Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung The Batman.
Easter egg là một “đặc sản” không thể thiếu trong các bộ phim siêu anh hùng ngày nay. Và với một bom tấn có thời lượng đến 3 tiếng như The Batman, không có gì bất ngờ khi ngồi soi sương sương thôi chúng ta cũng có thể nhặt ra cả tá chi tiết thú vị liên quan đến loạt truyện tranh Người Dơi của DC.
Có 1 điểm đặc biệt ở The Batman là bộ phim này không chỉ lấy cảm hứng từ 1, 2 mạch truyện chính, mà đã kết hợp từ rất nhiều bộ truyện, rất nhiều dự án điện ảnh, truyền hình khác nhau để tạo ra 1 trong những bom tấn xuất sắc nhất của DC Films trong vài năm gần qua. Dưới đây là những nguồn cảm hứng đã làm nên một Batman rất khác, rất mới lạ dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Matt Reeves và tài diễn xuất của Robert Pattinson.
Batman: Ego (2000) của Darwyn Cooke
Batman: Ego xoay quanh những mâu thuẫn nội tâm của Bruce Wayne trong vai trò Batman. Nói cách khác, đó là cuộc chiến tâm lý giữa 2 bản ngã trong cùng 1 cơ thể, luôn tự hỏi rằng những hành động “siêu anh hùng” của mình có thực sự đúng đắn hay không. The Batman đã phần nào đó khắc họa thành công những mâu thuẫn này, để rồi cuối cùng giúp Bruce nhận ra: Giống như trong Ego, anh vừa là biểu tượng của niềm hy vọng, vừa là hiện thân của sự sợ hãi.
Batman: The Long Halloween (1996 - 1997) của Jeph Loeb, minh họa Tim Sale
Đây có lẽ là 1 trong những bộ truyện Batman xuất sắc nhất mà DC từng sản xuất, khi Bruce cùng với Jim Gordon và Harvey Dent truy bắt tên tội phạm có biệt danh Holiday, kẻ đã ra tay tàn sát cả gia đình Falcone trong dịp lễ Halloween. The Batman đã mượn ý tưởng này và khéo léo biến nó thành kế hoạch tinh vi của Riddler nhằm hạ sát những quan chức biến chất tại Gotham trong vòng 1 tuần cũng kể từ ngày Halloween.
Ngoài ra, bộ phim này cũng khai thác khá kỹ mối quan hệ giữa Bruce và Jim Gordon trong những năm đầu quen biết, trước khi phát triển thành 1 tình bạn bền chặt không thể phá vỡ. Cuối cùng, chi tiết Thomas Wayne từng cứu mạng Carmine Falcone cũng được lấy cảm hứng từ Batman: The Long Halloween.
Batman: Year One (1987) của Frank Miller, minh họa Dave Mazzucchelli
Batman: Year One là 1 bản reboot dành cho Batman sau Crisis on Infinite Earths - sự kiện đã thiết lập lại toàn bộ lịch sử DC. The Batman lấy cảm hứng lớn từ bộ truyện này trong việc phát triển nhân vật Selina Kyle/Catwoman, cả về ngoại hình lẫn tính cách.
Batman: Earth One (2012) của Geoff Johns, minh họa Gary Frank
Batman: Earth One khai thác chi tiết về cái chết của ông bà Wayne, với những yếu tố chính trị đan xen khi Thomas Wayne có ý định ứng cử chức Thị trưởng Gotham. Bộ truyện này cũng khắc họa hình ảnh Alfred Pennyworth dưới vai trò trưởng ban an ninh nhà Wayne nhiều hơn là quản gia của gia đình này. Cuối cùng, Batman: Earth One cũng mang đến nguồn cảm hứng cho Riddler, tên sát nhân hàng loạt với nỗi ám ảnh kỳ lạ về Batman.
Batman: The Telltale Series (2016), tựa game của Telltale Games
Batman: The Telltale Series đặc biệt ở chỗ loạt game này khai thác Thomas Wayne trong vai trò đồng phạm của Carmine Falcone, buộc Bruce phải vạch trần sự thật về người cha của mình và mối quan hệ của ông với các gia tộc tội phạm tại Gotham. Ngoài ra, Batman: The Telltale Series còn xoáy sâu vào mối tình giữa Batman và Catwoman. Phân cảnh 2 người đường ai nấy đây ở phân đoạn cuối The Batman dường như được lấy cảm hứng từ chính cái kết của phần đầu tiên trong loạt game của Telltale.
