Facehugger trong phim Alien
Trong series phim viễn tưởng đình đám Alien, chắc hẳn khán giả sẽ chẳng bao giờ có thể quên được hình ảnh những con quái vật ngoài hành tinh gớm ghiếc. Một điểm đặc trưng khá thú vị của loại sinh vật này chính là chúng ban đầu nở ra từ một quả trứng dưới hình dạng một Facehugger. Sinh vật này sẽ bám vào mặt con người, đẻ trứng vào cơ thể họ qua đường... miệng rồi sau đó quả trứng sẽ lớn lên, đến khi thành hình một Alien thì phá tung cơ thể vật chủ (là con người) để ra ngoài.
Tại sao sự tồn tại của sinh vật này lại vô lý:
Đầu tiên, chúng ta phải thắc mắc là sinh vật này vốn không được sinh ra để thích nghi với việc kí sinh trong cơ thể con người. Thực tế thì trong phim, chúng cũng chưa từng tiếp xúc với con người từ trước. Như vậy thì rất khó để một con Facehugger cũng như đám Alien làm quen với ADN của con người và kí sinh vào chúng ta ngay tắp lự như trên phim được. Vậy thì việc một con Facehugger vừa thấy người đi qua đã vội vồ lấy họ và ngấu nghiến lấy họ như chết đói lâu ngày gần như là điều không thể xảy ra.
Sarlacc trong phim Return of the Jedi
Sarlacc trong bộ phim Return of the Jedi là một loại sinh vật khổng lồ sống tại sa mạc, chúng ẩn mình dưới cát và sẵn sàng cắn nuốt tất cả những sinh vật nào đi ngang qua chúng. Theo miêu tả thì chúng sẽ mở cái miệng lớn với 37,000 chiếc răng sắc nhọn đủ để nghiền nát tất cả những sinh vật xấu số bị chúng nuốt vào.
Tại sao sự tồn tại của sinh vật này lại vô lý:
Đầu tiên, phairi khẳng định rằng con Sarlacc chúng ta thấy trên phim là một con đã trưởng thành và nó chẳng thể di chuyển đi đâu cả, chỉ nằm một chỗ, chờ ăn thịt những sinh vật đi ngang qua mà thôi. Về cơ bản thì nó giống như một vài loại cây ăn thịt có thật trong tự nhiên, chờ con mồi (côn trùng) đi vào bẫy và ăn thịt chúng.
Thế nhưng, những loại thực vật ăn thịt, đơn cử như cây nắp ấm cũng chẳng thể nào sống tại sa mạc được bởi ở đó quá ít "con mồi" cho chúng. Chưa kể đến việc chúng vẫn phải sống dựa vào nguồn dinh dưỡng khác chứ không chỉ đơn thuần từ việc săn mồi. Và như vậy thì một sinh vật "lười nhác" như Sarlacc sống tại sa mạc sẽ chẳng bao giờ có đủ thức ăn để lớn đến nhường này.
Theo ghi chép của đoàn làm phim thì một con Sarlacc dài tới 45 mét, tức là lớn hơn cả một con cá voi và có giả thiết cho rằng chúng lớn được đến vậy bởi chúng đã nằm tiềm phục ở sa mạc tới cả nghìn năm rồi nên dù bắt được ít con mồi nhưng nhờ "chăm chỉ" trong thời gian dài chúng vẫn đạt được kích thước như vậy. Với giả thiết này, các nhà khoa học cũng đã "bóc mẽ" rằng nó không hề thực tế bởi bạn sống hàng nghìn năm bằng cách chờ thức ăn... "chạy đến" như Sarlacc thế này chẳng khác nào một người trưởng thành sống cả đời chỉ với một... chiếc bánh Oreo cả. Thật phi lý.
King Kong trong... tất cả các phim về King Kong
Hẳn là khán giả tại Việt Nam vẫn còn chưa thể quên được bộ phim Kong: Skull Island được quay tại Việt nam phải không nào. Theo các phiên bản phim cũ về King Kong thì đây được coi là một giống khỉ khổng lồ nay đã tuyệt chủng và chỉ còn lại đúng 1 con King Kongg mà chúng ta được thấy. Còn theo phiên bản phim mới thì ngoài Kong ra còn rất nhiều loại sinh vật khổng lồ khác mà con người chưa từng biết đến.
Tại sao sự tồn tại của sinh vật này lại vô lý:
Theo các nhà khoa học thì khi kích thước của một vật tăng gấp đôi, thể tích và trọng lượng sẽ phải tăng gấp 8 lần. Trong trường hợp của Kong (phiên bản nhỏ trên điện ảnh trước đây năm 2005 nhé) cao gấp 7 lần một con gorilla bình thường. Như vậy thì trọng lượng của nó sẽ là khoảng 60 tấn. Một cơ thể của sinh vật 2 chân, thậm chí kể cả đi trên 4 chân cũng chẳng thể đỡ được trọng lượng lớn như vậy.
