Past Lives: Quá trẻ để nhận ra, quá cách xa để tiến tới, quá lớn để có thể trẻ lại

Điều thấm thía nhất mà Past Lives dạy chúng ta ắt hẳn là về sự trưởng thành. Nó không phải là học cách chọn con đường đúng nhất để đi về phía trước, mà là học cách chấp nhận con đường ta đã bỏ lại sau lưng, bởi đối diện với một tương lai mơ hồ sẽ dễ thở hơn là nhìn lại một quá khứ đã từng hiện hữu.

Tôi có một người dì năm nay đã gần 50 tuổi. Hồi nhỏ tôi quấn quýt với dì như với mẹ của mình. Vậy mà hồi 2002, dì bỏ tôi và cả nhà sang Sydney, Úc để lập gia đình và theo đuổi một cuộc sống mới. Dù thi thoảng dì cũng về thăm, phải đến tận 2015, khi xách vali sang Úc du học 3 năm đại học và được ở với dì, tôi mới hiểu rõ về cuộc đời của dì - một cuộc đời đầy những câu "nếu như hồi đó…" cả trong cuộc sống, sự nghiệp và đến cả tình cảm.

Trong số những chuyện tình cảm tôi được nghe và chứng kiến, có câu chuyện về dì với một người bạn mà dì tả là "từ hồi Út còn con gái". Chú thương dì tôi từ trước khi dì lấy chồng. Thương đến mức lòng dạ cứ hướng về xứ Úc xa xôi, thương đến độ mấy lần dì về nước là lại tranh thủ chở dì ăn, đi cafe được ngày nào hay ngày đó, thương đến nỗi… không nỡ lấy vợ.

Dĩ nhiên, dì cũng từng có tình cảm với chú, nhưng có gia đình rồi thì thấy chú vậy dì lại khó xử. Kể ra cũng gần 20 năm chứ ít gì, ai rồi cũng phải bước tiếp thôi. Mỗi lần hết đợt nghỉ, chuẩn bị về lại Úc, chú lại tiu nghỉu, dì tôi thì bực mình khi thấy bộ dạng đó. Mà mười lần như một, mỗi lần dì bực là lại buông một câu quen thuộc: "Đừng có mắc nợ tui nữa!"

Tôi hay nghĩ ngợi mỗi khi nghe người Việt mình nhắc tiếng "nợ" này. Đó chẳng phải nợ tiền, nợ bạc, nợ ân, nghĩa, càng không phải nợ tình. Nợ ở đây là "nợ duyên".

Kể dông dài như thế chỉ để nói rằng xem Past Lives của Celine Song đôi ba lần, tôi không thể không nhớ đến câu chuyện của dì. Tôi nhìn thấy trên thước phim dài vỏn vẹn 100 phút đó một cuộc đời dài đằng đẵng của những con người xa xứ đầy hoài bão, đầy khát khao, đầy nghị lực nhưng cũng đầy những hoài niệm chôn dấu về một cuộc đời và những "con nợ" họ bỏ lại phía sau và mãi mãi thở dài 4 tiếng: "nếu như hồi đó…"

Quá trẻ để nhận ra, quá cách xa để tiến tới, quá lớn để có thể trẻ lại

Một trong những điểm tôi thích nhất ở Past Lives là cách Celine Song khiến chúng ta thật sự tin rằng mối quan hệ giữa nhân vật chính Nora Moon và Hae Sung là một chuyện tình, tin tới mức tự lấp đầy bản thân bằng những tiếc nuối, những nghẹn ngào khi họ không thể đến được với nhau.

Hãy nghĩ kỹ lại chúng ta sẽ thấy: 3 giai đoạn mà Nora tiếp xúc với Hae Sung đều là 3 giai đoạn mà mối quan hệ của họ không thể được gọi là một chuyện tình.

Past Lives: Quá trẻ để nhận ra, quá cách xa để tiến tới, quá lớn để có thể trẻ lại - Ảnh 1.

Những ngày còn bé, khi Nora vẫn còn là Na Young, cả hai là bạn học cùng lớp. Na Young chỉ thật sự thổ lộ cô bé thích cậu bạn Hae Sung khi được mẹ hỏi, với lý do cũng rất trẻ con: "vì cậu ấy vô cùng ra dáng đàn ông!". Mẹ Na Young tạo điều kiện cho cả hai có những kỉ niệm đẹp cuối cùng trước khi đưa cô bé đi định cư. Cả hai có những kỷ niệm đẹp như hai người bạn thiếu thời, hai đứa trẻ vô tư lòng không chút gợn sóng. Nếu lúc đó có phát sinh tình cảm thì cũng chỉ là "tình yêu những đứa trẻ con thì vu vơ nhanh qua", đâu mấy ai nghĩ "gieo tương tư đến dài như thế"?

