Đạo diễn: Victor Vũ Diễn viên: Kaity Nguyễn, Thuận Nguyễn, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, Đinh Ngọc Diệp, Anh Dũng, Quốc Huy, bé Lưu Ly Thể loại: Tâm lý, tình cảm Phát hành: 03/11/2023 Thời lượng: 132 phút Ngôn ngữ: Tiếng Việt - phụ đề tiếng Anh Phân loại: T18 – Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên (18+). |
Sự cẩn thận của Victor Vũ
Sau 3 ngày công chiếu, “Người vợ cuối cùng” đạt doanh thu 35 tỷ đồng, hiện dẫn đầu top 1 phòng vé. Tác phẩm cổ trang của Victor Vũ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Hồ oán hận (tác giả Hồng Thái).
Phim lấy bối cảnh thời phong kiến nhà Nguyễn tại ngôi làng mang tên "Cua Ngộp" vùng Bắc Bộ. Tại đây, Linh (Kaity Nguyễn) - một cô gái xinh đẹp sinh ra trong một gia đình nghèo, vì cứu cha thoát khỏi tù tội cô phải chấp nhận làm vợ 3 của quan tri huyện Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng).
Kaity Nguyễn vào vai mợ 3 trong gia đình quan tri huyện.
Sau 7 năm sinh sống cùng quan, Linh chỉ sinh được con gái Đông Nhi nên không được coi trọng vì tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Dù mang danh mợ 3 nhưng Linh bị bà cả (NSƯT Kim Oanh) đối xử tệ bạc, sống như kẻ hầu người hạ trong nhà, phải ngồi ăn cơm ở mâm dưới.
Một lần ở phiên chợ, Linh tình cờ gặp lại tình đầu là Nhân (Thuận Nguyễn). Lúc này, cảm xúc của cô trỗi dậy, đôi trẻ cuốn vào nhau trong cuộc tình vụng trộm, kéo theo chuỗi bi kịch.
Hơn 20 phút đầu phim, “Người vợ cuối cùng” tràn ngập cảnh nóng và xoay quanh về chuyện giường chiếu của gia đình quan tri huyện. Sự đối lập về cảm xúc của Linh khi ân ái với quan Đức Trọng và Nhân được khắc họa chân thật, không thô kệch,đậm chất điện ảnh. Như đạo diễn Victor Vũ chia sẻ, cảnh nóng trong phim là cần thiết, bộc tả được sự cam chịu, thể hiện tình yêu mãnh liệt của đôi trẻ, từ đó họ có những quyết định táo bạo để giải thoát chính mình.
Phân cảnh lãng mạn của Linh và Nhân.
Bộ phim phát huy thế mạnh của Victor Vũ với bối cảnh được dàn dựng kỹ lưỡng, chăm chút từng chi tiết, thỏa mãn thị giác của người xem. Mở đầu phim, đạo diễn sử dụng nhiều cú máy flycam, phác họa chân thật phong cảnh hữu tình, nên thơ của hồ Ba Bể. Trái ngược với thiên nhiên mênh mông, là những phận đời bị giam cầm và trói buộc trong cái nghèo, trong những lễ nghi, hủ tục hà khắc của xã hội phong kiến.
Dù phim không nhiều đại cảnh, chỉ gói gọn xung quanh ngôi làng, phiên chợ nhưng vẫn thể hiện không khí tấp nập, giàu sức sống qua những cảnh người dân buôn bán, những người phụ nữ mặc áo tứ thân, đội nón quai thao dự hội, xem múa rối nước…
Nét văn hóa xưa cũng được cài cắm tinh tế trong ngày Linh về nhà chồng khi nhà cô được dựng lên bằng tre nứa, mái lá, đối lập với biệt phủ xa hoa, cao rộng của quan tri huyện. Trang phục của Linh khi ở nhà và ra ngoài chợ cũng đối lập, thể hiện rõ sự khác biệt giai cấp.
