Phiên bản Tây Du Ký năm 1986 đã là ký ức tuổi thơ của nhiều người và là một trong những bộ phim kinh điển không thể thay thế của màn ảnh Hoa ngữ. Mỗi nhân vật trong phim đều để lại ấn tượng sâu sắc. Vương Bá Chiêu, người thủ vai Bạch Long Mã, tuy xuất hiện không nhiều nhưng ngoại hình tuấn tú của ông thực sự là hình mẫu “bạch mã hoàng tử” của thời đại đó.


Vương Bá Chiêu sinh năm 1957 tại Nam Kinh. Từ nhỏ, ông đã yêu thích nghệ thuật và mơ ước trở thành diễn viên. Nhưng không lâu sau, do biến động thời cuộc, cha ông bị liệt vào thành phần “hữu phái” (phản động), khiến Vương Bá Chiêu không thể vượt qua vòng kiểm tra lý lịch để tham gia bất kỳ đoàn nghệ thuật nào. Gia đình từng khuyên ông từ bỏ ước mơ, làm công nhân sẽ ổn định hơn. Nhưng Vương Bá Chiêu không chịu, chạy khắp các đoàn nghệ thuật ở Nam Kinh. Cuối cùng, đoàn ca múa Hoài Âm đồng ý nhận ông, nhưng với điều kiện phải từ bỏ hộ khẩu Nam Kinh để chuyển đến vùng Giang Bắc kém phát triển.
Để theo đuổi giấc mơ, Vương Bá Chiêu chấp nhận từ bỏ hộ khẩu. Tại đoàn ca múa, ông trân trọng cơ hội hiếm có này, nỗ lực gấp bội và nhanh chóng trở thành trụ cột của đoàn. Sau một buổi biểu diễn, một đạo diễn khuyên ông với ngoại hình và năng lực như vậy nên thi vào Học viện Hý kịch Thượng Hải để được đào tạo chuyên nghiệp và có cơ hội tốt hơn. Năm 1977, dù kỳ thi đại học toàn quốc chưa khôi phục và không đủ điều kiện theo quy định tuyển sinh của Học viện Hý kịch Thượng Hải, Vương Bá Chiêu vẫn đến dự thi. Ông dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn nhờ năng lực và ngoại hình, nhưng cuối cùng vẫn bị từ chối vì lý lịch gia đình.

Không lâu sau, ông nhận được thư từ một giám khảo của Thượng Hý, khuyên ông đừng nản và khuyến khích ông tiếp tục thi. Một năm sau, khi kỳ thi đại học được khôi phục, Vương Bá Chiêu lại đến Thượng Hý và lần này được nhận. Ở tuổi 21, ông chính thức bước vào ngôi trường mơ ước.
Thời đó, diễn viên được đào tạo bài bản rất hiếm, sinh viên của Trung Hý, Bắc Điện và Thượng Hý thường được “đặt trước”. Nhiều người đã đóng phim ngay từ khi còn học đại học, nhưng Vương Bá Chiêu khá muộn, đến năm 1982, khi sắp tốt nghiệp, ông mới đóng bộ phim đầu tiên Tình Trong Bút. Bộ phim này gây sốt toàn quốc, Vương Bá Chiêu với ngoại hình điển trai, phong độ, lập tức trở thành “tiểu sinh” nổi tiếng.
Cùng thời điểm, Đài truyền hình Trung ương (CCTV) đang chuẩn bị quay Tây Du Ký, và đạo diễn Dương Khiết, sau khi xem Tình Trong Bút, quyết định mời Vương Bá Chiêu đóng vai Tiểu Bạch Long. Tuy nhiên, ông muốn đóng Đường Tăng vì vai Bạch Long Mã hóa người ít cảnh. Cảm thấy mình đã nổi tiếng, ông không muốn nhận vai nhỏ như vậy, nên cuộc gặp đầu tiên không thành. Đạo diễn Dương Khiết không bỏ cuộc, tiếp tục mời ông đóng Bạch Long Mã, dù vai Đường Tăng đã được chọn. Vương Bá Chiêu đưa ra mức thù lao “trên trời” 1500 NDT để từ chối, trong khi thù lao cho Tình Trong Bút chỉ 270 NDT, thời điểm đó lương tháng của công nhân chỉ vài chục tệ. Mức thù lao này đủ khiến nhiều đạo diễn chùn bước.
Kinh phí Tây Du Ký rất eo hẹp, đạo diễn Dương Khiết định từ bỏ, nhưng nhà sản xuất cắn răng tiết kiệm được 1500 NDT để mời Vương Bá Chiêu lần ba, và ông nhận vai. Tuy nhiên, Dương Khiết yêu cầu ông giữ bí mật chuyện thù lao để tránh bất mãn từ các diễn viên khác, nhưng ông lại nhắc đến chuyện này trong nhiều cuộc phỏng vấn.

