Sự nghiệp vàng son của cố đạo diễn Lê Cung Bắc: Gần 40 năm cống hiến cho điện ảnh nước nhà

Đạo diễn Lê Cung Bắc đã yên nghỉ nhưng gia tài nghệ thuật trong mấy mươi năm sự nghiệp của ông thì sống mãi.

Sáng ngày 13/6, giới điện ảnh và người hâm mộ Việt bàng hoàng nhận tin đạo diễn Lê Cung Bắc, cha đẻ của Dòng Đời, Người Đẹp Tây Đônăm nào đã qua đời ở tuổi 76. Cùng nhìn lại sự nghiệp vàng son của một cây đa, cây đề góp phần làm nên không ít huyền thoại điện ảnh Việt.

Sự nghiệp vàng son của cố đạo diễn Lê Cung Bắc: Gần 40 năm cống hiến cho điện ảnh nước nhà - Ảnh 1.

Cố đạo diễn Lê Cung Bắc sinh năm 1946 tại Quảng Trị. Thời sinh viên, mặc dù học đại học Chính trị Kinh doanh nhưng ông rất đam mê diễn xuất. Ông đã thành lập nhóm kịch của riêng mình mang tên Thụ Nhân và đã tạo nhiều tiếng vang trong giới sinh viên của các trường đại học miền Nam. Ông được đánh giá là một trong những diễn viên nổi bật và tài năng, vì vậy, năm 1974 ông đã được cử đi nghiên cứu ngành kịch nói tại Pháp và Canada.

Sau năm 1975, đạo diễn Lê Cung Bắc tham gia Đoàn kịch nói Bông Hồng một thời gian ngắn và rồi chính thức chuyển qua lĩnh vực điện ảnh từ năm 1982. Chỉ trong khoảng thời gian 10 băm, Lê Cung Bắc đã miệt mài tỏa sáng sau ống kính với trên 200 vai diễn cả điện ảnh và truyền hình. Để nói về sự nghiệp diễn xuất của Lê Cung Bắc phải kể tới loạt tác phẩm huyền thoại một thời của phim ảnh Việt như: Thăng Long Đệ Nhất Kiếm, Con Thú Tật Nguyền, Hồi Chuông Màu Da Mam,...

Sự nghiệp vàng son của cố đạo diễn Lê Cung Bắc: Gần 40 năm cống hiến cho điện ảnh nước nhà - Ảnh 2.

Lê Cung Bắc trong một vai diễn của mình

Cuối năm 1992, Lê Cung Bắc chính thức chuyển hướng sang làm đạo diễn khi được Hãng phim Giải Phóng trao cho việc cầm trịch một số phim truyện đầu tiên như Trên Cả Hận Thù, Ta Tắm Ao Ta, Giọt Lệ Chưa Khô,... Hai năm sau, cũng Hãng phim Giải Phóng đã giao cho ông làm bộ phim nhựa đầu tiên mang tên Nhịp Đập Trái Tim, nhờ bộ phim này, cố đạo diễn được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải thưởng Đạo diễn phim nhựa đầu tay, đây là một bước ngoặt đáng nhớ đưa Lê Cung Bắc đến với những huyền thoại để đời sau này của mình.

Năm 1995, ông được Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh mời về làm bộ phim Người Đẹp Tây Đô - phim truyền hình nhiều tập đầu tiên của hãng phim TFS. Bộ phim gây tiếng vang rất lớn, trở thành biểu tượng của phim ảnh Việt cho tới tận ngày hôm nay. Tiếp đó, ông liên tục được biết tới với hai phim gây tiếng vang lớn là Không Thể Rẽ Trái, Dòng Đời. Hai bộ phim này đã mang về cho ông không ít giải thưởng danh giá và hơn thế nữa là giúp ông nhận được danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú do nhà nước phong tặng vào năm 2001.

Sự nghiệp vàng son của cố đạo diễn Lê Cung Bắc: Gần 40 năm cống hiến cho điện ảnh nước nhà - Ảnh 3.

Đạo diễn Cung Bắc trong một lần hội ngộ dàn diễn viên Người Đẹp Tây Đô

Những năm sau đó, cố đạo diễn chủ yếu gắn mình với loạt phim truyền hình. Một số cái tên phải kể đến như: Cõi Tình, Xóm Cũ, Vì Một Ngày Mai, Bẫy Tình,... Năm 2005, ông thực hiện bộ phim nhựa Duyên Trần Thoát Tục - một tác phẩm thậm chí còn được ghi vào Kỷ lục Phật giáo Việt Nam. Năm 2008, ông trở lại với hãng phim TFS cùng Vó Ngựa Trời Nam - một bộ phim truyền hình lịch sử hoành tráng đã nhận về vô số giải thưởng lớn, nổi bật nhất phải kể đến giải Cánh Diều Bạc cho bộ phim. Tiếp đó ông bền bỉ gắn bó với công việc đạo diễn, được nhiều nhà đài lớn mời hợp tác.

Sự nghiệp vàng son của cố đạo diễn Lê Cung Bắc: Gần 40 năm cống hiến cho điện ảnh nước nhà - Ảnh 4.

Những năm ở độ tuổi ngoài 70, đạo diễn Lê Cung Bắc dành ít thời gian hơn cho phim ảnh nhưng ông vẫn được mời tham gia làm ban giám khảo các giải thưởng điện ảnh lớn như Bông Sen của Cục Điện ảnh, Cánh diều của Hội Điện ảnh, Liên hoan phim truyền hình toàn quốc và giải Ngôi sao xanh hàng năm của Tập đoàn IMC. Ngoài ra ông cũng là thường trực Hội đồng Nghệ thuật của Tập đoàn IMC (TodayTV), tham gia cố vấn cho một số loạt phim lớn của tập đoàn này.

Sự nghiệp vàng son của cố đạo diễn Lê Cung Bắc: Gần 40 năm cống hiến cho điện ảnh nước nhà - Ảnh 5.

Nhìn lại một đời cống hiến cho nghệ thuật của đạo diễn Lê Cung Bắc, từ phim điện ảnh cô đọng, sâu lắng, đầy chất nghệ thuật đến các bộ phim truyền hình nhiều tập có tính sử thi, lịch sử cận đại,… hầu hết đều là những tác phẩm đậm tính nhân văn, hướng tới chân - thiện - mỹ. Giờ đây khán giả chỉ còn có thể nhớ về cố đạo diễn qua những tác phẩm rất đời và đẹp này. Một lần nữa nghiêng mình cúi chào một tượng đài của phim ảnh Việt.

Nguồn ảnh: Tổng hợp