QQ đưa tin mới đây Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã có bài viết phê bình những tác phẩm ngôn tình thần tượng có nội dung yêu đương đến mức không còn lý trí, hành động thiếu tính logic, không được đánh giá cao về mặt đạo đức. Trong đó, các bộ phim như Khói Lửa Nhân Gian Của Tôi, Dư Sinh Quãng Đời Còn Lại Xin Chỉ Giáo Nhiều Hơn, Vụng Trộm Không Thể Giấu , Thả Thí Thiên Hạ (Tranh Thiên Hạ) ... đều bị nhắc đến.
Theo CCTV , hiện tại phim ngôn tình đều được gắn mác phim về nghề nghiệp, nhưng nội dung ít mô tả về công việc thực sự của lính cứu hỏa, bác sĩ, nghệ sĩ violin, diễn viên múa. Phim thường chỉ xây dựng qua loa về nghề nghiệp để lấy bối cảnh nhân vật. Thời lượng chủ yếu vẫn là về chuyện tình cảm lúc nồng cháy, khi giận hờn giữa hai nhân vật chính.
Phim của Triệu Lộ Tư, Dương Dương, Vương Sở Nhiên bị đánh giá là có nhiều tình tiết, câu thoại "mất não", chỉ chú trọng yêu đương.
Theo CCTV , nếu bộ phim chỉ có những cảnh ngọt ngào, hẹn hò thông thường thì vẫn mang tính giải trí với một bộ phận khán giả. Song, nhiều tác phẩm vì muốn tạo ra mâu thuẫn, đẩy nhịp phim lên cao trào mà khiến các nhân vật hành xử quên đi đạo đức cơ bản, yêu đương đến mất lý trí. Các nhân vật này khiến khán giả phẫn nộ, thậm chí chỉ trích diễn viên vì đã nhận vai diễn không mang lại tư tưởng tích cực.
Tống Diễm và Hứa Thấm bị ghét nhất năm 2023
Trong phim Khói lửa nhân gian của tôi , nam chính Tống Diễm (Dương Dương) vì để tạo bầu không khí lãng mạn đã lấy bình cứu hỏa ra xịt lung tung, hành động này bị nhiều trang truyền thông của chính phủ Trung Quốc chỉ trích.
Nữ chính Hứa Thấm (Vương Sở Nhiên) bật khóc khi được Tống Diệm nấu cháo trắng chăm sóc lúc cô bị ốm. Hứa Thấm cho rằng cô chưa từng nhận được sự quan tâm ấm áp như vậy. Tuy nhiên, khán giả chỉ trích Hứa Thấm vô ơn vì gia đình họ Mạnh nhận nuôi Hứa Thấm hơn 20 năm đã tạo điều kiện cho cô du học làm bác sĩ, còn mua nhà và xe cho cô. Ơn nuôi dưỡng chăm sóc đều không được Hứa Thấm để trong lòng. Vì tình yêu, Hứa Thấm sẵn sàng bỏ nhà ra đi, nói lời tổn thương cha mẹ nuôi.
Phim Khói lửa nhân gian của tôi lấy đề tài tình yêu của lính cứu hỏa và bác sĩ, nhưng không được đánh giá cao về nội dung vì cách xây dựng nhân vật kém, nam chính làm màu, nữ chính vô ơn.
Theo CCTV , những bộ phim cổ xúy kiểu tình yêu độc hại vì tình yêu hy sinh tất cả nên bị cấm. Bộ phim này bị tẩy chay mạnh mẽ tới mức hai diễn viên Dương Dương và Vương Sở Nhiên đều nhận chỉ trích của khán giả, bị ảnh hưởng danh tiếng nặng nề.
Trong đó, Dương Dương bị gọi là "ông hoàng dầu mỡ" với diễn xuất làm màu, khoa trương, tỏ ra tài giỏi thâm tình. Còn Vương Sở Nhiên bị hình tượng vô ơn của nhân vật Hứa Thấm làm ảnh hưởng. Người xem tẩy chay các sản phẩm do Vương Sở Nhiên quảng cáo, thậm chí còn yêu cầu cô không được nhận vai diễn nữ thần Ôn Dĩ Phàm trong dự án Khó dỗ dành .
Lý Tuân và Chu Vận - Cặp đôi ích kỷ
Một nhân vật khác cũng nhận chỉ trích của CCTV là Lý Tuân (Trần Phi Vũ đóng) trong Chiếc bật lửa và váy công chúa . Lý Tuân được xây dựng là người có quá khứ đau khổ bị coi thường nên sống ngang tàng, chỉ làm theo suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, việc Lý Tuân vì trả thù mà gây tổn thương khiến người khác mù mắt không được đánh giá cao.
