Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một tí nội dung phim. Bạn hãy cân nhắc trước khi xem nhé!
Cuộc chạy đua suốt 8 năm của Ròm đã chính thức chạm vạch đích. Tác phẩm đạt giải cao quý nhất tại LHP Quốc tế Busan của đạo diễn Trần Thanh Huy hiện đang thu hút sự chú ý của công chúng đầy mạnh mẽ nhờ xoáy sâu vào thứ tệ nạn thuộc "tứ đổ tường" ở xã hội mới - nạn nuôi và mua bán số đề.
Ròm đánh vào chữ Tài của "tứ đổ tường", cụ thể là nạn chơi đề
Ròm được kể bởi chính thằng Ròm (Trần Anh Khoa) lăn lộn trong cuộc hành trình sống còn của một cò đề - người chạy số cho "khách hàng" và lấy tiền hoa hồng nếu họ trúng mánh. Thế nhưng, đối đầu với Ròm còn có Phúc (Nguyễn Phan Anh Tú) và hàng chục tên cò đề khác, tạo nên khung cảnh hỗn chiến ngày qua ngày để giữ được mạng sống trong cái nghèo. Phim mô tả một lát cắt ở tầng đáy của đô thị Việt Nam, nơi mà con người chỉ lay lắt ở ngưỡng "sống qua ngày". Sự phối hợp của nhiều yếu tố, từ hình ảnh đến âm thanh, thể hiện tài sáng tạo vô hạn của một ekip tên tuổi. Đồng thời, phương pháp chi tiết hoá một mảng miếng nhỏ của cuộc sống đời thường, sau đó biến nó thành điện ảnh cũng làm cho ai nấy phải cảm phục và tự hào.
99% độ dài phim cùng chông chênh xiên vẹo bên những phận trôi nổi
Thành công dễ thấy nhất của Ròm đến từ góc quay nghiêng vốn trở thành thương hiệu riêng của tác phẩm do Trần Thanh Huy nhào nặn nên. Thế nhưng, sự thay đổi của độ nghiêng ở từng tình huống riêng biệt lại là yếu tố mà chỉ khi xem phim, khán giả mới thấy được tường tận. Từ một chút xô nhẹ khi Ròm ngồi bình yên trên nóc nhà hay khi mô tả lối sinh hoạt thường nhật của người lao động, máy quay lại bất ngờ "tăng đô" bằng những màn chao lượn sinh động.
Những khung hình nghiêng được chọn làm phong cách quay xuyên suốt Ròm
Đặc biệt, ở cảnh Ròm và Phúc vật nhau ở vũng lầy, khung hình xoay gần 90 độ khiến mặt đất như dựng thẳng đứng, thể hiện sự gay cấn và căng thẳng đang được đẩy lên tột cùng. Ngoài ra, trong một cảnh Ròm đi qua đi lại trên vỉa hè, khi này mặt đường cũng "thách thức khoa học" và dao động như một cán cân, cho thấy sự đắn đo liên hồi của cậu bé trước một quyết định lớn. Đây thật sự là một ý tưởng táo bạo, thể hiện tầm nhìn xa và sâu của Trần Thanh Huy cũng như đạo diễn hình ảnh Nguyễn Phúc Vinh. Mặt khác, những màn "mèo vờn chuột" ngoạn mục và tỉ mỉ còn được quay theo kiểu one-shot (một lần không ngắt nghỉ) giúp cả trường đoạn hành động thêm phần mượt mà.
Càng gay cấn, độ nghiêng càng cao
Những cảnh rượt đuổi được quay nối dài liền mạch trông rất thực và cam go
Âm thanh khắc sâu dòng rượt đuổi mưu sinh, bùng lên lòng căm phẫn cái nghèo
Đã nhắc đến hình ảnh thì làm sao quên được phần âm thanh điểm xuyến cực kì tinh vi qua bàn tay của Tôn Thất An (người đứng sau thành công của hàng loạt sản phẩm được đánh giá cao phần hiệu ứng âm thanh Song Lang, Thưa Mẹ Con Đi, Vợ Ba). Cũng bám sát theo kỹ thuật quay góc nghiêng, những giai điệu của Ròm chỉ "xuất hiện" khi các đại cảnh mang tính cao trào ập đến. Mỗi khung cảnh cháy nổ, rượt đuổi đều có màn bổ trợ đặc sắc của nhạc nền với nhịp dồn dập, là tín hiệu cho một biến cố sắp xảy đến.
