(Cảnh báo: Bài viết tiết lộ nội dung The Witcher)
Được chuyển thể từ một tiểu thuyết vô cùng ăn khách, The Witcher (Thợ Săn Quái Vật) ngay từ chưa lên sóng đã được mệnh danh là Game of Thrones của Netflix. Ban đầu, giới phê bình không mấy mặn mà với bộ phim hành động giả tưởng này. Nhưng sau 8 tập phim của mùa 1, The Witcher đã chinh phục được trái tim khán giả.
1. Nội dung hấp dẫn bất chấp cách kể chuyện lộn xộn
The Witcher xoay quanh bộ ba nhân vật là Geralt (Henry Cavill) - thợ săn quái vật có dòng máu đột biến, Yennefer (Anya Chalotra) - nữ pháp sư có dòng máu yêu tinh và Cirilla (Freya Allan) - công chúa sở hữu sức mạnh hỗn mang. Họ bị gắn kết bởi định mệnh và có vai trò to lớn trong cuộc chiến trên Lục Địa.
Dù được so sánh với Game of Thrones (Trò Chơi Vương Quyền), The Witcher lại tương đồng với The Lord of the Rings (Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn) hơn. Phim giới thiệu một Lục Địa rộng lớn, nơi con người sống chung với những sinh vật có sức mạnh. Nhưng không một ma thuật hay quái vật khủng khiếp nào có thể sánh bằng dã tâm của nhân loại.
Điểm yếu của The Witcher là cách kể chuyện có phần không mạch lạc. Phim có nhiều dòng thời gian khác nhau, số lượng nhân vật lớn nhưng nhịp phim lại gấp gáp, khiến khán giả đôi khi không thể theo kịp nội dung. Tuy nhiên, The Witcher vẫn đủ hấp dẫn làm khán giả tò mò muốn theo dõi sau mỗi tập.
2. Dàn diễn viên vừa ngắm đã mê
Ngay cả khán giả khó tính nhất cũng phải công nhận The Witcher có một dàn cast rất đẹp. Vai nam chính của bộ phim được "siêu nhân" Henry Cavill đảm nhiệm, khiến các fan girl vừa xem phim vừa mất máu. Thực ra không phải The Witcher mời được Henry Cavill, mà anh quá thích nguyên tác đến mức năm lần bảy lượt đòi được diễn thử. Với mái tóc trắng, đôi mắt hổ phách cùng trang phục bụi bặm nam tính, Henry Cavill không khác gì Geralt xứ Rivia bước ra từ tiểu thuyết.
Cô nàng sinh năm 2001 Freya Allan cũng rất phù hợp với vai công chúa Cirilla. Freya có nét ngây thơ của một thiếu nữ nhưng đôi mắt lại cực kì mạnh mẽ. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất, Freya vẫn hoàn thành rất tốt các phân cảnh khó.
Trong khi đó, Anya Chalotra nhiều lần giật spotlight của Henry Cavill để trở thành ngôi sao sáng nhất của phim. Tuyến truyện của Yennefer hấp dẫn và mang đến nhiều cảm xúc nhất. Đặc biệt, đôi mắt của cô quá đẹp, quá sinh động khiến nhiều cư dân mạng khẳng định cô là nhân vật giả tưởng ấn tượng nhất trên màn ảnh nhỏ, chỉ sau "Mẹ Rồng" của Game of Thrones.
3. Đánh đấm nặng đô, kĩ xảo chân thật
Một trong những yếu tố làm nên thành công của phim giả tưởng đó chính là kĩ xảo. Hiện tại Netflix chưa công bố kinh phí thực hiện The Witcher "khủng" đến mức nào, nhưng chỉ cần nhìn những cảnh CGI tuyệt đẹp của phim là đủ hiểu. Từ cảnh Geralt đánh nhau với kikimora ở tập 1 đến cảnh đại chiến ở tập 8 đều làm người xem phải nín thở.
The Witcher cũng được đánh giá cao vì không quá lạm dụng kĩ xảo trong những cảnh chiến đấu. Màn đấu kiếm của Geralt với quân của Renfri ở thị trấn Blaviken được nhiều người khen ngợi là biến nhiều phim hành động thành "trò con nít".
4. Bộ phim chỉ dành cho khán giả trên 18 tuổi
Cảnh báo giới hạn độ tuổi của Netflix không phải là trò đùa, vì The Witcher có nhiều phân cảnh khỏa thân khá "bạo". Một số nhà phê bình còn chỉ trích những cảnh hở hang của The Witcher đôi khi hơi phản cảm và không cần thiết. Bên cạnh đó, The Witcher cũng có nhiều tình tiết đen tối, không phù hợp với khán giả nhỏ tuổi.
Tóm lại, The Witcher là một series cực kì tiềm năng, có thể trở thành bom tấn truyền hình. Nếu nhà sản xuất có thể sửa đổi một số hạn chế trong kịch bản, phim sẽ còn hút khán giả hơn nữa. Nếu là người yêu thích các bộ phim hành động, viễn tưởng, bạn không thể bỏ qua The Witcher.
Trailer "The Witcher" (Thợ Săn Quái Vật)
The Witcher đã có mặt trên hệ thống Netflix.
Thăm dò ý kiến
Bạn có muốn xem The Witcher không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.