Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa quyết định chọn bộ phim “578: Phát đạn của kẻ điên” là đại diện của Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển giải thưởng Phim truyện quốc tế - Oscar 2023. Sự lựa chọn này đã khiến dư luận không khỏi tiếp tục thở dài: Cứ đà này, Oscar cho phim Việt ư, mơ về nơi xa lắm!
Nỗi cảm thán ấy có căn nguyên của nó khi đại diện của Việt Nam lần này gây thất vọng ngay từ lúc mới trình làng với một kịch bản nhạt nhòa, thiếu logic, chưa chạm đến trái tim khán giả, dù là phim được đầu tư lớn cả về kinh phí lẫn diễn viên có thể bảo đảm doanh thu phòng vé.
Rồi thì nhìn về mặt thương mại - một tiêu chí quan trọng cho những phim gần đây được chọn dự giải Oscar - thì có lẽ đây là trường hợp lội ngược dòng.
Nếu như trước đó những phim như “Trúng số”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Hai Phượng”, “Mắt biếc”, “Bố già” đều có doanh thu cao, thậm chí là lập kỷ lục phòng vé thì lần này “578: Phát đạn của kẻ điên” lại có doanh thu quá èo uột, chưa đến con số 5 tỷ.
Hoặc nhìn về yếu tố nghệ thuật, lùi về thời gian cách đây mươi năm thì những phim đem chuông đi đánh xứ người được Nhà nước đầu tư đều của những đạo diễn tên tuổi như: “Vua bãi rác” (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn), “Đừng đốt” (đạo diễn Đặng Nhật Minh), “Khát vọng Thăng Long” (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), Mùi cỏ cháy (đạo diễn Nguyễn Hữu Mười)… Đằng này, cái tên bảo đảm cho “578: Phát đạn của kẻ điên” vẫn là Lương Đình Dũng - đạo diễn, biên kịch của phim “Cha cõng con”, một đại diện của Việt Nam tại Oscar năm 2018 song “thành công nửa phần đầu, thất bại nửa phần sau”.
Làm phép so sánh như thế để thấy cách tiến đến sân chơi Oscar của điện ảnh Việt đang bị buông xuôi, không có đầu tư, không có chiến lược bài bản mà chỉ là được đến đâu hay đến đó.
Tệ hơn nữa khi sự buông xuôi ấy lại mắc trong vòng kiểm duyệt và được ấn định bởi số phiếu bầu của một Hội đồng quốc gia tuyển chọn mà không chắc chắn rằng đã đạt được 100% sự công tâm hay chưa? Thế nên, mới có chuyện bi hài: Không ít phim được công chúng, người trong nghề đánh giá cao, ít nhiều được khẳng định bằng giải thưởng uy tín trong nước hay doanh thu phòng vé song vẫn không được lựa chọn vì không đủ điểm hội đồng!
Tính từ năm 2003 - lần đầu tiên Việt Nam gửi phim tham dự vòng sơ tuyển giải thưởng Phim truyện quốc tế - Oscar đến nay cũng đã gần 20 năm song vẫn chưa có phim nào qua được vòng… gửi xe của sân chơi quốc tế danh giá này.
Vì vậy, nếu vẫn chọn cách tiến không có chiến lược bài bản, không có sự đầu tư tâm sức, trí tuệ - phải bắt đầu từ một kịch bản đậm văn hóa, hồn cốt người Việt mà mang giá trị của thời đại đến một bàn tay ma thuật của đạo diễn tài - tâm - tầm - như hiện nay thì chắc chắn rằng giấc mơ Oscar - dù chỉ là được qua vòng… gửi xe, lọt vào danh sách phim được đề cử thì chắc chắn vẫn chỉ là mơ và mơ mà thôi!"