Vẫn là một bộ phim xoay quanh câu chuyện ngoại tình, hôn nhân và gia đình - một chủ đề không quá mới mẻ đối với truyền hình Hàn Quốc, nhưng Thế Giới Hôn Nhân lại khiến khán giả bất ngờ bởi cách khai thác đến tận cùng ngõ hẹp của sự ngột ngạt, đen tối và đầy khắc nghiệt trong cái gọi là “thiên đường", “đích đến" của tình yêu. Qua từng tập phát sóng, Thế Giới Hôn Nhân đã thiết lập hàng loạt kỷ lục mới về rating và trở thành phim có tỷ lệ người xem cao nhất lịch sử đài cáp Hàn Quốc, vượt qua cả SKY Castle (Lâu Đài Trên Không). Tập cuối của phim phát sóng vào ngày 16/5 ghi nhận mức rating lên đến 28.4%.
Sử dụng đúng công thức “bình cũ rượu mới", tuy là bản remake từ bộ phim Doctor Foster của Mỹ nhưng Thế Giới Hôn Nhân được làm lại theo cách “gây sốc": không quá cao trào và trần trụi như bản gốc, nhưng đã vượt qua mọi chuẩn mực của một drama Hàn nói riêng, văn hoá Hàn Quốc nói chung. Bộ phim tựa như một “cuộc cách mạng" toàn diện với rất nhiều vấn đề được khai thác: mối quan hệ giữa phụ huynh và con cái, cách mà xã hội hiện đại đang nhìn nhận về ly hôn, phụ nữ nên chăm chăm giữ lấy hạnh phúc ảo hay đi tìm cuộc sống “đúng và đáng” hơn cho bản thân mình.
Thành công vượt chuẩn của Thế Giới Hôn Nhân có lẽ đã mở ra một xu thế làm phim mới cho màn ảnh Hàn. Và cũng chính là sự “thừa thắng xông lên" sau chiến thắng vang dội toàn thế giới của Parasite (Ký Sinh Trùng) tại Cannes và Oscar. Không còn là xứ sở làm phim Lọ lem - Hoàng tử khiến cả châu Á chìm trong những ảo vọng ngọt ngào, lãng mạn về tình yêu, cả điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc đã bắt đầu sang một thời đại mới, để thêm một lần nữa thiết lập cho mình một thời đại mới của những bộ phim kịch tính, trần trụi và táo bạo về xã hội hiện đại.
"Thế Giới Hôn Nhân" đã vượt qua mọi chuẩn mực của một drama Hàn nói riêng, văn hoá Hàn Quốc nói chung.
Cine | Kenh14
“Thế Giới Hôn Nhân": Kỷ nguyên mới trên màn ảnh Hàn sau chiến thắng rực rỡ của “Ký Sinh Trùng"
Chia sẻ về hướng khai thác của phim remake này, đạo diễn Mo Wan Il từng nhấn mạnh rằng: “Không ít tác phẩm khai thác đề tài hôn nhân, nhưng hiếm có bộ phim nào đề cập đến toàn bộ khía cạnh của cuộc sống vợ chồng. Chúng chỉ bám vào khuôn mẫu, dạo quanh bề ngoài mà không khơi sâu hơn nữa, lật mở nhiều hơn nữa. Tôi muốn làm lại Doctor Foster (kịch bản gốc của Thế giới hôn nhân), thổi chất Hàn vào đó, và cho khán giả thấy một câu chuyện sâu sắc về hôn nhân. Tôi muốn Thế Giới Hôn Nhân phải gai góc hơn bản gốc”.
Cảm giác sau khi xem phim Thế Giới Hôn Nhân, khán giả không nghiến răng uất ức thì cũng nghẹn ngào khép mình lại với cánh cửa hôn nhân vì quá ám ảnh. Đây thật sự là một bộ phim tâm lý mạnh, dám khai thác, dám phơi bày ra trên màn ảnh về những gì tăm tối nhất đối với cuộc sống hôn nhân. Dù chỉ là một bản remake, tuy nhiên điều mà đạo diễn Wo Man Il đã làm được khi đặt nó vào bối cảnh văn hoá và xã hội Hàn Quốc đã khiến người ta phải cảm thán: Thật sự liều lĩnh!