Không những vậy, Chu Vận (Trương Tịnh Nghi đóng) còn bênh vực Lý Tuân, nói với cha mẹ: "Mắt của hắn có bị mù hay không, liên quan gì đến con. Mọi người chỉ lo cho hắn, sao không ai nghĩ tới tương lai của Lý Tuân".
Theo CCTV , hành động bảo vệ người yêu, ủng hộ cả việc hành hung người khác của nữ chính Chu Vận quá mù quáng.
Chu Vận vì yêu mà đứng về phía Lý Tuân khi nhân vật này gây tổn thương cho người khác.
Tang Trĩ và Đoàn Gia Hứa bị chỉ trích vì cổ xúy yêu sớm
Đặc biệt, bộ phim Vụng trộm không thể giấu từng bị Chúc Minh, biên kịch của phim Thiếu nữ toàn phong , kêu gọi các cơ quan quản lý nghệ thuật gỡ khỏi nền tảng chiếu với lý do có khả năng xúi giục phạm tội với trẻ em dưới 16 tuổi, cổ xúy học sinh nhỏ tuổi yêu sớm.
Theo biên kịch này, bộ phim kể về học sinh trung học cơ sở 14 tuổi có những hành động tương tác qua lại ám muội với nam sinh đại học. Cô bé Tang Trĩ trong phim thích đàn anh Đoàn Gia Hứa, đỏ mặt mỗi khi nói chuyện, tương tư Đoàn Gia Hứa. Nam chính cũng có những hành động, giọng điệu thể hiện tình cảm với Tang Trĩ.
"Cha mẹ học sinh không nên để cho con xem phim này. Các đồng nghiệp cùng ngành cũng nên có trách nhiệm với xã hội", Chúc Minh cho rằng Vụng trộm không thể giấu miêu tả tình cảm sai trái, thúc đẩy tình yêu sớm ở học sinh.
Nhân vật Tang Trĩ thích đàn anh Đoàn Gia Hứa từ khi là cô bé 14 tuổi.
Bài đăng của biên kịch Chúc Minh nhận hơn 90.000 like và hơn 10.000 bình luận, trong đó có nhiều ý kiến đồng tình. Thực tế, các bộ phim thanh xuân vườn trường tại Trung Quốc đều cấm chủ đề yêu sớm. Nhân vật chính đều cổ vũ nhau học tập, chỉ phát triển mối quan hệ tình ái lãng mạn khi đã vào đại học.
Ngoài ra, Vụng trộm không thể giấu cũng có nội dung nhàm chán, tình tiết chủ yếu là cảnh yêu đương lãng mạn quen thuộc trong rất nhiều bộ phim khác, không đem lại giá trị tích cực nào.
Vì sao Trung Quốc nhiều phim "rác"?
CCTV còn đề cập đến các bộ phim ngôn tình xây dựng những tình tiết khoa trương, thiếu tính thực tế. Bộ phim Khi em mỉm cười rất đẹp lấy đề tài thể thao điện tử nhưng nhân vật lại khẳng định: "Chúng ta làm việc không đàng hoàng". Trong khi đó, thể thao điện tử đang là bộ môn được đưa vào thi đấu chính thức ở nhiều giải đấu lớn.
Ngoài ra, bộ phim Anh ấy bước ra từ ánh lửa không có những lời thoại bị đánh giá là "mất não", song, vì để tạo kết nối giữa nam - nữ chính, biên kịch đã để nữ chính gặp hỏa hoạn tới 5 lần và lần nào cũng được nam chính cứu ra với kiểu bế công chúa rất lãng mạn. Tình tiết này bị đánh giá là khoa trương, thiếu tính thực tế.
Theo CCTV , hiện tại phim truyền hình Trung Quốc gặp rất nhiều vấn đề, trong đó khả năng cải biên của biên kịch không mạnh, thường chỉ dựa vào nguyên mẫu tiểu thuyết sẵn có. Tuy nhiên, những tiểu thuyết này có nhiều bộ do tác giả trên mạng sáng tác, nội dung không đủ sâu sắc, nhận thức chưa đầy đủ, chỉ đề cao tình yêu một cách sáo rỗng, nhiều tình huống lặp lại. Ví dụ Vụng trộm không thể giấu được tác giả Trúc Dĩ sáng tác khi chưa đầy 20 tuổi.
Bên cạnh đó, hạn chế của tiểu thuyết là có nhiều tình tiết hoặc cách thiết lập nhân vật đã bị cũ, chỉ phù hợp với tư duy của khán giả 10, 20 năm trước. Hiện tại, xã hội đề cao nam nữ bình đẳng, đề cao tính độc lập của phụ nữ, trong khi đó, các tác phẩm cũ vẫn xây dựng các cô gái coi bạn trai và tình yêu là tất cả. Những nhân vật này không phù hợp với tư duy của các bạn trẻ nên dễ bị khán giả chỉ trích.