Một trong những mô-típ phổ biến, được ưa chuộng trở lại trong thời gian qua, là mối quan hệ theo kiểu "đôi đũa lệch" mà nam và nữ có khác biệt rõ rệt và tuổi tác, địa vị xã hội, tính cách…
Tuy nhiên, cách không ít kịch bản phim vận dụng công thức này vào xây dựng cốt truyện, tạo kịch tính cũng như xây dựng chân dung nhân vật vô đang hình trung tạo ra ấn tượng về một thứ tiêu chuẩn kép giữa nữ và nam.
Chuyện tình hoàng tử và Lọ Lem chiếm sóng khung giờ vàng
Đừng Làm Mẹ Cáu và Đừng Nói Khi Yêu là hai tác phẩm đang phát sóng xen kẽ trên khung giờ phim muộn của VTV3. Cả hai bộ phim đều có cái tên khá giống nhau và na ná một câu mệnh lệnh - đừng làm cái này và đừng làm cái kia. Nhưng trùng hợp lớn nhất giữa hai tác phẩm phải kể đến chính là hai nhân vật trung tâm - cặp tình nhân được dành toàn bộ sự quan tâm, chú ý.
Trong Đừng Làm Mẹ Cáu, Hạnh (Quỳnh Kool) là một cô gái trẻ hạ quyết tâm thay chị gái nuôi con. Tuy nhiên, việc làm mẹ dường như là một gánh nặng quá lớn với cô khi phải cùng lúc cáng đáng bao nhiêu trách nhiệm: cô con gái đau yếu liên miên, kinh tế gia đình khó khăn, công việc bấp bênh…
Quân (Nhan Phúc Vinh) là cấp trên của Hạnh. Anh cũng là người hết lần này đến lần khác chỉ trích những thiếu sót của cô trong việc chăm con, khiến cả hai luôn bị đặt vào thế đối đầu. Quân giàu có, nhưng luôn ôm trong lòng những vết thương vì thiếu thốn tình mẫu tử.
Vì ấu thơ thiếu thốn tình mẹ, Quân nhanh chóng thân thiết với con gái Hạnh, tuy nhiên vị doanh nhân luôn có ác cảm với cách làm mẹ của cô (Ảnh: VFC)
Ở Đừng Nói Khi Yêu, Ly (Thùy Anh) đang trên hành trình lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, vì sự thẳng thắn, thói bướng bỉnh có phần ngang ngược, cô không chỉ chật vật khi tìm kiếm công việc ưng ý mà còn kéo thêm biết bao rắc rối cho mình và những người xung quanh. Số phận sắp xếp cho Ly gặp Quy (Mạnh Trường), một doanh nhân 33 tuổi giàu có, và trót thấy "vị cô nương tên Ly này thật thú vị". Thế nhưng, bất chấp nỗ lực làm quen, tán tỉnh của Quy, Ly vẫn chỉ xem anh như một gã rắc rối - và tất nhiên, tạo thành quan hệ "oan gia ngõ hẹp" (có vẻ) hài hước.
Cuộc cút bắt tình yêu trên màn ảnh của Quân và Hạnh, Quy và Ly lúc 21 giờ 40 phút mỗi tối trong tuần trên sóng truyền hình quốc gia có thể quy về mô-típ Lọ Lem gặp hoàng tử không bao giờ cũ. Các cô gái trẻ trung, mới bước chân vào đời với nhiều ngơ ngác, gặp biết bao khó khăn và thử thách cho đến khi gặp và được hoàng tử - phút trước còn là một trong những thử thách mà cuộc đời đặt ra cho nữ chính - cứu giúp.
Không quen biết, nhưng Ly đã tặng Quy một nụ hôn, khiến chàng doanh nhân không khỏi bất ngờ (Ảnh: VFC)
Chàng doanh nhân nhiều lần tung chiêu tán tỉnh người đẹp nhưng chưa thành (Ảnh: VFC)
Ở phía ngược lại, chàng hoàng tử hào hoa, thành đạt nhưng vì lý do này khác, vẫn độc thân sau chừng ấy năm nhưng lập tức phải lòng nữ chính chỉ sau vài lần gặp mặt chớp nhoáng. Từ đây, trong mắt anh chỉ còn bóng dáng nàng, sẵn sàng làm mọi cách để cô gái mình thầm thương được hạnh phúc. Chàng có thể lớn hơn công chúa của mình khá nhiều, nhưng không vấn đề, vì khoảng cách tuổi tác ấy là cần thiết để tạo dựng nên một sự nghiệp vững vàng như khán giả đã thấy, và một sự trưởng thành nhất định trong tính cách để nữ chính sau này có thể dựa vào.
