Phong trào tẩy chay Sony (hashtag #boycottsony) và giải cứu Người Nhện (#savespiderman) đang diễn ra rầm rộ trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Ngay sau khi tuyên bố cắt đứt quan hệ giữa Nhện teen Tom Holland và MCU, cổ phiếu tập đoàn Sony đã giảm xuống 0.11%, đến hôm nay ngày 23 tháng 8 thì lại tiếp tục giảm mạnh đến 3.32%, điều này sẽ khiến Sony thiệt hại hàng triệu USD.
Vậy tại sao fandom MCU lại tẩy chay Sony, Người Nhện thì bị gì mà phải giải cứu? Nguyên nhân chính dẫn đến sự chia rẽ này là do ai thì mọi người đều đã hiểu rõ, Sony không có lỗi.
1. Chính đề xuất của Disney phá vỡ những điều khoản ban đầu
Vào tháng 2 năm 2015, Sony và Disney đi đến một thỏa thuận, cho phép nhân vật Người Nhện (Tom Holland) được phép tham gia MCU dưới sự chỉ đạo của chủ tịch Marvel Studios - ông Kevin Feige.
Thông qua thỏa thuận trên, Marvel Studios và Disney thu lợi nhiều hơn khi "Nhện nhọ" có mặt trong những tựa phim Captain America: Civil War (2016), Avengers: Infinity War (2018), và Avengers: Endgame.
Bên cạnh đó, Sony sẽ có quyền sử dụng những nhân vật khác thuộc MCU trong những phim solo của Người Nhện như Spider-Man: Homecoming (2017), và Spider-Man: Far From Home (2019). Với vai trò là phim kết thúc Phase 3 MCU, Far From Home đã mang về 1.1 tỷ USD doanh thu cho Sony.
Thành công của Far From Home dẫn đến kết quả "win - win" cho cả Sony lẫn Disney. Thế nhưng, tham vọng của Nhà Chuột lại thôi thúc họ đưa ra một lời đề nghị quá lố, yêu cầu được chia sẻ 50% vốn sản xuất lẫn doanh thu trong khi Sony mới là đơn vị giữ bản quyền nhân vật Người Nhện.
Có lẽ không chỉ Sony mà bất cứ doanh nghiệp nào khác rơi vào tình huống này cũng sẽ bác bỏ lời đề nghị vô lý đó. Như vậy, chính Disney đã chủ động phá vỡ thế cân bằng, dẫn đến sự bất mãn ở đối tác Sony, khiến họ rút lại thỏa thuận chia sẻ nhân vật đã ký kết hồi năm 2015.
2. Fandom quá hung hăng và không có lý lẽ
Những cuộc khẩu chiến vô cùng tận diễn ra ở khắp các mặt trận trên mạng xã hội. Sự chia rẽ của Sony và Disney cũng chia cắt fandom thành hai phe có quan điểm đối nghịch rõ rệt. Tuy nhiên, cộng đồng fan của Sony bao gồm những người chơi Playstation và fan Spider-man nguyên bản comic thì lại quá ít so với đông đảo người ủng hộ MCU.
Sau 10 năm phát triển mạnh mẽ, MCU gần như đã định hình lại khái niệm phim siêu anh hùng, fandom của họ cực kỳ đông đảo và trải rộng trên phạm vi toàn cầu. Hàng trăm triệu người đồng lòng tẩy chay sản phẩm Sony khiến chỉ số tín nhiệm của tập đoàn này giảm sút nghiêm trọng.
Thế nhưng, fandom MCU có thực sự hiểu rằng họ đang chiến đấu vì điều gì và họ có đại diện cho cái gì đúng đắn hay không?
Thông điệp tẩy chay Sony của fan MCU tràn ngập trên Twitter.
Theo điều tra của The Hollywood Reporter, Disney có quyền hưởng lợi từ doanh thu bán các sản phẩm hàng hóa khác liên quan đến Người Nhện (mô hình đồ chơi, artbook, game...), tương đương với 30% - 50% tổng doanh thu được tạo ra từ nhân vật siêu anh hùng này trên tất cả các ngành nghề/lĩnh vực kinh doanh.
Chúng ta không có được con số xác thực, tuy nhiên với nguồn lợi như vậy cộng thêm 5% doanh thu phim từ ngày đầu công chiếu mà Sony chia sẻ, có thể đoán được lợi ích mà Disney và Marvel thu được từ Người Nhện là rất khổng lồ, có thể hoàn toàn không thua kém so với doanh thu phim của Sony.
Hashtag #savespiderman kèm thông điệp: "Sony đã cướp mất Spider-man từ MCU". Có vẻ như các fan MCU không biết rằng ai mới chính là thủ phạm dẩy Người Nhện ra khỏi MCU thì phải?
Cần phải nói thêm là, trong khi Disney và Marvel nhận được con số 5% doanh thu từ phim riêng của Nhện teen Tom Holland (do Sony đầu tư sản xuất) thì Sony lại không có thêm xu nào nếu Người Nhện xuất hiện trong phim khác của MCU (do Disney và Marvel Studios đầu tư sản xuất). Rõ ràng, ngay từ khi thỏa thuận chia sẻ nhân vật được ký kết vào năm 2015, Disney và Marvel đã có những lợi ích rất lớn và đó là một thỏa thuận công bằng.
Thông điệp gây chiến của fan MCU: "Nếu các bạn có thể hủy diệt Sony thay vì Khu Vực 51 thì tôi có thể trở lại."
