Khương Ngọc ra mắt bộ phim “Live - #Phát trực tiếp” vào ngày 21/9. Phim có nội dung xoay quanh cuộc sống của những con người kiếm tiền từ mạng ảo. Từ đó kéo theo nhiều hệ lụy cũng như mặt trái của sự nổi tiếng.
Phim cũng đánh dấu lần thứ 3 đảm nhận vai trò đạo diễn của Khương Ngọc.
Diễn viên - đạo diễn Khương Ngọc.
Các câu chuyện trong phim không liên quan đến bất kỳ nhân vật cụ thể nào
- Vì sao anh lại lựa chọn làm bộ phim về bạo lực mạng xã hội?
Theo tôi, mạng xã hội là phương tiện giải trí, nhưng còn có thể quảng bá bản thân để kiếm tiền. Nhưng chính điều đó cũng khiến một số người tự cho mình có quyền nhận xét hoặc công kích người khác, dù chưa từng gặp mặt họ.
Trong phim này, tôi muốn đề cập về tâm lý của người bị công kích, bạo lực mạng. Sau khi gặp sự cố, một số người sẽ chọn cách im lặng, biến mất một thời gian. Chờ đợi dân mạng không còn quan tâm đến mình nữa, họ sẽ tái xuất. Về phía mình, khán giả sẽ đợi phản ứng từ người đó, để xem nên tấn công tiếp hay tha thứ.
Tuy nhiên, không ai biết rằng trong khoảng thời gian đó, họ đang làm gì hoặc có tâm trạng như thế nào, động thái của gia đình là gì...
Do đó, phim này mô tả những lát cắt cuộc sống không ai biết. Đó là sau khi bị công kích, tấn công từ cộng đồng mạng, các ngôi sao sẽ ra sao?
- Câu chuyện trong phim của anh khiến người ta liên tưởng đến doanh nhân Nguyễn Phương Hằng, nhất là có đề cập đến lùm xùm từ phát ngôn cũng như cụm từ “chính nghĩa”?
Không phải. Quá trình thực hiện bộ phim diễn ra trong một thời gian dài. Để cập nhật được một sự việc đang hiện hữu thì rất khó. Các câu chuyện trong phim không liên quan đến bất kỳ nhân vật cụ thể nào. Kịch bản phim phóng tác từ truyện ngắn “Đô thị linh dị” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch. Nhân vật trong phim cũng chỉ ảnh hưởng từ luật nhân quả thôi, tức là phải chịu trách nhiệm với những gì mình làm.
- Hiện tại ồn ào của Hoàng Thùy Linh, liên quan đến việc bị chỉ trích, bị công kích sau phát ngôn vạ miệng, anh có nhận xét gì?
Tôi có viết nhạc phim tựa là “Vạ miệng”. Đây hoàn toàn là sự tình cờ, không liên quan gì đến ai, không nói đến ai mà chỉ đơn thuần là tình huống phim.
Tôi sẽ không bao giờ nói đến chuyện mình không biết, mình không chứng kiến. Thậm chí tôi còn không đọc tin tức về cô ấy nên tôi không có ý kiến về chuyện này.
Thế nhưng tôi nghĩ rằng, cùng một vấn đề, mọi người có nhiều cách nghĩ khác nhau. Ví dụ như cái bàn, có nhiều góc để nhìn, như mặt bàn trên, mặt bàn dưới hay góc bàn, cạnh bàn. Vì thế, tôi mong mọi người có thể nhìn ở một khía cạnh khác để câu chuyện nhẹ nhàng hơn. Khán giả cũng vậy, truyền thông cũng vậy.
- Hoạt động lâu năm trong nghề, theo anh mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả sẽ như thế nào?
Theo tôi thì tùy trường hợp. Nếu người nghệ sĩ bị tẩy chay, sự nghiệp tiêu tan thì họ chắc chắn phải làm điều gì kinh khủng lắm.
Còn ở góc độ khác, hai bên sẽ là mối quan hệ chặt chẽ. Người nghệ sĩ trước khi làm điều gì đó phải cân nhắc được hậu quả, chuyện gì sẽ xảy ra với mình. Tất nhiên đó là lý thuyết thôi, ai nói cũng được. Những khi cảm xúc dâng trào, chưa chắc mình đã giữ được sự bình tĩnh, nhưng ít nhất người đó phải hiểu bản thân sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những việc mình gây ra. Đó là luật nhân quả. Mình phải nhớ rằng để thành công trong sự nghiệp, mình mất rất nhiều công sức. Vì thế, người nghệ sĩ cần cẩn trọng hơn trong mọi việc.
- Bản thân anh có chơi mạng xã hội không? Anh có cách ứng xử với thông tin trên mạng như thế nào?
