Ở phần đầu tiên, Wonder Woman (2017) đưa khán giả trở về năm 1918 khi Thế chiến I đang diễn ra căng thẳng. Đây cũng là lần đầu tiên Công chúa Diana tại đảo Amazon xứ Themyscira bước ra thế giới thật sau cuộc gặp gỡ bất ngờ với chàng phi công Steve Trevor.
Sau khi nỗ lực ngăn cản cuộc chiến và đối đầu với vị thần chiến tranh Ares, Diana đã trở thành Wonder Woman. Với Wonder Woman 2, chuyến phiêu lưu tiếp theo của nữ thần chiến binh Diana Princes được tiếp tục 70 năm sau các sự kiện đầu tiên.
Kỷ nguyên nhiều sự kiện ảnh hưởng tới văn hoá đại chúng
Trong một buổi gặp gỡ với người hâm mộ mới đây tại Comic Con ở Sao Paulo, nữ đạo diễn Jenkins bày tỏ về nguồn cảm hứng khi chọn thập niên 80 thế kỷ trước là nguồn cảm hứng và bối cảnh chính trong phần phim tiếp theo của Wonder Woman.
“Tôi lớn lên trong những năm 80 thế kỷ trước và điều này khiến tôi có góc nhìn và cảm nhận riêng. Tôi được nhìn thấy nhân loại ở cả trạng thái tốt nhất cũng như tồi tệ nhất. Âm nhạc và mọi thứ thật tuyệt vời, tươi đẹp. Tuy nhiên thời kỳ đó cũng cho thấy nhiều điều tồi tệ đã xảy ra. Những năm 1980, truyện tranh Wonder Woman cũng rất nổi tiếng và phổ biến. Vì vậy, thật tuyệt khi nhìn thấy cô ấy ở đó. Thời điểm này là đỉnh cao của văn minh nên tôi tò mò muốn thấy Wonder Woman va chạm với nó và đối đầu với những kẻ thù mà thời đại mới sinh ra như thế nào".
Trong Wonder Woman 1984 khán giả có thể cảm nhận không khí những năm 1980 đầy màu sắc với âm nhạc sôi động tái hiện lại một kỷ nguyên chuyển mình rực rỡ nhất của nước Mỹ.
Giai đoạn này được xem là thời kỳ có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới văn hoá đại chúng từ giải trí như phim ảnh, âm nhạc, các chương trình truyền hình cho tới kinh tế với sự tăng trưởng của các trung tâm thương mại. Đây cũng là thời điểm mà Mỹ cũng bắt đầu phục hồi sau những suy thoái kéo dài.
Năm 1984 cũng được xem là năm quan trọng đối với phụ nữ tại Mỹ khi liên tiếp gặt hái được nhiều thành công như người phụ nữ đầu tiên đi bộ trong không gian, giành 62 huy chương vàng tại Thế vận hội với đội hình nữ...
Bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời gian ra đời cuốn tiểu thuyết của George Orwell với tựa đề 1984 - cuốn tiểu thuyết chính trị giả tưởng được đánh giá hay nhất mọi thời đại. Trong 1984, tác giả đã hình dung thập niên 1980 nơi công dân bị giám sát, soi mói của chính phủ qua những chiếc máy quay hình mà đứng đầu là Big Brother (Anh cả) - một nhà lãnh đạo bù nhìn và độc tài.
Năm 1984 cũng là thời điểm nước Mỹ căng thẳng với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh (Cold War). Tại phần đầu, Diana ngăn chặn thần chiến tranh Ares thao túng cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô, đây cũng có thể là nguyên nhân giải thích cho việc dẫn tới bối cảnh 70 năm sau đó và là mâu thuẫn chính giữa Wonder Woman và Maxwell Lord.
Thời điểm quan trọng gắn liền với sự phát triển của Wonder Woman
Ngoài ra, những năm 1980 cũng được xem là thời điểm quan trọng với sự phát triển của Wonder Woman trong truyện tranh.Thời điểm này, hầu hết truyện của DC Comics trong những năm đầu thập niên 80 đều có doanh số rất tệ khi khán giả không còn hứng thú nhiều với thể loại siêu anh hùng, chưa kể còn phải cạnh tranh gay gắt với Marvel Comics. Wonder Woman cũng không ngoại lệ.
Sau cái chết của “cha đẻ" William Moulton Marston năm 1947, nhân vật Wonder Woman đã rơi vào khủng hoảng, lý do duy nhất khiến Wonder Woman còn bám trụ lại là do chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến. Lúc bây giờ DC Comics phải đứng giữa hai lựa chọn: xuất bản Wonder Woman hoặc mọi bản quyền sẽ trở thành gia sản của Marston. Và DC đã không cho phép điều đó xảy ra.
Trong vài thập kỷ tiếp theo, nữ chiến binh Diana đã khá chật vật, mặc dù độ nổi tiếng của nhân vật không hề suy giảm nhờ phương tiện truyền thông cũng như chương trình truyền hình Lynda Carter và phim hoạt hình Super Friends đã giúp DC Comic bán được truyện tranh trong khoảng thời gian ngắn những năm 70. Tuy nhiên sau khi chương trình truyền hình kết thúc, doanh thu lại giảm mạnh và nhân vật Wonder Woman rơi vào thế bị động.
Vì vậy vào năm 1985, DC Comics quyết định tái cấu trúc và khởi động lại toàn bộ vũ trụ của họ với sự kiện truyện tranh Crisis on Infinite Earths. Và Wonder Woman là nhân vật được đại tu lớn nhất. Đội ngũ sáng tạo của Greg Potter, Len Wein và họa sĩ George Perez đã không ngại loại bỏ các yếu tố trong thần thoại lâu đời của Diana đã trở nên lỗi thời lúc bấy giờ. Bên cạnh danh tính mới của Diana Prince, chiếc phản lực vô hình, câu chuyện tình yêu với Steve Trevor, khía cạnh thần thoại Hy Lạp trong câu chuyện của Wonder Woman cũng được nâng cao hơn bao giờ hết.
Perez để lại một dấu ấn không thể phai mờ về Wonder Woman. Dưới sự chăm sóc của ông, Diana không phải là một chiến binh tội phạm mà là một siêu anh hùng, một đại sứ, một người có nhiệm vụ truyền bá lý tưởng hòa bình và hòa hợp của người Amazon.
Ngoài ra, Perez đã tăng cấp độ sức mạnh của Diana để khiến cô mạnh mẽ như Siêu nhân, khả năng bay lượn cùng những đối thủ xứng tầm. Nhưng có lẽ, tầm quan trọng nhất thời điểm này là Perez đã đưa được tính nữ quyền trở lại trong các trang truyện của Wonder Woman - thứ đã ít nhiều phai nhạt sau hơn 3 thập niên.