Nhắc tới thất bại trong cuộc đời Gia Cát Lượng, có không ít ý kiến cho rằng Bắc phạt không thành công có thể xem là "nét bút hỏng" trong sự nghiệp chính trị của ông.
Thế nhưng theo quan điểm trang Qulishi, thất bại lớn nhất của Khổng Minh chính là việc giải quyết vấn đề sở hữu Kinh Châu – một trong hai địa bàn Thục Hán buộc phải có được mà "Long Trung đối sách" năm xưa đã từng chỉ rõ.
Kinh Châu - "Vùng đất vàng" từng được Gia Cát Lượng chỉ rõ trong "Long Trung đối sách"
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Kinh Châu vào thời Tam Quốc là vùng đất có vị trí chiến lược trọng yếu, nằm tại ngã ba sông Trường Giang. Về diện tích, Kinh Châu rộng thứ hai và chỉ đứng sau Ích Châu.
Nằm ở vị trí "ngã 3 thiên hạ", đây là vùng đất có vai trò vô cùng quan trọng trên phương diện quân sự. Bởi vậy nên Kinh Châu từ lâu đã trở thành mục tiêu trong các cuộc đấu tranh giành địa bàn của nhiều thế lực.
Năm xưa, "Long Trung đối sách" của Gia Cát Lượng cũng đã từng chỉ rõ: Cách duy nhất để Lưu Bị có thể củng cố quyền lực của mình chỉ có thể là chiếm cứ được cả Kinh Châu lẫn Ích Châu.
Vào cuối thời Đông Hán, Kinh Châu vốn là địa bàn do Lưu Biểu nắm giữ. Sinh thời, Lưu Biểu vốn không ôm chí lớn, lại không có được người kế thừa tài giỏi.
Vì vậy, một khi Lưu Bị chiếm được vùng đất này từ tay Lưu Biểu thì đường vào Ba Thục sẽ rộng mở, đồng thời có được lợi thế phòng thủ. Bởi Kinh Châu khi ấy được Hán Thủy và Miện Thủy che chở.
Hơn nữa, vùng đất này phía Bắc giáp Tào Ngụy, phía Đông giáp Đông Ngô, nằm giữa địa bàn của hai thế lực Tôn Quyền và Tào Tháo.
Do đó, việc giành lấy Kinh Châu sẽ giúp Lưu Bị có được mảnh đất đặt chân quan trọng, từ đó dần phát triển lớn mạnh để trở thành thế lực đáng gờm đối với cả hai phe Tôn – Tào.
Không thể giúp Thục Hán có được Kinh Châu một cách hợp pháp - Thất bại lớn nhất trong cuộc đời Gia Cát Lượng
Ảnh minh họa.
Theo "Long Trung đối sách", Gia Cát Lượng khuyên Lưu Bị theo chủ trương liên Tôn kháng Tào, mà tiền đề cơ bản chính là lấy được Kinh Châu của Lưu Biểu.
Mặc dù chỉ là một địa bàn, thế nhưng việc có được khi nào và giành được từ tay ai sẽ là yếu tố quyết định nên giá trị chiến lược của mảnh đất ấy. Và Kinh Châu thời bấy giờ cũng không phải ngoại lệ.
Vào thời điểm Tào Tháo chưa có động tĩnh lớn, Tôn Quyền và Lưu Biểu ở thế giằng co, nếu Lưu Bị có được Kinh Châu lúc này thì đây sẽ được xem là địa bàn độc lập của ông, không có tranh chấp lãnh thổ với bất kỳ thế lực bên ngoài nào.
Một khi điều đó xảy ra, Tào Tháo chắc chắn sẽ không ngồi yên nhìn thế lực của Lưu Bị ngày một lớn mạnh, ắt sẽ xuất binh tấn công. Liên minh Tôn – Lưu cũng vì tình thế mà thuận lợi hình thành.
Như vậy sau khi đánh bại Tào Tháo, Đông Ngô của Tôn Quyền cũng không thể tranh chấp hay đề xuất đòi lại Kinh Châu. Theo đó, "Long Trung đối sách" của Gia Cát Lượng cũng sẽ được thực hiện một cách suôn sẻ.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Chỉ tiếc rằng cơ hội tốt nói trên đã bị bỏ lỡ, và thực tế lịch sử cho thấy vấn đề về quyền sở hữu Kinh Châu sau đó đã gây ra tranh cãi rất lớn.
Bấy giờ, Gia Cát Lượng mượn lực Đông Ngô, cũng mượn cả Kinh Châu, nhưng đã vì vậy mà lưu lại tai họa ngầm về việc tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên.
Theo Qulishi, Gia Cát Lượng dựa vào lý do "mượn Kinh Châu" để có được sự yên ổn tạm thời, tuy nhiên sau đó chậm trễ không trả, là đi ngược lại với đạo nghĩa thời bấy giờ.
Sau này khi Quan Vũ được điều tới đây trấn thủ, liên minh Tôn – Lưu thực chất đã khó có thể duy trì một cách hòa bình.
Điều này cũng không hề khó hiểu, bởi phía Lưu Bị là phe duy nhất được lợi, đương nhiên muốn duy trì hiện trạng cũ, trong khi đó Đông Ngô nhận về phần thua thiệt, ắt sẽ khó có thể bằng lòng.
Cho nên, xích mích với Đông Ngô khó có thể đổ lỗi hoàn toàn cho tính cách cao ngạo của Quan Vũ. Nguyên nhân chính khiến cho mối quan hệ liên minh này đổ vỡ nằm ở chỗ: Gia Cát Lượng không thể đường đường chính chính đoạt lấy Kinh Châu một cách hợp pháp.
Theo Qulishi, đây cũng chính là thất bại lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của vị mưu sĩ nổi tiếng Tam Quốc ấy.
*Dịch từ báo nước ngoài.