Tôi ít chơi mạng xã hội lắm, phải nói là chơi dở nên có vẻ như nó hơi lạnh nhạt với mình (cười).
Còn chuyện ứng xử trên mạng xã hội là một chuyện hoàn toàn khác. Quan trọng là cách chọn lọc thông tin của mỗi người sẽ khác nhau. Bản thân tôi chọn cách không tiếp nhận thông tin và lọc thông tin. Tôi chỉ dùng trang cá nhân để phục vụ công việc, cho mọi người biết mình là ai chứ không phải sử dụng nó để nêu quan điểm, phản hồi các câu chuyện đang "hot" trên mạng xã hội. Đó là quan điểm sống của tôi.
- Các diễn viên trong phim như Long Chun, Ngọc Phước, Quốc Khánh... từng chia sẻ rằng ít nhiều là nạn nhân của bạo lực mạng. Khương Ngọc thì sao? Anh có bao giờ đối diện với ý kiến trái chiều?
Tôi là người sống khá an toàn, tự biết lượng sức, không bàn luận chuyện tranh cãi, không khiêu khích ai. Vì thế tôi chưa từng vướng phải lùm xùm nào cả.
Về đời tư, tôi cũng là người kín tiếng. Từ lúc hoạt động nghệ thuật, tôi luôn quan niệm rằng mình phải cố gắng được khán giả yêu mến bằng năng lực thực sự của mình, bằng sản phẩm của mình, không phải là chuyện tình cảm.
Khương Ngọc hi vọng được khán giả đón nhận phim mới.
Làm phim có thắng có thua
- Việc không có ngôi sao phòng vé khiến bộ phim có phần “lép vế” so với 1 bộ phim ra rạp cùng thời điểm là Đất rừng Phương Nam có rất nhiều ngôi sao?
Thật ra, hai phim không ra cùng thời điểm đâu. Phim Việt vốn dĩ không có sự cạnh tranh, toàn nối đuôi nhau, nhường nhau thôi (cười). Mỗi phim sẽ chọn một thời điểm thích hợp ra rạp.
Về phần không có ngôi sao phòng vé, mình cần đặt ra câu hỏi rằng: Những người đã từng hoặc đang là ngôi sao phòng vé trước khi là ngôi sao phòng vé, họ là ai? Họ cũng từng có thời gian mới vào nghề. Vì thế lựa chọn của tôi là làm việc với những người chưa phải là ngôi sao, và tin tưởng một ngày nào đó họ sẽ trở thành ngôi sao phòng vé.
Bản thân tôi muốn làm với các bạn trẻ hơn vì thấy ở họ có nhiều điều để khai thác và học hỏi. Theo tôi, đó là những mầm xanh sẽ vươn mình thành cây cổ thụ.
- Trong năm nay phim Việt ra mắt hầu như không có phim nào thành công, doanh thu thấp kỷ lục. Là người trong nghề, anh nhận xét về nền điện ảnh hiện tại thế nào? Có phải khán giả đang khó tính hơn?
Tôi không dám nhận xét về nền điện ảnh. Theo quan điểm của tôi, khán giả ngày càng có nhiều lựa chọn hơn với nhiều nền tảng video như hiện nay, có thể ngồi xem ở bất kỳ đâu, thậm chí không cần mạng wifi, lưu hẳn về máy khi nào có thời gian rảnh thì xem.
Nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày càng cao, dẫn đến chuyện họ sẽ quan tâm đến việc bỏ tiền ra mua vé xem phim, chất lượng phim phải tương xứng với số tiền đó. Nếu khán giả không muốn hay không hứng thú với tác phẩm của mình, mình phải chấp nhận rằng mình làm chưa tốt.
Làm phim cũng như kinh doanh, có thắng có thua. Có những phim doanh thu thấp cũng có phim doanh thu cao. Không chỉ thị trường Việt Nam mà ở các thị trường điện ảnh quốc gia khác cũng luôn như vậy.
Thực ra, sản phẩm nào cũng là công sức của rất nhiều người. Nếu không thì làm phim làm gì? Còn chuyện khán giả đón nhận như thế nào, mình không quyết định được. Khán giả mới là người quyết định. Mình cũng không thể hỏi khán giả tại sao lại xem phim này mà không xem phim kia. Mình chỉ có một quyền duy nhất là cố gắng làm tốt bộ phim của mình. Nếu chưa tốt, mình sẽ cố gắng sửa đổi ở tác phẩm sau.
- Kinh phí làm phim có phải là một vấn đề với anh? Khương Ngọc có phải bán nhà để làm phim?
Không đâu, chưa đến mức cần bán mấy căn nhà để làm phim này đâu (cười). Đây chỉ là bộ phim bình thường như nhiều bộ phim khác thôi. Trộm vía chúng tôi có nhiều nhà đầu tư nên chưa phải bán gì hết.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!