(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc)
Spider-Man: Far From Home hiện tại đang là bộ phim số một tại phòng vé trên toàn thế giới. Nhận được số điểm cực cao từ cả nhà phê bình lẫn khán giả, bộ phim mới nhất của vũ trụ điện ảnh Marvel tự tin chinh phục bất kì người xem nào. Bộ phim Spider-Man lần này không chỉ được đánh giá cao bởi các trận chiến mãn nhãn hay kịch bản hấp dẫn, mà còn ngầm thể hiện một thông điệp rất rõ ràng dành cho ngành truyền thông mà có thể bạn không biết.
1. Mysterio là hình ảnh đại diện cho các phương tiện truyền thông
Như chúng ta đã biết, Quentin Beck (Jake Gyllenhaal) hay còn biết với cái tên Mysterio là một bậc thầy lừa đảo trong phần phim lần này. Không phải phép thuật, cũng không phải ảo giác, Mysterio thực chất chỉ là một nhà khoa học bình thường với một phát minh có thể thay đổi được sự thực.
Xuyên suốt cả bộ phim Mysterio đã đánh lừa người xem cũng như toàn bộ nhân vật trong phim bằng hệ thống hình ảnh hoàn hảo của hắn. Từng bước trong kế hoạch của Mysterio đều được cắt ghép chỉnh sửa rất kĩ càng ở khâu hậu cần, liệu có ai nghĩ rằng một nhà khoa học tâm thần bất ổn lại có thể trở thành siêu anh hùng vĩ đại nhất thế giới chỉ bằng các hiệu ứng hình ảnh máy tính hay không?
Trong phim, Mysterio có nói một câu rất ấn tượng khi đang chiến đấu tại London:"Bọn họ sẽ được thấy thứ mà tôi muốn họ thấy". Chẳng phải đây đang là mặt trái của ngành truyền thông hiện nay sao?
Mysterio không giống các phản diện khác của vũ trụ điện ảnh Marvel, hắn không tàn phá hay muốn chiếm lấy bất cứ thứ gì. Mục tiêu của hắn chỉ để đánh bóng bản thân, thu hút người xem nhờ vào những thứ hào nhoáng như việc bay lượn trên bầu trời, bắn laze từ tay hay thậm chí như câu chuyện về siêu anh hùng đến từ vũ trụ khác. Những gì người xem được biết đều dựa vào những gì mà Mysterio lựa chọn để kể cho họ, nhưng thật đáng buồn tất cả những thứ hoa mỹ đó chỉ là giả dối.
Thậm chí trong phân cảnh Mysterio hack não Peter, hắn ta còn hùng hồ tuyên bố rằng "Ta tạo ra Mysterio để cho thế giới có thứ để tin tưởng, ta kiểm soát sự thực, Mysterio là sự thực", đây như một lời tuyên bố hùng hồn rằng mọi sự thực đều trong tầm kiểm soát của bản thân hắn. Hắn muốn điều gì là sự thực thì đó là sự thực, giống như cách truyền thông nắm quyền điều khiển dư luận hiện nay.
Mysterio là đại diện cho mặt trái của phương tiện truyền thông, khi bạn chiếm được lòng tin của mọi người, điều bạn nói ra sẽ trở thành sự thực. Hãy cho họ thấy thứ mà bạn muốn cho họ thấy. Một sự thực có thể bị thay đổi hoàn toàn theo hướng ngược lại nhờ vào ống kính của truyền thông. Việc Peter Parker ra lệnh cho drone rời bỏ nhiệm vụ để bảo vệ người dân đã trở thành lời tố cáo khi cậu bị gán tội muốn xử tử cả thành phố. Đó là lúc Mysterio thể hiện sức mạnh của truyền thông một chiều.
2. Người xem đại diện cho những khán giả đại chúng
Trước khi chết Mysterio còn nói một câu nói ám chỉ đến khán giả hiện nay :"Peter, rồi cậu sẽ thấy thôi, con người rất dễ tin, vào lúc này họ tin vào tất cả mọi thứ". Trong câu nói này, Mysterio ám chỉ đến khán giả thời nay. Họ quá dễ tin, đặc biệt là những thứ được đưa ra trước mặt, cho dù điều đó không phải sự thực đi chăng nữa
Sự chọn lọc thông tin của con người thời nay khá yếu ớt, họ sẵn sàng tin vào bất cứ thứ gì được truyền thông nhắc đến. Trong Spider-Man: Far From Home cô bạn MJ có nói với Ned và Flash rằng "Các cậu không thể tin mọi thứ đọc được trên mạng được", phải chăng MJ đại diện cho một số ít những người tình táo để nhận ra điều này.
Ngay cả đến người có kinh nhiệm và tỉnh táo nhất như Nick Fury (Talos) cũng bị Mysterio lừa bịp mà không hề hay biết. Điều này cho thấy rằng dù bạn có là một kẻ có kinh nghiệm đi chăng nữa vẫn có thể bị truyền thông điều hướng mà không hề hay biết. Bất cứ ai trong xã hội hiện nay đều có khả năng mắc vào cái bẫy truyền thông của Mysterio tạo ra.
3. Những chi tiết ẩn về ngành truyền thông
Ẩn dưới các hình ảnh thông thường của một bộ phim siêu anh hùng tuổi teen. Spider-Man: Far From Home lựa chọn cách cho người xem thấy được quyền kiểm soát của truyền thông trong suốt cả bộ phim. Ngay từ bản tin của trường Midtown lúc bắt đầu bộ phim, phóng viên áp đặt các câu hỏi có tính quy chụp cho Spider-Man, Flash Thomson live stream trong suốt chuyến đi hay cụ thể nhất là câu nói "Lúc nãy cậu không xem thời sự sao? Thời sự luôn nói thật, phải ko?". Đây là câu ám chỉ mạnh nhất về sự kiểm soát của truyền thông đến con người khi họ luôn coi một thứ là chân lý bất kể đúng sai.
Spider-Man: Far From Home quả thật đầy bất ngờ dành cho người xem, ẩn dưới một bộ phim giải trí thông thường là một thông điệp lên án đầy táo bạo cho xã hội hiện nay. Có lẽ chính vì các hàm ý thông minh này mà Spider-Man: Far From Home có thể dành được số điểm cao đến từ tất cả những nhà đánh giá phim.