Khi Na Young đã xa xứ được 12 năm và trở thành nữ biên kịch đang học nghề Nora Moon, cô kết nối lại với Hae Sung trong một lần ôn kỷ niệm với mẹ mình. Cả hai lúc này xem nhau như hai người bạn lâu ngày không gặp lại. Hae Sung giữ mãi những ký ức đẹp và nỗi tương tư về cô bạn bàn bên đã bỏ mình đi không chút vấn vương, còn Nora thì tìm đến Hae Sung như một quá khứ đẹp mà cô muốn ôn kỷ niệm, một tâm hồn để bầu bạn giữa New York cô đơn. Đã có những lúc cả hai gần như chính thức đến với nhau, đã có lúc họ bàn về việc ghé thăm nhau, nhưng cuối cùng thì vẫn là lời trách móc giận dỗi của Hae Sung: "mình cũng đâu có đang hẹn hò nhau" khi Nora ngỏ ý muốn dừng lại. Cô đã đi quá xa để đánh đổi sự nghiệp chỉ vì hình bóng quá khứ đang trò chuyện qua mạng và cách cô gần nửa vòng Trái Đất.

Cuối cùng, khi Nora đã xa xứ được 24 năm và được gặp lại Hae Sung bằng xương bằng thịt tại New York, họ cũng không thể là một chuyện tình, bởi Nora giờ đã lập gia đình. Nora khẳng định chắc nịch với chồng: cô không thấy Hae Sung quyến rũ hay thu hút, nhưng lại cảm thấy đặc biệt. Họ dạo quanh New York cùng nhau trong vỏn vẹn 2 ngày ngắn ngủi rồi lại chào từ biệt nhau. Số phận họ sau đó thế nào ta không rõ, nhưng khi bộ phim kết thúc, ta cũng hiểu rằng không thể nào có chuyện Nora và Hae Sung đến với nhau, vì họ chưa bao giờ thật sự là của nhau từ trước.

Past Lives: Quá trẻ để nhận ra, quá cách xa để tiến tới, quá lớn để có thể trẻ lại - Ảnh 2.

Ba giai đoạn trong cuộc đời của 2 nhân vật, lần lượt có thể miêu tả như sau: quá trẻ để nhận ra, quá xa để tiến tới, quá lớn để trẻ lại.

Cũng từ đó, mà chúng ta, những khán giả đang chìm đắm trong câu chuyện của họ cảm thấy nỗi đau, nỗi tiếc hoài và nỗi vấn vương không nói thành lời, chỉ có biểu hiện qua đôi mắt và những ánh nhìn chất chứa 4 tiếng không lời: "nếu như hồi đó…"

Vậy mới nói, Past Lives muốn kể một câu chuyện tình, nhưng cũng không hẳn là một câu chuyện tình. Nó là câu chuyện của hai con người đối diện với sự tiếc hoài quá khứ và tự an ủi nhau bằng hai chữ In-Yun: "nhân duyên". Hơn cả thế, đối với tôi, một đứa đã sống với người dì "Việt kiều" suốt mấy năm học đại học, tiếp xúc với không ít người trong cộng đồng người Việt xa xứ ở Úc và cũng có những trải nghiệm cá nhân về sự bối rối trong căn tính của mình, Past Lives là một câu chuyện đầy chất thơ, tự nhiên như hơi thở về đề tài người ly hương, một tác phẩm xuất sắc nằm trong dòng chảy có tên "điện ảnh lưu vong" (diasporic cinema).

Past Lives: Quá trẻ để nhận ra, quá cách xa để tiến tới, quá lớn để có thể trẻ lại - Ảnh 3.

Tiền kiếp hay chỉ đơn giản là cuộc đời ta bỏ lại sau lưng?

Điện ảnh lưu vong không còn xa lạ gì với nền điện ảnh thế giới. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhánh phim này bắt đầu tìm được chỗ đứng hơn trong dòng chảy đại chúng. Rất nhiều bộ phim khai thác đề tài "người ly hương" đã ra mắt, từ những vấn đề người nhập cư thế hệ 1 đến những trải nghiệm phức tạp của thế hệ 2.

Nói không đâu xa, năm 2021 có Minari (Lee Isaac Chung) - một tác phẩm về người Hàn kiều cũng lọt đề cử Best Picture của Oscar. Gần đây hơn nữa, tác phẩm Best Picture của Oscar 2023 - Everything, Everywhere, All At Once (2022, The Daniels) cũng là một phim về người ly hương. Mượn ý tưởng về "đa vũ trụ", phim kể câu chuyện một người phụ nữ gốc Hoa tên Evelyn Wang đang tìm cách để cân bằng cuộc sống đang dần vụn vỡ của mình bỗng phải du hành qua rất nhiều vũ trụ khác nhau để đối diện với quá khứ, với gốc rễ và với căn tính của chính mình.

