Ngày 14/3, sau 9 ngày công chiếu, Bố Già đã chính thức thiết lập một kỷ lục mới cho điện ảnh Việt - cán mốc 200 tỷ nhanh nhất mọi thời đại và cũng là phim Việt có doanh thu nội địa cao nhất tính đến thời điểm hiện tại. Thành công này là một tín hiệu vui cho điện ảnh Việt sau một thời gian đầy biến động bởi ảnh hưởng của dịch bệnh và màn xuất quân của loạt tác phẩm không quá ấn tượng. Và trước thành công này, Nguyễn Phong Việt - một nhà thơ, nhà báo có tiếng đã chia sẻ về câu chuyện "vùng đất mộng mơ" của điện ảnh Việt.
Nguyên văn chia sẻ của nhà thơ/ nhà báo Nguyễn Phong Việt:
Từ Bố Già nhìn về… vùng đất mộng mơ!
Thành công của Bố Già với hơn 200 tỷ đồng doanh thu cho đến thời điểm này là một tín hiệu vui, một cú hích cho thị trường (rạp lẫn phim) sau những ngày ảm đạm vì dịch covid-19, cũng là một " sự chuyển mình trong nhận thức" để các nhà làm phim Việt không phải lúc nào cũng bám chặt vào trai xinh, gái đẹp, tình yêu đôi lứa và cả bối cảnh hào nhoáng… để phục vụ khán giả.
Ở đâu cũng vậy, công thức duy nhất để làm nên một bộ phim thắng về doanh thu là bộ phim đó phải hay. Trong điều kiện chúng ta không thể làm ra những bộ phim mà cả cấu trúc lẫn cảm xúc đều tuyệt vời, thì hãy tập trung vào cảm xúc để khán giả quên đi tất cả những khiếm khuyết khác của bộ phim. Bố Già thuộc về trường hợp này, cảm xúc của phim đủ mạnh để khán giả tha thứ hết tất cả những thiếu sót còn lại.
Và Bố Già quá may mắn. Kiểu như bao lâu rồi mới có một thời điểm thuận lợi đến như thế cho một bộ phim. Giống y như trường hợp của Ròm ra rạp vào năm 2020. Bố Già có cảm xúc tuyệt vời, có cả sự hụt chân về chất lượng của Gái Già Lắm Chiêu V khiến cho suất chiếu đổ dồn cho Bố Già, có cả sự gợi mở của một đề tài lâu nay thiếu mất trên bàn ăn của khán giả… Thậm chí, nói theo cách nào đó, thời của Trấn Thành ở địa hạt làm phim đã đến, không ai có thể cản nổi.
Nói ra những điều trên để thấy nếu như Gái Già Lắm Chiêu V "xuất sắc" kiểu như Gái Già Lắm Chiêu 3 thì không chắc Bố Già có thể một mình gom hết thị trường như thế. Một ví dụ điển hình cho câu chuyện này là thời điểm mà Mắt Biếc và Chị Chị Em Em cùng ra rạp vào cuối năm 2019, nếu Chị Chị Em Em quá dở thì việc Mắt Biếc kiếm được 200 tỷ là trong tầm tay. Dĩ nhiên, cuối cùng là Mắt Biếc đã không thể làm được điều đó, khi Chị Chị Em Em đã không nhường quá nhiều suất chiếu của mình vì chất lượng khá ổn của bộ phim.
Cũng phải nói thêm, điểm quan trọng nhất của thị trường đầu tháng 3/2021 là rạp không có một phim bom tấn của Hollywood. Sẽ có người nói rằng, series Lật Mặt của anh Lý Hải đụng với các phim bom tấn Hollywood rất nhiều nhưng vẫn thắng giòn giã đấy thôi. Song, chúng ta phải nhớ rõ, thắng doanh thu là một chuyện, tạo ra kỷ lục về doanh thu lại là một chuyện khác. Các phim của anh Lý Hải thắng về doanh thu nhưng tạo ra kỷ lục kiểu như Em Chưa 18, Cua Lại Vợ Bầu hay Bố Già thì không. Tại sao phải nhấn mạnh điểm này là vì các phim bom tấn của Hollywood có một sự cam kết về suất chiếu rất lớn từ phía các nhà rạp một khi quyết định nhận phim. Đó là lý do, ngay cả trong trường hợp phim Việt có hay cách mấy, vẫn không thể bắt các phim "bom tấn thật sự" nhường suất chiếu, để có cơ may tạo ra đột biến về doanh thu.
