Sau một thời gian dài gắn liền với những dự án hài tình cảm, vấn đề xã hội và cả "drama" chính trị, tvN bất ngờ trở lại với Catch The Ghost (Cảnh Sát Bắt Ma) và Psychopath Diary (Nhật Kí Kẻ Sát Nhân) thuộc thể loại hình sự - hài đã vắng bóng lâu ngày. Nếu như Catch The Ghost thu hút ngay từ phút mở đầu bằng cách dẫn dắt hấp dẫn, Psychopath Diary lại mất tới ba tập phim đầu tiên để lôi kéo sự chú ý của khán giả vào vòng xoáy đen đủi của nam chính tốt bụng Yook Dong Sik (Yoon Shi Yoon). Tuy nhiên, sự trở lại của Yoon Shi Yoon vẫn chưa thực sự "đủ đô" để cứu lại những ngày hoàng kim cho tvN khung phim giữa tuần với mức tỉ suất ê chề đến kinh hoàng, thua cả phim đầu tuần với cùng thể loại là Catch The Ghost. Vậy Psychopath Diary đã làm được điều gì và không làm được điều gì?
Psychopath Diary đón đầu sự trở lại của Yoon Shi Yoon và hai gương mặt vẫn còn khá lạ với phần lớn khán giả Việt.
Rating của Psychopath bắt đầu có sự khởi sắc sau hai tập đầu tiên.
Diễn xuất vàng của Yoon Shi Yoon và "ác nhân" Park Sung Hoon cứu cả bộ phim
Câu chuyện diễn xuất của diễn viên "cứu" phim đã chẳng còn phải chuyện hiếm gặp và điều này đã một lần nữa xảy ra với Psychopath Diary của tvN. Nếu như khán giả đã quá quen với diễn xuất vàng của Yoon Shi Yoon, thần thái sắc lạnh của "sát nhân" Park Sung Hoon đã làm nên một bộ đôi cực phẩm nổi bật trong Psychopath Diary.
Bộ đôi "sát nhân" đang cứu cả bộ phim, tương tác "tình thương mến thương" siêu đáng yêu giữa Park Sung Hoon và Yoon Shi Yoon cũng trở thành yếu tố ăn điểm.
Đối với Yoon Shi Yoon, Yook Dong Sik có thể linh hoạt biến đổi giữa hai trạng thái: một nhân viên văn phòng hiền lành dễ bị bắt nạt đôi chút ngây ngốc, và một nam nhân nghĩ mình là sát nhân mà dám đứng lên dằn mặt những kẻ đã bắt nạt mình. Dù chẳng phải đa nhân cách hay đóng hai vai cùng lúc, Yook Dong Sik của Yoon Shi Yoon có những màn "lật mặt" hơn bánh tráng khiến khán giả phải rợn người. Người xem có thể vừa cười ngặt nghẽo trước độ ngơ của Yook Dong Sik, nhưng lại có thể lạnh sống lưng trước sự điên loạn của anh chàng.
Diễn xuất vàng của Yoon Si Yoon một lần nữa được khẳng định trong Psychopath Diary.
Còn đối với Seo In Woo (Park Sung Hoon), kẻ sát nhân thực sự lại khiến khán giả nhớ ngay tới huyền thoại Mo Tae Gun (Kim Jae Wook) trong Voice (Giọng Nói) khi có "phần nhìn" và tội ác gần như y hệt. Tuy nhiên, Seo In Woo của Psychopath Diary lại mang phần "nhẹ đô" và gần gũi hơn, vẫn mang những nét nhẹ nhàng thậm chí là hài hước khi tương tác với chàng nhân viên "quèn" Yook Dong Sik. Sau những tập đầu tiên, biệt đội "chèo thuyền" cặp đôi oan gia còn nhiều hơn cả khán giả tò mò về chuyện điều tra tội ác.
Hình tượng sát nhân là tài phiệt, thần thái ngút ngàn và coi giết người là sở thích của Seo In Woo khá giống với Mo Tae Gun.
Lạ nhưng chưa đủ hấp dẫn: "Ăn điểm" chính là độ tỏ ra nguy hiểm của "sát nhân tự nhận"
Psychopath Diary có nội dung chưa từng có trên màn ảnh Hàn. Tuy nhiên, giống với Melting Me Softly (Nhẹ Nhàng Tan Chảy), bộ phim có nền tảng tốt nhưng kịch bản lại không phát huy được hết thế mạnh để bùng nổ.
Psychopath Diary vẫn chưa đủ hấp dẫn.
Psychopath Diary bắt đầu với 3 tháng trước khi bị bắt, Yook Dong Sik không may gặp tai nạn trên đường chạy trốn khi vô tình chứng kiến tội ác giết người. Sau tai nạn, Yook Dong Sik mất hoàn toàn kí ức, kể cả về gia đình của mình. Nhận từ cảnh sát Shim Bo Kyung (Jung In Sun) một cuốn nhật kí màu đỏ, Yook Dong Sik bàng hoàng khi phát hiện ra đây là cuốn sổ ghi lại toàn bộ hành trình giết người. Dù ban đầu không tin, Yook Dong Sik dần bị thuyết phục mình là một kẻ sát nhân tâm thần vì sự tương đồng đến bất ngờ giữa cuốn sổ và những điều anh dần khám phá về bản thân.