"Em đã thấy đời mình sẽ ra sao nếu không gặp anh, nó thật tuyệt!" - một câu thoại của Evelyn khiến cả rạp phải cười ồ lên nhưng lại thâm sâu và chất chứa nhiều ưu tư đến không ngờ. Ý tưởng cao siêu về một dòng thời gian khác, một vũ trụ khác thật ra chỉ đang là phương thức để truyền tải thông điệp duy nhất: chúng ta ngày hôm nay được kiến tạo nên từ những con đường ta chọn không đi.

Past Lives: Quá trẻ để nhận ra, quá cách xa để tiến tới, quá lớn để có thể trẻ lại - Ảnh 4.

Với những người ly hương, con đường khởi nguồn cho tất cả, con đường đầu tiên họ không chọn lựa chính là con đường ở lại với quê hương mình.

Đó cũng chính là con đường mà Nora Moon đã không chọn.

Tên phim "Past Lives" dịch cho thơ thì đúng là "tiền kiếp", ý chỉ mối nhân duyên từ thuở thiếu thời của Nora và Hae Sung. Nhưng nếu dịch sát nghĩa nhất có thể, thì chỉ đơn giản là "Cuộc đời cũ". Celine Song kể một câu chuyện đậm màu tình cảm trai gái, nhưng thực chất chỉ đang mượn câu chuyện đó để nói về những phức cảm của Nora - một người ly hương mà thôi.

Có một mẩu chuyện về người ly hương mà tôi rất thích. Trong tuyển tập truyện ngắn Người Ly Hương (The Displaced) của Viet Thanh Nguyen và nhiều tác giả khác cũng là người nhập cư, tác giả Vu Tran viết câu chuyện về chuyến trở về thăm Việt Nam của anh kể từ khi "bỏ xứ ra đi" lúc còn rất nhỏ. Khi được nghe bà dì của mình huyên thuyên kể những câu chuyện mà chính anh không nhớ một chút nào, tác giả đã viết như sau và có nhắc đến "cuộc đời cũ":

"Qua nụ cười của dì, tôi nhận ra sự thật đau đáu nhất về hai tiếng 'ly hương': nó không phải là trải nghiệm của mình tôi hay bạn. Ngày xa quê, tôi trẻ người hay thơ dại cỡ nào chả còn quan trọng. Tôi đã từng có một cuộc đời khác ở Việt Nam, và dù tôi đã dọn đến sống ở Mỹ, những con người trong cuộc đời cũ đó chưa bao giờ quên được tôi. Tới cả khi tôi đang ngồi kế dì trong hình hài một người đàn ông 19 tuổi, thằng nhỏ khi xưa vẫn là một bóng ma trong đời của dì, mà đã là ma thì chả bao giờ biến mất".

Dù tác giả Vu Tran đang viết về trải nghiệm của mình, nó lại đúng với trải nghiệm của Nora đến không ngờ. Bởi đối với Nora, Hae Sung không khác gì một bóng ma của quá khứ, và đối với Hae Sung, cô bé Na Young mà anh từng cảm mến ngày nhỏ cũng chỉ còn là một bóng ma rất đỗi mơ hồ. Trải nghiệm ly hương không phải chỉ mình Nora trải qua và thấu cảm, mà chính những người thân đã từng gắn với cô cũng chia sẻ chung những nỗi hoang hoải đó. Mãi mãi trong tim của cả hai tồn tại một bóng hình dĩ vãng, mãi mãi không trở lại.

Past Lives: Quá trẻ để nhận ra, quá cách xa để tiến tới, quá lớn để có thể trẻ lại - Ảnh 5.

Hình bóng của quá khứ hay lời nhắc nhở của căn tính?

Trong bài viết này, tôi đã vài lần đề cập 2 từ "căn tính". Đây là cách tôi dịch từ "identity" của tiếng Anh. Có người thì gọi là "bản dạng". Nhưng tôi thích cách nói "căn tính", bởi trong bản chất từ "identity" có tồn tại chữ "I" - cái tôi, cái bản ngã và cái gốc con người.

Dẫu nhiều khán giả vẫn luôn bám víu vào điều họ muốn tin, rằng Nora yêu Hae Sung nhưng chọn sự nghiệp và "giấc mơ Mỹ", tôi lại chỉ thấy rằng Nora xem Hae Sung như một sự gợi nhắc về căn tính Hàn Quốc của mình. Kết nối với chàng trai năm xưa thật ra là một ẩn dụ của hành trình kết nối với văn hoá, với gốc rễ và với cuộc đời cũ.