Nhìn về chiến thắng trên màn ảnh của bộ phim hôn nhân u ám này dễ khiến nhiều người liên tưởng đến Parasite. Không chỉ làm nên lịch sử với giải Oscar đầu tiên cho một bộ phim Châu Á ở hạng mục Phim xuất sắc nhất, tác phẩm này còn đánh dấu một xu hướng mới của phim ảnh Hàn: những câu chuyện về xã hội, giai cấp, hiện thực khổ đau dần được đón nhận nhiều hơn ở thời đại đầy rẫy những vấn đề nóng cần được giải quyết.
Chiến thắng của "Parasite" tại Oscar đã mở ra một thời kì mới cho màn ảnh Hàn.
Cine | Kenh14
Trước cả Parasite, ẩn mình trong dòng phim kinh dị và hành động thông thường, Train to Busan của đạo diễn Yeon Sang Ho cũng từng trở thành một công cụ phê phán đanh thép về sự thật xấu xí mà xã hội Hàn Quốc đang đối mặt: phân biệt giai cấp – những kẻ nắm trong tay chức tước và quyền lực trở nên không đáng tin và ích kỷ, các doanh nghiệp và chính phủ là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều cái chết và thảm họa cho người dân, nhiều người xem tính mạng của người khác là rẻ rúng và đặt tiền bạc lên đầu.
Lùi về trước chút nữa là bộ phim kinh điển Silenced, một bức chân dung phô bày những sự thật thô thiển về nạn ấu dâm và cái mác giả tạo của những người trưởng thành và các trung tâm giúp đỡ trẻ em khuyết tật. Các chi tiết xảy ra trong thực tế thật ra còn đáng sợ hơn nhiều và cho đến khi Silenced được phát hành, vẫn còn các nhân vật có liên quan trực tiếp đến sự kiện chấn động này chưa được xử lý. Nhiều kẻ phạm tội đã bị xét xử khi sự việc bị phanh phui, nhưng nhiều giáo viên có liên quan gián tiếp đến sự việc vẫn được tha thứ. Các tình tiết trong phim đã kích động người xem và khiến họ dám đứng lên kêu gọi chính phủ Hàn Quốc phải thay đổi cách trừng trị những kẻ bạo hành trẻ em.
Nhưng phải đến Parasite, tiếng nói về các vấn đề xã hội mới thật sự vang lên mạnh mẽ, trần trụi và đau xót hơn bao giờ hết. Parasite là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc đoạt giải thưởng sau hành trình dài 100 năm. Bộ phim cũng xuất sắc giành được giải thưởng Cành Cọ Vàng danh giá cùng kỷ lục màn pháo tay dài 8 phút từ các nhà phê bình tại LHP Cannes 2019.
Màn ảnh Hàn Quốc giờ đây dần dà trở nên lão luyện khơi dậy và truyền tải những mảng tối xã hội thô ráp đến rùng mình, và đến dấu son lịch sử tại Oscar mang tên Parasite, cả thế giới đã phải công nhận điện ảnh Hàn giờ chẳng còn gì để sợ sệt cả! Họ dám làm, dám khai thác những điều đen tối nhất trong bất kỳ vấn đề nào của xã hội. Quan trọng hơn là khán giả trông chờ và đón nhận những sự thật trần trụi được phơi bày, đó là mấu chốt thành công của những tác phẩm đầy ám ảnh này.
Màn ảnh Hàn Quốc giờ đây dần dà trở nên lão luyện khơi dậy và truyền tải những mảng tối xã hội thô ráp đến rùng mình.
Cine | Kenh14
Trở lại với phim ngoại tình 19+ gây sốt suốt 2 tháng nay, đây cũng được xem là một dòng phim thể hiện “xu hướng” khai thác bạo liệt hiện thực xã hội Hàn Quốc. Rõ ràng phim về đời sống hôn nhân của Hàn không thiếu, ngoại tình remake từ loạt series đình đám cũng không còn quá mới mẻ khi trước đây đã có The Good Wife và Misty ghi đậm dấu ấn,... nhưng từ sau chiến thắng của Parasite tại Oscar, sự táo bạo và màu sắc kinh dị trong phim ảnh Hàn Quốc đã đạt đến một tầm cao mới. Tổng hòa mọi thứ để làm nên Thế Giới Hôn Nhân - một câu chuyện trần trụi, nhục cảm, tình lý lẫn lộn đau đáu, khắc nghiệt.
