Vì sao dòng phim Fast and Furious đã không còn chất riêng của mình?

Lượng người hâm mộ đông đảo, doanh thu “khủng” là thế nhưng những fans trung thành của “Fast & Furious” ngày càng cảm thấy thất vọng về thương hiệu này. 

“Fast & Furious” là một trong số những thương hiệu phim hành động – tốc độ được yêu mến lâu năm ở Hollywood. Để gầy dựng được tiếng tăm như ngày hôm nay, quả thực không phải là điều dễ dàng. Ai cũng biết, trong vô vàn những bộ phim hành động chỉ chăm chăm vào những điều quá quen thuộc như sử dụng kỹ xảo, công nghệ cao hay những pha đánh đấm, chiến đấu, hành động vô cùng mãn nhãn, “The Fast & The Furious”  đã ngay lập tức lấy lòng được đông đảo công chúng với hai vũ khí “hạng nặng” của mình: tốc độ & tình anh em. Ngay lập tức, bộ phim trở thành một trong những thương hiệu được yêu thích bậc nhất ở kinh đô điện ảnh.

Sau 7 phần phim, “Fast & Furious” luôn giữ vững vị thế này và thừa thắng xông lên, họ quyết định tiếp tục làm đến phần thứ 10. Hiện tại “Fast & Furious” đã ra phần 8 và ngoại truyện “Hobbs & Shaw”, đang lên kế hoạch cho hai phần cuối cùng. Mặc dù doanh thu của bộ phim luôn tăng trưởng rất tốt theo thời gian, lượng người hâm mộ cũng tăng đáng kể nhưng ít ai ngờ, những fans cứng cựa của bộ phim đang lặng lẽ rời khỏi thương hiệu này.

Đặt nặng kĩ xảo, xem nhẹ câu chuyện của các nhân vật trong kịch bản

Một điều dễ nhận thấy ở “Fast & Furious” đó là càng về sau, bộ phim càng lạm dụng rất nhiều kĩ xảo và ít khai thác hẳn nội tâm của các nhân vật. Lấy ví dụ phần đầu tiên, “The Fast & The Furious” ra mắt năm 2001 cho chúng ta thấy một thế giới hoàn toàn khác với những cuộc đua đường phố hoành tráng, ngoạn mục và kịch tính chẳng kém bất kì trường đua xe nổi tiếng nào.

Cả hai nhân vật Dominic Toretto (Vin Diesel) và Brian O’ Corner đều rất gần gũi trong mắt khán giả. Họ có những hoạt động đời thường, những suy nghĩ, những toan tính riêng và đời sống tình cảm phong phú. Những cú twist trong mối quan hệ giữa Vin và Brian cũng như thân thế của Brian hay nhiều pha “lật kèo” của Vin cho chúng ta cơ hội nhìn kĩ hơn vào sự chân thực trong cá tính của mỗi người chứ không phải ở bề ngoài có vẻ “ngổ ngáo” hay những câu nói bất cần đời. Phần 1 có những cảnh hành động được quay thủ công hoàn toàn, các diễn viên phải tự mình học lái xe và phải dũng cảm vượt lên trên bản thân thì mới hết mình với vai diễn được.

Sang tới phần 2, “2 Fast 2 Furious” năm 2003, bộ phim tiếp tục giới thiệu hai anh chàng Roman và Tej cùng với sự bắt đầu của tình bạn giữa họ và Brian, chân thật, đơn giản và trái ngược nhau đến khó tin vì họ dường như là những người đến từ hai thế giới đối lập. Song, tất cả lại cùng tạo ra sự kết nối bền chặt và đầy ý nghĩa nhờ có cùng niềm đam mê tốc độ.