Tuy nhiên, Trần Thanh Huy còn thể hiện dụng ý tuyệt vời của mình khi "tắt đài" ở không ít các phân đoạn, chỉ để lại phần âm thanh mộc sống động từ bất cứ thứ gì có trong khung hình. Đó có thể là tiếng còi xe, tiếng lon thiếc va vào nhau, những cuộc trò chuyện họp chợ, tiếng xe lửa xình xịch hay tín hiệu "gọi khách" của dân cò đề. Ở đây, Ròm mang đến một trải nghiệm thính giác hoa mỹ nhưng cũng bụi bặm, lúc thì đẩy người xem lên tận cùng, khi thì thả hẫng bằng một nốt trầm mặc như số phận đen đủi của các nhân vật xuyên suốt phim.
Những tiếng động mộc mạc, đời thường được phát huy mạnh mẽ ở Ròm
Góc khuất chẳng ai nghĩ đến được, ở đó con người sống lay lắt từng ngày, gieo hi vọng bấp bênh vào từng con số hão huyền
Phần cốt truyện của Ròm thực chất không có quá nhiều điểm phức tạp hay khó hiểu. Nó không tạo "drama", lại chẳng dựa vào chiêu trò bẻ lái nào để lôi kéo sự chăm chú của khán giả. Bản thân câu chuyện chơi đề, đung đưa cùng những con số ở một khu ổ chuột xập xệ đã là đủ để người xem tò mò hết cỡ. Phim đẹp nhưng cũng kinh hãi ở cách mà ekip đẩy nhân vật vào dòng xe cộ tấp nập, bị chủ nợ hay con nghiện số đề đánh đập túi bụi, hay hình ảnh chèo chiếc bè rác đến mé sông ô nhiễm, nơi vẫn có không ít người dân sống bám sống víu.
Đời người quay vào ô "tài" hay "xỉu" chỉ nhờ vào những con số
Ngoài ra, phần diễn xuất rất "trần đời" của không chỉ hai nam chính mà còn từ Wowy, Cát Phượng, Mai Trần, Thanh Tú,... cũng khiến khán giả cảm được trọn vẹn cái bứt rứt, đói khổ khiến tâm hồn bị biến tướng theo thời gian. Nhất là phải dành lời khen cho Anh Khoa và Anh Tú, hai nam diễn viên trẻ đã thể hiện xuất sắc hình tượng cò đề đối địch là Ròm và Phúc chạy đến không kịp thở, vượt qua từng ngõ ngách để phát giấy dò, câu khách hay đánh nhau bẹp mặt để giành giật tiền hoa hồng. Mỗi người, họ sống "năm ăn - năm thua" từng ngày, thắng thì "thăng hoa" trong đàn hát và rượu chè, thua thì "bốc hơi" như chưa từng tồn tại. Cứ một phận đời ở xã khu xuống cấp là một thân xác mãi bị bám rễ bởi "con ma đề" dai dẳng và quái ác, khiến tất cả ước mơ, hoài bão hay thậm chí tính mạng đều lần lượt bị nhổ sạch.
Anh Khoa và Anh Tú lăn xả khắp phố phường để rượt đuổi, vật lộn với nhau
Thô ráp, nhơ nhuốc, bẽ bàng đến đau lòng
Ròm là một sản phẩm điện ảnh đặc biệt không hoàn toàn nằm ở vai trò của một người con "vinh quy bái tổ" sau chuyến du hí dài. Bộ phim mang lại cùng lúc cái đẹp bình phàm và bầu không khí tồi tệ cực hạn từ cùng một ekip có tâm và yêu nghề. "Hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo", quả thật Ròm đã vô cùng thành công vẽ nên một bức tranh đô thị cũ trong lòng đô thị mới. Ở ngoài kia, vẫn còn có quá nhiều hoàn cảnh cơ cực, bần hàn khiến con người cứ mãi quẩn quanh bế tắc từ đời cha sang đời cháu.
Ròm chỉ có niềm ao ước duy nhất là gặp lại cha mẹ, nhưng liệu nó có dễ dàng?