Không chỉ làm cho trải nghiệm 16 tập trở nên nặng nề bởi toàn tình tiết ức chế và dồn nén cảm xúc, Thế Giới Hôn Nhân còn rất khác biệt so với các drama Hàn Quốc khác. Trước đây, Hàn thường hướng đến cách làm phim mang hơi hướng “cổ tích” với cốt truyện lọ lem gặp hoàng tử, soái ca nhà giàu yêu cô gái nhà nghèo như “The Heirs”, “Boy Over Flowers”... hay những bộ phim thu hút rating vừa qua như “Crash Landing On You”, “Itaewon Class”,... đều là những câu chuyện có phần phi thực tế. Theo lẽ tất nhiên, Hàn là xứ sở của những bộ phim về hôn nhân, đấu đá trong gia đình, về những bà nội trợ, những người phụ nữ nhưng làm gì thì vẫn tập trung vào việc truyền cảm hứng, khiến khán giả xúc động, đồng cảm và luôn có một nhân vật là “nạn nhân” đáng thương nhất để cuốn hút người xem. Tuy vậy Thế Giới Hôn Nhân lại đẩy mọi tình tiết lên mức cực đoan nhất, gây ức chế nhất - điều mà hiếm phim Hàn nào dám làm, dám bóc trần trong một tác phẩm truyền hình - nơi các sản phẩm phần lớn chiêu đãi nhu cầu giải trí.
Chưa hết, Hàn Quốc còn có xu hướng làm những bộ phim ca ngợi người phụ nữ thành công, thành đạt, làm vợ, làm mẹ (Hi Bye Mama, Hyena… ). Thế Giới Hôn Nhân cũng là phim xoay quanh những người phụ nữ đó nhưng lại khai thác nhiều góc tối bên trong họ. Những khía cạnh khiến chính khán giả cảm thấy vừa đồng cảm, vừa chán ghét. Bộ phim này có thể nói lên “xu hướng” của drama Hàn trong tương lai, bớt đi những câu chuyện lãng mạn về tình yêu mà tập trung khai thác đến tận cùng những góc khuất trong mỗi con người ở xã hội hiện đại.
Được gắn mác 19+, "Thế Giới Hôn Nhân" vượt qua mọi chuẩn mực của một drama Hàn với những cảnh "nóng" và tình tiết khá thô bạo.
Cine | Kenh14
Thế Giới Hôn Nhân khắc họa nên bức tranh của xã hội Hàn Quốc thời hiện đại
Đây là một câu chuyện xoay quanh những người giàu có, thành đạt, địa vị xã hội cao trong cuộc sống. Thế nhưng, đó có phải là tất cả những gì mà họ muốn và ra sức đấu tranh để gìn giữ hay không? Có một thứ vô hình đáng sợ hơn, đó gọi là “thể diện hôn nhân”, thứ khiến cho người ta đánh cược cả cuộc đời vào trong đó và khi mất đi rồi họ sẽ điên loạn đấu tranh để giành lấy những gì xứng đáng thuộc về mình.
Điểm mấu chốt mở ra vấn đề cho toàn bộ phim đó là câu chuyện “ngoại tình” của người chồng Tae Oh. Cách bộ phim xây dựng hình tượng những nhân vật nam kém cỏi, bạo lực, đầy dục vọng tầm thường khiến họ trở nên mờ nhạt để làm nền tôn vinh những người phụ nữ đáng thương mà cũng đáng trách bị lý tưởng tình yêu làm cho mù quáng và quên luôn cả bản thân mình.
Câu thoại của nhân vật Son Je Hyuk trong bộ phim “Trên đời này có hai loại đàn ông: đàn ông ngoại tình và đàn ông ngoại tình bị phát hiện” khiến khán giả nghe đến chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì nó phản ánh sự thật hiển nhiên một cách “bất an” trong thời đại ngày nay. Cũng có một câu thoại đáng suy ngẫm khác từ vị trí nữ chính Sun Woo: “Phụ nữ không ngoại tình, không phải vì họ không biết ngoại tình. Chỉ bởi vì trong mối quan hệ vợ chồng với nhau, họ cảm thấy giữ nguyên tắc là đúng cho nên mới tự tiết chế bản thân”. Đó gọi là ranh giới và sự khác biệt về nhận thức giữa phụ nữ và người đàn ông trong tấm áo choàng hôn nhân hào nhoáng ấy.
“Thể diện hôn nhân”, thứ khiến cho người ta đánh cược cả cuộc đời vào trong đó và khi mất đi rồi họ sẽ điên loạn đấu tranh để giành lấy những gì xứng đáng thuộc về mình.
