Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc!
Ra mắt vào ngày 9/7, tựa phim kinh dị Thái Lan mới nhất The Maid(tạm dịch: Nàng Hầu Gái) đang làm mưa làm gió nền tảng Netflix bởi những cảnh quay kinh dị, thậm chí máu me cùng cốt truyện đen tối cùng cực.
Được chia làm 3 hồi, dự án của đạo diễn Lee Thongkham gây ấn tượng mạnh khi mang đến một câu chuyện gia tộc sẽ được "bóc tem" theo khuynh hướng giải mã từ từ, đồng thời sẽ khiến khán giả liên tưởng đến những siêu phẩm điện ảnh kinh điển khác, như American Psycho của Mỹ, Parasite của Hàn hay ngay cả Chị Chị Em Em của Việt Nam.
Bi kịch của cô hầu gái bí ẩn
The Maid bắt đầu với bối cảnh ngôi dinh thự của một gia đình giàu có, khi này một cô hầu gái xin nghỉ việc vì chịu hết nổi những hiện tượng ghê rợn cứ ám lấy cô vào mỗi đêm. Vì thế, bà chủ Uma (Theerapat Sajakul) quyết định tuyển người mới, và rồi cô gái trẻ khả ái Joy (Ploy Sornarin) được nhận.
Joy là nàng hầu mới.
Bà chủ Uma.
Bước vào căn nhà, cô được phân cho công việc chính là trông nom cô con gái nhỏ Nid của cặp vợ chồng, và làm theo yêu cầu của Uma cùng ông chủ Nirach (Theerapat Sajakul). Nhưng rồi khi đêm xuống, Joy cũng gặp phải những hiện tượng kì bí, dẫn dắt cô đến với sự thật về sự mất tích của một cô hầu tên Ploy vào 5 năm trước, đồng thời vén màn bí mật về những sự thật đen tối tồn tại xung quanh ngôi nhà.
Ông chủ Nirach.
Bé Nid.
Cô hầu gái cũ Ploy.
Có thể thấy, hồi 1 của The Maid diễn ra theo một mô-tuýp quen thuộc của dòng phim Thái liên quan đến gia tộc quyền quý, thậm chí có phần lê thê và nhàm chán. Thế nhưng, đó chỉ là "một cú lừa" vì những điều bất ngờ nhất vẫn còn chờ đón người xem ở 2 hồi còn lại.
Sự chuyển giao tinh tế giữa tâm linh và chém giết
Bàn sâu hơn về câu chuyện bi kịch chính của The Maid, khi này mối quan hệ giữa nàng hầu Ploy và vợ chồng Mirach - Uma tương đối phức tạp. Không chỉ dừng ở lằn ranh chủ - tớ, Ploy còn lớn gan "bắt cá" cả bà chủ lẫn ông chủ, nghe qua có vẻ khá Chị Chị Em Em đấy, nhưng không giống như cô Nhi (Chi Pu), nàng Ploy lại phải trả giá cho hành động của mình, đó là cái chết tức tưởi và âm mưu che giấu của cả ngôi biệt thự.
Trông có giống Thanh Hằng - Chi Pu không cơ chứ?
Uma là một người phụ nữ thành đạt với một gia tộc lớn chống lưng đằng sau.
Nirach giống Lãnh Thanh, là một tên đàn ông "bám váy" vợ, hay cầu xin bố vợ để giải quyết công chuyện.
Đến lúc này, khi hồi 2 kết thúc, Joy dường như thấu hiểu hết mọi chuyện qua sự điều khiển của hồn ma Ploy, cũng như nhận ra một sợi dây liên kết tình thân giữa hai cô gái. Bước vào hồi 3, màu phim bỗng chuyển từ tâm linh huyền bí sang giật gân chém giết, ở đây không còn ma quỷ gì nữa mà là những màn thảm sát bạo lực và một kế hoạch báo thù tinh vi từ cô gái nhỏ nhắn Joy.
Joy chuyển hẳn sang một bản ngã máu lạnh đến rợn người.
Góc quay siêu mượt, diễn xuất nữ chính "gánh" cả phim
The Maid tinh tế lồng ghép đan xen giữa hiện tại và quá khứ, đặc biệt là ở cảnh khi hồn ma Ploy dẫn Joy đi khám phá những bí mật của ngôi biệt thự. Cách sử dụng ánh sáng, điều khiển góc quay khiến cho cảnh này thật sự tuyệt diệu như một giấc mơ.
Ngoài ra, điều tuyệt vời nhất của The Maid nằm hẳn ở 20 phút cuối phim, khi Joy dành tặng khán giả một bữa tiệc "tắm máu" bạo lực khá giống với Parasite nhưng ghê rợn hơn nhiều. Diễn xuất của Ploy Sornarin chính là yếu tố giúp nâng tầm The Maid, trong đó cô nàng xuống tay giết người không hề chần chừ, không bỏ qua một ai tại biệt thự, thậm chí còn tận hưởng nó như một kẻ sát nhân máu lạnh lành nghề. Sự lém lỉnh và tự nhiên trong từng pha xử lý của cô nàng cũng khiến người xem nhớ đến nữ sát nhân trong Sleepaway Camp năm 1983.
Nhìn cô nàng giống hệt Christian Bale cũng mặc áo mưa giết người trong American Psycho.
Máu văng lên đồ ăn cũng là chi tiết tương đồng với Parasite.
Cách dẫn dắt lê thê, lối hù dọa cũ rích
Bên cạnh hồi 3 quá tuyệt đỉnh, những gì còn lại của The Maid lại không xuất sắc như cái kết của nó. Phim mang đến một chuỗi bi kịch khá ổn, nhưng cách dẫn dắt lại quá dài dòng, thậm chí có thể khiến khán giả ngủ gục.
Thậm chí, những cảnh hù dọa cũng không cứu vãn nổi vì quá lỗi thời và chỉ mang tính hù doạ rẻ tiền là chính. Tạo hình của các loại ma quỷ trong phim cũng xấu xí, nghèo nàn và trông "giả hơn chữ giả". Con "ma khỉ" ở đầu phim chắn chắn sẽ khiến người xem bật cười hơn là sợ hãi, và nếu muốn có một chút hình dung trước khi thưởng thức phim, thì hãy nhớ đến con khỉ đồ chơi trong Toy Story 3 nhé!
Nhìn chung, The Maid chắc chắn không phải tựa phim ma ám xuất sắc hay mới lạ, nhưng là một sản phẩm kinh dị giật gân tạm ổn cùng cú chuyển giao "tông màu" sẽ khiến bất kì ai khi xem cũng phải nổi gai ốc. Phim cũng phản ánh những mặt tối đằng sau sự giàu có, hào nhoáng của giới quý tộc, cũng như những bi kịch mà bất cứ gia đình thế lực nào cũng cật lực che giấu.
Trailer chính thức The Maid.
The Maid chính thức công chiếu vào ngày 9/7/2020 trên nền tảng Netflix.