Một trong những chủ đề khá được các nhà làm phim quan tâm, đó là mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Không thiếu những bộ phim nói về thiên tai như bão lũ, sóng thần, … Thế nhưng ngoài chuyện con người phải chống chọi với những hiểm hoạ từ thiên tai, thì có một vấn đề khác còn đáng sợ hơn, đó chính là những muông thú đang ẩn sâu trong vỏ bọc yên bình của thiên nhiên.
1.Hàm cá mập 1 (Jaws – 1975)
Poster của phim gây ấn tượng khi đánh trúng tâm lý
Những thứ ẩn sâu dưới làn nước trong xanh cuả biển cả luôn khiến chúng ta phải lo sợ. Không biết bao nhiêu lần, khi đang thả mình trong làn nước để thư giãn, chúng ta tự tưởng tượng ra rằng phía dưới đang là loài động vật thèm thuồng lao tới.
Và điều này đã được khắc họa rõ nét trong Hàm cá mập phần 1 của đạo diễn Steven Spielberg. Bộ phim được làm dựa trên cuốn sách ăn khách của nhà văn Peter Benchley, kể về cuộc tấn công hung hãn từ giống cá mập trắng khổng lồ tại vùng biển New England (Mỹ).
Bộ phim bắt đầu với diễn biến trên bờ biển, khi thấy xuất hiện cá mập trắng ngoài biển và dần tiến đến khu vực được coi là an toàn, cảnh sát trưởng Martin Brody đã tham mưu cho Thị trưởng Larry Vaughn hãy đóng cửa các bãi tắm để giữ an toàn cho mọi người, nhưng vì sợ thị trấn mất đi nguồn thu nhập, Vaughn đã không đồng ý.
Sau đó, một con cá mập bị triệt hạ, Vaughn thông báo bãi biển hoàn toàn an toàn để khách có thể tiếp tục ở lại. Thế nhưng kết quả sau vụ điều tra của nhà hải dương học Matt Hooper lại khẳng định rằng, loài vật có thể tấn công con người có kích thước to lớn hơn rất nhiều. Vaughn đã bỏ ngòai tai điều này vì lợi nhuận của thị trấn.
Đây chẳng phải chuyện quá khó khăn đối với anh hay sao ?
Đến thời điểm “nóng” của mùa du lịch, du khách bắt đầu đến nhiều hơn, và sự việc càng nghiêm trọng khi cá mập quay trở lại và giết chết một người. Lúc này Brody thuyết phục Vaughn hãy thuê Quint đi giết con cá mập với giá 10.000USD.
Thế nhưng cái kết cho Quint lại khá cay đắng, đó là vì liều lĩnh mà anh đã bị con cá mập nuốt trọn. Dù đã có gắng níu lấy tay những người đồng đội, nhưng vì chiếc tàu bị cá mập cắn nát đến một nửa, nên anh đã bị trôi theo độ dốc của tàu. Cuối phim, Brody và Hooper ôm những mảnh gỗ rồi bơi vào bờ sau khi Brody khiến con cá mập nổ tung bằng cách ném một bình gas vào miệng nó, và dùng súng trường bắn vào bình gas.
Bộ phim gồm 4 phần với những câu chuyện hết sức ly kỳ.
2. Mặt hồ tĩnh lặng (Lake Placid – 1999)
Mặt hồ tĩnh lặng là bộ phim thuộc thể loại phim kinh dị quái vật của đạo diễn Steve Miner, được sản xuất bởi Fox 2000 Pictures và Stan Winston Studios (tác phẩm đặc biệt cho các sinh vật) và nhiếp ảnh chính được quay ở British Columbia, Canada.
Bộ phim kể về câu chuyện bí ẩn tại Black lake, khi mà cá và nhân viên trò chơi Walt Lawson bị tấn công và luôn chỉ bị cắn một nửa thân. Cảnh sát trưởng Hank Keough, giám đốc khu thuỷ sinh và trò chơi Jack Wells, Bảo tàng lịch sử tự nhiên, nhà cổ sinh vật học Kelly Scott, và giáo sư thần thoại / người đam mê cá sấu Hector Cyr đã có chuyến đi đến hồ để điều tra xem chuyện gì đang xảy ra tại nơi vốn yên bình này. Và họ phải đối mặt với thứ mà họ chưa từng tưởng tượng ra.
