“Tết Ở Làng Địa Ngục” đạt 4.000 bản trong lần xuất bản đầu, gấp 3 lần một cuốn sách thông thường. Bản sách thương mại lọt top 11 đầu sách ăn khách nhất trong tuần của một sàn thương mại điện tử.
Tác phẩm được đánh giá là màn chào sân ấn tượng của nhà văn Thảo Trang (sinh năm 1991). Cô cho biết, bản thân muốn tạo ra những tác phẩm không chỉ mang tính giải trí, mà còn phải có giá trị và kết hợp yếu tố văn hóa dân gian Việt Nam.
Mới đây, đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân chính thức công bố sẽ đưa “Tết Ở Làng Địa Ngục” lên màn ảnh. Đây là dự án thứ 4 bộ đôi kết hợp sau Bắc Kim Thang, Chuyện ma gần nhà… Phim dự kiến ghi hình vào cuối năm 2022 và ra mắt trong năm 2023.
Nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ: “Nội dung của Tết Ở Làng Địa Ngục không chỉ lôi cuốn đặc biệt mà còn rất đầy đặn và đậm đà màu sắc tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam. Chưa có một tác phẩm nào khiến tôi cảm thấy hứng thú và bị lôi cuốn đến thế”. Ở dự án này, anh cùng các cộng sự muốn tiếp tục khai thác sâu vào mảng văn hóa dân gian Việt Nam và chia sẻ câu chuyện này đến với khán giả trong nước và thế giới. “Đây là niềm tự hào của tôi và Tấn đối với những chất liệu Việt Nam”, anh nói thêm.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn
Đạo diễn Trần Hữu Tấn nhận định “Tết Ở Làng Địa Ngục” là cuốn tiểu thuyết kinh dị có nội dung kỳ lạ và thú vị nhất mà anh từng đọc: “Khác với các câu chuyện kinh dị khác chỉ tập trung vào yếu tố bạo lực, ở bộ tiểu thuyết này tác giả gieo nỗi sợ và sự kinh hoàng cho độc giả bằng những mô tả chi tiết các cái chết và sự độc ác của quỷ dữ thông qua các chi tiết đậm chất văn hoá dân gian và tâm linh miền cao”. Anh biết đến tác phẩm văn học thông qua cái tên sách ấn tượng và từ một người bạn gửi qua. “Sau đó tôi đã nói chuyện cùng Trang. Sau nhiều lần trao đổi qua lại, tôi và nhà sản xuất đã đạt được thỏa thuận chuyển thể tiểu thuyết”, anh chia sẻ.
Bối cảnh chính của “Tết Ở Làng Địa Ngục” là một ngôi làng hẻo lánh, nằm trong một vùng đất hoang vu xa rời và tách biệt thế giới bên ngoài. Do đó, đạo diễn Trần Hữu Tấn nghĩ ngay đến Hà Giang: “Nơi đây không chỉ có vẻ đẹp của cao nguyên đá, mà còn các ngôi làng cổ vẫn giữ nét đặc trưng từ xa xưa của người đồng bào, cùng với khung cảnh hùng vĩ, núi non bạt ngàn sương phủ dày đặc vào mùa đông hệt như mô tả trong tiểu thuyết”.