Sau thành công từ phần đầu tiên, The Kissing Booth 2 (Bốt Hôn 2) chính thức ra mắt bởi Netflix, tiếp nối câu chuyện tình yêu giữa Elle (Joey King) và Noah (Jacob Elordi) sau khi anh chàng phải học xa ở Harvard.
Tuy rất được mong chờ, thế nhưng The Kissing Booth 2 lại là một nỗi thất vọng lớn khi đánh mất "ma thuật" của mình, câu chuyện "bốt hôn" cũng không còn thu hút mà trái lại khiến phim lọt thỏm trong vòng vây thể loại vườn trường vừa cũ vừa đơn điệu.
Cho xin 5 giây "chết lặng" vì poster The Kissing Booth 2 khá sến và kỳ quặc.
Quá nhiều tuyến câu chuyện nhưng chẳng có cái nào đáng để tâm
Khác với phần 1 vốn chỉ xoay quanh màn "thành đôi" của cặp chính, The Kissing Booth 2 mang đến cho khán giả tận 6 tuyến câu chuyện khác nhau, nhưng suy cho cùng chẳng có nội dung nào trong đó là đáng nhớ và nổi bật hơn cả.
Sau khi Noah đi học ở Harvard, Elle phải duy trì mối quan hệ yêu xa mịt mờ cùng anh, sau đó va vào mâu thuẫn với bạn gái Rachel (Meganne Young) của cậu bạn thân Lee (Joel Courtney), rồi tất bật lo cho sự kiện Bốt Hôn sắp tới. Mặt khác, sự xuất hiện của nam phụ mới Marco (Taylor Zakhar Perez) cũng gây ảnh hưởng đến "tâm sinh lý" của Elle, khiến cô càng thêm đau đầu. Ngoài ra, ở phía Noah còn có một cái tên mới là cô bạn Chloe (Maisie Richardson-Sellers) xinh đẹp như người mẫu, và cuối cùng là câu chuyện nho nhỏ không có bất cứ liên quan gì của nhân vật đồng tính Ollie (Judd Krok).
Tác phẩm vườn trường mới của Netflix nhân rộng số lượng nhân vật nhưng vô tình bỏ qua chất lượng, vì các cốt truyện nhỏ xuyên suốt phim đều diễn biến khá thô kệch và đơn giản đến mức nhàm chán. Chỉ cần xem 15 phút đầu tiên, khán giả chắc chắn sẽ nhìn ra hết mọi mâu thuẫn sắp tới xoay quanh Noah và Elle, hay sự bùng nổ của Rachel về mối quan hệ bạn bè của nữ chính và bạn trai. Ngay cả việc nam sinh nóng bỏng Marco tiếp cận Elle cũng không nằm ngoài dự đoán, và việc hiểu lầm khi yêu xa cũng đã quá quen thuộc đối với người xem.
Đáng phê phán nhất phải kể đến sự xuất hiện của nhân vật đồng tính Ollie khi vai trò của anh đối với toàn bộ phim là con số 0. Trong phim, anh đang thích thầm một bạn nam nhưng lại sợ tỏ tình. Biết được điều đó, Elle khuyên nhủ Ollie và bảo rằng đừng để định kiến của người khác ngăn cản anh làm điều mình muốn, vì hơn ai hết cô rất hiểu điều đó. Ý nghĩ này hoàn toàn phi logic vì Elle đang so sánh khó khăn của Ollie với của mình, trong khi việc Ollie công khai mình đồng tính với crush chẳng ăn nhập gì đến rắc rối giữa cô và Noah ở phương xa. Có thể thấy, ê-kíp chỉ muốn thêm yếu tố LGBT vào để khiến phim thêm sắc màu nhưng lại gặp phản ứng ngược, thời lượng lên hình ít ỏi của Ollie và Miles trở nên dư thừa và chóng vánh trong mắt khán giả.
Thoại khiên cưỡng, hài nhạt nhẽo lại còn lôi sao lớn Hollywood ra đùa cợt
Bên cạnh cốt truyện rối rắm thiếu điểm nhấn, The Kissing Booth 2 còn khiến fan không khỏi thất vọng bởi những câu thoại sáo rỗng. Thậm chí, phim cũng thất bại trong việc lồng ghép yếu tố gây cười, không duyên dáng mà đôi lúc còn gây tranh cãi.
Từ những câu như "Cậu có nghĩ cậu và cậu ta được sinh ra dành cho nhau hay không?", hay "Em yêu thành phố này, còn anh yêu em" đều như được "trộm" ra từ các truyện ngôn tình trên mạng. Ngay cả trong quá trình yêu xa, Elle và Noah cũng không cho thấy sự nồng cháy nhớ nhung nào ngoại trừ "Em nhớ anh", "Anh nhớ em hơn". Với sự hạn chế về khả năng diễn xuất của các diễn viên trẻ tuổi, kịch bản của The Kissing Booth 2 cũng chẳng cho họ quá nhiều đất khai phá khiến phần lớn tình tiết bị rập khuôn và dễ lãng quên.