Kịch bản thiếu đột phá
Câu chuyện về cô gái bị gả làm vợ lẽ cho quan rồi có mối tình vụng trộm bên ngoài đã không còn mới vì đã từng xuất hiện rất nhiều trong các bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh khác. Như phim “Vợ Ba” (2018) cũng có nội dung tương tự. Với “Người vợ cuối cùng”, Victor Vũ cũng lặp lại mô típ cũ, thiếu đột phá, dễ khiến người xem hụt hẫng.
Cuối phim có chút gay cấn khi câu chuyện dần chuyển sang hướng trinh thám. Trong hành trình Linh và Nhân tìm cách trốn thoát, họ đối diện với nhiều hiểm nguy rồi bi kịch xảy ra khi Nhân lỡ tay sát hại mạng người. Lúc này, Kiên (Quốc Huy) vị quan tra án xuất hiện để đi tìm sự thật.
Mối tình vụng trộm của Linh và Nhân dẫn đến nhiều bi kịch.
Dẫu vậy, những tình tiết cuối trong phim vẫn dễ đoán, thể hiện sự đuối sức của đạo diễn. Nhiều người cho rằng, Victor Vũ chọn hướng đi an toàn, thay vào đó, anh đầu tư vào phần diễn xuất của diễn viên để chạm đến trái tim người xem.
“Người vợ cuối cùng có lẽ cần một chút quyết liệt hơn, tăm tối hơn để vượt thoát khỏi sự an toàn mà Victor Vũ đã gầy dựng trong suốt nhiều năm qua. Đã đến lúc Victor Vũ phải làm những bộ phim đẹp và thật sự xót xa”, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nhận xét.
Là vai nữ chính thứ 6 trong sự nghiệp diễn xuất, Kaity Nguyễn chứng minh được khả năng biến hóa linh hoạt của mình. Từ cử chỉ, dáng đi, ánh mắt… đều được cô thể hiện tinh tế, truyền tải sinh động cho người xem về một cô gái phải chịu nhiều đau khổ, bất công trong cuộc sống. Khi ở nhà quan, cô nhỏ nhẹ, cam chịu, chỉ biết ngậm ngùi nước mắt khi bị đánh đập, hành hạ. Song khi ở bên Nhân – người cô yêu thật lòng – cô mới được là chính mình, hồn nhiên, lém lỉnh và có chút tinh nghịch.
Kaity Nguyễn thể hiện sinh động vai diễn mợ 3.
Thuận Nguyễn gây bất ngờ về diễn xuất khi “qua tay” đạo diễn Victor Vũ. Anh thể hiện sự linh hoạt khi vào vai một thanh niên mới lớn đầy bốc đồng, chỉ biết yêu và chết sống vì tình yêu. Song Thuận Nguyễn không có nhiều đất diễn để bộc lộ hết tiềm năng.
NSƯT Quang Thắng vào vai quan tri huyện tham lam, nịnh nọt nhưng lại gặp áp lực, sĩ diện với đời vì không thể sinh con. NSƯT Kim Oanh khiến người xem ghét cay ghét đắng khi hóa thân thành bà cả quyền lực, xảo quyệt, cay độc. Song với bề dày kinh nghiệm diễn xuất, những vai diễn này không làm khó được họ.
Các tuyến phụ như vợ 2 (Đinh Ngọc Diệp), Kiên (Quốc Huy), thầy đề (Anh Dũng) nhận được nhiều khen của khán giả nhờ lối diễn tự nhiên, tạo nhiều kịch tính, cảm xúc.
Điểm yếu của phim là ở lời thoại. Trong nhiều phân đoạn, các nhân vật trao đổi còn cứng nhắc, thiếu tự nhiên. Thậm chí, Linh nhiều lần lặp từ trong những phân cảnh lắng động, cần đẩy cảm xúc của người xem.
Phim lấy bối cảnh Bắc Bộ nhưng nhiều nhân vật nói giọng Nam được xem là “sạn” lớn của phim.
Theo đạo diễn Victor Vũ, việc Linh nói giọng Nam vì mẹ cô gốc là người gốc miền Nam. Ngoài ra, anh chấp nhận phim có thể gây tranh cãi vì không muốn sử dụng lồng tiếng, làm giảm hiệu ứng cảm xúc của diễn viên khi lên hình.