Mới đây, đạo diễn Luk Vân bất ngờ chia sẻ về đứa con tinh thần Khi Ta Hai Lăm khi phim được phát hành trực tuyến trên Netflix. Cô cho rằng tác phẩm của mình được đầu tư trang phục, diễn viên đóng tốt, nội dung chất lượng, không hài nhảm nên cảm thấy bất công khi phim thua lỗ. Nữ đạo diễn chỉ cảm thấy được an ủi khi bộ phim được Netflix mua lại.
Cô cũng chia sẻ được nam chính Phú Thịnh động viên, sát cánh để vượt qua giai đoạn suy sụp. Diễn viên trẻ nói với cô: "Nếu dự án Luk không đạo diễn, chỉ làm sản xuất thì không thể tin tưởng được, Thịnh không tham gia đâu". Lời tâm sự đó khiến nữ đạo diễn cảm động và suy nghĩ lại về quyết định giải nghệ.
Chia sẻ này của Luk Vân lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng theo dõi điện ảnh Việt. Một số cho rằng nữ đạo diễn đang muốn đổ lỗi cho thị trường thay vì tự nhìn nhận lại tác phẩm của mình. Một khán giả bình luận: "Phim thua lỗ thì ekip nên xem lại nội dung, tìm nguyên nhân tại sao tác phẩm không được lòng công chúng, đừng đổ lỗi cho khán giả". Chia sẻ với chúng tôi, đạo diễn cho biết không muốn trả lời về vấn đề này vì phim rời rạp từ lâu.
Nửa đầu năm 2023 là giai đoạn rực rỡ của điện ảnh Việt Nam. Doanh thu phòng vé các phim Việt vượt mốc hơn 1.000 tỷ chỉ sau hơn 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong 10 phim Việt đã phát hành tính từ đầu năm, không ít tác phẩm nhận kết quả ê chề. Khi Ta Hai Lăm nằm trong nhóm những dự án thua lỗ đó.
Ra rạp đầu tháng 3, đứa con tinh thần của Luk Vân lép vế trước Siêu Lừa Gặp Siêu Lầy do Võ Thanh Hòa đạo diễn và bom tấn Hollywood Shazam! Fury of the Gods ở phòng vé. Theo thống kê của Box Office Vietnam, Khi Ta Hai Lăm chỉ thu về khoảng 3 tỷ đồng và phải rời rạp sau khoảng hai tuần phát hành.
Đạo diễn Luk Vân từng cho biết kịch bản là một phiên bản lãng mạn hóa từ chính cuộc đời cô. Vì vậy, nhà làm phim dành nhiều công sức và tâm huyết cho dự án này. Đó phần nào cũng là lý do khiến cô cảm thấy suy sụp khi tác phẩm không nhận phản hồi tích cực từ khán giả như mong đợi.
Khi Ta Hai Lăm phù hợp với khán giả tuổi mới lớn, quy tụ dàn nhân vật trai xinh gái đẹp. Tác phẩm kể về câu chuyện của cô nàng Tuệ Lâm (Midu) - quản lý nhóm nhạc nam The Air. Bất ngờ, giọng ca chính qua đời khiến tương lai cả ekip rơi vào bế tắc. Đương lúc chán nản, Tuệ Lâm bị cử sang Hàn Quốc công tác. The Air cũng chấp nhận rã nhóm, tìm kế mưu sinh tự do.
Ngày trở về nước, Tuệ Lâm nhận ra mình đã bị lừa. Cô rủ Mạnh Hùng (Lê Dương Bảo Lâm) nghỉ việc, cùng nhau gây dựng công ty giải trí mới. Cả hai tìm cách "hồi sinh" The Air năm xưa. Đồng thời, cô tuyển thêm thành viên Thiên Bảo (Phú Thịnh), thay thế vị trí còn trống trong nhóm nhạc.
Khi phát hành, Khi Ta Hai Lăm đón nhận phản hồi không tích cực từ khán giả trong nước. Dù thể loại thanh xuân vườn trường được xem như sở trường của Luk Vân, phim bị nhận xét có thiếu sót trong khâu kể chuyện và sản xuất. Ekip chỉ có khoảng 5 tháng tính từ thời điểm bắt đầu dự án đến khi tác phẩm ra rạp. Khâu thực hiện gấp rút phần nào ảnh hưởng tới chất lượng của phim.
Kịch bản bị chê không hấp dẫn cộng thêm khâu tuyển chọn diễn viên không thực sự phù hợp với nhận vật. Các câu chuyện lãng mạn tuổi học trò hiện không còn thu hút khán giả đến rạp như trước. Những năm gần đây, rất hiếm các bộ rom-com đề tài này tại cả trong nước và quốc tế đạt doanh thu tốt.
Một số ý kiến còn cho rằng khâu truyền thông của kém hiệu quả của ekip cũng góp phần khiến phim thất bại. Dự án quy tụ nhiều nhân vật nổi tiếng nhưng đều chưa phải ngôi sao phòng vé để kéo khách đi xem. Nữ chính Midu đã lâu rồi mới quay lại đóng phim. Trong khi đó, Lê Dương Bảo Lâm cũng chưa có vai diễn điện ảnh nổi bật trong sự nghiệp.
Từ trước đến nay, từng có nhiều trường hợp khi phim thua lỗ, một số ekip đổ lỗi cho khán giả trình độ kém, không đủ tầm để thẩm định được độ hay của tác phẩm. Nhiều đạo diễn Việt sống trong những ảo mộng về nghệ thuật, luôn tự tâm đắc, khen ngợi phim của mình. Độ vênh trong thưởng thức phim giữa đạo diễn và khán giả từng được xem là một vấn đề nan giải của nền điện ảnh nước nhà trong nhiều năm. Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh - từng có phát biểu về vấn đề này: "Các nhà làm phim Việt không thể cứ bán mãi thứ mình có, đã đến lúc phải bán những gì khán giả cần".
Doanh thu đôi khi không phản ánh chính xác chất lượng một bộ phim. Nhiều dự án nghệ thuật trên thế giới, dù đoạt các giải danh giá như Oscar, Cannes đều có khả năng thua lỗ khi ra rạp. Nhưng nhìn lại, các tác phẩm như Khi Ta Hai Lăm đều thuộc mảng phim thương mại. Khi thất bại tại phòng vé, ít nhiều có thể nói phim đã không làm tròn nhiệm vụ của mình.