Đát Kỷ Trụ Vương của đài TVB lên sóng năm 2001 tạo được tiếng vang lớn trên khắp màn ảnh châu Á. Bộ phim lấy bối cảnh triều Thương, xoay quanh Na Tra của vợ chồng Lý Tịnh - Ân Thập Nương. Vì lệnh của vua, Lý Tịnh buộc lòng bỏ con trong khi vợ luôn tìm cách cứu Na Tra. Đôi vợ chồng vừa giải quyết mâu thuẫn gia đình vừa lo đối phó Trụ Vương - người đắm chìm tửu sắc, bỏ bê triều chính. Đát Kỷ (Ôn Bích Hà đóng) dùng nhan sắc dụ dỗ nhà vua, gây lầm than trong thiên hạ.
Tác phẩm hiện vẫn là bộ phim kinh điển và để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Thế nhưng ít ai biết rằng ở hậu trường phim lại có những tình huống khiến khán giả bất ngờ.
Trụ Vương phải mất một tiếng mới đội được mũ
Vai diễn Trụ Vương trong Đát Kỷ Trụ Vương được giao cho diễn viên Trịnh Tử Thành. Nam diễn viên đến hiện tại vẫn không thể quên được những ngày ghi hình vất vả tại phim trường. Vào thời điểm quay phim, Trịnh Tử Thành phải mặc lên mình bộ trang phục cổ trang nhiều lớp, đội tóc giả, dán lông mày và râu trong thời tiết gần 40 độ. Đặc biệt, chiếc mũ đội đầu được làm bằng inox nên nam diễn viên phải mất đến 1 tiếng mới đội được lên đầu.
Ngoài ra, khi đóng các cảnh ôm hôn mỹ nhân, Trịnh Tử Thành còn ngượng ngùng đỏ mặt, thậm chí còn toát mồ hôi lạnh.
Lôi Chấn Tử tự mình hoá trang cho nhân vật
Với kinh phí eo hẹp nên đoàn làm phim không đủ tiền để thuê các nhân viên hoá trang cho nhân vật. Dàn diễn viên trong phim phải tự hoá trang cho chính mình, trong đó phải kể đến Lôi Chấn Tử. Anh đã dậy sớm từ 5 giờ sáng để hoá trang nhân vật của mình. Với lỗi diễn tự nhiên, người xem Đát Kỷ Trụ Vương dường như quên luôn gương mặt điển trai của nam diễn viên ở ngoài đời.
Mũ đội đầu của Na Tra làm từ bìa cứng
Để tiết kiệm chi phí đến mức tối đa, đoàn làm phim để một diễn viên đóng nhiều vai khác nhau. Thậm chí, nhiều nam diễn viên còn đội tóc giả, mặc đồ của cung nữ để hầu hạ cho hoàng đế. Ở cảnh giao chiến, theo mô tả trên phim có đến 20 vạn quân nhưng trên thực tế chỉ có 20 diễn viên quần chúng ít ỏi.
Ngoài ra, đạo cụ được sử dụng trong Đát Kỷ Trụ Vương còn được tận dụng từ các đồ vật thường ngày như hộp giấy, thùng inox, gậy gỗ... Trong đó, mũ đội đầu của Na Tra còn được làm từ bìa cứng và quét màu vàng lên.
Ngoài ra, vì không có tiền để thuê ca sĩ hát nhạc phim nên nam diễn viên chính Trần Hạo Dân đã tự dùng tiền của mình để thu âm.
Dương Tiễn cũng rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười"
Tiền Gia Lạc trong vai Dương Tiễn cũng từng rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười" khi thực hiện một phân cảnh chèo thuyền. Được biết khi thuyền vừa ra khỏi bờ chưa được bao lâu, Tiền Gia Lạc đã nói "bye bye" khiến cả đoàn phim phải phì cười. Nam diễn viên không biết rằng máy thu thanh vẫn có thể thu được lời thoại với khoảng cách như thế.
Kỷ niệm vui nhất của Tiền Gia Lạc là ở tập cuối phim, anh chính là người tiêu diệt nhân vật phản diện Tỳ Bà do Thang Doanh Doanh đóng. Hơn 10 năm sau, họ nên duyên vợ chồng ngoài đời.
Nàng Đát Kỷ mặc lại đồ của các diễn viên khác
Ở bộ phim Đát Kỷ Trụ Vương, Ôn Bích Hà vào vai nhân vật Tô Đát Kỷ - mỹ nhân sở hữu nhan sắc xinh đẹp động lòng người. Sau khi phim được lên sóng, nữ diễn viên đã chinh phục trái tim của khán giả bởi nhan sắc xinh đẹp và lối diễn tự nhiên. Cô đã mang đến một Tô Đát Kỷ phong trần, ma mị. Khán giả còn ưu ái gọi Ôn Bích Hà là “Đát Kỷ đẹp nhất màn ảnh”.
Cũng bởi đoàn làm phim có ít kinh phí nên Ôn Bích Hà phải thường xuyên mặc lại đồ của bạn diễn khác và luân phiên thay đổi cho nhau. Trong suốt 40 tập phim, cô chỉ mặc một chiếc áo yếm duy nhất.
Mẹ của Na Tra không thể về chịu tang mẹ vì lịch quay bận rộn
Trong Đát Kỷ Trụ Vương, vai Ân Thập Nương – mẹ của Na Tra do nữ diễn viên Uyển Quỳnh Đan đảm nhận. Khi đang quay phim, nữ diễn viên nhận được tin mẹ qua đời nhưng không thể về nhà chịu tang vì vướng lịch ghi hình.
Uyển Quỳnh Đan đã đem nỗi buồn đó vào cảnh Ân Thập Nương khóc cạn nước mắt vì tội trạng của Na Tra. Sau khi quay xong bộ phim, bác sĩ chẩn đoán đôi mắt của nữ diễn viên bị tổn thương nặng, suýt chút nữa là bị mù vĩnh viễn.