Trong Tây Du Ký 1986, Vương Bá Chiêu chỉ xuất hiện ở ba tập, trong khi Lục Tiểu Linh Đồng (vai Tôn Ngộ Không) nhận 70 NDT/tập, tổng cộng khoảng 2000 NDT cho cả bộ phim. Vương Bá Chiêu trở thành diễn viên đắt giá nhất đoàn. Khi biết thù lao của mình được tiết kiệm từ chi phí ăn uống, ông cảm thấy xấu hổ. Vương Bá Chiêu thề sẽ diễn tốt vai này. Mỗi lần xuất hiện, Tiểu Bạch Long đều vào lúc ba sư huynh bất lực, thường là cảnh đánh nhau. Khi đó, các biện pháp bảo hộ không tốt như hiện nay, khiến ông thường xuyên bị thương. Tuy nhiên, so với Lục Tiểu Linh Đồng thường xuyên treo dây cáp, ông vẫn đỡ hơn. Sự nỗ lực của đoàn đã được đền đáp khi Tây Du Ký lập kỷ lục Guinness về số lần phát lại, và Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng trở thành biểu tượng bất hủ. Nhưng vì ít cảnh, Vương Bá Chiêu không hưởng được “quả ngọt” từ bộ phim.
Cùng năm 1986, khi Tây Du Ký phát sóng, ông theo làn sóng ra nước ngoài, đến nước Mỹ tìm kiếm cơ hội. Chỉ mang theo 300 USD, ông nhanh chóng nhận ra thực tế khắc nghiệt: chỉ có thể rửa bát, dọn vệ sinh, thậm chí không đủ trình độ tiếng Anh để làm bồi bàn. Ông làm nhiều việc cùng lúc, từ cắt thịt heo đến lau nhà vệ sinh. Khi phim Văn Thành Công Chúa được chiếu ở khu phố Tàu, các đồng nghiệp ở nhà hàng biết ông từng là diễn viên nhưng không nể nang, thậm chí bắt ông lau nhà vệ sinh bốn lần một tối.
Động lực lớn nhất của Vương Bá Chiêu khi đó là được diễn ở Hollywood. Ban đầu, do ngôn ngữ không tốt, ông không qua nổi vòng phỏng vấn. Hai năm sau, khi đã nói tiếng Anh trôi chảy, ông lại không được nhận vì chỉ có visa du học. Cơ hội diễn xuất lại vụt mất. Đúng lúc đó, đạo diễn Lý An đang chuẩn bị quay Pushing Hands và cần một diễn viên nói tiếng phổ thông chuẩn, tiếng Anh lưu loát và có kinh nghiệm diễn xuất. Vương Bá Chiêu là lựa chọn hoàn hảo. Sau bốn năm ở Mỹ, ông được đóng vai con trai của ông Chu – vai nam thứ chính. Bộ phim gây tiếng vang lớn, được đề cử 10 giải Kim Mã và xuất hiện ở nhiều liên hoan phim quốc tế, được báo chí Mỹ ca ngợi.

Luật sư cho rằng thành công của Pushing Hands có thể giúp Vương Bá Chiêu xin thẻ xanh Mỹ. Nhưng khi cơ hội đến, ông lại do dự. Xa quê nhiều năm, ông nhớ nhà, cơ hội diễn xuất ở Mỹ quá ít ỏi, giấc mơ ngày càng xa vời. Ông nhớ lời thầy ở Thượng Hý rằng phải làm một diễn viên tốt, nhớ niềm tự hào của bố mẹ khi thấy ông trên TV. Ngành phim ảnh trong nước lúc này đang phát triển mạnh, nhiều bạn học và đàn em của ông đã nổi tiếng. Sau khi cân nhắc, Vương Bá Chiêu quyết định về nước.
Trở về sau gần 10 năm, ông không còn là “tiểu sinh” hot nữa. Dù vẫn nhận được vai, ông không còn là nhân vật chính. Đến năm 2002, ông mới lại tham gia một tác phẩm lớn – Kim Phấn Thế Gia, đóng vai Bạch Hùng Khởi, anh trai của “thần tiên tỷ tỷ” Lưu Diệc Phi. Tuy nhiên, bộ phim này không cứu vãn được sự nghiệp của ông. Ông vẫn mờ nhạt, và những lần được chú ý sau đó đều vì tranh cãi.
Năm 2004, trong Tiểu Ngư Nhi và Hoa Vô Khuyết, Vương Bá Chiêu đóng vai phản diện Giang Biệt Hạc. Trong một cảnh bị đánh, không có góc quay tránh né hay diễn viên đóng thế, ông bị đè xuống đất và đánh thật. Khi đạo diễn hô “cắt”, ông đau đến không đứng dậy nổi và được đưa thẳng đến bệnh viện. Hai nam chính đánh ông là Trương Vệ Kiện và Tạ Đình Phong – những ngôi sao đang rất hot.