Ám ảnh kinh hoàng khi kéo lên từ dưới nước chỉ còn... nửa thân của con vật xấu số
Để kiểm chứng sự nghi ngờ rằng thứ họ thấy là một loài động vật lâu năm chứ không phải một thế lực kì bí sau hàng loạt những lần họ tìm lại được phần cơ thể đã bị biến mất của những nạn nhân xấu số, họ đã dùng rất nhiều cách để nhử “nó” ra khỏi mặt hồ. Cuối cùng kết quả họ tìm thấy là đến tận hai con cá sấu khổng lồ.
Họ đã dùng mọi cách để triệt hạ con cá sấu khổng lồ đó. Từ việc nhử bằng cách thả mồi kéo xuống hồ, rồi đến cả việc treo một con bò lên trực thăng. Cuối cùng, kết quả họ nhận được là mồi thì mất, và người cũng suýt nữa mất theo.
Nhưng bộ phim không gây ám ảnh bằng những điều vừa kể trên, mà thứ khiến khán giả suy nghĩ, đó là ở phân cảnh cuối trong phim, một người phụ nữ đang vui vẻ cho hàng đàn cá sấu con ăn những vụn bánh mì.
Chỉ một lần há miệng, cá sấu đã đớp trọn con mồi
3. Mãng xà Nam Mỹ: Săn lùng huyết phong lan (Anacondas : The hunt for the blood orchid – 2004)
Nếu như trong hai bộ phim trước, đều chỉ nói một cách ẩn ý rằng những người đi săn sẽ phải đối mặt với những nỗi ám ảnh kinh hoàng, thì cho đến Mãng xà Nam Mỹ: Săn lùng huyết phong lan, bộ phim đã để hẳn câu tagline là “Những người thợ săn sẽ trở thành kẻ bị săn” (The hunters will become the hunted).
Bộ phim là những diễn biến xoay quanh nhóm tiến sĩ có tên là: Jack, Ben, Cole, Gordon, Samantha và Gail với tham vọng tìm được hoa lan máu. Vì nghe đồn loài hoa này giúp con người tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, họ đã bất chấp hiểm nguy để đến hòn đảo Borneo. Mãng xà Nam Mỹ : Săn lùng huyết phong lan không chỉ đem tới một câu tagline hay, mà còn là một bộ phim đầy ý nghĩa về những sự ganh đua và kết quả dành cho những người tham lam, ích kỉ.
Ben là người đầu tiên bị trăn ăn thịt. Mọi người đang bắt đầu hoảng loạn và tìm sự trợ giúp để về đất liền. Trong lúc ấy, Jack bắt được một con nhện độc và có ý định đem nó về New York để thí nghiệm. Jack tiếp tục giấu mọi người rằng mình có một chiếc điện thoại di động vì muốn mọi người không bỏ cuộc trên con đường đi tìm hoa lan máu, thế nhưng không may rằng Gordon đã phát hiện ra. Gordon đã làm căng để có thể sử dụng chiếc điện thoại gọi cứu trợ, nhưng Jack không đồng ý.
Trong một phút nóng nảy, Jack đã thả con nhện ra cắn bạn mình. Theo giới thiệu, nhát cắn chí mạng của con nhện này độc đến nỗi làm cho nạn nhân bị tê liệt như đá trong hai ngày. Thế nhưng Gordon thì không cần đến hai tiếng, bởi ngay sau đó anh đã chui vào bụng con trăn khổng lồ. Tran Wu sau đó cũng là mồi của con trăn. Jack lợi dụng mọi người sơ hở đã lấy được súng và bè để uy hiếp tất cả. Anh ép Samantha lấy hoa lan máu cho mình. Sau một hồi căng thẳng, Samantha đã có hoa. Anh đưa cho Jack và mong có thể trở về. Ai ngờ con nhện xổng ra, cắn Jack và cơ thể sau khi bị tê liệt của anh đã rơi xuống hố toàn trăn. Dù vẫn biết, cả trăn hay cá sấu, cá mập đều chỉ là những mô hình được nhà sản xuất dựng lên. Nhưng cùng với kỹ thuật quay và diễn xuất tài tình của dàn diễn viên, khán giả dường như không khỏi thót tim mỗi khi loài thú hung dữ ấy mặt đối mặt với chính mình, hay nói tường minh hơn là góc quay trực diện. Những khi máy quay lia vào cận cảnh con người đang dần dần chui gọn gàng vào bụng những loài thú ấy, dường như có cảm giác gì đó vừa sợ, vừa xót. Hàm răng sắc nhọn ấy chỉ cần sượt qua nhân vật cũng đủ để ta rùng mình.