Thời gian gần đây nhiều bộ phim Việt đã nhận được nhiều tình cảm của khán giả bởi nội dung hấp dẫn, sự đầu tư chỉn chu và kỹ lưỡng vào bối cảnh của phim cho đến phục trang, đặc biệt là các bộ phim lấy bối cảnh lịch sử, văn hóa từ thời trước.
Sau rất nhiều lần mất điểm, phim Việt thời gian gần đây, điền hình như Người vợ cuối cùng (đạo diễn Victor Vũ) và Tết ở làng địa ngục (đạo diễn Trần Hữu Tấn) đã được khán giả đón nhận và yêu mến bởi phục trang và bối cảnh xịn sò.
Người vợ cuối cùng: Chỉn chu và đầu tư mạnh tay may hàng nghìn mét vải cho hàng trăm trang phục
Ra mắt khán giả vào ngày 3/11 vừa qua, bộ phim nhanh chóng lập được nhiều kỷ lục khủng trong lịch sử phim màn ảnh rộng. Cụ thể, theo nhà sản xuất, sau gần 10 ngày chính thức khởi chiếu, bộ phim đã cán mốc doanh thu hơn 71 tỉ đồng (tính đến chiều 13/11). Tác phẩm công bố sẽ phát hành tại Mỹ, Úc và New Zealand vào tháng 12 này.
Bên cạnh dàn diễn viên tên tuổi, bộ phim được đánh giá rất thành công ở bối cảnh và trang phục giống với lịch sử mô tả. Theo đó, đạo diễn Victor Vũ đặt may hàng trăm cổ phục khắc họa đời sống nhà quan thế kỷ 19 ở miền Bắc trong phim 18+ này.
Khán giả xem phim trầm trồ ngợi khen bởi đạo diễn và ê-kíp của Người vợ cuối cùng chắc chắn đã nghiên cứu kỹ lưỡng phong cách ăn mặc thời phong kiến Bắc bộ để xây dựng tủ đồ cho các nhân vật.
Gia đình nhà quan và các vương hầu thì dùng hàng gấm vóc, cũng mặc bên ngoài áo lụa trắng. Nhân vật mợ Cả (Kim Oanh) đeo trang sức chuỗi hạt, vòng vàng, nhẫn ngọc lục bảo, ngụ ý thân phận giàu sang, quyền lực trong gia tộc.
Trong khi đó, mợ hai (Đinh Ngọc Diệp) diện trang phục tông màu nóng lạnh xen kẽ nhưng không quá đậm, tạo cảm giác dễ chịu. Trên thân vải có nhiều hoa văn cầu kỳ, trang sức đi kèm như nhẫn, trâm, vòng tay đa dạng và lộng lẫy. Điều này thể hiện cá tính thẳng thắn, vô tư, có chút "tưng tửng" và hài hước ở phim.
Còn nhân vật chính - bà ba Linh (Kaity Nguyễn) vốn là thiếu nữ nhà nghèo, vì biến cố gia đình mà phải bất đắc dĩ chấp nhận về làm vợ lẽ cho quan tri huyện. Nhân vật Linh chủ yếu diện tông màu trầm hoặc nhạt, ít hoa văn, ngụ ý xuất thân nghèo khó.
Có thể thấy văn hóa Bắc bộ xưa là nguồn cảm hứng chính trong phim mới của Victor Vũ, với bối cảnh quay ở hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Đạo diễn đã đọc nhiều nguồn tài liệu, trong đó có cuốn Kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple Annamite) do tác giả Henri Oger thực hiện những năm 1908-1909.
Nhà sản xuất phim Đinh Ngọc Diệp cho biết hàng trăm trang phục được may đo, với hàng nghìn mét vải cho bộ phim. Giám đốc mỹ thuật của dự án thường yêu cầu diễn viên mặc đủ ba, bốn lớp cổ phục theo đúng phong cách người xưa cho dù đó chỉ là những cảnh quay thoáng qua.
Tết ở làng địa ngục: Nhiều trang phục ấn tượng và đậm chất lịch sử
Cố vấn lịch sử của bộ phim - ông Phan Thanh Nam từng chia sẻ rằng trang phục Tết Ở Làng Địa Ngục phản ánh các dạng thức thời trang của cuối thời Lê - đầu thời Nguyễn và phục sức của các đồng bào dân tộc. Các trang phục của phim chính là cổ phục của Việt Nam thời đó như áo tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh.
Ngoài ra, còn có các bộ trang phục đặc biệt như bộ đồ của ông lão què có thêm tiếng lục lạc tạo cảm giác bí ẩn, huyền bí. Hay chẳng hạn như con rối Hình nhân thế mạng là thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh và hoa văn các hình nhân thế mạng...
Cùng với đó là hiệu ứng âm thanh cùng các góc quay kỹ xảo và mang đến hiệu ứng cực kỳ chân thực, khiến khán giả vừa hồi hộp đến mức "thót tim" lại vừa bị lôi cuốn vào mạch câu chuyện li kỳ này.
Một điểm cộng lớn nữa của phim đó chính là việc ê-kíp không dùng kỹ xảo tạo hình, mà tăng độ kinh dị, rùng rợn cho nhân vật bằng 100% hóa trang đặc biệt, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất, mang lại hiệu ứng thị giác cho khán giả. Từ gương mặt bị rỗ, u hạch hay khi bị chết cháy của nhân vật... đều được tạo hình vô cùng kỳ công.