Bài viết không tiết lộ nội dung phim.
Vốn dự kiến ra rạp năm 2018, The Woman In The Window (Tựa Việt: Bí Mật Bên Kia Khung Cửa) rốt cuộc phải lên sóng Netflix vì đại dịch Covid. Phim sở hữu dàn diễn viên tên tuổi như Amy Adams, Gary Oldman hay Anthony Mackie cùng bàn tay nhào nặn của Joe Wright. Song, tác phẩm cuối cùng lại nhạt nhòa, dễ đoán và chẳng có gì kịch tính khi cố làm mới một câu chuyện cũ.
Nội dung The Woman In The Window xoay quanh tiến sĩ tâm lý Anna Fox (Amy Adams) – người đang sống một mình trong căn hộ riêng. Cô và chồng Edward (Anthony Mackie) đang trong quá trình ly thân. Vì mắc chứng sợ không gian rộng sau một tai nạn, Anna sợ hãi việc ra ngoài và thường xuyên phải dùng tới rượu và thuốc điều trị.
Phim sở hữu dàn diễn viên tên tuổi như Amy Adams, Gary Oldman hay Anthony Mackie cùng bàn tay nhào nặn của Joe Wright. Song, tác phẩm cuối cùng lại nhạt nhòa, dễ đoán và chẳng có gì kịch tính khi cố làm mới một câu chuyện cũ.
Dạ Nguyệt
Để giết thời gian, nữ tiến sĩ bắt đầu quan sát những gia đình xung quanh. Trong số này có nhà Russell vừa dọn đến. Người vợ Jane (Julianne Moore) và cậu con trai Ethan (Fred Hechinger) tỏ ra quan tâm tới Anna và nhanh chóng kết bạn với cô. Một ngày nọ, Anna bất ngờ chứng kiến Jane bị sát hại từ bên kia khung cửa sổ.
Cô nhanh chóng báo cảnh sát. Song, người chồng Alistair Russell (Gary Oldman) khẳng định vợ mình vẫn bình an vô sự. Jane Russell (Jennifer Jason Leigh) hóa ra là một người hoàn toàn khác. Họ cho rằng Anna bị ảo giác vì bệnh tâm lý và lạm dụng quá nhiều thuốc. Từ đây, những bí ẩn rùng rợn dần hé lộ.
Trailer chính thức của The Woman in the Window
Phiên bản lỗi của Rear Window và Gone Girl
Ra mắt năm 1954, Rear Window được đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất của Alfred Hitchcock và cả thể loại giật gân. Phim kể về một nhiếp ảnh gia vì bị thương ở chân nên phải ngồi trong phòng. Vì quá buồn chán, ông bắt đầu dùng ống kính quan sát hàng xóm và khám phá ra một vụ giết người. Ý tưởng mới lạ cùng cách làm phim rùng rợn của "ông hoàng giật gân" giúp Rear Window trở thành kinh điển.
The Woman In The Window y hệt như Rear Window của Alfred Hitchcock
Tác phẩm thậm chí còn truyền cảm hứng cho Disturbia (2007) của Shia Labeouf. Trong phim, tài tử vào vai Kale Brecht - một thiếu niên nổi loạn nên bị chính quyền địa phương phạt quản thúc tại gia. Cậu bị đeo một chiếc vòng kiểm soát để chắc chắn không ra khỏi nhà. Kale cũng bắt đầu quan sát và nghi ngờ hàng xóm là kẻ sát nhân hàng loạt.
The Woman In The Window cũng theo công thức y hệt như trên khi cho Anna Fox mắc chứng bệnh sợ không gian rộng và không dám ra ngoài. Cách đặt tình huống khá phức tạp buộc Joe Wright phải đi sâu hơn vào tâm lý và quá khứ của nữ tiến sĩ thay vì xoáy sâu ngay vào tội ác mà cô chứng kiến.
The Woman In The Window không đủ khả năng đánh lừa khán giả
The Woman In The Window lại quá tập trung vào tâm lý của Anna trước mọi thứ xung quanh. Phim mất tới gần 30 phút cho tới khi vụ án mạng xảy ra.
Dạ Nguyệt
Bộ phim cũng cố tình dùng chi tiết này để tạo ra sự mới lạ khi cho người hàng xóm thân thiết với Anna trước khi bị giết. Đồng thời, nút thắt của tác phẩm nằm ở việc Jane Russell là một người hoàn toàn khác so với người mà Anna gặp trước đó. Từ đây, ý đồ của đạo diễn muốn khán giả rơi vào nghi vấn là cô bị ảo giác hay tất cả là một âm mưu tài tình.
