầu là một công ty sữa chua, Amazon bắt đầu tham gia thị trường sách nhưng nhanh chóng tiếp quản mọi thứ. Và bất chấp những tuyên bố của Bezos rằng ông quan tâm đến cuộc khủng hoảng khí hậu, Amazon, giống như Buy-n-Large, đang hủy diệt Trái Đất.
Công ty tạo ra hàng trăm ngàn tấn chất thải nhựa, phun ra các khí độc hại và làm nóng hành tinh bởi hàng nghìn phương tiện và nhà kho, đồng thời giúp các công ty dầu mỏ khai thác nhiên liệu hóa thạch hiệu quả hơn. Chỉ tính tại một nhà kho, công ty đã vứt bỏ hàng triệu sản phẩm, và vấn đề rác thải của Amazon ngày càng nghiêm trọng.
Thay vì thực hiện bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào để giải quyết sự tàn phá môi trường của Amazon, Bezos ngày càng nói về cách chúng ta cần chuẩn bị để thoát khỏi Trái Đất hoàn toàn. Ngay sau chuyến du hành vào vũ trụ, ông đã thẳng thắn nhận xét rằng nhân loại nên chuyển tất cả các ngành công nghiệp gây ô nhiễm lên không gian. Trước đây, ông nói rằng muốn xây dựng các thuộc địa trên quỹ đạo của Trái Đất để hỗ trợ hàng tỷ người.
Wall-E cảnh báo chúng ta về những mối nguy hiểm mà tương lai trong mơ của Bezos có thể mang lại. Chúng ta có thể mất tầm nhìn về những thứ tạo nên bản thân con người, chẳng hạn như mối quan hệ với các sinh vật sống khác. Trái Đất đã bị biến thành một bãi phế liệu vô tận. Các robot như nhân vật chính trong phim là thứ bỏ đi do xu hướng chỉ sử dụng một lần bởi một tập đoàn duy trì.
Buy-n-Large trong Axiom là một trung tâm mua sắm được tôn vinh, được thắp sáng bởi các bảng quảng cáo lung linh mời chào vô số thứ để mua từ những chiếc ghế bay giúp người dân yếu đuối của trạm vũ trụ di chuyển, đến nước ngọt và bánh mì phô mát. Không có bất kỳ cảm giác nào về tự nhiên hoặc kết nối cộng đồng. Thay vào đó, đó là trải nghiệm hoàn toàn riêng của người tiêu dùng.
Một điều chúng ta không thấy ở Wall-E là những gì đã xảy ra trong quá trình nhân loại rời Trái Đất, nhưng dựa trên những gì chúng ta biết từ thế giới thực, các giám đốc điều hành công ty giàu có có thể nhận được kết quả tốt nhất, giống như cuộc chạy đua không gian của các tỷ phú đã đưa người đàn ông giàu nhất hành tinh trở thành một trong những người đầu tiên du ngoạn khỏi Trái Đất.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu và sự tàn phá sinh thái đã ảnh hưởng nặng nề đến những người nghèo nhất trong chúng ta. Điều này có thể được nhìn thấy từ các gia đình người da màu và người bản địa có nhiều khả năng mất tất cả mọi thứ khi cháy rừng xảy ra, đến các cộng đồng bảo vệ môi trường sống trong bóng tối của các nhà máy lọc hóa chất, giấy và dầu sản xuất các mặt hàng sử dụng một lần mà Amazon rất thích bán cho chúng ta, nhiều trong số đó trở thành chất thải ở các nước nghèo hơn.
Jeff Bezos đã đúng khi nói rằng tất cả chúng ta đều trả tiền cho chuyến đi đến rìa không gian của ông - không chỉ vì công nhân và khách hàng đã khiến ông trở nên giàu có, mà còn vì Amazon và các tập đoàn khác đã đưa chi phí ô nhiễm của họ lên tất cả chúng ta. Chu kỳ này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trong những thập kỷ tới trừ khi chúng ta thực hiện các bước để chấm dứt nó.
Thực tế, chúng ta cũng không có kế hoạch dự phòng. Nếu sự hủy diệt Trái Đất vẫn tiếp tục với tốc độ hiện tại, chúng ta sẽ gặp đại họa.
Một thông điệp cốt lõi Wall-E muốn gửi lại: Chúng ta sẽ đi đến con đường diệt vong nếu chúng ta tiếp tục để các tập đoàn theo đuổi sự tăng trưởng lợi nhuận bất tận.
Trong Wall-E, đó là một robot bất lực bị bỏ mặc cho đến khi một nhà lãnh đạo dũng cảm của con người, thuyền trưởng của Axiom, quyết định quay đầu con tàu vũ trụ và xây dựng lại Trái đất. Mặc dù tương lai nhân loại trong Wall-E khá tồi tệ, kết thúc của phim tương đối lạc quan. Nhưng ngày nay, chính những con người hiện tại đang đau khổ. Và sẽ cần nhiều hơn là một thuyền trưởng để xoay chuyển con tàu.
Tham khảo: Gizmodo