Đóa hoa mong manh là bộ phim mới nhất của đạo diễn Mai Thu Huyền, chính thức công chiếu từ ngày 12/4. Theo thống kê từ Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, tính đến ngày 24/4, phim chỉ thu về 395 triệu đồng.
Cảnh phim "Đóa hoa mong manh".
Trong khi đó, hai phim Việt vừa ra rạp lại có gặt hái doanh thu khả quan hơn, như: Cái giá của hạnh phúc (19,5 tỷ đồng), B4S - Trước giờ yêu (3,4 tỷ đồng). Thậm chí, bộ phim Lật mặt 7: Một điều ước chưa chính thức công chiếu, chỉ mở bán vé trước cũng chạm mốc 5,7 tỷ đồng.
Mai Thu Huyền từng chia sẻ Đóa hoa mong manh được quay hoàn toàn ở Mỹ với nhiều đại cảnh hoành tráng, đắt tiền. Dù không tiết lộ chi phí đầu tư nhưng có thể khẳng định đó là con số không nhỏ. Chia sẻ với truyền thông, nữ đạo diễn cho biết bộ phim cần thu hàng trăm tỷ đồng mới hòa vốn.
Hiện tại, số lượng suất chiếu và vé bán ra trong ngày của tác phẩm đang rất thấp. Dù chỉ mới chiếu 12 ngày nhưng phim được nhận xét không còn cơ hội lội ngược dòng và có khả năng phải ngừng chiếu sớm.
Vì thế, nhiều khán giả nhận xét phim của Mai Thu Huyền lỗ nặng, doanh thu thấp nhất lịch sử điện ảnh Việt.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, điều này đúng nếu chỉ tính riêng cột mốc phim công chiếu năm 2024. Nếu tính cả những năm trước, nhiều tác phẩm điện ảnh có doanh thu thấp hơn hẳn Đóa hoa mong manh. Có thể kể đến là: Thành phố ngủ gật (230 triệu đồng - năm 2023), Ê ông già yêu ha (189 triệu đồng - năm 2022), Virus cuồng loạn (157 triệu đồng - năm 2022), Huyền sử vua Đinh (42,8 triệu đồng - năm 2022)...
Trong sự nghiệp làm phim, Mai Thu Huyền chưa có tác phẩm nào đạt doanh thu khả quan.
Nói về nguyên nhân phim mình thất bại về doanh thu, Mai Thu Huyền nêu lý do là bị các nhà rạp sắp xếp suất chiếu không phù hợp. "Tuần đầu tiên phim ra rạp, mỗi cụm rạp phải chiếu ít nhất 5 suất trở lên vào các khung giờ khác nhau. Nhưng hiện nay, phim của tôi quá ít suất chiếu. Ngoài ra, các suất chiếu đều rơi vào khung giờ xấu như 8h hoặc 11h. Thời điểm này, khán giả đều đi làm hoặc ngủ nghỉ. Điều đấy ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu cũng như khả năng tiếp cận bộ phim của khán giả. Nhiều người xem muốn mua vé cũng không có suất chiếu", Mai Thu Huyền chia sẻ.
Theo Mai Thu Huyền, để đánh giá thành công của một bộ phim, doanh thu chỉ là một phần, không nói lên tất cả.
Trước đó, khi được chúng tôi đặt câu hỏi, đạo diễn Charlie Nguyễn cho hay điện ảnh Việt có tình trạng nhà sản xuất thường đổ lỗi doanh thu thất bại từ việc bị ép suất chiếu, thời điểm phát hành không phù hợp. Tuy nhiên, thực chất phim thất thu vì không đáp ứng được nhu cầu của khán giả và chưa kể được câu chuyện chạm đến trái tim khán giả, khiến họ yêu thích, đồng cảm.
Bản thân anh cũng có bộ phim thất thu phòng vé là Người cần quên phải nhớ. Charlie Nguyễn khẳng định: "Đã tham gia cuộc chơi thì nhà sản xuất cần phải chuẩn bị tâm lý, tinh thần thép".
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng ngày càng có nhiều bộ phim doanh thu thấp kỷ lục, Khương Ngọc chia sẻ: "Theo quan điểm của tôi, khán giả ngày càng có nhiều lựa chọn hơn với nhiều nền tảng video như hiện nay, có thể ngồi xem ở bất kỳ đâu, thậm chí không cần mạng wifi, lưu hẳn về máy khi nào có thời gian rảnh thì xem. Nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày càng cao, dẫn đến chuyện họ sẽ quan tâm đến việc bỏ tiền ra mua vé xem phim, chất lượng phim phải tương xứng với số tiền đó. Nếu khán giả không muốn hay không hứng thú với tác phẩm của mình, mình phải chấp nhận rằng mình làm chưa tốt.
Làm phim cũng như kinh doanh, có thắng có thua. Có những phim doanh thu thấp cũng có phim doanh thu cao. Không chỉ thị trường Việt Nam mà ở các thị trường điện ảnh quốc gia khác cũng luôn như vậy.
Thực ra, sản phẩm nào cũng là công sức của rất nhiều người. Nếu không thì làm phim làm gì? Còn chuyện khán giả đón nhận như thế nào, mình không quyết định được. Khán giả mới là người quyết định. Mình cũng không thể hỏi khán giả tại sao lại xem phim này mà không xem phim kia. Mình chỉ có một quyền duy nhất là cố gắng làm tốt bộ phim của mình. Nếu chưa tốt, mình sẽ cố gắng sửa đổi ở tác phẩm sau".