Nếu tính theo thể loại, Everything Everywhere All at Oncelà bộ phim khoa học viễn tưởng hoặc hài - hành động đầu tiên giành giải Phim truyện xuất sắc. Đây cũng được coi là tác phẩm điện ảnh đầu tiên thắng lớn (sweep) tại giải thưởng Oscar với 7 chiến thắng kể từ sau khi Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) mở rộng hạng mục Phim truyện xuất sắc lên tối đa 10 đề cử từ năm 2010. Lần gần nhất có một phim "sweep" là Slumdog Millionaire (2008) với 8 chiến thắng trên tổng cộng 10 đề cử nhận được.
Với Everything Everywhere All at Once, hai đạo diễn Daniel Kwan và Daniel Scheinert giành giải Đạo diễn xuất sắc. Đây mới là cặp bài trùng thứ ba lên ngôi ở hạng mục này sau Robert Wise cùng Jerome Robbins với West Side Story (1961) và anh em nhà Coen với No Country for Old Men (2007). Một nửa của bộ đôi - Daniel Kwan - là người mang dòng máu châu Á thứ tư cầm trên tay tượng vàng Đạo diễn xuất sắc, sau Lý An (hai lần với Brokeback Mountain và Life of Pi), Bong Joon-ho (với Parasite) và Chloe Zhao (với Nomadland). Toàn bộ các chiến thắng này đều diễn ra trong vòng chưa đầy 20 năm qua.
Dương Tử Quỳnh trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên và da màu thứ hai được xướng tên chiến thắng ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc với Everything Everywhere at Once. Lần đầu tiên và gần nhất giải thưởng này vinh danh một người phụ nữ da màu là Halle Berry với Monster's Ball (2001).
Hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc gọi tên Jamie Lee Curtis với Everything Everywhere at Once. Bà là người thứ hai có cha mẹ từng được đề cử Oscar nhưng không giành chiến thắng, sau Laura Dern. Ngoài ra, ở tuổi 64, Curtis cũng nằm trong số 10 nữ diễn viên lớn tuổi nhất từng được vinh danh ở hạng mục này.
Vai diễn xuất sắc trong Everything Everywhere All at Once giúp Quan Kế Huy mang về tượng vàng Nam diễn viên phụ xuất sắc. Anh là người châu Á thứ hai từng giành giải thưởng này sau Dr Haing S Ngor (người Cambodia) với The Killing Fields (1984).
Ngoài 3 cái tên kể trên, Brendan Fraser lên ngôi ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc với The Whale. Cả 4 cái tên nhận giải thưởng Oscar cho diễn xuất năm nay đều hơn 50 tuổi, với Quan Kế Huy trẻ nhất (51) và Jamie Lee Curtis (64) lớn tuổi nhất. Bên cạnh đó, phải sau 46 năm kể từ Network (1976), công chúng mới chứng kiến một bộ phim giành tới 3 giải Oscar diễn xuất như Everything Everywhere All at Once.
Black Panther: Wakanda Foreverđược xướng tên chiến thắng ở hạng mục Thiết kế phục trang. Đây là bộ phim hậu truyện hoặc ngoại truyện thứ 5 có được vinh dự này, sau Lord of the Rings: Return of the King (2003), Elizabeth: The Golden Age (2008), Fantastic Beasts (2016) và Mad Max: Fury Road (2014). Tuy nhiên, Black Panther: Wakanda Forever là bộ phim đầu tiên có tượng vàng sau khi tập trước (Black Panther, 2018) cũng giành chiến thắng tương tự.
Không chỉ là "ông hoàng phòng vé", James Cameron còn có thể được coi là "ông hoàng" của hạng mục Kỹ xảo điện ảnh xuất sắc. Xuyên suốt sự nghiệp, 6 trong 9 bộ phim điện ảnh do Cameron làm đạo diễn đã giành được giải thưởng này, với Avatar: The Way of the Water (2022) là cái tên mới nhất. Chỉ có 3 phim của ông không có được vinh dự này là Piranha II: The Spawning (1981), The Terminator (1984) và True Lies (1994).
Dù Jai Ho trong Slumdog Millionaire (2008) từng nhận giải Ca khúc chủ đề xuất sắc, nhưng bộ phim của Danny Boyle thực tế vẫn được tính cho nước Anh. Do đó, Naatu Naatu trong RRR (2022) năm nay có thể được coi là sản phẩm âm nhạc đầu tiên của Ấn Độ ẵm tượng vàng này.
Top Gun: Maverick chỉ có đúng một giải thưởng trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 95. Đó là hạng mục Âm thanh xuất sắc. Số lượng tượng vàng của bom tấn thu gần 1,5 tỷ USD toàn cầu cũng bằng với phần đầu tiên. Top Gun (1986) từng giành một chiến thắng duy nhất với Take My Breath Away ở hạng mục Ca khúc chủ đề xuất sắc.
All Quiet on the Western Front có thể vui vẻ ra về với 4 tượng vàng Oscar, trong đó có Phim quốc tế xuất sắc. Tác phẩm chiến tranh đến từ nước Đức chia sẻ kỷ lục số lượng chiến thắng dành cho một bộ phim không dùng tiếng Anh với Fanny and Alexander (1982), Ngọa hổ tàng long (2000) và Parasite (2019). Italy và Pháp vẫn là hai quốc gia có số lần chiến thắng kỷ lục ở hạng mục với lần lượt 14 và 12 lần. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng thế kỷ XXI, Đức đang tạm thời vượt lên dẫn đầu với 3 lần chiến thắng.
Guillermo del Toro's Pinocchio (2022) mới là bộ phim hoạt hình thứ hai được làm theo phong cách stop-motion giành chiến thắng hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc. Bộ phim đầu tiên được vinh danh trước đó là Wallace & Gromit and the Curse of the Were-Rabbit(2005).