Cine | Kenh14
Khi mà một người phụ nữ có cuộc sống quá thành đạt, có địa vị xã hội tốt như Sun Woo, những tưởng sẽ được người chồng trân trọng và yêu thương. Tuy nhiên sự chênh lệch địa vị và kinh tế giữa vợ và chồng, vô tình khiến Tae Oh bất mãn và thấy mình kém cỏi vì phải sống bám vào vợ. Anh ta phải đi tìm người phụ nữ khác để an ủi tâm hồn làm nghệ thuật của mình, để thấy được trân trọng nhiều hơn.
Chuyện phim không hề dễ đoán và cũng không lê thê, ủy mị, ngược lại, các nhân vật trong phim đều được đẩy cao với những nét cực đoan trong cá tính và cách hành xử của họ. Người ta bắt gặp một nữ bác sĩ tỉnh táo, lạnh lùng, có chút gì khắc nghiệt, đáng sợ. Hay một gã chồng tồi lợi dụng những người phụ nữ để leo lên trong công việc và địa vị xã hội, anh ta còn “nhơn nhơn” với thành tích tình trường của mình, có chất đểu cáng, mưu mô, trơ tráo. Và có cả một “tiểu tam” đáng ghét và đáng thương - Yeo Da Kyung trẻ trung, xinh đẹp, gia thế khủng nhưng lại đem lòng yêu điên cuồng một gã đàn ông đã có gia đình đến mức không chịu dừng lại chừng nào chưa chiếm trọn người đàn ông đó về mình, bất chấp cả tai tiếng và đạo lý.
Tuy nhiên, chuyện ngoại tình của gã chồng Tae Oh không phải là đề tài được khai thác sâu nhất trong bộ phim này. Đó chỉ là một mô-típ, một hoàn cảnh để chuyện phim đưa nhân vật nữ chính - bác sĩ Sun Woo vào mạch chính: cách mà cô đương đầu, xử lý những mối quan hệ trong cuộc sống của mình. Chuyện phim cũng không đi sâu khắc họa nỗi đau vật vã hay sự khốn khổ tận cùng của người vợ phát hiện chồng ngoại tình, thay vào đó, họ nhấn mạnh vào việc nữ chính quyết tâm bảo vệ những gì thuộc về mình, thậm chí trả thù những kẻ mà cô cho là cần phải nhận lãnh hậu quả xứng đáng.
Không đi sâu khắc họa nỗi đau vật vã hay sự khốn khổ tận cùng của người vợ phát hiện chồng ngoại tình, thay vào đó, "Thế Giới Hôn Nhân" nhấn mạnh vào việc nữ chính quyết tâm bảo vệ những gì thuộc về mình, thậm chí trả thù những kẻ mà cô cho là cần phải nhận lãnh hậu quả xứng đáng.
Cine | Kenh14
Ngoài ra, Thế Giới Hôn Nhân còn nhấn mạnh vào tình mẫu tử, góc nhìn của những đứa trẻ tổn thương sau tan vỡ của cổ tích người lớn. Joon Young - đứa con trai 14 tuổi duy nhất của Tae Oh và Sun Woo - được xem là nạn nhân chịu nhiều giằng xé nội tâm nhất bởi những xung đột hậu ly hôn của người lớn. Sau khi quyết định ly hôn, Sun Woo vì lòng thù hận người chồng mà quyết tâm không cho con gặp lại bố, thậm chí cô còn dùng cái chết để uy hiếp con mình.
Joon Young đã kêu gào và khuyên ngăn mẹ trong bất lực: “Mẹ đừng ly hôn được không? Chúng ta không thể sống thiếu ba được. Con không muốn chỉ sống với mẹ. Mẹ lúc nào cũng chỉ lo cho công việc nhiều hơn là quan tâm con”. Cũng chính vì những lời nói này từ đứa con trai duy nhất mà người mẹ như Sun Woo đã càng thêm tổn thương và không thể dừng lại những việc làm sai trái.
Ngoài ra, phim còn xây dựng nhiều tình tiết được xem là “quá ác” để áp đặt lên đứa trẻ mới lớn như Joon Young: tận mắt chứng kiến bố mình đang ôm hôn một người phụ nữ khác; tận mắt chứng kiến cảnh bố giết mẹ và ôm lòng thù hận bố; tận mắt chứng kiến bố và mẹ “ngoại tình ngược” sau khi đã ly hôn,... và nhiều tình tiết giằng xé tâm lý khác.