Góc nhìn của phim truyền hình Việt về những phụ nữ lớn tuổi độc thân
Người đàn ông từng trải che chở cho cô bạn gái trẻ trung, thánh thiện là một mô-típ luôn được ưa chuộng, và vì thế, vẫn cực kỳ phổ biến - từ kinh đô điện ảnh Hollywood tới Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam. Tuy nhiên, ta cũng phải thừa nhận sự thật một người thành đạt, lớn tuổi nhưng còn độc thân không đồng nghĩa người ấy là nam giới. Sự thành đạt và tình trạng độc thân bình đẳng với cả hai giới tính, cũng giống như tuổi tác. Và vì thế, nó cũng là một chất liệu hấp dẫn để đưa lên màn ảnh.
Năm 2022, VFC tung bộ phim Ga-ra Hạnh Phúc. Tác phẩm nhận được sự quan tâm rộng rãi của khán giả một phần vì chuyện tình "ngoài luồng" đầy những phân cảnh nóng bỏng của Quân (Bình An) và Cẩm Khê (Diễm Hương). Quân vào đời với hai bàn tay trắng và gánh nặng cơm áo gạo tiền khủng khiếp trên vai. Điều này dẫn nhân vật tới chỗ lao vào cuộc phiêu lưu tình ái với Cẩm Khê - nữ giám đốc quyền lực của công ty nơi anh làm việc.
Cẩm Khê dùng tiền bạc và quyền lực để níu chân trai trẻ, ép anh phải bỏ bạn gái (Ảnh: VFC)
Cẩm Khê chu cấp tiền bạc, bao che cho những sai phạm của Quân để đổi lấy sự cung phụng và yêu chiều của chàng trai trẻ. Cô cũng không ngần ngại ra mặt ép Quân chia tay bạn gái lâu năm. Kết quả, Quân bị người yêu đánh cho một trận tơi bời và tuyên bố chia tay. Sau cùng, anh chấp nhận ra cùng Cẩm Khê chuyển đi nơi khác.
Trong tập 4 của Đừng Nói Khi Yêu, anh chàng Tú (Đình Tú) - bạn thân của Ly - đã bị một nữ đại gia "mồi chài" vào cuộc chơi tình ái. Người phụ nữ giàu có tên Hoài, có sở thích với những chàng trai trẻ. Danh sách người tình bé nhỏ (về tuổi tác) của cô có cả sếp cũ của Ly. Hoài thuê Tú về làm huấn luyện viên tại gia, và từ khi bị người yêu phản bội thì quay sang để ý đến anh. Khi tập luyện với Tú, Hoài chủ động ăn mặc hở hang, hỏi thăm những vấn đề hết sức riêng tư của anh trước khi ỡm ờ sẽ cho cậu công ăn việc làm ổn định. Người phụ nữ thậm chí còn dàn cảnh ngất xỉu để lấy cớ va chạm cơ thể với Tú nhằm quyến rũ chàng trai trẻ.
Hoài trong Đừng Nói Khi Yêu định dùng xác thịt để quyến rũ Tú (Ảnh: VFC)
Đừng Làm Mẹ Cáu tuy không có chuyện tình "phi công trẻ lái máy bay bà già", nhưng cũng xuất hiện một nhân vật nữ phụ vừa giàu vừa giỏi nhưng lận đận tình duyên (như bất cứ nhân vật nữ nào xuất hiện trong bộ phim). Mai Anh (Hương Giang) là cánh tay phải của Quân trong công ty. Cô cũng là người bạn thân lâu năm của anh, và tới một thời điểm, đã đem lòng thầm yêu chàng doanh nhân. Mai Anh luôn tự tin mình là người xứng đôi vừa lứa với Quân, và vì thế đem lòng ghen ghét, hãm hại Hạnh.
Dễ thấy, thông điệp đã hoàn toàn thay đổi khi câu chuyện của những người phụ nữ giàu có nhưng còn độc thân được đưa lên màn ảnh. Hay nói cách khác, khi xây dựng một phiên bản hoán đổi giới tính của mô-típ "người đàn ông từng trải che chở cho cô bạn gái trẻ trung, thánh thiện" đã nhắc đến bên trên, các bộ phim truyền hình Việt đang vô tình tạo ra một tiêu chuẩn kép xấu xí.