Phần 2 về câu chuyện "bốt hôn" cũng không ghi điểm ở mặt hài hước khi liên tục mang những đề tài nhạy cảm ra để đùa cợt. Ở một cảnh, Elle đã vô tình nhấn nút loa phát cho cả trường trong khi đang bình phẩm về ngoại hình của Marco. Cô liên tục xoáy vào những điểm nhạy cảm nhất trên cơ thể anh chàng, cùng lúc đó các bạn học liên tục cười lớn bên ngoài. Trong thời điểm những vấn nạn học đường, đặc biệt là bình phẩm ngoại hình người khác đang bị lên án thì đây là động thái không hề khôn ngoan của Netflix.
Cảnh Elle say mê bình phẩm thân thể của Marco trong khi để loa trường bật.
Thậm chí trong một cảnh quay, nét hài của The Kissing Booth 2 còn trở nên "kém duyên" hơn khi lôi quá khứ bệnh tật của Justin Bieber ra để chế giễu. Lúc này, Noah và Chloe đang đi xem hài độc thoại, và người diễn viên hài này đã khen Noah và Chloe đẹp đôi, nhất là bảo Noah trông giống Bieber nhưng là lúc trước khi anh là một "trucker", ám chỉ khoảng thời gian nam ca sĩ thường xuyên đội mũ lưỡi trai (trucker hat) và che kín người do mắc bệnh Lyme (chứng nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, khiến một vùng da bị mẩn đỏ), đồng thời có khoảng thời gian dài chống chọi với bệnh.
Justin Bieber từng có thời gian chật vật với bệnh Lyme, nay lại trở thành trò cười trong The Kissing Booth 2.
Ở đoạn cuối phim, khi được Noah hỏi "Em có yêu anh không, vì sao?", Elle lại trả lời khá chung chung là "Vì đó là anh" và như đã đề cập, trước đó cả hai còn không buồn giải thích hay ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc. Nhiều khán giả còn đùa rằng những phim như thế này khiến cho việc nhập học Harvard dễ như gọi xe Uber vậy (do Noah luôn thúc giục Elle chuyển sang Harvard học cùng anh như thể đó là một chuyện thường tình).
Chuyện tình vườn trường chán ngắt, "bốt hôn" bị cho ra rìa
Trở lại với phần 1, khán giả đã vô cùng ấn tượng với cách lên ý tưởng một "bốt hôn" để gây quỹ cho trường học. Đây cũng là địa điểm "định tình" giúp Noah và Elle nên duyên trong sự tin tưởng và tín nhiệm tuyệt đối. Tuy nhiên, bước sang phần 2 thì "bốt hôn" năm nào đã mất đi tác dụng, lại còn bị đẩy về sau "hậu trường" làm nền cho bộ phim.
Câu chuyện của The Kissing Booth 2 nhấn mạnh vào cuộc sống của Elle và các nhân vật xoay quanh cô, nhưng chính việc bỏ rơi yếu tố "bốt hôn" đã khiến phim rơi vào lối mòn của chuyện tình vườn trường kiểu mẫu cũ rích. Phim mang đến một loạt những rắc rối cho khán giả, nhưng diễn biến và cái kết của chúng lúc thì vô lý, lúc thì bị đẩy nhanh tiến độ. Mâu thuẫn giữa Elle và Rachel càng đi sâu càng dâng lên đỉnh điểm gần như không thể giải quyết, nhưng cuối cùng lại dễ dàng khép lại chỉ bằng một nụ hôn giữa Rachel và Lee. Sau đó, cô còn quay sang cười với Elle dù trước đó cả hai cũng chả đi đến một màn làm hòa nào ra trò.
Ngay cả những khúc mắc giữa Elle và Noah cũng được hóa giải dễ dàng, dù cho trước đó Elle đã hôn Marco nồng nhiệt ở cuộc thi nhảy trong khi nghi ngờ Noah ngoại tình. Chi tiết này đã khiến cách xây dựng nữ chính ôn nhu, lương thiện ban đầu bị phá vỡ hoàn toàn, ngay cả cô cũng thú nhận bản thân có cảm giác với Marco nhưng vẫn yêu Noah. Vậy ai mới là người đáng trách khi yêu xa đây Elle?
Suy cho cùng, dù nhìn thấy bạn gái mình "khoá môi" với người khác, nhưng "trai hư" Noah vẫn chung thủy và thực chất chẳng có gì mờ ám với cô bạn Chloe kia. Sau tất cả, cặp đôi chính chẳng có một cuộc nói chuyện nghiêm túc nào mà toàn là... tự nhận ra và tự tha thứ cho nhau, ôm hôn nhau thắm thiết như chưa hề có cuộc chia ly.
Từ một hậu truyện đáng mong chờ, The Kissing Booth 2 trở thành một mớ hỗn độn mang màu teen-flick Disney, giống như những Camp Rock hay High School Musical với motif nữ chính bị cả thế giới quay lưng nhưng rồi lại giải quyết được hết mọi thứ bằng phép màu thiếu thực tế. Vẫn còn phần 3 sắp sửa ra mắt vào năm 2021, mong rằng Netflix sẽ mang đến hồi kết của chuỗi phim thật mãn nhãn để bù đắp lại phần 2 quá đỗi nhạt nhòa và vô vị.
Trailer chính thức The Kissing Booth 2
The Kissing Booth 2 hiện đang có mặt trên nền tảng Netflix.