Cảnh lái xe hóa ra được quay như thế này
Những tưởng chỉ có cảnh cưỡi ngựa trong phim cổ trang mới "giả trân" nhưng thực tế, ngay cả cảnh lái xe ở phim hiện đại cũng được quay theo cách "đánh lừa" người xem một cách ngoạn mục.
Trong phần 2 của Thương ngày nắng về, cảnh Bách (Quang Trọng) đưa Vân (Ngọc Huyền) đi dạo phố trên chiếc xích lô khiến nhiều khán giả rất ấn tượng. Tuy nhiên hậu trường lại khác xa vẻ lãng mạn trên phim. Cả hai thực chất ngồi trên chiếc xe bán tải và được đưa đi khắp phố phường cùng ê-kíp quay phim.
Khi quay toàn cảnh, đoàn quay phim mới tách riêng và di chuyển trên một chiếc xe khác.
Lúc quay cận cảnh, ê-kíp gồm nhiều người cùng ngồi trên chiếc xe bán tải di chuyển trên đường.
Trong "Lối về miền hoa", Trọng Lân và Anh Đào cũng phải diễn sao như thật ở cảnh lái xe "có như không" này.
Cảnh quay hai diễn viên chính Thanh Sơn và Khả Ngân của phim 11 tháng 5 ngày cùng nhau đi xe máy thực chất được quay khá công phu. Lúc đầu diễn viên và cả ê-kíp cùng chiếc xe được đặt trên thùng sau của một xe bán tải. Điều này phục vụ cho phân đoạn quay cận cảnh.
Ưu điểm của việc diễn viên ngồi diễn trên xe bán tải như đang đi xe máy là sự tập trung vào diễn xuất, lời thoại và không phải lo lắng tới an toàn khi lái xe trên đường.
Hoài (Trần Vân) của Phố trong làng cũng khiến khán giả té ngửa khi tiết lộ hậu trường cảnh lái xe đạp điện. Nếu như trên phim, cảnh quay lấy nước mắt khán giả vì xúc động thì khi nhìn vào thực tế, người xem lại phì cười vì thực chất nữ diễn viên chỉ ngồi một chỗ trên chiếc xe ba gác.
Cảnh mưa, gió trong phim không hề lãng mạn
Những phân cảnh dưới mưa luôn đong đầy cảm xúc, khi là lãng mạn, lúc lại bi thương. Trên thực tế ở phim trường, cảnh mưa được ê-kíp chuẩn bị kỹ lưỡng công cụ để tạo mưa giả. Có những khi làm giả mà hóa thật khi mưa bất chợt ập tới.
Trong Thương ngày nắng về phần 2, cảnh nhân vật Trang do Huyền Lizzie đảm nhận khóc dưới mưa được khán giả khen ngợi về diễn xuất. Đây là phân đoạn giàu cảm xúc bởi Trang bị chính mẹ ruột xúc phạm bằng những lời lẽ cay đắng vì bà không hay biết đó chính là con của mình. Sau khi nghe những lời nói này, Trang đã quyết định dứt tình mẫu tử, trả lại chiếc vòng kỷ vật của mẹ ruột năm xưa.
Ở hậu trường, Huyền Lizzie đã phải dầm mưa suốt 4 tiếng đồng hồ dưới cái lạnh vì thời điểm quay vào mùa đông. Ngoài ra để tránh lạnh, cô có đặt tấm lót đệm dưới chân khi quỳ gối. Hậu trường cho thấy nhân viên trong đoàn phim phải mặc áo mưa kín trong khi Huyền Lizzie hy sinh vì vai diễn.
Hậu trường cho thấy để tạo mưa nhỏ trong phim, nhân viên trong đoàn có chiêu thức riêng, đơn giản mà "có võ".
Trong "Hương vị tình thân", Nam (Phương Oanh) và Long (Mạnh Trường) có cảnh níu kéo dưới mưa. Khi đó, Long đuổi theo Nam, xin người yêu cho anh thêm thời gian. Đây là cảnh quay đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chuyện tình cảm của hai nhân vật chính. Đoàn phim đã dành nguyên cả buổi chiều để chuẩn bị cho phân cảnh này.
Một chiếc xe bồn chứa nước loại to với vòi phun lớn được chuẩn bị để tạo mưa giả. Phương Oanh khi đó còn phải thốt lên đây là bão chứ không phải mưa.
Nhân viên trong bộ phận phục trang của đoàn phim phải dán băng dính kín để nước không ngấm vào chân nữ diễn viên. Sau cảnh quay, Phương Oanh phải uống ngay một cốc nước gừng ấm để tránh cảm lạnh.
Trong “Hướng dương ngược nắng”, cảnh Hoàng (Việt Anh) che ô trong mưa cho Minh (Lương Thu Trang) tạo cảm giác lãng mạn không kém gì phim Hàn Quốc.
Vậy nhưng hậu trường không hề thơ mộng như trên phim. Nhân viên trong đoàn phải trèo lên cây, mang theo hệ thống vòi nước để tạo mưa giả. Việt Anh mặc sơ mi nhưng người ướt nhẹp. Anh còn thốt lên một câu: “Một kinh nghiệm cho thấy khi mưa to tốt nhất đừng dùng ô làm cái gì vì cái kết nó như này đây. Nói chung có như không mà thôi''.
Một cảnh phim lãng mạn khác trong Nhà trọ Balanha khi Công Dương và Bích Ngọc trao nhau nụ hôn dưới mưa.
Trên thực tế, diễn viên cứ diễn còn nhân viên trong đoàn vẫn hăng say xịt vòi nước để tạo mưa giả.
Thực tế khi mưa giả lại bắt gặp đúng mưa thật khiến đoàn phim Việt vất vả thêm.
Không chỉ tạo mưa giả, ngay cả chi tiết gió thổi nhiều khi cũng phải làm giả để tăng phần hiệu ứng sinh động. Hậu trường cho thấy cảnh tạo gió trong phim Việt khá thô sơ.