Trong phim, anh chồng Arthur của Nora có tiết lộ rằng Nora vẫn dùng tiếng Hàn khi ngủ mớ. Người Á Đông chúng ta lại có quan niệm giấc mơ tiết lộ nhiều điều về tiền kiếp của mỗi người. Từ đó có thể diễn giải, rằng sâu trong tiềm thức của mình, cô gái Nora di cư 2 lần đến Mỹ để theo đuổi giấc mơ vẫn đang bấu chặt vào xứ sở nơi cô sinh ra, bám lấy căn tính Hàn Quốc của mình. Hae Sung xuất hiện và trở lại trong đời Nora như một giấc mơ có thật. Nora một lần nữa được sống cuộc đời của đã bỏ lại phía sau khi cô bắt đầu phải học lại tiếng Hàn chỉ để giao tiếp với anh qua Skype.

Past Lives: Quá trẻ để nhận ra, quá cách xa để tiến tới, quá lớn để có thể trẻ lại - Ảnh 6.

Xuyên suốt phim, hành trình của Nora dẫn dắt khán giả đến cuối không chỉ là chuyện tình tay ba "chọn Arthur hay chọn Hae Sung" như nhiều khán giả vẫn thấy trên bề nổi, mà là những ngọt đắng rất nên thơ của một người phụ nữ nhìn lại quá khứ của mình một lần sau chót, đặt dấu chấm cho một mối tương tư kéo dài suốt 24 năm để rồi tiếp tục đi về phía trước. Hành trình này dễ thấy khi rất nhiều lần trong phim, ngôn ngữ điện ảnh luôn đặt Nora bên phải khung hình còn Hae Sung thì ở bên trái.

Về quy tắc, chủ thể của khung hình luôn có xu hướng dịch chuyển về bên phải, một chiều di chuyển thuận theo thị giác để biểu lộ sự "tiến lên", sự "phát triển" và dòng chảy thường tình của thời gian. Ngược lại, những gì ở bên trái khung hình thuộc về quá khứ và sự quay ngược của kim đồng hồ.

Past Lives: Quá trẻ để nhận ra, quá cách xa để tiến tới, quá lớn để có thể trẻ lại - Ảnh 7.

Điều này biểu hiện rõ nhất ở cảnh quán bar gần cuối phim, khi Arthur ngồi bên phải khung hình còn Hae Sung lại ngồi bên trái. Ở giữa là Nora, say sưa, chăm chú trò chuyện của người bạn trong quá khứ đến mức người ngoài nhìn vào còn tưởng Arthur là anh hướng dẫn viên du lịch nào đấy. Trong khoảnh khắc đó, có lẽ Nora đang thật sự hướng lòng về "cuộc đời cũ" của mình, cuộc đời có Hae Sung và Na Young cùng nhau vui đùa vào những ngày cuối cùng ở Hàn Quốc.

Cũng như khi Nora từ biệt Hae Sung, cô tiễn anh một đoạn về bên trái khung hình, rồi lại đi ngược về nhà phía bên phải. Cú máy one shot di chuyển theo hướng đi của cô để biểu hiện Nora bỏ lại quá khứ phía sau, tiến về phía trước. Nhưng lần này, chúng ta thấy một sự thay đổi đầy cảm xúc nơi nhân vật: cô oà khóc như một đứa trẻ và gục mặt trên vai của Arthur.

Lại mượn lời của Viet Thanh Nguyen viết về trải nghiệm của người ly hương: "Thứ ám ảnh bạn không phải là ký ức mà là những gì bạn đã quên, phải quên và sẽ tiếp tục học cách quên suốt phần đời còn lại". Có lẽ đó là giây phút Nora chấp nhận nỗi đau âm ỉ của một người ly hương: cô sẽ không bao giờ có thể quên. Cô đã từng có một cuộc đời. Cô đã bỏ lại cuộc đời đó. Cô sẽ vẫn sẽ tiếp tục nói mớ bằng tiếng Hàn trong những giấc chiêm bao, vẫn sẽ phải trải qua mọi bối rối một người ly hương phải trải. Nhưng điều đáng vui nhất là cô không phải khóc một mình khi đã có một người đàn ông vỗ về cô, người mà Nora chọn sẽ xây đắp tương lai.

Past Lives: Quá trẻ để nhận ra, quá cách xa để tiến tới, quá lớn để có thể trẻ lại - Ảnh 8.

Quay trở lại câu chuyện của dì tôi ở đầu bài viết này. Dì tôi cũng không còn nghĩ nhiều hay liên lạc gì với người chú kia nữa. Trước khi chú làm đám cưới và lập gia đình, chú có… xin phép dì tôi. Dì nghe vậy lấy làm mừng dữ lắm. Nhưng tôi hiểu, qua ánh mắt xa xăm của dì khi kể lại, dì vẫn cảm thấy "bơ vơ từ xa", còn trong tim thì "hụt hẫng như mất một thứ gì." u thì tất cả cũng chỉ là một cuộc đời "nếu như hồi đó…" thôi.