Theo các nhà khoa học thì với trọng lượng như vậy mà lại được tạo hình dưới dạng một sinh vật linh trưởng đi bằng 2 chân, thỉnh thoảng chống tay xuống đất thành 4 chân như Kong thì đảm bảo nó chẳng thể đi được chứ đừng nói là chạy hùng hục như trên phim. Và kể cả nó có cố gắng di chuyển thì chỉ vài bước là sẽ bị gãy xương mà thôi. Và một sinh vật khổng lồ mà lại không thể di chuyển được thì chắc chắn sẽ làm mồi cho những loài vật khác mà thôi. Tóm lại, để có trọng lượng lớn như vậy, chúng sẽ phải có cấu tạo hình dạng cơ thể đặc biệt và chắc chắn là hình dạng của Kong không đáp ứng được điều này. Trong Kong: Skull Island thì kích thước của "em" Kong còn to hơn nữa, tất nhiên là độ vô lý và phi logic cũng tăng theo luôn...
Clover trong phim Cloverfield
Clover là sinh vật khổng lồ trong bộ phim viễn tưởng đình đám Cloverfield từng được ra mắt năm 2008. Đây là loại sinh vật ngoài hành tinh có hình dạng vô cùng kì dị đến mức người viết cũng chẳng biết mô ta chúng bằng ngôn từ nào cho phù hợp. Bạn có thể xem hình ảnh đầy đủ của Clover ở dưới đây dựa trên một figure của phim.
Tại sao sự tồn tại của sinh vật này lại vô lý:
Đầu tiên, phải kể đến việc đây là một con Clover mới sinh và theo lời tác giả đã tạo ra nó thì một con Clover trưởng thành sẽ phải đi bằng 2 chân chứ không chống tay xuống như thế này. Việc thả một con Clover mới sinh xuống Trái Đất như thế này thật sự vô lý vì nó khó có thể thích nghi được với môi trường ngay lập tức được. Chưa kể tới việc đám sinh vật kí sinh cũng xuất hiện bên cạnh con Clover này và được cho là như một loài rận sống bám trên cơ thể chúng, đi theo chúng tấn công con người. Vậy nhưng đáng lẽ ra đám kí sinh này sẽ chẳng bao giờ rời cơ thể của Clover để tấn công những vật chủ nhỏ hơn, ít ngon lành hơn như con người cả.
Đám bọ trong Starship Troopers
Đám bọ trong bộ phim Starship Troopers là một chủng loài ngoài hành tinh mang tên Arachnids, được miêu tả trong phim như một chủng loài hiếu chiến, có khả năng thích nghi cao, luôn tự biến đổi gien và tạo ra những loại bọ mới có sức chiến đấu cao để đối đầu lại với con người.
Tại sao sự tồn tại của sinh vật này lại vô lý:
Loại bọ này sẽ chẳng bao giờ tồn tại được trên hành tinh của chúng. Bởi kích thước của chúng quá lớn mà theo các nhà khoa học thì để đạt kích thước này, chúng phải sống ở môi trường nơi lượng ô xi đạt khoảng 50-60% trong không khí. Mà bạn thấy con người chúng ta tới hành tinh bọ mà vẫn thở đều không cần mặt nạ thì chắc chắn không khí tại đó cũng giống với Trái Đất nơi chẳng bao giờ có được hàm lượng ô xi lớn đến vậy cả.
Tiếp theo nữa đó là đám bọ vẫn mang kết cấu cơ thể như của loài côn trùng với lớp vỏ ngoài cứng và không hề có khung xương đỡ như chúng ta. Theo các nhà khoa học thì kết cấu cơ thể như vậy chỉ phù hợp với loài sinh vật có kích thước nhỏ còn khi đạt kích cỡ khổng lồ mà vẫn giữ khung xương ngoài thì cấu trúc cơ thể chúng sẽ rất dễ bị... sụp đổ. Nếu đúng hình dạng như chúng xuất hiện trên phim thì một anh lính chỉ cần ném một hòn đá nhỏ vào con bọ, chúng sẽ đổ sụp xuống như quân domino mà thôi. Thật là một cuộc chiến dễ dàng phải không nào.
Tất cả mọi sinh vật trên hành tinh Pandora của phim Avatar
Không giống các sinh vật ở trên, những sinh vật xuất hiện trong bộ phim Avatar trông có vẻ hợp lý hơn cả. Trongg phim, đa phần các loài sinh vật đều mang hình dáng khá tương đồng với Trái Đất của chúng ta nhưng cuối cùng vẫn bị các nhà khoa học cho rằng sự tồn tại của chúng vô cùng bất hợp lý.
Tại sao sự tồn tại của sinh vật này lại vô lý:
Bởi theo các nhà khoa học thì một chủng loài sinh vật mang hình dáng giống con người xuất hiện tại một hành tinh xa xôi khác thật là quá vô lý. Ngay như trên Trái đất của chúng ta, con người chỉ là một trong số hàng triệu loài khác từng xuất hiện trên thế giới. Vì vậy mà sự xuất hiện một loài sinh vật mang hình dáng giống chúng ta ở một hành tinh xa xôi khác biệt hoàn toàn với Trái Đất về cấu tạo thật sự là một sự trùng hợp kì quặc.