Thành công của Bố Già, đúng như Trấn Thành thừa nhận trong một phỏng vấn gần đây, có yếu tố may mắn rất lớn.
Thế nên, cũng đừng vì doanh thu 200 hay 250 hoặc có thể là 300 tỷ hơn của Bố Già trong tương lai mà quá… lạc quan về việc phim Việt của chúng ta sẽ chẳng mấy chốc mà dễ dàng kiếm được 300, 400, hay 500 tỷ trong tương lai gần… Ngay đến như anh Charlie Nguyễn, người đứng sau thành công vang dội của Em Chưa 18 với kỷ lục doanh thu phim Việt cao nhất mọi thời đại là 171 tỷ vào năm 2017 mà 3 năm sau cũng phải cay đắng thốt lên: "Bộ phim Người Cần Quên Phải Nhớ (2020) của chúng tôi không chạm đến cảm xúc của khán giả. Và phim chỉ thu được 1,9 tỷ đồng doanh thu, lỗ đến 23 tỷ đồng!".
Nhìn rộng ra một chút xíu, nếu chúng ta hay xem các bộ phim điện ảnh về đề tài gia đình của điện ảnh Hàn Quốc sẽ thấy… tầm cỡ chất lượng phim như Bố Già thì ở thị trường điện ảnh Hàn mỗi năm thật sự là rất rất nhiều. Còn các tác phẩm về gia đình mà hay hơn thì cũng vô số kể. So sánh này không phải để hạ thấp Bố Già xuống mà chỉ để thấy chúng ta cần nhận thức rõ chất lượng các bộ phim điện ảnh Việt làm ra đang nằm ở đâu trên bản đồ khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung (còn Thế giới thì xa lắm).
Phần lớn những con người hiện thực hóa được giấc mộng lớn lao trong cuộc đời thì bàn chân họ vẫn luôn đứng trên một mặt đất rất vững chãi. Khoan hãy quá tự tin khi có những cơn gió thốc lên đỡ được sức nặng của cơ thể, dù bàn chân khi ấy vẫn đang ở bên sườn một con dốc nhiều đá dăm…
Tháng 4/2021, có thể sẽ có vài bộ phim lớn của điện ảnh Việt chết chìm. Vì họ không có được vận may mà Bố Già đã có!
Cụ thể, từ chia sẻ của Nguyễn Phong Việt, có thế thấy một câu chuyện cảm động không phải lý do duy nhất khiến Bố Già thắng lớn trong cuộc đại chiến với các đối thủ khác và với cả thói quen ra rạp hậu Covid-19 cũng như định kiến của khán giả với phim Việt.
Bố Già hay nhưng không đủ xuất sắc
Ở thời điểm hiện tại, không thể nào phủ nhận "sự hay" của Bố Già, chí ít là về mặt cảm xúc. Phim có nhiều hơn một khoảnh khắc khiến những khán giả mau nước mắt phải khóc hoặc liên tưởng đến câu chuyện của bản thân mình, đây chính là thành công lớn nhất của Bố Già. Có lẽ nên gọi tác phẩm lần này của Trấn Thành là bộ phim "nuông chiều" khán giả, khiến người xem được nhìn thấy bản thân hoặc "vay mượn" cảm xúc, tâm tư cho mình. Tuy nhiên, vấn đề chỉ dừng lại ở đó, Bố Già vẫn không phải một tác phẩm xuất sắc về chuyên môn và khán giả cũng đang "nuông chiều" ngược lại nó để được thỏa mãn về mặt cảm xúc.
