Thiếu Lâm tự không chỉ nổi tiếng với điểm đến nổi tiếng về Phật giáo mà còn là nơi xuất thân của nhiều cao thủ võ thuật bậc nhất Trung Quốc. Trong các bộ phim về Thiếu Lâm tự, họ thường sống ẩn dật, tu luyện, âm thầm trông nom trong chùa miếu, đến thời điểm quan trọng mới thi triển võ nghệ cao cường của bản thân. Nếu chú ý quan sát sẽ thấy trên đỉnh đầu của các vị hoà thượng này thường có rất nhiều dấu chấm tròn.
Hình ảnh hoà thượng Thiếu Lâm Tự trên màn ảnh
Chùa Thiếu Lâm hay Thiếu Lâm tự, là ngôi chùa nằm ở trên núi Tung Sơn, Đăng Phong, Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Được thành lập từ thế kỷ thứ 5, Thiếu Lâm tự nổi tiếng về Phật giáo Thiền tông và võ thuật Trung Hoa, trong đó đặc biệt là Võ Thiếu Lâm (còn gọi là Thiếu Lâm Quyền hay Thiếu Lâm Công Phu).
Thiếu Lâm Tự cùng các thế võ tuyệt đỉnh của môn phái này luôn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà làm phim võ thuật. Theo đó, bộ phim "Thiếu Lâm tam thập lục phòng" (hay còn gọi là Phòng thứ 36 của Thiếu Lâm) là bộ phim võ thuật Hong Kong rất nổi tiếng của đạo diễn Lưu Gia Lương và được công chiếu lần đầu năm 1978.
Trong bộ phim này có đề cập đến quá trình rèn luyện gian nan của thiền sư tên là Sơn Đức (Lưu Gia Huy) khi ông phải trải qua khổ luyện trong 35 căn phòng ở Thiếu Lâm, trong đó mỗi phòng lại tập trung vào một kỹ năng võ thuật riêng biệt. Ngoài ra, vị thiền sư này cũng chính là người thành lập căn phòng thứ 36 trong chùa Thiếu Lâm để đón nhận những đệ tử tục gia tới tập luyện võ thuật nhằm tự bảo vệ bản thân. Bộ phim đã gây được tiếng vang lớn và có ảnh hưởng không nhỏ đến những bộ phim võ thuật ở Hồng Kông sau này.
Lý Liên Kiệt đóng vai hoà thượng của chùa Thiếu Lâm.
Bên cạnh đó, bộ phim "Thiếu Lâm tự" được phát sóng năm 1982 là tác phẩm điện ảnh võ thuật đầu tiên được quay tại ngôi chùa này. Bộ phim đã đưa Lý Liên Kiệt thành sao võ thuật nổi tiếng Trung Quốc và thế giới. Trong phim, nam diễn viên đảm nhận vai Giác Viễn - chàng trai nuôi chí báo thù Vương Nhân Tắc (Vu Thừa Huệ) vì đã giết cha mình. Khi bị thương nặng, Giác Viễn được cao tăng ở Thiếu Lâm Tự cứu, từ đó ở trong chùa học võ, sau này cùng sư phụ, đồng môn chống lại thế lực của Vương Nhân Tắc.
Sina nhận xét đây là phim đỉnh cao về đề tài Thiếu Lâm Tự, được công chiếu ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc... và đạt tổng doanh thu 160 triệu NDT (khoảng 558 tỷ đồng). Đoàn phim thực hiện quay các phân cảnh tại Thiếu Lâm tự trong vòng 2 năm, với những phương pháp khá thô sơ do hoàn cảnh khó khăn thời bấy giờ.
Video: Cảnh Giác Viễn (Lý Liên Kiệt) đánh tay đôi với Vương Nhân Tắc (Vu Thừa Huệ) trong "Thiếu Lâm tự".
Năm 2001, Lý Liên Kiệt từng chia sẻ với tạp chí Kungfu: "Khi tôi làm việc trong Thiếu Lâm tự, chỉ 3 nhà sư hiện diện ở đó và Trung Quốc vừa kết thúc Cách mạng Văn hóa. Rất ít người biết về Thiếu Lâm Tự. Sau khi bộ phim ra rạp, chùa trở nên nổi tiếng. Rất nhiều du khách tới đây và rất nhiều lò võ mọc lên",
Tháng 8/2010, Thiếu Lâm tự được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa thế giới. Không chỉ nổi tiếng về các giá trị văn hóa, lịch sử, Thiếu Lâm tự còn được biết đến như một trung tâm võ thuật hàng đầu Châu Á.
Lý do hoà thượng chùa Thiếu Lâm có chấm tròn trên đầu
Vào thời kỳ đầu nhà Nguyên (Trung Quốc), có một vị hòa thượng tên xưng là "Trí Đức", được vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt đánh giá rất cao và tôn kính ông. Vì vậy trong thời gian xuất gia, vị hòa thượng đã dùng hương nóng để lên đỉnh đầu, tạo nên các chấm tròn nhằm thể hiện lòng thành tâm tín ngưỡng của ông với Phật giáo.
Các hoà thượng Thiếu Lâm tự thời xưa có chấm tròn trên đỉnh đầu.
Cũng chính vì hành động này, hoà thượng Trí Đức càng nhận được sự tán thưởng và công nhận của hoàng đế. Từ đó, phong tục này bắt đầu được lưu truyền về sau. Do vậy, nếu các bộ phim xuất hiện bối cảnh trước thời nhà Nguyên nhưng các vị hòa thượng lại có chấm tròn trên đỉnh đầu, chứng tỏ đoàn phim không thực sự tâm huyết vì không tìm hiểu kỹ lịch sử.
Chấm tròn trên đầu nhà sư giống như biểu tượng thân phận và địa vị. Sau vài tháng huấn luyện tân sinh, các tiểu hòa thượng mới cạo trọc đầu sẽ làm một bài trắc nghiệm đơn giản. Khi vượt qua bài kiểm tra, lão hòa thượng trong chùa sẽ dùng cây hương chấm một vết đầu tiên lên đầu, gọi là “thanh tâm”, với ý nghĩa vượt qua cửa ải “thanh tâm quả dục”.
Các cao tăng Thiếu Lâm tự có 8 hoặc 9 chấm tròn trên đầu.
Trong một hoặc hai năm sau đó, nếu những tiểu hòa thượng này tu hành tốt, tu bỏ đi nhiều những ràng buộc ở thế gian và đọc kinh không còn nhiều nhân tâm, họ sẽ đủ điều kiện để nhận được chấm hương thứ hai. Nói chung, nếu mọi việc suôn sẻ, hầu hết các nhà sư lớn tuổi trong chùa có thể có 5 hoặc 6 chấm hương trên đầu. Các vị trụ trì của Thiếu Lâm tự trước đây có thể có 8 hoặc 9 chấm hương trên đầu, đây được gọi là “hòa thượng cao cấp” hoặc “hòa thượng đặc cấp”.
Tuy nhiên, chấm tròn thứ 10 không phải là hòa thượng bình thường có được, ngoại trừ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và Lục Tổ. Chấm tròn không chỉ có trên đầu mà còn trên cơ thể, chẳng hạn như cánh tay. Trên thực tế, khi chấm hương, một khi người chấm không khống chế được lực tay thì sẽ tạo nên tổn thương cho người được chấm. Do vậy, trên đầu người được chấm có thể bị sưng tấy, có hại cho cơ thể và sức khỏe của người đó. Ngày nay, cách làm này gần như không còn.