Ra mắt vào 17/9, "Squid game" (Trò chơi con mực) nhanh chóng phủ sóng thế giới, trên các nền tảng mạng xã hội và xuất sắc trở thành phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên trong lịch sử đạt hạng 1 trên bảng xếp hạng Netflix toàn cầu. Với sức nóng của phim, dàn diễn viên cũng theo đó mà "lên một tầm cao mới", tiêu biểu là nữ chính Jung Ho Yeon đã "vượt mặt" Song Hye Kyo trở thành nữ diễn viên có nhiều follower nhất Kbiz.
Là bom tấn, "Squid game" cũng gặp không ít thị phi, bên cạnh tình tiết chết chóc, bạo lực quá đà thì phim còn chứa 1 cảnh nóng "trần trụi", nhận về nhiều phản ứng trái chiều ở tập 4 của phim. Cụ thể, vì muốn "nắm thóp" Deok Soo để được anh ta bảo vệ, Mi Nyeo đã chủ động "gạ gẫm" và quan hệ tình dục với gã côn đồ độc ác và xấu tính Deok Soo.
Phân cảnh được miêu tả trần trụi với hình ảnh cặp đôi "ân ái" trong nhà vệ sinh, cả hai đều không mặc gì, nữ chính lộ nguyên nửa trên, mồ hôi nhễ nhại cùng biểu cảm "gợi dục" gây sốc. Cảnh quay này đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi, chỉ trích dữ dội từ khán giả Hàn vì tình tiết mang tính chất "hạ thấp phụ nữ" và miêu tả họ như những "công cụ tình dục" ghê tởm. Mi Nyeo sẵn sàng dùng tình dục để đổi lấy thứ mình muốn, chủ động "phục vụ" đàn ông dù không có tình yêu.
Cảnh "ân ái" được thực hiện trong nhà vệ sinh
Hai nhân vật đều trong tình trạng lõa thể, cùng biểu cảm gợi dục
Ở một diễn biến khác, hình ảnh phụ nữ cũng bị hạ thấp khi trở thành những "nô lệ" được sơn, vẽ khắp người, đứng như đồ trang trí hay thậm chí bị sử dụng làm bàn kê đồ vật, kê chân của các VIP (những "khán giả" của Squid game) - tất cả VIP đều là đàn ông.
Cảnh phim dùng phụ nữ là những bức tượng, được miêu tả như nô lệ
Hai phân cảnh này khiến khán giả Hàn cho rằng phim đang truyền bá tư tưởng phân biệt giới tính, hạ thấp giá trị của phụ nữ khi miêu tả họ như những công cụ tình dục, xấu xa. Vì nó đang phủ sóng trên toàn cầu, nên có khả năng sẽ đem đến cho khán giả một góc nhìn lệch lạc, sai trái về phụ nữ.
Trước làn sóng "chỉ trích" dữ dội của khán giả Hàn, đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã lên tiếng phân trần. Theo đó, người cầm trịch "Squid game" đã phủ nhận những cáo buộc nêu trên. Theo ông, Mi Nyeo chỉ là một người sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mong muốn và để sinh tồn. Về phần các đồ vật có hình người trong phòng của VIP, ông đính chính không chỉ có nữ mà phim cũng sử dụng nhân vật nam.
Đạo diễn đạo diễn Hwang Dong Hyuk
“Tôi tin rằng không chỉ Han Mi Nyeo, người sử dụng cơ thể của mình như một món hàng, làm điều đó trong trường hợp của cô ấy, mà bất kỳ người nào khi bị đặt vào tình huống cực đoan cũng sẽ hành động giống như họ, có thể làm bất cứ điều gì để được an toàn. Tôi tạo ra cảnh này không có ý định hạ thấp, ghét phụ nữ hay bất cứ điều gì tương tự. Tôi đã coi đó là điều mà một con người sẽ làm khi họ bị đẩy đến tình huống tồi tệ nhất." - đạo diễn phân trần.
Ngoài ra, liên quan đến những lời chỉ trích liên quan đến cảnh VIP, đạo diễn Hwang giải thích: “Cảnh này được thực hiện không phải để nói phụ nữ là công cụ, nhưng ở một mức độ nào đó, nó thể hiện sự thật rằng chính quyền lực của các VIP đã biến bất cứ thứ gì, ví dụ, phụ nữ trở thành đối tượng của họ. Nếu bạn quan sát kỹ hơn, không phải tất cả họ đều là phụ nữ, mỗi thành viên VIP sẽ có 1 nam và 1 nữ đứng ở cạnh như tượng. Việc nói bộ phim coi phụ nữ như đồ vật là sai. Đó chỉ là cách thể hiện các VIP coi con người như đồ vật."
Đúng như lời đạo diễn nói,nếu nhìn kỹ căn phòng của các VIP, khán giả sẽ thấy cả những "bức tượng" là nam. Còn về nhân vật Mi Nyeo, đạo diễn cũng đã cho cô thể hiện quyền lực, sự phản kháng ở những tập cuối của phim. Cô đã trừng phạt Deok Soo bằng cách tự tay giết chính kẻ đã phản bội mình. Ngoài ra, phim còn thành công xây dựng có 2 nhân vật nữ mạnh mẽ, trượng nghĩa và nhân văn là Sae Byeok và Ji Jeong.
Trước đó, "Squid Game" dính không ít lùm xùm liên quan đến việc đạo nhái ý tưởng và làm lộ số điện thoại thật của một cá nhân trong quá trình quay phim.
"Squid game" hiện đang công chiếu trọn bộ trên Netflix.