Có thể nói, trong một xã hội hiện đại như ngày nay, có rất nhiều rủi ro để dẫn đến một kết cục không hạnh phúc cho một gia đình. Trong đó có ẩn chứa thực trạng bố mẹ chỉ biết chăm lo cho công việc, chạy theo địa vị, đồng tiền, vật chất mà lơ là với nghĩa vụ nuôi dạy, chăm sóc con và thấu hiểu con mình. Điều đó đã được gài gắm vào bộ phim một cách khéo léo để nhắc nhở rằng: Phải có trách nhiệm với hôn nhân của mình, với đứa con mình sinh ra. Những người sống buông thả không xứng đáng và cũng không phù hợp với hôn nhân.
Phải có trách nhiệm với hôn nhân của mình, với đứa con mình sinh ra. Những người sống buông thả không xứng đáng và cũng không phù hợp với hôn nhân.
Cine | Kenh14
Sau tất cả, ai là người chịu trách nhiệm cho cuộc đời của một phụ nữ?
Ly hôn là kết cục đau khổ nhất cho một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Nếu một người phụ nữ phải trải qua nhiều sóng gió, chịu đựng nhiều thiệt thòi trong đời sống hôn nhân, họ chọn quyết định tha thứ để có được hạnh phúc, hay quyết định ly hôn để bảo vệ những gì xứng đáng thuộc về mình,.. tất cả đều là những dằn vặt, đấu tranh tư tưởng trong mỗi người phụ nữ.
Ở đây, chúng ta đã được theo dõi đầy đủ các tình huống, câu chuyện xoay quanh những nhân vật nữ. Hay nói đúng hơn là những nạn nhân của trò đùa tình yêu và hôn nhân gia đình:
Một Sun Woo có sự nghiệp, có năng lực, có gia đình êm ấm bỗng một ngày cảm thấy như đang sống trong “địa ngục trần gian” bởi vì chồng ngoại tình.
Một “tiểu tam” Da Kyung vì tình yêu bồng bột của tuổi trẻ mà yêu phải một người đã có gia đình, nhất nhất tin vào tình yêu, vào những lời hứa, làm mọi cách để có được Tae Oh. Nhưng cuối cùng, cô cũng trở thành một kẻ đáng thương khi niềm tin dần đánh mất và nhận ra mình chỉ là một tác phẩm hoàn hảo của gã chồng tồi tưởng là giành được từ tay một Sun Woo chẳng xứng đáng được yêu.
Một Hyun Seo đáng thương với tình yêu mù quáng và cả sự chịu đựng điên cuồng chỉ để giữ lấy một người người đàn ông điên loạn. Cô gái nghèo chấp nhận sự đánh đập, hành hạ chỉ để hy sinh và giúp đỡ người yêu với niềm tin mong manh: “Tôi tin sau này anh ấy sẽ tốt”.
Một Go Ye Rim lụy tình, biết chồng không hề yêu mình, biết chồng đã ngoại tình và đem lòng yêu người phụ nữ khác. Nhưng vì lòng tin của mình mà cô nhất quyết không ly hôn để bảo vệ hạnh phúc gia đình, cũng như chấp nhận tình yêu một phía của bản thân. Tuy nhiên, sau những nỗ lực hàn gắn hôn nhân bất thành, cặp đôi Ye Rim và Je Hyuk vẫn "đường ai nấy đi" ở tập cuối.
Có một hiện thực phũ phàng vẫn luôn tồn tại sau tất cả mọi chuyện: “Cuối cùng bi thảm nhất vẫn là người phụ nữ”.
Cine | Kenh14
Điểm chung của những người phụ nữ này là quá yếu đuối và quá bi lụy vào tình yêu, quá thiếu trân trọng vào bản thân mình mà lại trân trọng các giá trị vô hình khác nhiều hơn: là chồng, là con, là thể diện. Họ quá tin và một tình yêu của sự “mãi mãi” đến khi bị lừa dối, phản bội thì họ sẽ đau khổ đến tột cùng, thậm chí đánh mất đi những giá trị của bản thân một cách khó chấp nhận, khó cho cả bản thân họ và cho cả người xem.
“Ly hôn thì tôi sẽ như thế nào?”
“Cô đủ tự tin để làm một người phụ nữ ly hôn không?”
“Phụ nữ ly hôn thì có gì to tát chứ, ly hôn bây giờ là chuyện bình thường mà”
“Đúng vậy. Nhưng tại sao có nhiều phụ nữ không muốn chủ động ly hôn?”