Ở phần thứ ba, The Fast & The Furious: Tokyo Drift có doanh thu thấp nhất và độ hút khách cũng không được cao so với cả loạt phim (158 triệu đô la Mỹ). Tuy nhiên, phần đông các fans trung thành của bộ phim vẫn yêu thích cốt truyện giản dị và hơn tất cả là những trường đoạn đua xe thực sự đỉnh cao trên những con phố đầy màu sắc của Tokyo, những sự kiện xảy ra xoay quanh Sean và Han Lue. Một điều thú vị ở đây là phần phim này đã vẽ lên bức tranh tính cách phong trần nhưng rộng lượng và nhiệt thành, đầy quyết tâm của Han – nhân vật ít nói nhất nhưng lại có những pha xử lý trên đường đua rất tuyệt vời trong cả thương hiệu “Fast And Furious”. Phần 3 đã đem lại cho khán giả những trải nghiệm vô cùng mới lạ, khiến cho người hâm mộ cực kì thích thú

Từ phần 4 cho tới phần 7 của loạt phim, ba diễn viên là Gal Gadot, Dwayne “The Rock” Johnson và Jason Staham là những cái tên mới gia nhập vào thương hiệu hành động tốc độ đình đám này. Tuy sở hữu kết cục không mấy có hậu nhưng Gisele Yashar (Gal Gadot) vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả nhờ nhan sắc quyến rũ, thần thái cool ngầu và khả năng diễn xuất tuyệt vời của mình cũng như mối tình đoản mệnh với Han. Khán giả sẽ không bao giờ quên hình ảnh cô nàng hy sinh bản thân để bắn viên đạn cuối cùng cứu người yêu của mình. Ngoài ra, phần 4 “Fast & Furious” còn đánh dấu sự tập hợp đầy đủ của dàn sao từ phần đầu tiên, hay nói cách khác là mang “thông điệp gia đình” đúng nghĩa trở lại màn ảnh rộng. Đây cũng là lúc bộ phim bắt đầu chính thức thêm thắt nhiều yếu tố kĩ xảo hơn và chuyển mình theo vòng xoay thương mại hoá của thể loại phim hành động trên thị trường.

Còn hai nhân vật Luke Hobbs (The Rock) và Deckard Shaw (Jason Staham) đã rất hoàn hảo trong những pha hành động và với năng lực của chính mình, họ cũng được thể hiện rất nhiều đất diễn trong các phần 5, 6, 7, 8 (đối với The Rock) và 7, 8 (đối với Jason). Thậm chí trong phần 5 và phần 7, hai nam diễn viên còn đóng vai trò quan trọng trong phim không kém cạnh dàn cast chính. Qua những lần đối đầu với Dominic Toretto, họ đã có cơ hội để phô bày cho khán giả cá tính riêng của mình và đặc biệt trong phần 8, cả hai đã thể hiện tiềm năng trong sự “song kiếm hợp bích” giữa hai nhân vật này để hình thành nên phần ngoại truyện xuất sắc “Hobbs & Shaw”.

Rõ ràng, thương hiệu có sự trân trọng các nhân vật và dành cho họ hào quang xứng đáng để khán giả biết họ là ai, có kĩ năng gì, sự tương tác của họ với các nhân vật khác ra sao và cách họ xử lý tình huống, mối quan hệ của họ với các thành viên và quan trọng nhất là phong cách lái xe của từng người như thế nào, không kể là diễn viên chính diện, thứ chính, phản diện hay vai phụ. Đó là điều đặc biệt, là mắt xích quan trọng xây dựng cả một quá trình logic và chặt chẽ, cũng chính là yếu tố làm nên thành công của “Fast & Furious”.

Sau phần 7, “The Fate of The Furious” chỉ chú trọng đến những phân đoạn khiến cho khán giả choáng ngợp, trầm trồ, mà quên mất rằng: Phim của họ hoành tráng thì vẫn có phim hoành tráng hơn, họ làm kĩ xảo đỉnh cao thì cũng có dự án đầu tư kĩ xảo cao hơn. Quá tập trung vào đánh bóng sự hào nhoáng của hình thức, “Fast & Furious” quên mất cách mà họ tạo ra sự tiếp cận của khán giả dành cho nhân vật mới là những góc nhìn đa chiều nhưng sâu sắc, có sự dẫn dắt với nhiều tình tiết độc đáo và tiết tấu khá chậm rãi để khán giả có thời gian cảm nhận nhân vật.