Cuốn sổ đỏ và vụ tai nạn đã khiến cuộc đời sang trang mới.
Psychopath Diary gây cười bởi độ "tỏ ra nguy hiểm" đến ngờ nghệch của Yook Dong Sik. Vì nghĩ mình là sát thủ, anh chàng nghĩ ai cũng sợ mình và liều lĩnh thực hiện những phi vụ dằn mặt kẻ thù. Từ việc dọa dẫm cấp trên trong nhà vệ sinh tới bắt cóc sếp lớn treo cổ, những lời dằn mặt của Yook Dong Sik đều lấy từ những lời thoại trong kho tàng phim hình sự yêu thích ở nhà. Từ một kẻ ngờ nghệch không làm sai vẫn nhận lỗi, Yook Dong Sik biến thành một anh chàng dũng cảm đứng lên bảo vệ mình, thậm chí khiến khán giả giật mình vì quá tàn bạo.
Những pha chơi lớn của Yook Dong Sik là điểm sáng của bộ phim.
Anh cũng dần nhận được sự quý mến của đồng nghiệp mà phần lớn là do họ... tự suy diễn về độ tốt bụng của Yook Dong Sik. Không tin rằng mình là người tốt, cứ ai khen mình tốt bụng là anh chàng lại né như tránh tà. "Mình là sát nhân cơ mà, sao mình không làm được" chính là câu cửa miệng khiến khán giả cười bò về độ "ảo ma" của Yook Dong Sik. Sau khi chính thức chạm mặt kẻ sát nhân thực sự, tình tiết của Psychopath Diary bắt đầu được đẩy lên cao trào với mối quan hệ "oan gia", việc ngồi ngắm hai chàng thì thầm to nhỏ với nhau cũng đủ hấp dẫn.
Sau khi tin mình là sát nhân, Yook Dong Sik ngồi yên cũng khiến khán giả cười ngả ngốn.
Chuyện hai chàng "oan gia" là yếu tố níu chân khán giả.
Yếu tố hình sự tẻ nhạt: Phiên bản lép vế so với "drama" hình sự Catch The Ghost
Thế nhưng, yếu tố hình sự - phá án trong Psychopath Diary lại thua thiệt hơn hẳn so với Catch The Ghost - một dự án được đánh giá khá cân bằng giữa cả yếu tố hài, chuyện phá án và cả hình tượng nhân vật. Dù cùng một chất liệu là những cảnh sát "quá phận", nữ cảnh sát Shim Bo Kyung của Psychopath Diary lép vế hơn hẳn khi là trung tâm của chuyện điều tra về tội ác của kẻ sát nhân biến thái. Hơn nữa, chuyện anh chàng Yook Dong Sik mất trí nhớ sau vụ va chạm cũng được cho là tình tiết quá "ảo" so với phim truyền hình ngày nay.
Phần phá án khá nhàm của Psychopath Diary.
Nếu như tội ác của sát nhân Seo In Woo được khắc họa rợn người bao nhiêu, yếu tố điều tra lại được thể hiện thiếu hấp dẫn bấy nhiêu. Điều ấn tượng duy nhất còn lại về Shim Bo Kyung có lẽ chỉ là những pha "cứu thua" và bênh nam chính kịp thời trong bốn tập đầu tiên, khi cô nàng chính là thủ phạm khiến anh chàng mất trí nhớ và vướng vào mớ bòng bong này. Ngoài nữ cảnh sát, Psychopath Diary cũng còn quá nhiều yếu tố bên lề tạo cảm giác thừa thãi, điển hình là đội sếp và đồng nghiệp của Yook Dong Sik tại chỗ làm.
Sau 4 tập đầu tiên, Psychopath Diary phần nào đã hấp dẫn hơn nhưng vẫn còn quá nhiều điểm thừa thãi khiến khán giả mất tập trung và nhanh chóng cảm thấy nhàm.
Nhìn chung, nếu bạn là một fan cứng của "vua bánh mì" Yoon Shi Yoon và thể loại hình sự hài dễ hiểu, Psychopath Diary vẫn sẽ là một lựa chọn tiềm năng để giải trí vào buổi tối trong tuần. Tuy nhiên, nếu hi vọng vào dự án hình sự dấu ấn như Signal đình đám của tvN hay các bộ phim đặc thù như OCN, Psychopath Diary sẽ chưa đạt được kì vọng khi tập trung vào yếu tố hài hước và cách xây dựng hình tượng sát nhân hơn là chuyện phá án giống như nhiều phim cùng thể loại trước đó.
Thăm dò ý kiến
Bạn nghĩ sao về Psychopath Diary?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
tvN tiết lộ tình tiết chính của Psychopath Diary (Nhật Kí Kẻ Sát Nhân)
Psychopath Diary tiếp tục được phát sóng vào 20h00 (giờ Việt Nam) thứ Tư, thứ Năm hàng tuần trên kênh tvN.