Hiện tại, fandom MCU đang tập trung dưới lá cờ của Disney và tự cho rằng họ là những người đấu tranh vì chính nghĩa cho vũ trụ phim MCU. Ngược lại, Sony thì bỗng nhiên gặp "tai bay vạ gió", phải chống chọi với mối họa lớn từ trên trời rơi xuống, bị người đời tẩy chay mặc dù họ không làm gì sai. Cái đề xuất ngớ ngẩn đó nào phải do Sony đặt ra?
Có thể nói, chủ tịch Tom Rothman và giám đốc điều hành Tony Vinciquerra của Sony Pictures từ chối yêu cầu của Disney là hoàn toàn dễ hiểu. Ví dụ, Far From Home có kinh phí sản xuất là 160 triệu USD, thu về 1.1 tỷ USD doanh thu.
Nếu Sony đồng ý thỏa thuận cưa đôi kinh phí/doanh thu của Disney thì họ sẽ phải bỏ ra 80 triệu USD tiền vốn, thu lại 550 triệu USD doanh thu, trả cho Disney 5% (55 triệu USD) nữa thì còn 495 triệu USD.
Trong khi đó, Disney cũng bỏ ra 80 triệu USD tiền vốn, thu lại 550 triệu USD doanh thu, nhận được 5% nữa thì sẽ được đến 605 triệu USD chung cuộc, tức họ lời nhiều hơn Sony, trong khi bản quyền nhân vật Spider-man lại thuộc sở hữu của Sony. Quả thật là một lời đề nghị "đọc mà tức", với tư cách là một tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, Sony sẽ không bao giờ chấp nhận dù là vì tiền hay vì lòng tự tôn.
Tom Holland lẫn nhân vật Spider-man của anh cũng chỉ là một con bài để các lãnh đạo hãng phim sử dụng.
Làm rõ sự việc đến mức này, liệu các fan MCU có đang thực sự đại diện cho chính nghĩa không hay đang bị lợi dụng vì một lý do nào đó?
3. "Dắt mũi" dư luận để nâng tầm D23 Expo 2019?
Có thể một số bạn sẽ không để ý, nhưng ngày 23 tháng 8 chính là ngày khai mạc triển lãm lớn nhất năm nay của Disney: D23 Expo tại Trung tâm hội nghị Anaheim, Califonia.
D23 (với D trong Disney và 23 trong 1923, tức năm thành lập Disney) là sự kiện tri ân khách hàng thân thiết diễn ra 2 năm một lần do Disney tổ chức.
Đây là dịp để Nhà Chuột tương tác với khách hàng VIP, quảng bá dịch vụ giải trí mới, giảm giá và bán thanh lý những đồ chơi tồn đọng, đồng thời quan trọng nhất là giới thiệu những tựa phim đầy tiềm năng có thể mang về hàng tỷ USD trong tương lai.
Ngày hôm nay 23 tháng 8, D23 Expo đã chật kín người tham dự.
Chủ tịch Bob Iger của Disney và Kevin Feige của Marvel Studios là những nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm. Chiến lược quảng bá, thu hút khách hàng của họ luôn thành công và mang về doanh thu lớn, điều này đã được minh chứng trong quá khứ khi Disney liên tục đưa ra những bước đi đúng đắn nhằm phá vỡ kỷ lục của Avatar, mặc dù không được "fair play" cho lắm.
Việc Disney chủ động tạo ra xung đột chỉ vài ngày trước khi diễn ra D3 Expo 2019 không phải là ngẫu nhiên, bất cứ nhà chiến lược nào cũng có thể nhìn ra mục đích thực sự phía sau.
Kevin Feige (trái) và Bob Iger.
Giới phê bình chuyên môn cho rằng việc Người Nhện "bay màu" khỏi MCU theo nghĩa đen là một điều sớm muộn gì cũng xảy ra. Cho dù thỏa thuận năm 2015 có tiếp tục được lưu giữ đi nữa thì Disney cũng chỉ nhận được cố định 5% doanh thu từ phim của Sony mà thôi. Trong khi đó, quy mô của MCU và tham vọng của Disney từ lâu đã vượt qua tầm vóc của 5% đó rồi.
Trong năm nay, Disney còn 3 tựa phim lớn sắp ra mắt nữa là Star Wars: The Rise of Skywalker, Maleficent 2 và Frozen 2. Những gì đã xảy ra cho thấy Disney sẵn sàng đánh đổi 5% doanh thu ít ỏi từ phim Người Nhện để quảng bá cho 3 "thương hiệu khủng" khác. Đừng quên phim siêu anh hùng Marvel cũng chỉ là một trong những loạt phim của ông lớn Disney mà thôi.
Tranh chấp với Sony lại có thể quảng bá cho Star Wars.
Như vậy, bất kể vụ lùm xùm với Sony đưa đến kết quả như thế nào, Disney vẫn có lợi, thậm chí là lợi ích cực lớn. Họ vừa bán được hàng hóa tồn đọng, vừa quảng cáo cho dịch vụ giải trí, người ta sẽ đến Disneyland nhiều hơn, mua vé xem phim Disney nhiều hơn, hàng triệu fan trên thế sẽ mù quáng ủng hộ cho họ đồng thời dìm chết đối thủ Sony.
Disney không chỉ muốn kiếm nhiều tiền, họ muốn vừa kiếm rất rất nhiều tiền vừa đánh bại đối thủ.
Quả thật, thương trường là chiến trường, với vai trò là một khán giả xem phim nhỏ bé thì chúng ta còn biết làm gì khác ngoài việc "cúi đầu chào thua" con Chuột Mickey đầy mưu mẹo?