Thay vào đó, mạch phim được đẩy nhanh, nhịp phim dồn dập, muốn đưa nhân vật nào mới vào, chỉ cần vài câu thoại, vài mối liên hệ thoáng qua hay đôi ba câu thoại là xong. Đáng khen, bộ phim dấn thân vào thị trường phim hành động mang tính chất thương mại, doanh thu vượt bậc, lượng khán giả ủng hộ đông đảo. Đáng tiếc, một bộ phận những người hâm mộ trung thành của “Fast & Furious” từ những ngày đầu tiên cảm thấy đau lòng cho sự vội vàng và không khỏi bất an với cảm giác bộ phim từ đây sẽ không còn là thương hiệu mà họ đã từng hết mực yêu mến nữa. Một thời người hâm mộ của “Fast & Furious” hào hứng tột độ khi thấy những màn team-up đỉnh cao, một thời những “con nghiện” của loạt phim bàn tán xôn xao về kĩ năng bá đạo của từng nhân vật nay còn đâu?

Không còn các cảnh quay gắn liền với hình ảnh ‘quái xế’ một thời

Bắt đầu từ phần 8 trở đi, có thể công chúng xem phim sẽ cảm thấy bình thường vì trong phim vẫn có xe, vẫn có nhân vật lái xe, có vài ba cảnh cua quẹo, rượt đuổi tốc độ và vẫn thấy mọi thứ thật sự hợp lý đến từng giây, từng phút. Thực chất, trong phần 8, những cảnh quay lộ tả được phong cách đua xe và hình ảnh những chiếc “xe độ” đầy sáng tạo đã bị cắt xén không thương tiếc, dẫu cho đó mới là đặc sản của “Fast & Furious”.

Quả thực, mở đầu phim vẫn là một cảnh đua xe, vẫn là gương mặt đăm chiêu nhưng không gợn lên một tia lo sợ nào của Dom, vẫn là đoàn xe phi với tốc độ ánh sáng để thoát chết trong gang tấc trên băng nhưng chỉ những người đã luôn nặng lòng với “Fast & Furious” mới thực sự nhận ra:  không thể cảm được cái thần của các nhân vật khi họ điều khiển những chiếc xe nữa. Phần 8 đã bị giảm “chất” đáng kể, ngoại truyện “Hobbs & Shaw” còn xa rời giá trị cốt lõi của “Fast & Furious” hơn rất nhiều khi mà những cảnh đua xe, hoặc là mờ nhạt, hoặc là thiếu kịch tính vì khán giả đã đoán được kết quả, hoặc là trở nên quá quen thuộc vì người xem đã thấy ở đâu đó rồi. Trong ‘Hobbs & Shaw’ chỉ có duy nhất một chi tiết gợi nhớ cho khán giả đến phần 1 là khoảnh khắc The Rock cùng các anh em dùng thủ thuật giống như Vin và Brian đã làm trong bộ phim đầu tiên.

Thật khó để diễn tả sự mâu thuẫn này, nhưng nếu bạn xem trọn vẹn tất cả những bộ phim của “Fast & Furious”, nếu bạn đã bị thu hút bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa hành động, tốc độ và cách mà những con người ấy từng xử lý tình huống, những thăng trầm họ đã trải qua trong tất cả các phần, bạn sẽ thấy có một cái gì đó thật hụt hẫng khi so sánh phần 8 với những phần trước, so sánh cách đua xe, so sánh biểu cảm, cử chỉ của các nhân vật khi ngồi sau vô-lăng và so sánh những chiếc xe. Dàn siêu xe đẳng cấp, hàng hiệu, những công nghệ đỉnh cao ấy không thể chạm tới được những cung bậc cảm xúc đã từng phiêu lưu theo từng vòng quay của bánh xe, đã từng hồi hộp trong từng phi vụ cướp đầy táo bạo, đã từng một thời đồng cảm với góc khuất trong tâm hồn của các nhân vật.

Dàn diễn viên “một màu” qua từng phần phim

Có lẽ ngay lúc này, điều mà tất cả mọi người đều đồng ý đó chính là diễn xuất của dàn diễn viên “trước sau như một”, không thay đổi gì nhiều kể từ phần đầu tiên cho đến nay. Trong các cảnh đua xe, vẫn giữ được sự điềm tĩnh. Trong các cảnh hành động, vẫn xuất sắc ở kĩ năng sử dụng vũ khí. Trong các cảnh cần thể hiện nhiều cảm xúc, thần thái của dàn cast vẫn rất tốt và duy trì mức độ biểu lộ cảm xúc phù hợp.