Câu hỏi lơ lửng giữa tập 3 khiến nhiều người đứng hình vì cũng đang cố đi tìm câu trả lời thích đáng. Ngay từ tập đầu tiên, nữ chính đã tự tạo ra cho mình một bức tường vạm vỡ về lý tưởng hóa trong hôn nhân. Cô cho rằng hôn nhân không phải là một trò chơi cá cược xong rồi có thể phủi tay bỏ đi. Cô đã đánh cược cả cuộc đời của mình vào đó, cả cuộc đời của con trai cô nữa. Thậm chí cô từng có lúc nghĩ rằng sẽ vờ như không biết chồng mình ngoại tình để cả ba người trong gia đình có thể vui vẻ sống hạnh phúc tiếp tục. Nhưng sau cùng, cô cảm thấy uất ức đến không thể sống nổi. Mọi thứ dần biến thành lòng thù hận và vô tình khiến cô trở nên xấu xa hơn trong mắt người chồng, người con,... đã từng có lúc cô không còn lại gì, chỉ còn lại một trái tim đầy gai nhọn.
Bộ phim đã khắc họa rõ nét về vai trò quan trọng và địa vị kinh tế của người phụ nữ trong gia đình, khi mà họ ngày càng khẳng định được vị thế trong sự nghiệp và trở nên độc lập hơn trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, có một hiện thực phũ phàng vẫn luôn tồn tại sau tất cả mọi chuyện: “Cuối cùng bi thảm nhất vẫn là người phụ nữ”.
Hạnh phúc là một thứ thật sự khó tìm và nếu tìm được, hãy trân trọng nó đừng để vụt khỏi bàn tay.
Cine | Kenh14
Sau cùng, cái mà bộ phim đem lại là kết cục “không-một-ai-hạnh-phúc” cho những cuộc hôn nhân sai lầm không lối thoát. Đây hoàn toàn là một cái kết không hề sáo rỗng mà nó như một lời cảnh tỉnh đến người xem rằng mọi cuộc chiến đều là vô nghĩa, sẽ chẳng thể phân được thắng bại. Thậm chí phải đến khi mất đi điều mình trân quý nhất thì họ mới giật mình nhận ra lỗi lầm của bản thân.
Một điều duy nhất an ủi người xem trong cái kết này, có lẽ là sự độc lập, tự chủ, lựa chọn cuộc sống hạnh phúc cho chính bản thân mình từ những người phụ nữ. Họ đã dám mạnh mẽ thoát ra khỏi vũng lầy của những cuộc hôn nhân đày đọa. Nụ cười của nữ chính Sun Woo ở cảnh cuối bộ phim khi đứa con trai trở về sau một năm mất tích, nó như nụ cười của sự giải tỏa, bao hận thù, lỗi lầm đều đã được xua tan kể cả sự tha thứ cho bản thân mình. Có lẽ, sau tất cả, hạnh phúc là một thứ thật sự khó tìm và nếu tìm được, hãy trân trọng nó đừng để vụt khỏi bàn tay.
Văn hóa Hàn, xã hội Hàn và tư duy phim ảnh Hàn giờ đã rất “bạo liệt”, họ chỉ có thể làm hơn thế nữa mà chẳng sợ rào cản gì cả.
Cine | Kenh14
Tạm kết
Văn hóa làm phim Hàn Quốc giờ đây chẳng phải là văn hóa quá bản địa nữa để việc remake một bộ phim khiến người ta phải đau đầu chỉnh lại kịch bản sao cho phù hợp với kiểu cách của người châu Á. Đối với một đất nước còn khá bảo thủ về vấn đề hôn nhân, đặc biệt, vấn nạn ly hôn lại là điều tối kỵ trong xã hội Hàn Quốc thì bộ phim này càng thể hiện một sự liều lĩnh: dùng phim ảnh, nghệ thuật để thay đổi những nét văn hóa đã thấm sâu vào đời sống đại chúng.
Văn hóa Hàn, xã hội Hàn và tư duy phim ảnh Hàn giờ đã rất “bạo liệt”, họ chỉ có thể làm hơn thế nữa mà chẳng sợ rào cản gì cả. Đó làm điểm đáng chờ đợi ở bản remake này và Hàn có đủ thông minh, sự điên loạn để có thể khiến chúng ta kỳ vọng nhiều hơn vào truyền hình Hàn Quốc ở tương lai. Một xu hướng đổi mới có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong những vấn đề xã hội còn nhiều bức bối ngày nay.