Tiêu chuẩn kép của phim truyền hình Việt
Việc bước qua tuổi thanh xuân với một khối tài sản đáng kể nhưng còn "tối năm không" chỉ tuyệt vời và đầy hứa hẹn khi người ta mang nhiễm sắc thể XY. Đây là kết luận có thể dễ dàng rút ra nếu ta đặt ba nhân vật Cẩm Khê, Hoài hay Mai Anh trong một phép so sánh đơn giản với Quân hay Quy. Trong khi những nhân vật nam tỏa sáng vòng hào quang nam chính, ba vai nữ chỉ được sắp hàng phụ, thậm chí còn là phe phản diện ác hiểm, sinh ra để ngáng đường nàng Lọ Lem.
Vì ghen, Mai Anh liên tục "đì đọt" Hạnh vì coi cô là tình địch. Ngược lại, Quân dường như chẳng bận tâm đến Trung (Quang Trọng) - người yêu cũ của cô gái anh dành sự quan tâm. Quy có thể giống Hoài ở điểm tấn công dồn dập đối tượng trẻ tuổi mà mình để mắt, nhưng anh chưa bao giờ phải mượn tới xác thịt. Quay lại với Gara Hạnh Phúc, để giành lấy Quân, Cẩm Khê nhiều lần gây sức ép bắt anh chia tay người yêu. Quan sát cách hành xử của những nhân vật nữ này, ta luôn thấy từ họ toát ra một mặc cảm tự ti với nhân vật nữ chính trẻ trung - thái độ sẽ dẫn thẳng họ tới chỗ nhận về cái nhìn thương hại, thậm chí cười cợt từ khán giả.
Mai Anh tự biến mình thành trò cười khi công khai bày tỏ sự ghen ghét với Hạnh (Ảnh: VFC)
Các bộ phim luôn có xu hướng xây dựng nhân vật nữ mạnh mẽ, kiên cường với ý chí sắt đá về việc khẳng định bản thân, tự chăm lo cho cuộc sống và không cần dựa dẫm ai cả. Tuy nhiên, phiên bản đã tự chủ về tài chính, đã chứng minh được tài năng của chính những nhân vật này - phản chiếu qua Cẩm Khê hay Mai Anh - lại trở thành kiểu nhân vật mà không ai muốn trở thành. Họ ích kỷ, mưu mô, thiếu sự cảm thông nhưng dạt dào khát khao tình ái. Và để phục vụ cho diễn biến của phim, cái sau cùng thành ra lại được gạch chân, bôi đậm hơn cả.
Vậy thông điệp mà ta nên rút ra ở đây là gì? Đàn ông độc thân càng lớn tuổi càng có giá, còn phụ nữ độc thân càng lớn tuổi càng dễ trở thành một mối nguy cơ? Phụ nữ và đàn ông được quyền nỗ lực xây dựng sự nghiệp, nhưng phụ nữ thì không được phép đặt sự nghiệp lên trên "nhiệm vụ" tìm kiếm một tấm chồng - nếu không họ sẽ trở thành một thứ-gì-đó rất khó tả như các bộ phim đang mô tả? Hay đến một độ tuổi và địa vị xã hội nhất định, chỉ đàn ông độc thân được quyền mưu cầu hạnh phúc lứa đôi, còn phụ nữ trong hoàn cảnh tương tự thì không?
Phim truyền hình Việt cần một cái nhìn cởi mở, tích cực hơn với các nhân vật nữ thuộc nhóm thành đạt, độc thân và lớn tuổi (Ảnh: VFC)
Tất nhiên, ta hiểu thông điệp của Gara Hạnh Phúc, Đừng Nói Khi Yêu, Đừng Làm Mẹ Cáu… không phải vậy. Trọng tâm câu chuyện và ý nghĩa nhân văn của các tác phẩm được đặt vào tay nhân vật nữ chính trẻ trung - đang ở độ tuổi vàng cho chuyện kết đôi, lập gia đình và sinh con đẻ cái. Ta cũng biết sân khấu dành cho các vấn đề của mẫu nhân vật phụ nữ độc thân, thành đạt, lớn tuổi kiểu Cẩm Khê, Mai Anh hay Hoài thuộc về một kiểu phim khác, nhắm đến một tập khán giả khác.
Tuy nhiên, việc quá khó để tìm ra một bộ phim truyền hình Việt thời gian gần đây có cách xây dựng khác đi, với góc nhìn nhiều thiện cảm hơn cho nhóm nhân vật nữ này không khỏi hướng khán giả đến phán đoán về một dạng tiêu chuẩn kép giữa nam và nữ. Hoặc, trong một hướng phán đoán khác, bằng việc rọi thứ ánh sáng thuần tiêu cực xuống những những nhân vật phụ nữ độc thân nhưng lớn tuổi, liệu có phải các nhà làm phim đang ngầm nhắn nhủ các khán giả nữ của mình rằng hãy lấy chồng khi bạn còn đủ trẻ?