Trong tất cả các bộ truyện của mình, Kim Dung luôn rất biết cách xây dựng và tạo nên những cá tính riêng biệt dành cho các tuyến nhân vật. Nhưng trong đó, nổi bật nhất vẫn là Kiều Phong - một nhân vật mà bản thân Kim Dung cực kỳ tâm đắc đồng thời cũng được coi là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng. Thế nên chẳng lạ khi đây là cái tên được yêu thích bậc nhất trong các tác phẩm của tiểu thuyết gia huyền thoại này.
Tuy là nhân vật chính của bộ phim, thế nhưng Kiều Phong không được tác giả giới thiệu ngay từ đầu, thay vào đó là Đoàn Dự - chàng công tử đào hoa của Đại Lý. Phải mãi tới khi Đoàn công tử của chúng ta trôi dạt xuống Giang Nam, Kiều Phong mới lần đầu xuất hiện. Đó là hình ảnh một gã hán tử mặt vuông tai lớn, ánh mắt sắc như dao cạo đang ngồi uống rượu chịu ở tửu lầu, Nhìn qua thôi, chắc có lẽ nhiều người cũng sẽ nhận định dường như đây là con người có phần thô kệch, tá điền và chẳng mang trong mình một chút khí khái anh hùng nào.
Cuộc gặp gỡ định mệnh của Kiều Phong và Đoàn Dự. Ảnh minh họa.
Tác giả Kim Dung cực kỳ khéo léo và tinh tế khi mô tả Kiều Phong từ lúc xuất hiện cho tới xuyên suốt cuộc đời của người anh hùng này
Nhưng kết luận như vậy liệu có phần hơi vội vã quá chăng? Mang trên mình thân phận bang chủ Cái Bang, Kiều Phong luôn tự nhủ bản thân lúc nào cũng phải có nghĩa vụ với đất nước, tiêu diệt quân xâm lược Khiết Đan, chống lại quân Tây Hạ và mang tới ấm no cho con dân nước Tống. Thế nhưng, đời không như là mơ. Cũng vì những lý tưởng ấy mà cuộc đời của Kiều Phong đã trải qua hàng tấn những bi kịch.
Đầu tiên, ông bị Toàn Quán Thanh cùng Mã Ôn Thị - vợ của phó bang chủ Mã Đại Nguyên vu cáo ông đã sát hại Mã phó bang chủ, đồng thời tố cáo Kiều Phong có nguồn gốc là người Khiết Đan. Và bạn biết rồi đấy, làm gì có chuyện một môn phái hàng đầu võ lâm như Cái Bang lại chấp nhận bang chủ của mình là người Khiết Đan cơ chứ. Kiều Phong ra đi, cảm thấy nhục nhã vì mang trong mình dòng máu không mong muốn, cho tới khi gặp được A Châu.
Kiều Phong từ bỏ bang chủ Cái Bang cũng như sụp đổ ước mơ và lý tưởng của mình
Có thể nói, dưới ngòi bút tài hoa của mình, Kim Dung đã khắc họa một cách vô cùng logic và cuốn hút về cuộc đời của Kiều Phong. Trong thời điểm tối tăm nhất của cuộc đời, A Châu như một ngọn đuốc thắp lên những tia sáng hy vọng đầy tích cực dành cho Kiều Phong. "Làm người Khiết Đan thì có gì là xấu xa? Làm người Tống thì có gì là cao quý? Người Khiết Đan hay người Tống thì vẫn có kẻ tốt, người xấu, ngài buồn phiền làm chi" - chính câu nói này của A Châu đã đánh thức lại hùng tâm của Kiều Phong, đồng thời giúp anh vượt qua quãng thời gian này.
A Châu - người con gái thắp lại ánh sáng cuộc đời cho Kiều Phong
Bỏ qua chủ nghĩa dân tộc có phần xa xôi, Kiều Phong quay trở lại với hành trình đi tìm kẻ đã sát hại phụ mẫu của mình. Nhưng đó cũng là khởi điểm của một bi kịch khác, khi ông đã vô tình tự tay hại chết A Châu - người con gái mà ông yêu quý và cũng là tri kỷ duy nhất. Trước khi nhắm mắt, A Châu dặn dò Kiều Phong hãy chăm sóc cho A Tử - em gái nàng, một cô nương vô cùng khôn khéo, yêu Kiều Phong say đắm và có thể không từ thủ đoạn để đạt được mục đích. Cuộc đời như đang trêu đùa với số phận của người anh hùng này vậy.
Kiều Phong và A Châu - một mối tình đẹp nhưng đầy bất hạnh
Đáng nhẽ Kiều Phong sẽ có một cuộc đời yên bình ở Nhạn Môn Quan, ngày ngày săn bắn hái lượm như những người bình thường khác. Nhưng kỳ duyên lại một lần nữa đưa ông tới với Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế Đại Liêu - đồng thời "khơi dậy" lại dòng máu Khiết Đan trong người vốn đã ngủ quên bấy lâu. Kiều Phong trở thành nguyên soái Đại Liêu, và bị ép làm tiên phong tiến đánh Đại Tống.
Kiều Phong thà chết chứ quyết tâm không tuân lệnh tiến đánh Đại Tống - nơi mà anh đã lớn lên và trưởng thành
Nhưng với Kiều Phong, thà chết còn hơn là trở mặt với những huynh đệ, anh em của mình. Kiều Phong treo ấn từ quan, đồng thời bị bắt giữ sau khi cố tìm cách đưa A Tử cùng đi trốn. Những nghĩa đệ như Đoàn Dự và Hư Trúc không bao giờ từ bỏ huynh trưởng của mình. Họ cuối cùng đã thành công, và đưa được Kiều Phong về tới Nhạn Môn Quan, đồng thời bắt sống được Gia Luật Hồng Cơ cũng như ép hắn phải từ bỏ dã tâm xâm lược nước Tống.
Đó cũng là ước nguyện cuối cùng của Kiều Phong, trước khi anh quyết định tự tử ngay tại Nhạn Môn Quan như một cách thể hiện bản lĩnh, khí khái anh hùng của mình, đồng thời tạ lỗi với Gia Luật Hồng Cơ.
Kiều Phong tự tử ngay tại Nhạn Môn Quan
Cuộc đời Kiều Phong là một chuỗi những bất hạnh và tranh cãi. Là một anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, nhưng xem ra, chẳng có nơi nào để Kiều Phong có chốn dung thân. Ở Tống, ông bị coi là tên Khiết Đan mọi rợ. Về Khiết Đan, Kiều Phong chỉ là tên nô tài bất trung, chống lệnh vua.
A Châu đã mất, lại còn do chính tay mình sát hại, nỗi dằn vặt này cả đời ông chắc không bao giờ quên. Những gì tốt nhất có thể làm cho A Tử thì Kiều Phong đều cũng đã dốc sức để không phụ sự gửi gắm của A Châu. Thế là quá đủ rồi Kiều Phong, cuối cùng thì anh cũng đã có thể tự do quyết định số phận của mình ngay tại mảnh đất Nhạn Môn Quan - nơi mà anh đã từng hứa hẹn với A Châu về chuỗi ngày yên bình, tự do tự tại trong mơ mà chẳng bao giờ xảy ra.
Hồ Quân, diễn viên đóng vai Kiều Phong được đánh giá cao nhất.