Batman: Zero Year (2013 - 2014) của Scott Snyder và James Tynion IV, minh họa Greg Capullo, Danny Miki và Rafael Albuquerque
Batman: Zero Year là nguồn cảm hứng to lớn cho kế hoạch hạ màn của Riddler: Nhấn chìm Gotham trong biển lũ. Ngoài ra, bộ truyện này cũng hé lộ sự tồn tại của Batman đối với người dân Gotham, đồng thời còn biến anh thành biểu tượng của niềm hy vọng, thay vì chỉ ngập chìm trong thù hận sau cái chết của cha mẹ mình.
Batman: Year Two (1987) của Mike W. Barr, minh họa Todd McFarlane và Alan Davis
Batman: Year Two đẩy Batman vào 1 tình thế không mấy tốt đẹp khi phải liên kết với các băng đảng trong thành phố Gotham để ngăn chặn ác nhân có tên Reaper. Không chỉ trùng khớp về bối cảnh (năm thứ 2 kể từ khi Bruce trở thành Người Dơi), bộ truyện này còn khai thác những mâu thuẫn trong nội tâm của Batman, khi anh liên tục tự chất vấn bản thân về việc bắt tay với các phản diện như Penguin hay Catwoman để ngăn chặn một tội ác lớn hơn. Tuy nhiên, khác với truyện tranh, Batman của Robert Pattinson vẫn trung thành với nguyên tắc của mình và kiên quyết nói không với súng ống.
Sal "Boss" Maroni
Xuất hiện lần đầu tiên trong Detective Comics #66 (1942), Sal “Boss” Maroni là kẻ đứng đầu băng đảng đã tạt axit vào mặt Harvey Dent, gián tiếp thúc đẩy hắn ta trở thành phản diện Two-Face. Trong các bộ truyện sau này như Batman: Year One hay The Long Halloween, Maroni trở thành người cầm đầu nhiều gia đình tội phạm lớn ở Gotham, chỉ đứng sau Carmine Falcone. The Batman cũng đã khai thác mối quan hệ tương tự giữa 2 ông trùm sừng sỏ này.
“I Am Vengeance”
Trong The Batman, Bruce Wayne luôn tự nhận mình là kẻ báo thù (vengeance). Câu thoại này xuất hiện lần đầu trong tập phim hoạt hình Nothing to Fear, thuộc Batman: The Animated Series, khi chàng Dơi lần đầu chạm trán Scarecrow. Dưới tác động của chất độc của kẻ thù, Bruce bắt đầu gặp ảo giác và phải đối mặt với nỗi sợ hãi lớn nhất của mình: Bị người cha Thomas Wayne coi là nỗi ô nhục của gia đình. Sau tất cả, anh vẫn vượt qua cơn ác mộng đó và để lại 1 trong những câu thoại nổi tiếng nhất DC: “I am vengeance! I am the night! I am Batman” (Ta là sự báo thù! Ta là màn đêm! Ta là Batman!).
Tim Drake (Red Robin)
Có thể bạn chưa biết, Jay Lycurgo, nam diễn viên thủ vai Tim Drake (Robin thứ 3) trong Titan mùa 3, cũng đã góp mặt trong The Batman ở những phút đầu tiên, khi anh suýt giết người để gia nhập 1 băng đảng tội phạm. Được biết, Tim đã hoàn thành mọi cảnh quay của mình trong The Batman trước khi tham gia Titan. Không rõ đây chỉ là 1 sự trùng hợp vô tình, hay DC đang có những toan tính khác sâu xa hơn cho tương lai của vũ trụ điện ảnh mới xoay quanh Batman.
“Ngày ra đời” của Jim Gordon và Batman
Trong phân cảnh Batman được triệu tập đến hiện trường vụ án sát hại thị trưởng Don Mitchell, có thể thấy Jim Gordon được phân công phụ trách khu vực 39 của thành phố Gotham. Đây là easter egg liên quan đến mốc thời gian năm 1939, khi Batman và Gordon lần đầu tiên xuất hiện trong chương truyện Detective Comics #27 (5/1939).
Các địa danh nổi tiếng của Gotham
The Batman đã mang đến rất nhiều địa danh quen thuộc trong thành phố Gotham, bao gồm khu dân cư Gotham Heights, cảng Adams hay công viên Grant Park. Tuy nhiên, Batcave trong bộ phim này nằm dưới tầng hầm bí mật của tháp Wayne thay vì dinh thự Wayne, giống như trong thời kỳ Bronze Age của truyện tranh DC. Ngoài ra, chúng ta còn có câu lạc bộ Iceberg của Penguin hay nhà tù trên đảo Blackgate Penitentiary.