Bố Già có vô số khuyết điểm, ngay cả bản thân Trấn Thành còn phải thừa nhận rằng do mình quá ôm đồm nên phần diễn xuất đôi khi chưa tới. Và quả thật là như vậy, đôi khi cử chỉ, điệu bộ và cả hóa trang của Trấn Thành không mang tới cảm giác của một ông già ngoài 60. Bản thân Tuấn Trần làm khá tốt những phân cảnh cảm xúc nhưng cũng chưa thực sự thành công trong việc lột tả chất ngông của một chàng trai trẻ cố chấp với những quyết định của mình. Ngay cả kịch bản cũng khá đứt đoạn, nặng về lời thoại và có không ít điểm rơi. Nhưng Trấn Thành lại rất khéo khi làm chủ cảm xúc của khán giả, khiến họ có thể tha thứ hết cho những thiếu sót về chuyên môn, kĩ thuật.
Nhưng hên và liều có khi lại hơn hay!
Phải khẳng định Bố Già là một tác phẩm cực kỳ may mắn mà theo nhiều người nói vui với nhau rằng Trấn Thành dường như đang được "Tổ độ", đánh đâu thắng đấy, làm gì cũng thuận lợi. Ra rạp vào thời điểm dịch bệnh mới chỉ vừa được kiểm soát, các bom tấn thế giới và loạt phim Việt hoãn chiếu đến tháng 4 mới đồng loạt xuất quân, Bố Già ra rạp sớm là một quyết định khá liều lĩnh theo kiểu "được ăn cả ngã về không" của Trấn Thành. Và quả thật liều ăn nhiều, Bố Già tưởng đâu sẽ có một so găng cực gắt với Gái Già Lắm Chiêu V - một cú "được ăn cả ngã về không" của điện ảnh Việt, nào ngờ ngay từ những suất chiếu sớm đầu tiên, "con cưng" của Trấn Thành đã làm chủ cục diện, dẫn đầu cuộc đua. Phải nói, Trấn Thành đủ may trong trường hợp này khi mà đối thủ của nó - Gái Già Lắm Chiêu V không phải một tác phẩm đủ mạnh về cả mặt cảm xúc lẫn chuyên môn, chí ít là so với phần 3.
Gái Già Lắm Chiêu V không còn tập trung vào câu chuyện "gái già - phi công" truyền thống trước đó
Không chỉ mình Gái Già, ngay cả những tác phẩm nước ngoài ra mắt cùng thời điểm với Bố Già cũng không quá xuất sắc hoặc là kiểu phim kén người xem, ngoại trừ bom tấn Disney - Raya. Nhưng Raya lại cùng nhà phát hành với Bố Già, dĩ nhiên ông lớn này đủ tỉnh táo để nhận ra tác phẩm nào đang trên đà ăn tiền hơn, kết quả Raya không được truyền thông, quảng bá đủ và xứng đáng với chất lượng của nó. Chưa kể Raya cũng không phải kiểu thương hiệu lâu năm hái ra tiền ở thị trường Việt Nam, khán giả Việt chỉ đã và đang biết tới nó chủ yếu qua từ khóa Công chúa Disney gốc Việt.
Raya lẽ ra phải được chú ý mạnh mẽ hơn nữa
Tạm kết
Trong hay có hên lại thêm cả thương hiệu đình đám mang tên Trấn Thành, Bố Già thành công không phải một điều quá bất ngờ. Nhưng vẫn phải khẳng định con số 200 tỷ thậm chí là 300 hoặc nhiều hơn nữa không quyết định việc Bố Già là một tác phẩm đủ xuất sắc hay khán giả Việt sẽ "thoáng tính" hơn với phim nội địa. Trường hợp của Bố Già thuộc kiểu vô tiền khoáng hậu và sắp tới còn một phim may mắn như vậy nữa hay không thì vẫn phải chờ hạ hồi phân giải!
Bố Già đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Nguồn ảnh: Tổng hợp