Chúng ta xem Parasite và bị cuốn vào hành trình "ký sinh" lẫn nhau của giới thượng lưu và tầng lớp lao động. Chúng ta cũng từng có dịp chứng kiến đầu đuôi câu chuyện giải thoát chính mình của tên hề Joker. Giờ đây, Ròm tiếp tục bóc mẽ những lát gạch bám bụi của đáy xã hội, nơi mà người thường chẳng bao giờ nghĩ đến chứ đừng nói lui tới. Thế nhưng khác với gia đình Kim hay Arthur Fleck, những con người như Ròm, Phúc, chị Ghi, cô Tư, ông Khắc,... đều khó mà có thời giờ để mơ tưởng, suy tính đến chuyện đổi đời. Giữ chặt họ ở khu nhà "có cửa như không" là những món nợ lời cắt cổ, sự tù túng nghiệt ngã của hoàn cảnh và những con số ngẫu nhiên chi phối sự sinh diệt.
Đây là tựa phim hiếm hoi mà nhân vật hoàn toàn có thể đổ thừa cho hoàn cảnh, vì họ khổ quá!
Dù còn đôi chỗ chưa tròn, Ròm vẫn xứng đáng là hiện tượng phòng vé vì nỗ lực "không dừng lại" ở 9 năm qua
Ai bảo Ròm hoàn hảo? Giống như chính cuộc đời của dàn nhân vật, "con cưng" của Trần Thanh Huy cũng có những khiếm khuyết nhất định. Điểm dễ thấy nhất khi xem đó chính là những đợt chuyển cảnh có phần hối hả và đột ngột. Các phân đoạn trước - sau đôi lúc không liên quan gì nhau, khiến mạch phim như bị gãy khúc.
Ròm có nhiều cú chuyển cảnh hơi "choáng", từ sáng sang tối hay liên kết hai tình huống không có tính tiếp nối nhau
Ròm sải chân chạy trên con đường đầy sỏi đá, bên cạnh cậu là những con người cũng khổ không thua gì. Bi kịch của họ, tuy nhiên, lại được và chỉ được nhắc đến qua lời nói. Mà lời nói thì gió bay. Đứa con bị ung thư dạ dày của chị Ghi ra sao, cái gì đưa đẩy nhân vật của Wowy thành tên giang hồ cầm đầu, còn ba mẹ của Ròm đã bị gì mà đến mức phải "bỏ con giữa chợ"? Nhiều ký ức, tình tiết chỉ hiện lên bằng lời vô cùng mơ hồ khiến cho tiến trình phát triển của một số nhân vật chưa tới, khó thấm.
Một nhân vật không có quá khứ đủ thuyết phục sẽ khó mà khơi gợi tuyệt đối sự đồng cảm nơi khán giả
Bộ phim cũng tạo ra một vòng tuần hoàn luẩn quẩn của những con người xóm nghèo. Vướng vào đề đóm thì khó thoát, dù là người chơi hay kẻ dẫn cò. Thế nhưng, có lẽ vòng xoay vô tận này được xử lý chưa đủ khéo. Từ đó, một số cái tên bị hụt hơi trong chuyến hành trình đó, như gia đình chị Tư hay chú Khắc, họ xuất hiện không vì điều gì và cũng rời khỏi khung hình trong im lặng. Có lẽ, 75 phút là không đủ để câu chuyện của Ròm bao hàm đủ đầy mọi người, mọi việc, hoặc sau khi trải qua 27 bản dựng thì Ròm của bây giờ đã mất đi độ chín muồi và nguyên bản của nó.
Ròm không hoàn hảo nhưng đừng vì thế mà xa lánh Ròm nhé!
Suy cho cùng, Ròm là một thước phim chất lượng khi khai thác sát thực tế nhất có thể nỗi đau của chất lượng sống chạm đáy. Tuy vẫn có một số điểm hạn chế không như ý, thế nhưng bộ phim đã làm tốt vai trò cập nhật và tuyên truyền về sự tiêu cực của tệ nạn cờ bạc, số đề và tầm quan trọng của tình yêu gia đình, làng xóm và lối sống cao đẹp dù cho hoàn cảnh có đưa ta đến đâu. Gần một thập kỷ chờ đợi Ròm về nước, điều đó thật sự đáng giá.
Xem ngay trailer chính thức của Ròm
Ròm chính thức công chiếu vào ngày 25/09/2020 tại các rạp trên toàn quốc.
Nguồn ảnh: Tổng hợp từ phim