Batman của Adam West
The Batman xoay quanh những ngày tháng mới “vào nghề” của Bruce Wayne, khi những món vũ khí công nghệ của anh vẫn còn khá thô sơ và chưa thực sự đa dạng. Trong 1 phân cảnh, có thể thấy Batman đã dùng súng bắn dây để chạy thẳng xuống phía dưới từ nóc 1 tòa nhà cao tầng. Đây là chi tiết liên quan đến bộ phim Batman (1966) do Adam West thủ vai chính, khi ông liên tục cùng Robin (Burt Ward) bám vào dây để trèo xuống dưới.
Martha Wayne/Martha Kane/Martha Arkham
Trong đa số các phiên bản truyện tranh Batman, mẹ của Bruce Wayne, Martha Wayne xuất thân từ gia tộc Kane - 1 trong 5 gia tộc đã gây dựng nên Gotham. Tuy nhiên, giống như Batman: Earth One, The Batman đã thay đổi hoàn toàn chi tiết này, biến Martha thành người nhà Arkham và là 1 người phụ nữ gặp nhiều vấn đề về tâm thần.
Phản diện Hush
Để tránh giới báo chí phanh phui về căn bệnh của Martha, Thomas Wayne đã nhờ Carmine Falcone “đuổi khéo” phóng viên có tên Edward Elliot. Nhưng Falcone lại hiểu nhầm ý người bạn của mình và thẳng tay sát hại anh chàng này. Dựa vào những đoạn video mà Riddler đã công bố, cùng với những cụm từ như “hushing up” (im lặng), có vẻ như DC đang trải thảm trước để đón phản diện Thomas “Hush” Elliot đến với vũ trụ điện ảnh mới của mình trong những dự án tương lai thì phải.
Thám tử vĩ đại nhất thế giới
Khi bị bắt nhầm, Penguin đã gọi Batman và Jim Gordon là “những thám tử vĩ đại nhất thế giới” với giọng điệu đầy mỉa mai, châm chọc. Trong truyện tranh, đây thực chất chính là 1 biệt danh của chàng Dơi, bên cạnh những tên gọi nổi tiếng khác như Dark Night hay Caped Crusader.
Xuất thân của Selina Kyle
1 trong những cú twist bất ngờ nhất của The Batman chính là việc Selina Kyle là con gái của Carmine Falcone. Chi tiết này được lấy cảm hứng từ bộ truyện The Long Halloween cũng như các phần hậu truyện như Batman: Dark Victory và Catwoman: When in Rome. Tuy nhiên, trận chiến giữa cô và Falcone lại dựa trên bộ Batman: Year One nhiều hơn, đặc biệt là cảnh Selana dùng móng tay của mình để cào vào mặt hắn.
Chất độc Venom và sự xuất hiện của Bane trong tương lai
Trong trận chiến cuối cùng, Batman đã sử dụng 1 loại thuốc kỳ lạ màu xanh để “hồi máu” cho bản thân, đồng thời cũng khiến anh mất tự chủ và suýt giết chết 1 thành viên trong băng đảng của Riddler. 1 số fan nhận định rằng loại thuốc này rất giống với Venom, hợp chất mà phản diện Bane thường sử dụng để gia tăng sức mạnh của bản thân. Tuy nhiên trong nguyên tác, trước khi Bane xuất hiện vào năm 1993, Batman vốn đã là 1 kẻ nghiện thuốc cường hóa trong bộ truyện Batman: Venom (1991) rồi.
The Bat & The Cat
Trong phân cảnh cuối cùng của The Batman, Selina Kyle đã gọi bản thân và Batman là “The Bat and the Cat” (dơi và mèo). Đây có lẽ là chi tiết cho thấy cô bắt đầu tự coi bản thân mình là Catwoman, đồng thời cũng tôn vinh tác giả Tom King, người thường xuyên khai thác mối tình giữa 2 nhân vật này và gọi họ là “Bat” & “Cat”.
Blüdhaven
Khi chia tay Batman, Selina Kyle cho biết cô sẽ đến thành phố Blüdhaven. Trong truyện tranh, đây chính là ngôi nhà mới của Dick Grayson (Nightwing) kể từ bộ truyện tranh Nightwing (1996) cho đến tận bây giờ.
Joker
Phân cảnh cuối cùng của Riddler trong The Batman cho thấy hắn kết thân với 1 tù nhân khác trong trại giam Arkham, kẻ sở hữu điệu cười quái gở mà rất nhiều fan đã nhận ra ngay đó chính là hoàng tử tội phạm khét tiếng Joker.
Theo ScreenRant