Chi tiết khá giống với Gone Girl (2014) khi Amy (Rosamund Pike) cố tình tạo hiện trường giả bị chồng là Nick (Ben Affleck) sát hại làm người xem không biết phải tin ai. Tiếc thay, The Woman In The Window lại quá tập trung vào tâm lý của Anna trước mọi thứ xung quanh. Phim mất tới gần 30 phút cho tới khi vụ án mạng xảy ra.
Phim không có bất kì trường đoạn căng thẳng nào
The Woman In The Window không có bất kì một cảnh quay kịch tính nào khi mọi thứ đều đơn giản. Phim kết thúc nhạt nhòa và phi lý như chính cái cách Anna chẳng dám ra ngoài đường chỉ vì chấn thương tâm lý vậy.
Dạ Nguyệt
Tiếp nối sau đó là hàng loạt những tình tiết chậm rãi và rời rạc. Việc đánh lạc hướng rằng Anna bị ảo giác hoàn toàn không đủ thuyết phục. Khán giả gần như đoán được cái kết và kẻ thủ ác là ai nhưng vẫn phải chờ đợi mòn mỏi xem các biên kịch xử lý ra sao.
The Woman In The Window không có bất kì một cảnh quay kịch tính nào khi mọi thứ đều đơn giản. Thậm chí, việc để Anna điều tra ra chân tướng sự việc hay bị kẻ thủ ác tấn công cũng chẳng có lấy một thủ pháp tạo kịch tính nào. Phim kết thúc nhạt nhòa và phi lý như chính cái cách Anna chẳng dám ra ngoài đường chỉ vì chấn thương tâm lý vậy.
Amy Adams gánh toàn bộ diễn xuất
Sở hữu dàn diễn viên tài năng nhưng The Woman In The Window đã phí phạm tất cả. Phim tập trung quá nhiều vào tổn thương tâm lý và cuộc sống thường ngày của Anna mà quên hết những người xung quanh. Julianne Moore có một vai diễn ngắn ngủi đến mức không khác gì khách mời và bất kì ai cũng làm được.
Dàn diễn viên tài năng bị phim phí hoài
Sở hữu dàn diễn viên tài năng nhưng The Woman In The Window đã phí phạm tất cả. Phim tập trung quá nhiều vào tổn thương tâm lý và cuộc sống thường ngày của Anna mà quên hết những người xung quanh.
Dạ Nguyệt
Wyatt Russell - chàng Captain America của The Falcon and the Winter Soldier - được ưu ái cho kha khá đất diễn. Anh vào vai người thuê tầng hầm của Anna với quá khứ bất hảo. Buồn thay, nhân vật tiềm năng này lại không được khai thác hợp lý. David khá nông cạn, không có tính cách nổi bật và thậm chí có thể bị loại khỏi phim mà không ảnh hưởng nội dung.
Tái hợp Joe Wright sau Darkest Hour (2017), Gary Oldman có màn trình diễn dưới sức. Ông như gồng mình lên để khán giả biết chắc rằng Alistair hiển nhiên có gì đó mờ ám và liên quan tới vụ án. Anthoy Mackie hay Brian Tyree Henry cũng không có tác động nhiều tới câu chuyện.
Amy Adams là người gánh toàn bộ diễn xuất
Với thời lượng nhiều nhất, Amy Adams hiển nhiên là người làm tốt nhất. Nữ diễn viên tài năng thể hiện được sự đau khổ, dằn vặt của một phụ nữ vừa mất đi tất cả.
Dạ Nguyệt
Với thời lượng nhiều nhất, Amy Adams hiển nhiên là người làm tốt nhất. Nữ diễn viên tài năng thể hiện được sự đau khổ, dằn vặt của một phụ nữ vừa mất đi tất cả. Những tổn thương tâm lý đều được bộc lộ xuất sắc qua những màn độc thoại hay biểu cảm ánh mắt dài hơi của Amy Adams.
Chấm điểm: 2/5
Nhìn chung, The Woman In The Window chỉ là một phiên bản ăn theo hời hợt, chưa đủ sáng tạo với hai tác phẩm kinh điển. Hollywood nên thử nghiệm những kịch bản mới thay vì chỉ chăm chăm remake hay làm lại ý tưởng cũ như hiện tại. Và nếu bỏ ra 1 tiếng 40 phút để xem bộ phim giật gân nhạt nhẽo này, cái bạn nhận được sẽ chỉ là cơn buồn ngủ và sự hối hận.
Nguồn ảnh: Tổng hợp