NSƯT Công Ninh: "Nhiều diễn viên trẻ không biết diễn gì, trình bày nhân vật thiếu chân thật!"

NSƯT Công Ninh chia sẻ về vấn đề đào tạo lớp diễn viên trẻ ở thời điểm hiện tại khi nhiều trung tâm đào tạo mọc lên với những khóa đào tạo ngắn hạn.

NSƯT Công Ninh được khán giả nhớ tới nhờ những vai diễn khắc khổ trên màn ảnh. Tên tuổi ông tỏa sáng với vai trò đạo diễn vở kịch Dạ Cổ Hoài Lang vào năm 1994. Vở diễn trở thành hiện tượng của lịch sử kịch nói Việt Nam với hơn 1.000 suất diễn. Ông đoạt giải đạo diễn xuất sắc trong liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Năm 1995, ông tham gia phim điện ảnh đầu tiên - Ai Xuôi Vạn Lý của đạo diễn Lê Hoàng. Từ đây sự nghiệp của ông bắt đầu khởi sắc. Ít ai biết, ông là thầy giáo, dìu dắt nhiều tên tuổi nổi tiếng trong giới nghệ thuật. Hiện ông đang công tác tại khoa Đạo diễn của trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. 

- Qua góc nhìn của một người làm đào tạo, NSƯT Công Ninh thấy tiềm năng của lứa trẻ ra sao so với những thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước?

Diễn viên trẻ, theo quan sát của tôi, có hai hình thức biểu diễn. Một là diễn rất "thanh xuân". Một hình thức khác là cố gắng đi vào kỹ thuật biểu diễn, nhưng lại không có kỹ thuật biểu diễn. Những bạn trẻ đang thành công thường rơi vào trường hợp diễn với cảm xúc tự nhiên, sẵn có. Các em không dùng kỹ thuật biểu diễn, và là thế mạnh của các em. Thậm chí, có những diễn viên chuyên nghiệp chưa bao giờ biểu cảm được điều đó.

Đó là thế mạnh của những người trẻ. Song song với đó, nhiều diễn viên trẻ không hề biết diễn gì, lại không có bất kỳ cảm xúc nào với nhân vật được mời đóng vai. Cuối cùng, những diễn viên đó trình bày nhân vật này mà thiếu đi sự chân thật. Nếu không cố biểu diễn, người diễn viên đó không biết biểu lộ cảm xúc ra sao. 

- Xu hướng bây giờ dường như là học những khóa học diễn xuất ngắn hạn, không phải học 3, 4 năm như trước đây. Anh nghĩ đây có phải một xu hướng?

Những khóa học này chỉ phù hợp với diễn viên "tay ngang" nhưng có năng khiếu. Khi được đào tạo vài tháng, họ có thể đảm nhận được vai diễn nào đó. Nhưng chỉ diễn được vai trong bộ phim nhất định. Để đi đường dài, cần phải có nhiều nghiên cứu hơn.

Vài tháng để tạo ra một ngôi sao, theo tôi là không thể. Trường hợp thành công có thể rơi vào các em có năng khiếu bẩm sinh. Trong vài tháng đó, người thầy sẽ có thể bổ sung cho các em những kinh nghiệm ở phim trường, kinh nghiệm khi vào vai diễn. Đó chỉ là bổ sung. Để đào tạo, đúng và chính quy sẽ cần nhiều thời gian hơn. Điều này sẽ giúp các em hóa thân vào nhiều dạng nhân vật được yêu cầu.

NSƯT Công Ninh: "Nhiều diễn viên trẻ không biết diễn gì, trình bày nhân vật thiếu chân thật!" - 2

NSƯT Công Ninh khẳng định không thể tạo ra một ngôi sao trong vài tháng.

- Từng có quan điểm cho rằng "Ở Việt Nam, không có trường đào tạo diễn xuất nào ra hồn". NSƯT Công Ninh có đồng tình với quan điểm này?

Nói về đào tạo chính quy, ở Việt Nam có 2 trường đào tạo rất bài bản và chính quy, do các nghệ sĩ nổi tiếng đứng lớp. Đó là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. HCM. Nếu để ý một chút, những ngôi sao đang thành danh, được công chúng yêu mến trên các sân khấu, dự án điện ảnh,... đều xuất thân từ các trường chính quy.

10 diễn viên tạo tiếng vang hết 7, 8 người đều từ hai trường Sân khấu Điện ảnh ra. Có một số khác trưởng thành sau khi tham gia các trung tâm đào tạo. Nhưng theo tôi, đó là những em có năng khiếu rất đặc thù. Các em có những hoàn cảnh, có điều kiện may mắn để rơi vào tình huống có thể "bật" lên được thông qua các gameshow.

- Đâu là cái khó nhất khi đào tạo người trẻ để theo nghiệp diễn xuất ở thời điểm hiện tại?

Nói khó cũng đúng, mà nói không khó cũng không sai. Các trường đào tạo chính quy, ví dụ như trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. HCM, đầu vào đã có chất lượng rồi. Tôi đang dạy ở đây. Mỗi năm, số thí sinh thi tuyển ngành diễn viên đã trên dưới 1000 người. Khi chúng tôi tuyển, nhiều nhất là 100 diễn viên. Năm vừa rồi, chúng tôi tuyển có 50 diễn viên thôi. 

Từ trên dưới 1000 thí sinh, chỉ tuyển 50 - 100 người thì thử hỏi chất lượng ra sao. Trong khi với các trung tâm đào tạo, họ chỉ nhận, đóng tiền và đi học thôi. Họ chỉ đáp ứng được sự yêu thích của các bạn yêu mến điện ảnh, truyền hình, sân khấu. Còn với các trường chuyên nghiệp, họ chọn từ công tác tuyển sinh. 

Họ đã đào tạo trong 4 năm trời, thử hỏi không "ra hồn" thì ra cái gì?

NSƯT Công Ninh: "Nhiều diễn viên trẻ không biết diễn gì, trình bày nhân vật thiếu chân thật!" - 3

NSƯT Công Ninh cho rằng ở Việt Nam vẫn có nhiều trường đào tạo diễn xuất chính quy, có chất lượng và "ra hồn".