Thậm chí khi phóng to màn hình lên, cư dân mạng còn phát hiện cây xúc xích còn nguyên tem, nhãn mác... Nhiều người cho rằng đoàn phim quá cẩu thả và đầu tư đạo cụ quá kém.
Trong phim cổ trang, chúng ta thường thấy những phân cảnh tiệc tùng linh đình với rất nhiều món ăn ngon. Thế nhưng ít ai biết những món ăn đó hầu hết đều là giả bởi vì một cảnh quay thường được ghi hình từ vài tiếng tới cả ngày. Nếu dùng đồ ăn thật, thức ăn rất dễ bị ôi thiu, đặc biệt khi quay vào mùa hè.
Trong "Chân Hoàn truyện", Thái Thiếu Phân từng gắp nhầm miếng thịt giả vào bát của Trần Kiến Bân, khiến nam diễn viên phải cố gắng nhai rất lâu để hoàn thành cảnh quay. Nữ diễn viên Đào Hân Nhiên cho biết cô cũng từng khiến Trần Kiến Bân bị đau răng khi đưa cho nam diễn viên con tôm giả bằng cao su.
Trong "Tây Du Ký" năm 1986, quả đào tiên hình em bé sơ sinh được làm từ khoai lang. Nhân viên gọt, khắc thành hình trẻ em, sau đó sơn màu lên trên, nên đạo cụ trên thực ra vẫn không ăn được.
Ngày nay, các đạo cụ như thịt gà quay, lợn quay... đều được làm từ cao su và sơn màu lên trên, tạo vẻ ngoài bóng bẩy, bắt mắt.
Trong "Hoa thiên cốt", Triệu Lệ Dĩnh có cảnh quay ăn cơm với thịt kho sau khi bị giam giữ. Dù đó là miếng thịt giả nhưng cô vẫn cố gắng ăn ngon lành.
Còn các cảnh quay uống rượu thì hầu hết đều là uống nước lọc thông thường. Trước đó, đoàn làm phim sẽ bôi một dung dịch đặc biệt lên miệng vò đất hoặc chén uống rượu. Diễn viên chỉ cần ngửi mùi của dung dịch này sẽ trở nên "mặt đỏ tía tai" như vừa uống rượu thật.
Có một số phim có chuẩn bị đồ ăn thật cho diễn viên. Tuy nhiên, vì đồ ăn có hạn mà phải quay đi quay lại nhiều lần nên các diễn viên phải ăn rất dè dặt, hoặc chỉ được ngậm đồ ăn rồi lại nhả ra khi phải quay lại.
Khi quay phim "Thám tử mù", Lưu Đức Hoa phải ăn chân gà thiu. Đĩa chân gà được mua từ 10h sáng nhưng cảnh quay tới 17h mới bắt đầu nên đồ ăn đã bị hỏng.
Lưu Đức Hoa nói: "Tôi còn phải diễn sao cho có vẻ ăn thật ngon. Cảnh quay tốn ba giờ mới xong. Sau này, chỉ cần nhắc chân gà là tôi thấy kinh khủng".