Sự kiên định này giống như một con dao hai lưỡi. Nó có thể giúp cho bộ phim tăng trưởng ổn định nhưng nó vô tình đóng khung các diễn trong một kiểu vai diễn. Điều đó cũng rất ảnh hưởng tới cảm xúc của khán giả khi mà họ không thấy được sự đột phá, sự sáng tạo hay mới mẻ, họ sẽ đoán trước được những lời nói và hành động tiếp theo của nhân vật. Dần dà, điều đó khiến cho bộ phim trở nên bình thường, hay nhưng không đủ ấn tượng để đọng lại trong khán giả nhiều hơn cái danh xưng “một bộ phim hành động đơn thuần.” Nhất là khi những dấu ấn đặc sắc của loạt phim đang dần phai nhạt thì diễn xuất “một màu” của dàn diễn viên sẽ khiến cho khán giả cảm thấy bộ phim không còn đủ hấp dẫn và lôi cuốn.

Bên cạnh đó, khi xem những bộ phim khác do các diễn viên đóng, đơn cử là Vin Diesel khi đóng XXX, The Last Witch Hunter hay Jason Staham với rất nhiều bộ phim hành động, hầu như tất cả các vai diễn đều na ná nhau, vẫn là sự cá tính, quyết liệt, những pha mạo hiểm, võ thuật cùng những câu thoại hài hước chứ không thể giúp họ “lột xác” lên được, chỉ trừ The Rock là một cái tên ngoại lệ vì anh có sự ứng biến phù hợp với riêng từng bộ phim. Một ví dụ đáng tiếc có thể kể đến là Michelle Rodrizguez, cũng là một đả nữ tài năng của Hollywood, song người ta chỉ nhớ cô qua vai Letty trong “Fast & Furious” và đoán biết được toàn bộ đường đi nước bước của cô trong phim cũng như kết quả của những phân đoạn gay cấn do cô thực hiện dù Michelle cũng sở hữu cho mình một gia tài vai diễn với kha khá những bộ phim thực sự chất lượng. Thiếu điểm nhấn trong diễn xuất không chỉ “đóng khung” loạt phim mà còn cản trở sự nghiệp của các diễn viên và sự thất vọng của khán giả dành cho họ vẫn cứ tăng chứ không hề thuyên giảm.

Kết

Lý giải cho những thiếu sót trên, một phần cũng dễ hiểu đó là nếu không có kĩ xảo, nếu không giảm tải những pha đua xe thì loạt phim sẽ khó lòng tiếp cận được nhiều đối tượng khán giả hơn. Và doanh thu chính là bằng chứng rõ ràng để chứng minh cho ê-kíp sản xuất thấy: Sau tất cả, lợi nhuận của bộ phim mới là quan trọng nhất. Và nhà sản xuất đã quyết định rằng, kỹ xảo và sự thương mại hoá là điều cần thiết để nuôi sống loạt phim. Những fans trung thành của “Fast & Furious” cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngậm ngùi chấp nhận đè nén sở thích cá nhân, chấp nhận rằng những phân đoạn họ yêu thích và mong chờ đã, đang và sẽ bị cắt giảm đáng kể.

Hơn ai hết, khán giả cảm thấy buồn một thì nhà sản xuất, đạo diễn hay những người đã tham gia bộ phim kể từ ngày đầu tiên cũng ít nhiều cảm nhận được chướng ngại vật vô hình đang kéo thương hiệu này lùi về phía sau trong khi ngoài mặt vẫn tiến lên với doanh thu và lượng tương tác khổng lồ. Có lẽ lý do chính là vì loạt phim “Fast & Furious” chưa thực sự cân bằng giữa các yếu tố mới với những giá trị cũ. Tuy nhiên, vẫn còn đến hai phần phim và số lượng ngoại truyện chưa xác định đang là một ẩn số dành cho tất cả khán giả. Thật khó để chấp nhận một thương hiệu hành động tốc độ lớn và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ lại mất dần chất riêng như vậy.

Song, mọi thứ vẫn có thể thay đổi trong tương lai, tất cả phụ thuộc vào Vin Diesel cũng như ê-kíp sản xuất. Liệu họ có một lần nữa chinh phục người hâm mộ bằng chính những điều mà họ đã tạo ra để gầy dựng loạt phim cho đến ngày hôm nay? Hay “Fast & Furious” sẽ được nhớ tới như một loạt phim hành động thuần và không còn giữ được “tốc độ đáng gờm”? Hãy cùng chờ xem.