Vụ việc này dường như không chỉ là tai nạn phim trường. Vương Bá Chiêu lên mạng kêu oan và trả lời phỏng vấn, tuyên bố bị đánh đến tiểu ra máu, chỉ trích đoàn phim không hành động và cáo buộc Trương Vệ Kiện, Tạ Đình Phong cố ý biến giả thành thật. Có nhiều tin đồn: một số nói ông trêu chọc thợ trang điểm Hồng Kông, khiến Trương và Tạ ra tay “trừng phạt”; số khác cho rằng ông có mâu thuẫn cá nhân với Trương Vệ Kiện. Nhưng vụ việc vượt ngoài tầm kiểm soát. Lúc đó, nhiều diễn viên Hồng Kông đến đại lục làm việc với thù lao cao, thái độ kiêu ngạo, gây bất mãn với diễn viên nội địa. Với độ hot của Trương Vệ Kiện và Tạ Đình Phong, sự việc gây bão lớn, thậm chí dẫn đến việc các diễn viên công khai “chọn phe” trên mạng.
Để xoa dịu tình hình, Trương Vệ Kiện và Tạ Đình Phong xin lỗi và đến bệnh viện thăm Vương Bá Chiêu, nhưng từ ảnh chụp, cả ba rõ ràng không thoải mái, đặc biệt Vương Bá Chiêu không chút vui vẻ và không chấp nhận lời xin lỗi. Cuối cùng, tòa án không ủng hộ vụ kiện của ông, ông không nhận được bồi thường, và cho rằng những phát ngôn trước đó đều là phóng đại.


Tiểu Ngư Nhi và Hoa Vô Khuyết vẫn lên sóng đúng hạn, dù rating và đánh giá chỉ ở mức trung bình. Sự nghiệp của Trương Vệ Kiện và Tạ Đình Phong không bị ảnh hưởng, vẫn hot như thường. Vụ việc chỉ làm tổn hại danh tiếng của Vương Bá Chiêu, và liệu có ẩn tình gì phía sau hay không vẫn là bí ẩn.
Sự nghiệp diễn xuất của Vương Bá Chiêu sau này không mấy nổi bật. Tuy nhiên, đời tư của ông lại gây chú ý, đặc biệt là vụ kiện thứ hai có liên quan đến cha mình. Người cha hơn 80 tuổi kiện ông ra tòa, yêu cầu ông trả 90.000 NDT tiền cấp dưỡng trong 20 năm và về thăm nhà hai lần mỗi năm. Cuộc sống cách trở giữa Vương Bá Chiêu (Bắc Kinh) và cha (Nam Kinh) dẫn đến việc không ai chăm sóc khi cha ốm. Dù lý do là gì, việc họ phải ra tòa vì số tiền 90.000 NDT thật đáng buồn.
Ngoài sự nghiệp nhiều thăng trầm, đời sống tình cảm của Vương Bá Chiêu cũng gặp nhiều lận đận. Ông từng trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ trước khi tìm thấy hạnh phúc bên người vợ hiện tại vào năm 2007. Người vợ đầu tiên của Vương Bá Chiêu là nữ diễn viên nổi tiếng Ân Tân, từng cùng ông sang Mỹ phát triển sự nghiệp. Nhưng năm 1991, Ân Tân bị chẩn đoán mắc căn bệnh hiếm gặp "thai trứng", dẫn đến mất hoàn toàn khả năng sinh dục. Bà 6 lần mang thai nhưng 6 lần đều sinh non. Việc không thể sinh con khiến mối quan hệ của cả hai rơi vào bế tắc. Năm 1992, Ân Tân chủ động đề nghị ly hôn.
Ở tuổi 65, Vương Bá Chiêu vẫn thỉnh thoảng đóng phim và tham gia show truyền hình. Tuy nhiên, do tên tuổi không còn như xưa, số lượng lời mời dành cho ông khá hạn chế. Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, Vương Bá Chiêu còn mở một nhà hàng chuyên bán thịt muối. Ông chia sẻ việc kinh doanh ẩm thực không chỉ giúp thỏa mãn sở thích nấu nướng mà còn là cách để tăng thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
